Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Đại dịch Covid-19

 

Câu hỏi triệu đô và dự báo kết cục của đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc 10:12  


Mặc dù biến thể Omicron gia tăng khiến người ta đặt ra câu hỏi khi nào hoặc liệu đại dịch Covid-19 có kết thúc hay không nhưng tin tốt là đại dịch sẽ kết thúc. Các chuyên gia đều nhất trí với điều đó. Chúng ta sẽ không xóa xổ hoàn toàn Covid-19 nhưng chúng ta sẽ thoát khỏi giai đoạn đại dịch và chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Hồi tháng 1/2021, cuộc khảo sát của Nature với sự tham gia của 100 nhà miễn dịch học, nhà virus học và các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm cho thấy, gần 90% trong số này cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu ngày càng phi thực tế và việc xóa sổ đại dịch là điều bất khả thi. Trong lịch sử, chỉ có duy nhất 2 dịch bệnh bị xóa sổ là bệnh đậu mùa và dịch tả trâu bò. Thậm chí bệnh dịch hạch đến nay vẫn chưa xóa sổ được.

Chuyên gia Stephen Kissler thuộc Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard định nghĩa, giai đoạn bệnh đặc hữu là khi đạt tới tình trạng ổn định có thể chấp nhận được trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy chúng ta vẫn chưa đạt đến giai đoạn này nhưng theo chuyên gia Kissler: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt đến thời điểm Covid-19 là bệnh đặc hữu giống như cúm".

Hiểu một cách đơn giản, giai đoạn bệnh đặc hữu tức là virus sẽ tiếp tục lây lan ở các khu vực trên toàn cầu trong những năm tới nhưng sự lây lan và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể xoay sở được và kết cục của nó sẽ giống dịch cúm hơn là một căn bệnh khiến thế giới ngừng hoạt động.

Việc sống chung với bệnh đặc hữu rất khác so với sống chung với đại dịch. Lấy dịch cúm làm ví dụ. Virus H1N1 từng gây nên đại dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến hơn 50 triệu người thiệt mạng từ 1918 - 1919. Virus này chưa bao giờ biến mất và virus gây ra cúm mùa hàng năm có "tổ tiên" là virus trên. Tuy nhiên, dịch cúm hiện gây nên ít ca tử vong hơn nhiều và chúng ta có thể ứng phó được những tác động của nó.

"Nếu Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nó sẽ giống như cúm. Sẽ có những ca tử vong hàng năm vì Covid-19 cũng như những ca tử vong vì bệnh cúm hàng năm", bác sĩ Robert G. Lahita, giám đốc Viện Nghiên cứu Các bệnh tự miễn và thấp khớp cấp tại bệnh viện  St. Joseph's Health nhận định.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất để lạc quan về xu hướng của đại dịch Covid-19 là tỷ lệ dân số đã tiêm vaccine. Trên toàn cầu, khoảng 9 tỷ liều vaccine đã được tiêm với khoảng 3,8 tỷ người đã được tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài tỷ lệ tiêm vaccine còn có những tín hiệu tích cực về các phương pháp điều trị. Tuần trước, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã thông qua sử dụng khẩn cấp Paxlovid - thuốc chống virus của Pfizer có khả năng làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong tới 90% ở những người có rủi ro cao. Cơ quan này cũng đã thông qua viiệc sử dụng thuốc chống virus của Merck là molnupiravir.

Đối với biến thể Omicron, các báo cáo sơ bộ cho thấy nó ít nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó, đặc biệt là Delta. Mặc dù biến thể này đang lan rộng nhưng nó không khiến người mắc bệnh nhập viện hoặc tử vong.

Ngoài ra, theo bác sĩ William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt, những người chưa tiêm vaccine có lẽ sẽ mắc bệnh nhưng sẽ không tử vong và vì thế sẽ xây dựng được khả năng miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ hơn trước những làn sóng Covid-19 mới.

"Nó có thể là dấu hiệu chấm dứt giai đoạn đại dịch" và khiến Covid-19 chuyển sang giai đoạn dù gây bệnh và những phiền toái cho chúng ta nhưng sẽ không gây tử vong. Do đó, cuộc sống của chúng ta sớm muộn sẽ quay trở lại bình thường.

Với một bệnh truyền nhiễm được xếp loại vào giai đoạn bệnh đặc hữu, tỷ lệ lây nhiễm sẽ phải ổn định trong một vài năm thay vì gây ra những đợt gia tăng đột biến như những gì đang diễn ra với dịch Covid-19.

"Một dịch bệnh trở thành bệnh đặc hữu nếu hệ số lây nhiễm của nó giữ ổn định ở con số 1. Điều đó tức là nếu một người mắc bệnh thì trung bình chỉ lây nhiễm cho 1 người khác", nhà dịch tễ học Eleanor Murray thuộc Đại học Boston cho biết.

Chúng ta chưa tiến gần đến mốc đó. Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đồng nghĩa với việc mỗi người mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho hơn 1 người với số ca mắc có thể "bùng nổ" trên toàn cầu.

Có một số câu hỏi quan trọng được đặt ra. Đó là liệu biến thể Omicron có khiến giai đoạn bệnh đặc hữu ngày càng xa tầm tay chúng ta trong tương lai hay không? Hay nó thực sự đẩy nhanh con đường tiến đến giai đoạn này bằng cách lây nhiễm cho nhiều người đến mức chúng ta nhanh chóng đạt được lớp miễn dịch tự nhiên?

"Đây thực sự là một câu hỏi triệu đô. Nhưng nó khó có thể trả lời ngay bây giờ", Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada nhận định.

Điều đó một phần là bởi giai đoạn bệnh đặc hữu không chỉ liên quan đến hệ số lây nhiễm của virus giảm xuống con số 1 mà còn liên quan đến những yếu tố khác, chẳng hạn như: Tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong là bao nhiêu? Liệu hệ thống y tế có bị quá tải hay không? Liệu các phương pháp điều trị sẵn có có giúp giảm số người mắc bệnh nặng hay không?

Nhìn chung, một virus trở thành đặc hữu khi các chuyên gia y tế, các cơ quan chính phủ và người dân quyết định rằng chúng ta chấp nhận được mức độ virus tác động, hay nói cách khác chúng ta chấp nhận được rằng dịch bệnh này không còn là một cuộc khủng hoảng nữa.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron và các chính phủ đang tái áp đặt những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt hơn, rõ ràng, chúng ta vẫn đang ở trong "chế độ" khủng hoảng.

Vào một thời điểm nào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ quyết định tuyên bố đại dịch chính thức trôi qua khi có đủ số quốc gia kiểm soát được số ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, ngưỡng chính xác để tuyên bố trên được đưa ra vẫn chưa rõ ràng.

Thậm chí cả khi điều đó xảy ra, một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là những nước thu nhập thấp thiếu vaccine và thuốc điều trị, vẫn phải chật vật đối phó với đại dịch trong khi những quốc gia khác dễ dàng chuyển sang giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là "bệnh đặc hữu" hơn.

Cựu Phó chủ tịch Hội đồng Y tế Australia Nick Coatsworth dự báo: "Vào năm 2022, đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc. Với sự lây lan không thể tránh khỏi của biến thể Omicron và việc sử dụng vacccine, dân số toàn cầu sẽ xây dựng được hệ miễn dịch trước virus". Ông cho rằng: "Covid-19 hiện là virus hô hấp có thể điều trị", bất chấp sự lây lan của nó.

Nhà miễn dịch học Sir John Bell, người dẫn đầu đội ngũ phát triển vaccine AstraZeneca đánh giá, virus SARS-CoV-2 “không còn là bệnh dịch chúng ta từng chứng kiến cách đây 1 năm".

Giáo sư Martin Hibberd thuộc Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cũng cho rằng: "Tự virus sẽ tiến hóa để trở nên nhẹ hơn, dễ lây nhiễm hơn và sẽ đến một thời điểm mà chúng ta chỉ cần quan tâm đến việc tiêm vaccine cho những người dễ tổn thương hơn trong cộng đồng".

Trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng: Giai đoạn hậu đại dịch, virus sẽ gây nên bệnh cảm lạnh cho một số người và một số người khác sẽ mắc bệnh nặng hơn, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tình trạng tiêm vaccine và tiền sử từng mắc bệnh trước đó. Các đột biến sẽ tiếp tục xuất hiện và cần tiêm mũi tăng cường thường xuyên hơn để đối phó với các biến thể mới. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của con người cũng sẽ nhận diện và phản ứng trước các biến thể mới hiệu quả hơn. Nhà miễn dịch học Ali Ellebedy thuộc Đại học Washington ở St. Louis đã phát hiện ra những tín hiệu tích cực về khả năng đáng kính ngạc của con người để ghi nhớ các vi khuẩn từng xuất hiện trước đó và tạo nên các phòng tuyến bảo vệ đa tầng.

Ông Ellebedy cho rằng: "Chúng ta không còn ở thời điểm của tháng 12/2019. Tình hình bây giờ đã khác". Chuyên gia này so sánh, tình hình năm 2020 giống như một trận cháy rừng tàn phá khu rừng sau hạn hán. Nhưng bây giờ, thậm chí cả với sự xuất hiện của biến thể Omicron, "đó không còn là vùng đất hoàn toàn khô hạn nữa" mà đã đủ độ ẩm để khiến cho "đám cháy khó có thể lan rộng hơn".

Chuyên gia này dự đoán, một ngày nào đó, khi một người mắc Covid-19, họ chỉ cần ở nhà 2 - 3 ngày và sau đó có thể ra ngoài.

"Hy vọng đó sẽ là thời điểm kết thúc đại dịch", chuyên gia Ellebedy cho hay.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ cho rằng cần hướng đến việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 theo cách "không làm gián đoạn xã hội và nền kinh tế".

Mỹ đang gửi đi những dấu hiệu cho thấy lộ trình của cuộc sống bình thường mới sẽ diễn ra như thế nào. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết, Mỹ hiện có đủ công cụ, từ mũi vaccine tăng cường, các phương pháp điều trị mới cho tới khẩu trang để đối phó với mối đe dọa từ biến thể Omicron mà không cần đóng cửa như giai đoạn đầu đại dịch. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đã giảm thời gian cách ly của bệnh nhân mắc Covid-19 xuống còn 5 ngày để họ không lây bệnh cho người khác.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiêm vaccine cho toàn thế giới - điều mà lẽ ra nên hoàn thành vào năm ngoái. Thật không may, sự bất bình đẳng vaccine chưa bao giờ lớn tới vậy khi chỉ 10% dân số các nước thu nhập thấp nhận được ít nhất 1 liều vaccine trong khi các nước giàu đã triển khai mũi tiêm thứ ba hoặc thậm chí thứ tư. Như WHO cho biết, việc sản xuất vaccine toàn cầu đạt gần 1,5 tỷ liều/tháng, nên sẽ có đủ vaccine cho các chương trình tiêm vaccine tăng cường, do đó cần cung cấp nhiều vaccine hơn cho các nước nghèo so với năm 2021 qua các cơ chế như COVAX.

Một lĩnh vực quan trọng nữa là cần tăng cường hệ thống chẩn đoán và giám sát với những yêu cầu từ việc đảm bảo có đủ kit xét nghiệm cho mọi người để xem liệu họ có mắc bệnh trước khi gặp người khác hay không, cho tới xây dựng khả năng giải trình tự gen hiệu quả hơn để giám sát sự xuất hiện của các biến thể mới.

Hiện nay, ngay cả những chuyên gia thận trọng nhất cũng cho rằng chúng ta đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với những ngày đầu đại dịch. Chúng ta đã phát hiện ra nhiều thông tin về cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2. Chúng ta đã sản xuất được những khẩu trang tốt, những vaccine hiệu quả, những phương pháp điều trị mới và các bộ kit xét nghiệm nhanh.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Rasmussen thay đổi hành vi của mình nhưng chuyên gia này nhấn mạnh, mọi thứ sẽ không quay trở về thời điểm giống như lệnh phong tỏa hồi mùa xuân năm 2020. Mặc dù hủy bỏ chuyến bay quốc tế trong kỳ nghỉ nhưng Rasmussen vẫn cảm thấy thoải mái khi cùng những đồng nghiệp tổ chức tiệc Giáng sinh tại nhà. Đó là bởi cô và những người bạn của mình đều đã tiêm vaccine và mũi tăng cường cũng như xét nghiệm nhanh.

"Chúng ta có nhiều công cụ hơn để đối phó với dịch bệnh so với hồi tháng 3/2020", chuyên gia này bình luận.

Chúng ta đều biết rằng giai đoạn bệnh đặc hữu rồi sẽ đến khi những công cụ trên, cùng với những trải nghiệm mệt mỏi trong đại dịch, khiến chúng ta thích nghi hoàn toàn với virus, cũng như virus đã thích nghi với chúng ta./.

(Theo VOV.VN) Kiều Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét