Ông Đào Văn Hưng thôi giữ chức Chủ tịch EVN
Chiều ngày 3/02/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc ông Đào Văn Hưng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Việc điều chuyển chức vụ công việc của ông Đào Văn Hưng đã được nêu rõ tại Quyết định số 199 của Thủ tướng Chính vừa ký ngày 1/2/2012.
Theo Quyết định này, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Đào Văn Hưng sẽ về nhận công tác tại Bộ Công Thương. Nhiệm vụ cụ thể của ông Đào Văn Hưng sẽ do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công.
Trước đó, ông Đào Văn Hưng còn đồng thời là người đại diện phần vốn của EVN trong ngân hàng An Bình, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng này.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật Việt Nam không cho phép thành viên của Hội đồng quản trị Tập đoàn Nhà nước đồng thời kiêm nhiệm chức danh quản lý tại công ty thành viên. Do đó, tháng 5/2011, ông Đào Văn Hưng cũng đã thôi giữ hai chức vụ này tại Ngân hàng An Bình.
Ông Đào Văn Hưng là người đã làm việc lâu năm trong ngành điện lực. Ông từng là tổng giám đốc Tổng công ty điện lực, lên chủ tịch Tổng công ty. Sau khi EVN được nâng cấp lên tập đoàn, ông Hưng tiếp tục được bổ nhiệm là chủ tịch tập đoàn EVN.
Trong thời gian ông Hưng giữ chức, EVN liên tục có sự phát triển mạnh về nguồn và truyền tải điện. Tuy nhiên đi kèm đó, tập đoàn này cũng liên tục không hoàn thành các mục tiêu phát triển nguồn điện cũng như đảm bảo đủ điện cho tiêu dùng và sản xuất.
Trong năm 2011, EVN đã liên tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, nhất là khi tập đoàn này liên tiếp đòi tăng giá điện và riêng trong năm 2011 giá điện đã lần đầu tiên được điều chỉnh tới hai lần.
Năm 2011, tập đoàn này cũng lần đầu tiên được công bố con số lỗ khủng khiếp lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Cón số về lương của EVN trung bình đến hơn 7 triệu đồng và đang bị thanh tra về lương.
Đặc biệt, vụ việc EVN telecom, một thương vụ đầu tư ngoài ngành của EVN đã thất bại khi liên tục thua lỗ trầm trọng. Cuối cùng, EVN đã buộc phải chuyển giao EVN telecom về cho Viettel quản lý. Đồng thời, tập đoàn này phải gấp rút giảm đầu tư ngoài ngành trêm mọi lĩnh vực.
(Vietnamnet) PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét