Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khánh thành:

 

Bất ngờ con số hành khách Hà Nội công bố

 Cập nhật lúc 10:37 

 Sáng nay (13/01), Bộ GTVT phối hợp với UBND TP.Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

 Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và sau đó điều chỉnh lên 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng tương đương 315,18 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang vận hành khai thác. Ảnh: Viết Niệm

Sau hơn 10 năm triển khai thi công xây dựng và trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ GTVT nghiệm thu hoàn thành và Hội đồng kiểm tra nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu đủ điều kiện bàn giao dự án đưa vào khai thác.

Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đưa dự án vào vận hành khai thác giai đoạn đầu.

Sau 15 ngày miễn phí, từ ngày 21/11, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chính thức thu hành khách đi tàu.


Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức được khánh thành. Ảnh: Thế Anh

Để đảm bảo việc vận hành khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông an toàn, hiệu quả, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu Ban QLDA Đường sắt tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại và thực hiện công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định

Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP.Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng như công tác triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam, quá trình triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ 2 nước, các Bộ, ngành và được UBND TP.Hà Nội phối hợp tạo điều kiện triển khai xây dựng".

"Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của TP.Hà Nội theo đúng quy hoạch để vận hành khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Công ty Metro Hà Nội vận hành khai thác hoàn thiện các thủ tục, kỹ thuật an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Khu vực bán vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Thế Anh

Đánh giá về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết "Sau hơn 2 tháng đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành khai thác thương mại đã đạt được các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra".

"Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đông đảo người dân thủ đô ủng hộ và đón nhận một phương thức vận tải hành khách công lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam", ông Quyền cho hay.

Theo ông Quyền, mỗi ngày đường sắt Cát Linh – Hà Đông phục cụ vận chuyển bình quân 14.917 hành khách. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây số hành khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến có giảm nhưng hành khách có nhu cầu sử dụng thực tế là những người đi làm, đi học thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng từ 10% ban đầu lên hơn 20%, và dự kiến tiếp tục tăng.

"Ngày hôm nay cắt băng Khánh thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng là ngày đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu Cát Linh – Hà Đông", ông Quyền nhấn mạnh.

 Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,5km/h (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông. Dự án có 13 đoàn tàu.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao, cấp cơ sở kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội.

Ngày 29/4, Tư vấn ACT của Pháp ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đến tháng 7/2021, dự án được cơ quan nhà nước chuyên ngành về cấp chứng nhận thẩm định giá an toàn hệ thống.

Ngày 29/10, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng chấp nhận kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông vào khai thác đoạn đầu.

(Theo Dân Việt) Thế Anh

1 triệu người chia 61 ngày (hai tháng) =16.393, sao họ lại có con số 14.917 người nhỉ!?

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét