Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Vụ Việt Á

 

Từ 'hoa hồng' 27 tỷ cho Giám đốc CDC Hải Dương, còn những ai liên quan?

Cập nhật lúc 10:50   

Từ việc điều tra dấu hiệu Giám đốc CDC Hải Dương nhận "lại quả" của Việt Á gần 30 tỷ đồng, cơ quan điều tra Bộ Công an liên tiếp khởi tố bị can nhiều người ở Bộ Y tế, KH&CN và một số tỉnh.

Sự việc Công ty CP Công nghệ Việt Á "thổi giá" kit test Covid-19 tiếp tục làm nóng dư luận khi mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an liên tiếp bắt giam, khởi tố hàng loạt đối tượng có dấu hiệu sai phạm. Nhiều cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH&CN, CDC các tỉnh Nghệ An, Bình Dương bị khởi tố do liên quan đến việc đẩy giá kit test Covid-19. 

Vụ kit test Việt Á bắt đầu khiến dư luận quan tâm từ ngày 18/12/2021, C03 Bộ Công an khởi tố 7 bị can gồm ông chủ Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng các thuộc cấp và Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Các bị can bị khởi tố vì Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Phan Quốc Việt (trái) và Phạm Duy Tuyến

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, để có tiền trích % cho Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương), ông Phan Quốc Việt đã nâng khống giá đầu vào chi phí sản xuất sản phẩm vật tư, thiết bị của Công ty Việt Á. Công ty Việt Á đã "lại quả" cho Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích % trên tổng giá trị theo 5 hợp đồng.

Đáng chú ý, theo Bộ Công an, quá trình từ năm 2020 đến thời điểm bị khởi tố, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Gần nửa tháng sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, ngày 31/12/2021, cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục thông báo kết quả điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan. 

Theo đó, cơ quan CSĐT có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ KH&CN và việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm Covid- 19; hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Quá trình điều tra mở rộng. C03 Bộ Công an còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An và CDC Bình Dương đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch Covid-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ trái qua phải gồm các bị can: Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên, Trịnh Thanh Hùng

Ngoài hành vi đã khởi tố, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương còn có hành vi đưa, nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ra quyết định tố tụng đối với 12 bị can. 

Cụ thể, khởi tố các bị can: Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 

Các bị can: Định, Thắm, Danh, Phong, Xuyên, Cường, Giang, Thúy, Nguyên (lần lượt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới)

Các bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó Phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng, Phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty CNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc Vùng Công ty Việt Á.

Trước đó, ngày 30/12/2021, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quyết định này nhằm "xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực".

CDC các tỉnh nói gì ?

Tại Nghệ An, trước khi C03 khởi tố Giám đốc CDC Nguyễn Văn Định, ngày 22/12 ông Định cùng nhiều thuộc cấp được triệu tập để xác minh làm rõ. 

Được biết, CDC Nghệ An mua sinh phẩm, vật tư của Công ty Việt Á theo bốn gói thầu, trong đó hai gói được đấu thầu rộng rãi, hai gói chỉ định thầu trị giá hơn 18 tỷ đồng. Gói chỉ định thầu đầu tiên là ngày 15/7, khi diễn biến dịch ở Nghệ An đang hết sức phức tạp, phải khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng. Gói chỉ định thầu còn lại là vào ngày 31/10, trị giá hơn 13 tỷ đồng. Bình quân CDC Nghệ An mua của Công ty Việt Á là 367.500 đồng/bộ test PCR. Ở thời điểm mua cao nhất là 470.000 đồng/bộ.

Tại Hà Tĩnh, Công ty Việt Á trúng gói thầu mua sắm kit test và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 ở hai đơn vị gồm Bệnh viện đa khoa và CDC tỉnh này. Trong đó, Công ty Việt Á trúng hai gói thầu tại bệnh viện gồm một gói hơn 500 triệu đồng và một gói gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, gói thầu gần 5 tỷ đồng chưa ký hợp đồng mua bán thì xảy ra sự việc ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị khởi tố.

Tỉnh này cũng thành lập đoàn thanh tra toàn diện, liên quan đến gói thầu mua sắm test nhanh, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19. Đoàn thanh tra tỉnh sẽ thanh tra, kiểm tra hai đơn vị là bệnh viện đa khoa tỉnh và CDC tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến gói thầu mua sắm với Công ty Việt Á. 

Tại Thanh Hóa, Sở Y tế tỉnh này thông tin, tháng 8/2021 Sở trình UBND tỉnh cho phép mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm Real-time RT-PCR. Trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu 01: Mua sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm Real-time RT-PCR với giá trúng thầu hơn 28 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2021. 

Sở Y tế Thanh Hóa xác nhận, gói thầu số 01 nêu trên được chỉ định thầu với Công ty CP Công Nghệ Việt Á, giá trị hơn 28 tỷ đồng. 

Tại Long An, Sở Y tế tỉnh này bước đầu xác định có một số đơn vị đã mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á. Hiện Sở Y tế đã có văn bản gửi CDC tỉnh và các đơn vị trực thuộc khác yêu cầu khẩn trương rà soát lại tất cả các hồ sơ liên quan đến việc đầu tư, mua sắm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị không dùng kit test Covid của Công ty Việt Á. Năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc TP.

Còn đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, liên quan đến vụ việc Bộ Công an đang điều tra, qua rà soát, TP có 2 bệnh viện công lập mua sắm các test kit, sinh phẩm của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test (tổng số tiền là 636.562.500 đồng), Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 test (tổng giá trị 32.022.967.500 đồng). Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan. 

Tại Bình Phước, mới đây nhất, ngày 3/1, Bộ Công an làm việc tại CDC tỉnh này liên quan đến thông tin về việc nhận "quà" từ Công ty Việt Á. Trước đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC xác nhận đầu tháng 12/2021, đại diện Công ty Việt Á đến CDC Bình Phước để gửi “quà” nhưng đến tối về nhà ông mới biết, sau đó đã báo cáo với các cấp lãnh đạo. 

(Theo VietNamNet) Hà An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét