Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Phòng chống tham nhũng

 

Phó Thủ tướng: Cần sớm thanh tra về mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm

Cập nhật lúc 16:11                                  

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Thanh tra cần chọn những nội dung, công việc dư luận quan tâm để triển khai thực hiện, chấn chỉnh, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm. Cần tổ chức thanh tra sớm đối với mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm.

Sáng nay (12/1), tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đồng chủ trì hội nghị. 

Năm qua, toàn ngành đã triển khai gần 7.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 177.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã kiến nghị chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Ngành phát hiện vi phạm về kinh tế trên 179.000 tỷ đồng, trên 9.000 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 23.000 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính trên 2.000 tập thể và trên 6.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, các các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 300.000 lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về trên 200.000 vụ việc. Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài và các vụ việc công dân khiếu nại lên các cơ quan trung ương.

Về công tác phòng chống tham nhũng, ngành tiếp tục hướng dẫn đôn đốc các ngành các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Qua kiểm tra phát hiện 43 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Phát hiện 51 vụ việc với 83 người liên quan đến tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: "Năm 2021 trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn thách thức do dịch Covid-19 kéo dài, trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng".

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tại hội nghị cũng thẳng thắn cho rằng còn có những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đối với ngành đó là, vẫn còn những cuộc thanh tra triển khai còn chậm so với kế hoạch; tình hình khiếu nại tố cáo có xu hướng giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn hiệu quả… 

Toàn cảnh hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trong thời gian tới ngành thanh tra cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, định hướng công tác thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng phê duyệt để triển khai. Trước mắt phải thực hiện thắng lợi về kế hoạch và định hướng ngành Thanh tra năm 2022. Ngành cần chọn những nội dung, công việc được dư luận quan tâm để triển khai thực hiện, từ đó để chấn chỉnh, nếu phát hiện sai phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cần tổ chức thanh tra sớm đối với lĩnh vực về mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai kế hoạch thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực như đất đai, tài nguyên, khoáng sản càn phải triển khai sớm. Chú trọng thanh tra các dự án đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp… Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”. Ngành cần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật thanh tra (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội.

Lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tôi đề nghị phải hoàn thiện cơ sở pháp lý. Đặc biệt là những quy định liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập, kê khai tài sản. Trong cơ sở dữ liệu về tài sản thu nhập cũng phải phối hợp giữa các ngành, các cấp theo chức năng, những tình hình dấu hiệu tham nhũng phải nhanh chóng nắm bắt và phải có xử lý kịp thời trong tất cả các lĩnh vực. Qua đó để có tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính để chấn chỉnh kịp thời" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét