Xăng dầu nhiều nơi vẫn treo bảng 'hết
xăng 95', bán nhỏ giọt
Cập nhật lúc 09:08
Ngày 8-2, tại Sóc Trăng,
An Giang... nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm dừng hoạt động, treo bảng
"hết xăng 95" hoặc bán nhỏ giọt. Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu
Bộ Công thương phải làm tốt hơn nhiệm vụ.
Cửa hàng xăng dầu ở Sóc
Trăng treo bảng “hết xăng”, đóng cửa (ảnh chụp ngày 8-2) - Ảnh: KHẮC TÂM
Nghi vấn găm hàng, tạo khan hiếm xăng dầu đã được bộ trưởng Bộ
Công thương đưa ra trong công điện ngày 28-1 song đến nay chưa phát hiện tình
trạng găm hàng.
Vẫn bán nhỏ giọt, địa
phương vào cuộc
Qua khảo sát thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cửa hàng
bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng không đúng quy định. Ngay tại TP.HCM,
Cục Quản lý thị trường TP.HCM báo cáo có một số cây xăng tạm ngưng hoạt động
do thiếu xăng A95 hoặc các lý do khác như sửa chữa, thiếu nhân viên. Ví dụ,
tại trạm xăng dầu Phú Định K26 (thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM, tại phường 16, quận
8) có thời điểm kéo rào không bán lẻ xăng cho khách vãng lai. Lý do: bồn chứa
xăng còn ít, chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị.
Tại nhiều công ty kinh doanh xăng dầu tư nhân cũng phải
ngưng bán xăng do không còn hàng hoặc đang sửa chữa. Đơn cử như Công ty TNHH
TMDV Biên Khoa (quận Gò Vấp); Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (quận 12); cửa hàng
xăng dầu Z11, chi nhánh Công ty cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An
(quận 12)...
Ông Nguyễn Minh Hùng - giám đốc Sở Công thương tỉnh An
Giang - cho hay nhiều thương nhân phân phối trong tỉnh như Công ty Phúc Khánh
Phương, Công ty Mỹ Hòa, Công ty dầu khí Mê Kông chi nhánh An Giang đang khó
tìm nguồn mua. Ông Hùng xác nhận một số nơi đang phải bán cầm chừng như: giới
hạn số tiền (30.000 - 50.000 đồng) cho các xe máy nhằm kéo dài thời gian hoạt
động cửa hàng. Khi có một cửa hàng tạm đóng cửa (do hết xăng A95) thì khách
hàng sang các cửa hàng khác, tạo hiện tượng các cửa hàng tạm ngừng kinh doanh
đồng loạt (do thiếu xăng A95) tại một thời điểm nhất định.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường An Giang, có
doanh nghiệp gửi đơn xin nghỉ bán 1 tuần với lý do kinh doanh lỗ. Hoặc tại
huyện Thoại Sơn, có 7 cửa hàng không còn xăng để bán.
Qua khảo sát của ngành chức năng ở Sóc Trăng, từ trước Tết đến nay
cũng có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý tạm ngưng bán hàng. Ông Võ Văn
Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh - cho biết đã có văn bản chấn chỉnh.
Doanh nghiệp đã nỗ lực?
Ông Trần Thanh Trung - phó giám đốc Công ty TNHH một
thành viên Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) - cho biết sở dĩ xảy ra
tình trạng các cửa hàng treo bảng "hết xăng 95" như hiện nay là do
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất dẫn đến các đầu mối phải nhập khẩu
với giá cao, nguồn cung ít. Lượng khách dịp Tết đông bất thường (hơn 316.000
lượt khách tham quan, cúng viếng tại các điểm du lịch An Giang - PV) dẫn đến
thiếu hụt xăng cục bộ không tránh khỏi. Đặc biệt một số thương nhân phân phối
xăng dầu đã không cung cấp xăng cho các cửa hàng. "Chỉ Petrolimex An
Giang hay PVOiL không thể cung cấp ổn định. Lượng xăng dầu cung cấp dịp Tết
tăng hơn 30% so với ngày thường rồi", ông Trung khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Hoài Dương - chủ tịch
HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - cho hay nhiều doanh nghiệp lỗ nên
không mặn mà bán ra, gây áp lực lớn cho các hệ thống đại lý kinh doanh xăng
dầu chiếm thị phần lớn khi khách "dồn" qua mua ở những hệ thống này.
"Hiện hệ thống của chúng tôi vẫn đang mở bán chứ
không đóng cửa, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu do vẫn đủ nguồn hàng, song rất căng
thẳng vì đang phải gồng mình để bán với số lượng lớn. Cũng có một số mặt hàng
chưa đáp ứng kịp thời ở từng thời điểm, nên không thể tránh khỏi có những
trường hợp có cây xăng không đưa hàng về kịp, gián đoạn nguồn cung ứng trong
thời gian ngắn", ông Dương chia sẻ.
"Bộ Công thương phải làm
tốt hơn nhiệm vụ"
Tại cuộc họp chiều 8-2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ
Thắng Hải cho hay thời gian qua tại một số địa phương có hiện tượng một số
cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung. Do đó bộ đã kiểm
tra, việc ngừng bán là do lấy nguồn hàng từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng
dầu nhỏ, song cũng có hiện tượng hạn chế bán ra để chờ tăng giá.
Việc tháo gỡ vướng mắc tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi
Sơn, theo ông Hải, các bên liên quan cho hay đã xử lý vấn đề trước mắt nên từ
giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Nhà máy
lọc dầu Bình Sơn thì đã nâng công suất từ ngày 7-2 lên 105%.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định dự trữ trong nước
đủ lớn, Việt Nam có đầy đủ các quy định, cơ chế để bình ổn, đáp ứng đủ xăng
dầu. Ông yêu cầu Bộ Công thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý
của mình. "Tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và
đời sống nhân dân", Phó thủ tướng nói và yêu cầu rà soát kỹ cơ chế,
chính sách, đề xuất để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
TP.HCM: đảm bảo đủ nguồn cung
Làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ngày 8-2, Sở Công
thương TP.HCM cho hay các đầu mối xăng dầu cam kết đảm bảo lượng dự trữ, ổn
định giá xăng dầu, có kế hoạch đàm phán với đối tác nước ngoài để nhập
khẩu, đảm bảo đủ mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Thậm
chí một số doanh nghiệp chủ lực như Petrolimex, Công ty CP xăng dầu và dịch
vụ hàng hải STS... đảm bảo nguồn cung ra thị trường liên tục trong 40 -
60 ngày.
Theo Sở Công thương, tính đến ngày
8-2, TP.HCM có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hiện có 2 cửa hàng tạm ngưng
hoạt động). Hệ thống kho dự trữ xăng dầu có sức chứa trên 1,23 triệu m3 (chưa tính hệ thống của
quân đội). Tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân 6.880m3/ngày.
N.TRÍ
Đắk Nông kiểm tra tình trạng bán xăng giá cao
Về tình trạng nhiều người dân lợi dụng gom xăng bán lại với giá 30.000
- 35.000 đồng/lít ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), đại diện Sở Công thương Đắk Nông
cho biết cùng với việc kiểm tra, xử lý, đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các
huyện, thành phố tuyên truyền cho người dân chỉ mua xăng dầu đủ sử dụng,
không tích trữ xăng dầu nhằm đảm bảo an toàn và góp phần ổn định thị trường
xăng dầu.
ĐÌNH CƯƠNG
(Theo Tuổi trẻ) N.AN - B.ĐẤU - K.TÂM
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét