Bản đồ có "đường lưỡi bò” do Trung Quốc
tự ý vẽ ra được đăng trên Nature thể hiện yêu sách phi lý
về chủ quyền trên Biển Đông của nước này
trùm lên hết vùng biển của các nước trong khu vực. Các nhà phân tích quốc tế có lý do khi cho rằng giới khoa học Trung Quốc cố ý gửi một thông điệp ra thế giới về việc Trung Quốc "đã làm chủ và có chủ quyền không thể tranh cãi” với "vùng nước lịch sử” mà họ tự ý vẽ thành "đường lưỡi bò” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông. Họ đã không ngần ngại lợi dụng công tác nghiên cứu và các ấn phẩm khoa học quốc tế để từng bước áp đặt quan niệm này, xem như chuyện đã rồi, dùng các bản đồ "đường lưỡi bò” trên các ấn phẩm khoa học để phục vụ mưu đồ bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông. Bản đồ "đường lưỡi bò” là một yêu sách về chủ quyền cực kỳ phi lý, phi lịch sử của Trung Quốc không được bất cứ quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới thừa nhận, nhưng các học giả Trung Quốc vẫn ra sức phổ biến nó trên các diễn đàn khoa học quốc tế một cách hết sức khiên cưỡng. Mặc dù bản đồ "đường lưỡi bò” đã xuất hiện trong các ấn phẩm tiếng Trung Quốc khá lâu, nhưng sự xuất hiện của bản đồ phi lý này trên các ấn phẩm quốc tế thì chỉ mới bắt đầu trong những năm gần đây đáng quan ngại là mật độ xuất hiện ngày một dày hơn. Kể từ năm 2007 tới nay, các nhà khoa học đã phát hiện ít nhất 10 bài báo của các học giả Trung Quốc có chèn bản đồ "đường lưỡi bò” trên các ấn phẩm khoa học quốc tế. Những tập san khoa học có xuất hiện "đường lưỡi bò” này rất đa dạng, từ những tập san chuyên ngành rất kén chọn độc giả cho đến những tập san danh tiếng bậc nhất thế giới (như Nature và Science). Điều đáng chú ý là không hề có những sự liên hệ gì giữa nội dung chính của các bài báo và bản đồ "đường lưỡi bò” được cố ý chèn vào.
Ngày 2-9-2010, tạp chí khoa học được sử dụng nhiều nhất thế giới Nature cho đăng bài viết của nhóm học giả Trung Quốc nhan đề "Những tác động của biến đổi khí hậu lên nguồn nước và ngành nông nghiệp tại Trung Quốc” có kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò”, trong khi nội dung bài viết không liên quan gì tới vấn đề này. Cũng tương tự, bài "Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai” của học giả Xizhi Peng đăng trên tạp chí Science số ra ngày 9-7-2011 cũng có kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò” trong khi nội dung bài viết cũng không có liên quan gì tới bản đồ này. Ngoài hai tạp chí khoa học lừng danh thế giới nói trên, có thể tìm thấy không mấy khó khăn, không ít các tạp chí khoa học chuyên ngành hơn, ít độc giả hơn cũng xuất hiện bản đồ "đường lưỡi bò” kèm theo bài viết của các học giả Trung Quốc. Chẳng hạn như ngày 19-4-2011, tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy) đã đăng một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc (Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng Nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc) với tiêu đề "Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn ở Trung Quốc: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis). Trong bài báo này các tác giả Trung Quốc đã chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Theo đó, trang số hai của bài báo, (trang 1674 Tập 31, số 8 (8-2011) của Tạp chí), các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ "đường lưỡi bò” vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn "đường lưỡi bò” ở phía dưới bài. Waste Management là tạp chí khoa học chính thống, có uy tín của Nhóm công tác về chất thải quốc tế (International Waste Working Group) có trụ sở tại Padova, Italy, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập năm 2002 bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chất thải. Tuy nhiên thật đáng tiếc, bản đồ của các tác giả người Trung Quốc đăng tải trên tạp chí lại phản ánh một thông tin hoàn toàn sai sự thật về chủ quyền của Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị thông tin sai lệch. Vụ ghi chú sai về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ mà Hội Địa lý Hoa Kỳ năm 2010 mắc phải vẫn còn là bài học nóng hổi. Bản đồ trong một bài báo do 3 học giả Trung Quốc
công bố trên tập san Waste Management tháng 8-2011,
có "đường lưỡi bò” tới 11 đoạn đứt khúc Ảnh: TL Một dẫn chứng đáng lưu ý có liên quan tới Climate Change, một tập san khoa học chuyên ngành về nghiên cứu biến đổi khí hậu, mấy năm trước cũng cho công bố một bài báo của tác giả người Trung Quốc có kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò” mặc dù nội dung bài viết chẳng liên quan gì tới bản đồ này. Khi các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài phát hiện và gửi thư phàn nàn đến Tổng biên tập là GS Michael Oppenheimer, ông liền báo cho tác giả Trung Quốc biết về phàn nàn đó và yêu cầu họ chỉnh sửa, theo đúng qui trình xuất bản công trình khoa học. Các tác giả Trung Quốc trả lời rằng họ sẽ không chỉnh sửa hay rút lại bản đồ đó, vì đó là "yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc”. Đây là bằng chứng hùng hồn cho thấy Chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau những chiến dịch "cửa sau” để quảng bá một bản đồ phi pháp và phi khoa học. Có thể thấy, một bộ phận người Trung Quốc, kể cả giới học giả nước này đang chủ ý đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò” mọi lúc, mọi nơi với mục đích "mưa lâu thấm đất”. Những hình ảnh đường lưỡi bò vô lý được lặp đi lặp lại sẽ khiến người đọc dần quen mắt, rồi tiếp nhận chúng một cách thản nhiên. Chiêu này làm ta nhớ tới câu chuyện "Tăng Sâm giết người” thuở xưa. Sau ba lần nhận được cùng một thông tin sai sự thật, bà mẹ Tăng Sâm ban đầu không tin nhưng rốt cuộc đã tin rằng con mình giết người. Cách làm của Trung Quốc ở đây cũng vậy. Lâu nay, Trung Quốc chủ yếu phổ biến các bản đồ với yêu sách ngang ngược của họ ra đại chúng. Giờ đây, họ bắt đầu tấn công mạnh vào giới hàn lâm. Việc đăng tải bản đồ với yêu sách "đường lưỡi bò” trên các chuyên san khoa học lớn trên thế giới sẽ có tác dụng mạnh, do được cộng hưởng từ uy tín của các tạp chí này. Chúng ta có thể thấy rõ chính sách quảng bá "đường lưỡi bò” của Trung Quốc phổ biến ra cộng đồng thế giới như "một chuyện đã rồi” trong công tác tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 khi họ cố tình đưa "đường lưỡi bò” vào bản đồ rước đuốc. Đó chính là chủ trương nhằm bình thường hóa "đường lưỡi bò” vốn rất bất thường trong nhận thức của nhân loại và hợp thức hóa cái gọi là "sự thừa nhận của thế giới” về "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trong phạm vi "đường lưỡi bò” bao chiếm Biển Đông, xâm phạm chủ quyền của nhiều quốc gia láng giềng. Việc quảng bá, phổ cập "đường lưỡi bò” trên các diễn đàn quốc tế sẽ góp phần tạo ra ấn tượng là Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế phần lãnh thổ này trên Biển Đông như là một sự thật hiển nhiên.
Mới đây, tạp chí khoa học số một thế giới Nature trong số ra ngày 20-10-2011 đã đăng hai bài viết liên quan đến Biển Đông: bài xã luận "Uncharterd Territory” (Lãnh thổ không được công nhận) và một bài khác có tựa đề "Angry words over East Asia Seas” (Những câu chữ tức giận trên Biển Đông) của nhà báo David Cyranoski phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí này. Hai bài viết thể hiện thái độ phản đối cũng như vạch rõ âm mưu của Trung Quốc trong việc lợi dụng khoa học để phục vụ mục đích chính trị của mình, cụ thể trong trường hợp này là nhằm hợp lí hóa bản đồ "đường lưỡi bò” do chính quyền nước này đưa ra trước đó. Bài báo cho biết: "Tháng rồi, một nhóm gồm 57 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia gốc Việt gửi một lá thư đến tập san Nature phàn nàn về sự việc Nature in bản đồ đó (đường lưỡi bò). Lá thư than phiền rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng "thủ đoạn cửa sau”, và biện luận rằng Chính phủ Trung Quốc đã dùng các tập san khoa học như là phương tiện để hợp thức hóa bản đồ một chiều và thiếu khách quan. Một bản đồ tương tự xuất hiện trong một bài tổng quan trên Science cũng nhận được những phê bình như thế... Một số nhà khoa học Việt Nam khác mà Nature liên lạc phần lớn đều tức giận bởi những trường hợp mà họ xem là sử dụng bản đồ đường lưỡi bò một cách vô lý. TS Phạm Quang Tuấn, một giáo sư thuộc Đại học New South Wales, nói "Họ vẽ một đường chung quanh biển Biển Đông và những hòn đảo trong vùng biển đó, mặc dù vùng biển này không có liên quan gì đến chủ đề của bài báo”. Không ai rõ lý do tại sao các nhà khoa học Trung Quốc lồng cái bản đồ còn trong vòng tranh cãi đó vào những bài báo khoa học của họ. Nhưng qua trao đổi email với tác giả, nhận thấy rằng những bản đồ đó quả thật không có liên quan gì đến kết luận của bài báo, và đề nghị tác giả chính là Xuemei Shao của Viện Nghiên cứu Địa lý và Tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Kinh chỉnh sửa. Ông Shao đã từ chối, và giải thích trong một email rằng ông ta lồng bản đồ đó vào bài báo là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Jingyun Fang, một chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Bắc Kinh, và cũng là đồng tác giả bài tổng quan trên Nature, cho biết ông ta lồng bản đồ đó vào bởi vì ông ta phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc (tức có luật quy định phải in bản đồ "đường lưỡi bò”). Khi chúng tôi (Nature) liên lạc Fang, Shao và 4 tác giả của những bài báo khác có in bản đồ "đường lưỡi bò”, tất cả đều không trả lời”. Liên quan tới các sự kiện này, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan ở Sedney (Úc) bình luận: "Có một điều mà người nào trong giới khoa học cũng nghi ngờ nhưng không nói ra, đó là giới khoa học Trung Quốc có vấn đề về đạo đức khoa học. Đạo đức ở đây phải kể luôn cả đạo đức công bố ấn phẩm. Giới khoa học Trung Quốc có thể sẵn sàng theo Chính phủ của họ để "bẻ cong” khoa học, phục vụ cho mục tiêu chính trị mà chúng ta đã thấy qua sự việc liên quan đến bản đồ "đường lưỡi bò”. Sự việc bản đồ "đường lưỡi bò” là cơ hội lý tưởng để Nature lên tiếng và sự lên tiếng của tạp chí này như là một nhắc nhở về đạo đức khoa học. Như Nature viết rõ: "Khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ”, đồng thời cảnh cáo những người còn có ý định lợi dụng khoa học cho mục tiêu chính trị. Nhìn một cách thực tế và trực tiếp hơn, Nature đang "lên lớp” Trung Quốc về khoa học và đạo đức khoa học”.
Hai bài báo trên Nature mới đây của David Cyranoski còn lưu ý Trung Quốc phải phân biệt khoa học và chính trị: "Khi nghiên cứu khoa học và chính trị pha trộn nhau, khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ. Hợp tác khoa học vẫn có thể nẩy nở ngay cả trong môi trường chính trị thiếu thân thiện”. Do vậy, Trung Quốc nên nhìn lại khoa học như là một phương tiện góp phần vào việc hóa giải những tranh chấp hơn là để bành trướng lãnh thổ và lãnh hải.
(ĐĐK) Nhóm PV Biển Đông
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét