Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Kinh tế quốc tế

 

Mỹ báo tin xấu nhất 40 năm, hy vọng vụt tắt, toàn cầu lo lắng

Cập nhật lúc 15:23

Hy vọng về thị trường chứng khoán điều chỉnh chậm và khả năng Fed từ từ hạ lãi suất bỗng chốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Mỹ công bố tin xấu và chuẩn bị phương án ứng phó chưa từng có.

Lạm phát cao nhất 40 năm

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố thông tin cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 7,3% từ giới chuyên gia kinh tế và đây là mức tăng mạnh nhất 40 năm.

Tình hình lạm phát tại Mỹ ngay lập tức tác động tiêu cực lên Phố Wall, khiến chứng khoán Mỹ tụt giảm với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 526 điểm trong phiên rạng sáng 11/2 (giờ Việt Nam). Chỉ số công nghệ Nasdaq thậm chí còn giảm sâu hơn khi mà lãi suất được dự báo tăng.

Thị trường chứng khoán Mỹ thực sự sốc sau khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard đột ngột đưa ra tuyên bố cho rằng ông muốn Fed tăng suất mạnh tay hơn, với mức tăng cao chưa từng có trong 1 thời gian ngắn: thêm 100 điểm phần trăm từ giờ cho đến cuối tháng 6.

Điều này đồng nghĩa với việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục sát 0% hiện nay lên mức 1% trước ngày 1/7. Như vậy, kỳ vọng Fed tăng nhẹ lãi suất 25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 tới có lẽ không xảy ra, khả năng tăng 50 điểm trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Lộ trình tăng lãi suất theo đề xuất của Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard sẽ là nhanh chưa từng thấy tại Fed trong nhiều thập kỷ qua.

Một điều đáng chú ý nữa là giới đầu tư lo ngại Fed có thể theo chân nước Anh vừa thực hiện tăng lãi suất vừa thắt chặt nới lỏng định lượng, giảm bơm tiền ra nền kinh tế để chống lạm phát.

Chứng khoán Mỹ hết thời kỳ hưng phấn

Những bước đi gây sốc có thể gây ra biến động mạnh không chỉ trên thị trường trái phiếu, mà còn thị trường cổ phiếu với những đợt rút vốn tháo chạy đã từng xảy ra trong quá khứ, gây ra sự bất ổn trên thị trường tài chính thế giới.

Đêm qua, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã ngay lập tức tăng tiếp và lên 2% so với mức 1,51% vào cuối năm ngoái.

Hiện tại, giới đầu tư chờ những manh mối nhằm xác định xem Fed sẽ quyết liệt như thế nào trong việc kiềm chế lạm phát kỷ lục ở nước Mỹ.

Lãi suất cao hơn sẽ gây áp lực lên hầu hết các loại cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác bởi thu nhập dự kiến sẽ thấp hơn, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Theo đó, sự kỳ vọng vào lợi nhuận tương lai của nhóm cổ phiếu công nghệ là rất lớn. Khi lãi suất tăng, nhóm cổ phiếu này sẽ giảm mạnh, qua đó kéo thị trường chung đi xuống. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm hiếm hoi có thể sẽ tăng do có nhiều khả năng được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn.

Chờ đợi và lo lắng

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu sau khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nói với Bloomberg News rằng ông sẵn sàng tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3 và muốn thấy toàn bộ mức tăng là 100 điểm cơ bản đến tháng 7.

Với những diễn biến mới trên thị trường, giới quan sát hiện đặt ra câu hỏi, liệu lãi suất của Mỹ từ giờ tới cuối năm sẽ được nâng lên bao nhiêu, 1% hay 2%, thậm chí 3% khi mà lạm phát đã lên tới mức 7,5%.

Trước mắt khả năng tăng nhanh lãi suất là khó tránh khỏi. Theo dữ liệu phản ánh thị trường của CME, khả năng Fed nâng lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên mức gần 100%, từ mức chỉ 25% trước khi báo cáo lạm phát được công bố. Theo CNN, từ năm 2000 đến nay, Fed chưa có một lần nâng lãi suất nào với bước nhảy 50 điểm cơ bản.

Lạm phát cao trên thế giới gây lo ngại

Thậm chí, thị trường cũng đang tính đến khả năng rất cao, trên 60% Fed có 7 đợt nâng lãi suất trong năm nay. Điều đó có nghĩa là trong tất cả các cuộc họp chính sách trong năm 2022, lần nào Fed cũng nâng lãi suất.

Citgroup dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023, sau khi nâng lãi suất tổng cộng 150 điểm phần trăm trong năm 2022.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ cũng nhanh chóng ổn định trở lại với mức giảm cuối phiên không còn quá lớn. Một loạt kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp đã hạn chế đà giảm cho thị trường. Thống kê cho thấy có tới 70-80% doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Mỹ có kết quả kinh doanh tốt trong năm vừa qua.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục tính tới chuyện duy trì nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc gần đây bơm tín dụng trở lại, trong khi quan chức châu Âu cho rằng nếu tăng lãi suất quá nhanh sẽ dìm sâu nền kinh tế.

Rủi ro của việc thắt chặt tín dụng mà Fed nhiều lần bày tỏ sự lo ngại chính là khả năng có thể gây ra một cuộc suy thoái khác.

Người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, ông Brian Deese cho rằng, lạm phát cao là hiện tượng toàn cầu. Giá tiêu dùng được dự báo sẽ tăng nhẹ hơn trong năm 2022 khi các vấn đề trong chuỗi cung ứng được giải quyết và khi Fed tăng lãi suất. Nhiều chuyên gia dự báo đà tăng lạm phát sẽ giảm bớt và hy vọng sẽ ôn hòa trong năm 2022.

Với Việt Nam, theo VinaCapital việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Việt Nam ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay. Lạm phát ở Việt Nam ở mức dưới 2% trong 2021 và được dự báo sẽ rơi xuống trở lại ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022.

Lạm phát sẽ là vấn đề nổi bật trong năm nay ở Việt Nam nhưng theo VinaCapital không lớn đến mức có thể khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra động thái tăng lãi suất. Và lạm phát sẽ không gây ra ảnh hưởng đáng kể nào lên giá trị tiền đồng Việt Nam nhờ thặng dư cán cân thanh toán.

Hiện Việt Nam có mức dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD, cao xấp xỉ 10% hơn mức gợi ý của IMF đối với dự trữ quốc gia, và nợ được định danh bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam vẫn ở mức dưới 40% GDP. Hơn nữa, khoảng một nửa khoản nợ là các khoản vay mềm từ những tổ chức cho vay siêu quốc gia World Bank với các điều khoản ưu đãi. Do đó, các khoản nợ này không làm tăng tính dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với điều kiện thắt chặt chính sách tiền tệ thế giới.

(Theo Vietnamnet) M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét