Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

An ninh trật tự

 

Gần tết, một gia đình ở Hà Nội kêu cứu vì bị giam lỏng nhiều ngày

Cập nhật lúc 15:11  

Một gia đình ở Hà Nội đang bị một nhóm người dùng xe ba gác chặn mọi lối ra, khiến cả nhà bị giam lỏng suốt 1 tuần nay, trong khi tết đang cận kề.

Trong đơn cầu cứu gửi Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Mậu (44 tuổi, trú ngõ 332 Hoàng Công Chất, P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết sáng 22.1, gia đình chị mở cửa để đi làm thì phát hiện khoảng 10 xe ba gác chặn kín cửa và toàn bộ lối ra, cùng với đó là một nhóm người lạ mặt đứng bên ngoài không cho chị và người thân ra khỏi nhà. Khi cố đi ra ngoài thì gia đình chị Mậu bị nhóm người này chửi bới, đe dọa.


Nhiều xe ba gác bất ngờ chặn mọi lối ra, "lgiam lỏng gia đình chị Mậu trong nhà nhiều ngày nay. GĐCC

Chị Mậu cho biết, 4 người trong gia đình chị đã bị giam lỏng suốt 1 tuần nay, khách đến gửi quà, gửi đồ vào cũng bị đe dọa, không cho nhận. Sự việc này khiến gia đình chị Mậu rất lo sợ, đã cầu cứu lực lượng chức năng từ phường đến quận nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.

“Gia đình tôi không đi chợ mua đồ ăn, sắm tết được. Trong nhà có tủ đông, dự trữ được thực phẩm sử dụng trong khoảng 15 ngày, nhưng tới hiện tại cũng đã gần hết, có gì ăn đấy, không biết những ngày tới hết thức ăn thì phải sống thế nào. Nhất là gia đình còn có người già, nhỡ may phải đi cấp cứu thì phải làm sao”, chị Mậu cho hay.


Người thân gia đình chị Mậu đến gửi quà bị nhóm người lạ mặt chặn lại, đuổi về. KIẾN TRẦN

Theo chị Mậu, sự việc có thể xuất phát từ tranh chấp làm ăn nhưng không tiết lộ cụ thể. Còn theo tìm hiểu của Thanh Niên, gia đình chị Mậu có cho một đơn vị thuê mặt bằng, sau đó đơn vị này huỷ hợp đồng và đến chặn cửa, gây áp lực đòi tiền cọc.

Trước đó, sáng 27.1, phóng viên Thanh Niên đã có mặt tại nhà của chị Mậu. Thời điểm phóng viên có mặt, 6 chiếc xe ba gác quây kín lối ra căn nhà số 9 chị Mậu và gia đình đang ở.

“Các chú thả cháu ra, cháu không nợ nần ai sao lại giam lỏng nhà cháu suốt 6 ngày nay. Các chú thả cháu ra”, chị Mậu vừa khóc vừa van xin bên trong.


Chị Mậu khóc, van xin nhóm người lạ mặt. KIẾN TRẦN

Liên quan đến sự việc này, một lãnh đạo Công an P.Phú Diễn cho biết, đã nắm được thông tin, sự việc xảy ra do liên quan đến tranh chấp hợp đồng và đang tiếp nhận để giải quyết.

Khi hỏi hướng giải quyết của địa phương thế nào, trong khi gia đình đã bị giam lỏng nhiều ngày nay, lãnh đạo Công an P.Phú Diễn cho rằng phóng viên phải đến trụ sở để làm việc, cung cấp cụ thể.

Được hỏi về biện pháp để bảo vệ người dân, lãnh đạo Công an P.Phú Diễn cho rằng “việc này đã trình báo cơ quan điều tra, cơ quan điều tra đang tập hợp hồ sơ để giải quyết”.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an Q.Bắc Từ Liêm cho hay, cơ quan này đã nắm được vụ việc và đã cử người xuống xem xét, giải quyết.

(Theo Thanh Niên) Kiến Trần

 

Dịch Covid-19

 

Omicron sẽ khởi đầu điểm kết thúc đại dịch Covid-19?

Cập nhật lúc 14:43  

 

Ngay khi Jeremy Luban lần đầu xem trình tự gen của Omicron trên điện thoại hồi tháng 11 năm ngoái, chuyên gia virus của Đại học Massachusetts này nghĩ ngay biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ là một vấn đề.

Đầu tiên, số lượng đột biến của Omicron quá lớn, theo một số thống kê lên đến 50, và 30 trong số đó nằm ở những vị trí quan trọng mà vắc xin cùng thuốc điều trị nhắm đến. Thứ hai, biến thể mới dường như xuất hiện đột ngột, không thể đoán trước và không có mối liên hệ rõ ràng ngay lập tức nào với các biến thể trước đó. 



Nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận sống chung với Covid-19. Ảnh: AP


Báo TIME cho biết, nhiều chuyên gia y tế có chung nỗi lo như Luban, nhưng hóa ra Omicron cũng có "gót chân Achilles".

Đối với những người đã tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm Covid-19, Omicron dường như không gây bệnh nặng. Dù biến thể có thể vẫn gây nguy hiểm cho những người chưa chủng ngừa hoặc có bệnh nền, song hy vọng khỏi bệnh là rất lớn. Và hy vọng đó tiếp tục được "thổi bùng" qua liên tiếp những giải thích y khoa cụ thể, rằng Omicron chỉ ảnh hưởng nhẹ đến sức khỏe nếu một người đã tiêm ngừa, chẳng hạn chỉ đau họng, hoặc có các triệu chứng giống cúm hoặc thậm chí không rõ ràng – dấu hiệu cho thấy SARS-CoV-2 có thể đang tiến đến điểm kết.  

Theo dự báo của một số mô hình, vào thời điểm Omicron lây lan khắp các cộng đồng, một nửa dân số thế giới sẽ nhiễm bệnh và có thể miễn dịch với biến thể này. Đại dịch Covid-19 sẽ chuyển thành bệnh đặc hữu, giới hạn ở những nhóm dân số không tiêm phòng, có thể kiểm soát và phòng tránh được vì hầu hết mọi người đều sẽ được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng xấu nhất.

"Tốc độ lây nhiễm của Omicron thực sự đáng kinh ngạc", Shangxin Yang thuộc Đại học California tại Los Angeles, Mỹ bình luận. "Chỉ trong 2 tuần, biến thể này tăng từ 1% lên 50% số ca lây nhiễm trên toàn cầu, và trong 1 tháng, con số này tăng lên gần 100%. Tốc độ đó thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được bất kỳ loại virus nào có thể làm được điều đó".

Giáo sư Yang nêu bằng chứng cho thấy tốc độ lây lan nhanh của Omicron có thể báo trước lần "vượt rào" cuối cùng của SARS-CoV-2. Trong khi tất cả các biến thể trước đây của virus đều chủ yếu tấn công các tế bào sâu trong đường hô hấp của con người, thâm nhập tận phổi, Omicron lại chủ yếu nhiễm vào các tế bào ở đường hô hấp trên. Do đó, triệu chứng bệnh chỉ giống như cảm lạnh thông thường.

"Một trong những loại virus corona gây cảm lạnh phổ biến ngày nay có thể là nguyên nhân gây dịch bệnh vào cuối những năm 1800, mà thời đó không gây ra bệnh nhẹ như hiện tại. Nhưng cuối cùng, khi khả năng miễn dịch của cộng đồng bắt đầu hình thành, nó sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa Omicron có thể trở thành một trong những virus corona phổ biến khi chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, xây dựng đủ khả năng miễn dịch chống lại nó", Nadia Roan, điều tra viên Viện Gladstone, lập luận.

Tuy vậy, không ít quan điểm vẫn thiên về khả năng sẽ xuất hiện một dòng thời gian đen tối hơn, trong đó bản chất khó đoán của SARS-CoV-2 sẽ thúc đẩy xu hướng đại dịch trong các năm tiếp theo. Trường hợp này đồng nghĩa Omicron sẽ không phải là khởi đầu của sự kết thúc, mà là khởi đầu của một virus độc hại hơn, dễ lây hơn và nguy hiểm hơn.  

(Theo VietNamNet) Thanh Hảo

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

An ninh thế giới

 

Nóng Ukraine: 8.500 quân Mỹ trong tình trạng báo động cao độ

Cập nhật lúc 15:46               

 Đội quân gồm 8.500 binh lính Mỹ được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai tới châu Âu khi lo ngại về khả năng xảy ra "cuộc tấn công chớp nhoáng" của Nga.


Mỹ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động để triển khai nhằm hỗ trợ NATO . Ảnh Guardian

Báo động cao độ

Mỹ đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao độ để triển khai tới châu Âu khi NATO tăng cường biên giới phía đông bằng tàu chiến và máy bay chiến đấu, trong  bối cảnh ngày càng lo ngại về một cuộc tấn công "chớp nhoáng" của Nga nhằm vào Ukraine.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết quân đội hiện đang đóng quân tại Mỹ, sẽ sẵn sàng tham gia Lực lượng phản ứng của NATO (NRF) nếu lực lượng này được kích hoạt, nhưng cũng sẽ sẵn sàng "nếu các tình huống khác phát triển". Lệnh cảnh báo do Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ban hành, nhưng chưa phải là lệnh triển khai.

Trước đó, ngày 24/1, tàu sân bay USS Harry S Truman cùng với nhóm tấn công và cánh không quân đã tham gia các hoạt động tuần tra trên Biển Địa Trung Hải, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh mà một nhóm tác chiến tàu sân bay đầy đủ của Mỹ đã tham gia dưới sự chỉ huy của NATO.

Kirby cho biết: "Trong trường hợp NATO kích hoạt NRF hoặc môi trường an ninh xấu đi, Mỹ sẽ có thể nhanh chóng triển khai các đội chiến đấu bổ sung của lữ đoàn, hậu cần, y tế, hàng không, tình báo, giám sát và trinh sát, vận tải và bổ sung khả năng vào Châu Âu".

Ông Kirby nói rằng, bất kỳ hoạt động triển khai nào ở châu Âu, "thực sự là để trấn an sườn phía đông của NATO" về sự sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ các thành viên liên minh. Lực lượng này sẽ không được triển khai ở Ukraine, quốc gia không phải là thành viên của NATO. Hiện có khoảng 150 cố vấn quân sự Mỹ ở trong nước và ông Kirby cho biết hiện tại không có kế hoạch rút họ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ có "nghĩa vụ thiêng liêng là hỗ trợ an ninh cho các nước sườn đông của chúng ta. Chúng tôi đang nói chuyện với các đồng minh về nhu cầu của họ và mối quan tâm về an ninh mà họ có, đây là một phần của quá trình lập kế hoạch dự phòng".

Tình hình an ninh xấu đi

Các nước láng giềng Ukraine. Ảnh Yahoo

Trước đó vào ngày 24/1, Tổng thư ký của NATO Jens Stoltenberg cho biết, "tình hình an ninh xấu đi" đã thúc đẩy liên minh quân sự tăng cường "phòng thủ tập thể".

 Đan Mạch đang cử một tàu khu trục nhỏ đến Biển Baltic và 4 máy bay chiến đấu F-16 tới Lithuania. Tây Ban Nha cũng đã đề nghị gửi một tàu khu trục nhỏ đến Biển Đen và các chiến đấu cơ đến Bulgaria. Hà Lan cũng sẽ gửi 2 máy bay chiến đấu F-35 đến Bulgaria. Emmanuel Macron đã bày tỏ sự sẵn sàng của chính phủ để gửi quân đội Pháp đến Romania dưới sự chỉ huy của NATO.

"NATO sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm cả việc củng cố phần phía đông của liên minh. Chúng tôi sẽ luôn ứng phó với bất kỳ sự xấu đi nào của môi trường an ninh của chúng tôi, bao gồm cả việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của chúng tôi, ông Stoltenberg nói.

Sau các cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Liz Truss và những người đồng cấp của bà từ Phần Lan và Thụy Điển, Stoltenberg cho biết NATO cũng đang xem xét "triển khai thêm các nhóm chiến đấu NATO" để bổ sung cho 4 nhóm đã được triển khai tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan sau khi Nga sáp nhập của Crimea vào năm 2014.

Điện Kremlin chỉ ra các cuộc triển khai mới là bằng chứng cho thấy NATO tỏ ra hung hăng, đồng thời đổ lỗi cho NATO về việc gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi thấy các tuyên bố của Liên minh Bắc Đại Tây Dương về việc tăng cường, kéo lực lượng và nguồn lực đến sườn phía đông. Tất cả điều này dẫn đến thực tế là căng thẳng ngày càng gia tăng. Điều này không xảy ra vì những gì chúng tôi, Nga, đang làm. Tất cả điều này đang xảy ra vì những gì NATO và Mỹ đang làm và do thông tin mà họ đang lan truyền ".

Trong những tháng gần đây, Nga đã điều hơn 106.000 quân dọc theo biên giới của Ukraine và nước này đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quân sự rộng khắp ở nước láng giềng Belarus và Địa Trung Hải.

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko ngày 24/1 cho biết ông sẽ triển khai "toàn bộ quân đội" tới biên giới với Ukraine, đồng thời cáo buộc: "Người Ukraine đã bắt đầu tập trung quân đội [ở đó]. Tôi không hiểu tại sao".

Nga tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc tập trận hải quân vào ngày 24/1 khi hạm đội Baltic thông báo rằng hai tàu hộ tống đã lên đường tham gia cuộc tập trận. Điện Kremlin cũng đã điều động 6 tàu đổ bộ tới Địa Trung Hải trong khuôn khổ cuộc tập trận, bao gồm 140 tàu và hơn 10.000 quân Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp video vào chiều hôm qua với các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Anh, Ý, Ba Lan, EU và NATO, trong nỗ lực tiếp tục duy trì sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương trước mối đe dọa ngày càng tăng đối với Ukraine.

(Theo Dân Việt) Tuấn Anh

(Nguồn Guardian)

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Lũng đoạn quyền lực

Vụ Việt Á: Không chỉ là tham nhũng

Cập nhật lúc 15:03               

Vụ án Việt Á đang dần lộ ra phần chìm của tảng băng. Một vụ án có quy mô, phạm vi trải nhiều địa phương, ngành dọc. Số lượng người bị khởi tố để điều tra ngày càng tăng.  

 Nỗi đau lớn nhất từ vụ án này là nó xảy ra trong thời kỳ đặc biệt. Trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực chống dịch, khi lòng yêu nước đang dâng trào, cả xã hội chung tay chống dịch, cả xã hội nhường cơm sẻ áo thì những tiêu cực lại bộc lộ.  

Đáng nói hơn, nó diễn ra trong lúc sự nghiệp chống tham nhũng của Đảng đang giành những thắng lợi to lớn, cơ chế chống tham nhũng từng bước được hoàn thiện. 

Nhiều người bị khởi tố vì liên quan tới kít xét nghiệm của Công ty Việt Á

Thật đau lòng khi nhìn vào danh sách những người bị khởi tố có đủ các thành phần. Có người hôm trước còn hùng hồn tuyên bố không thèm lấy một đồng nào của Việt Á nhưng hôm sau đã lộ ra nhận "lại quả" đến mấy chục tỷ đồng.

Cái đau lòng của vụ án còn ở chỗ đây là vụ tham nhũng, vụ phạm tội có tổ chức. Vụ án đang trong quá trình điều tra song cũng đã rõ đường dây phạm tội. Bản thân bị can Phan Quốc Việt hay Công ty Việt Á không đủ sức để làm mưa làm gió từ Trung ương xuống địa phương như vậy được.  

 

Giám đốc CDC Bắc Giang (ngoài cùng bên trái) cùng các đối tượng có liên quan vụ Việt Á vừa bị bắt

Một mình Phan Quốc Việt không thể tác động để trang thông tin của Bộ KHCN tuyên truyền không đúng cho công trình khoa học tiêu gần 19 tỷ đồng là bộ kit xét nghiệm đã được WHO, các quốc gia Châu Âu công nhận. Một mình bị can Phan Quốc Việt không tác động để được tham gia đề tài ngay từ đầu. Một mình ông ta cũng không thể “bắt” những nhà chức trách thông qua công trình khoa học nhanh, triển khai sản xuất sớm. Việc này đã khiến cựu vụ trưởng, đương kim vụ trưởng, vụ phó hai bộ bị khởi tố.   

Chuyện nhập kít từ Trung Quốc của Việt Á không phải đến khi Hải quan công bố dư luận mới nghi ngờ mà ngay từ khi vụ án xảy ra, khi thực lực của Việt Á được báo chí, truyền thông vào cuộc điều tra chỉ rõ.  Và khi cơ quan điều tra công bố lời khai về "hoa hồng" mà các CDC nhận lên đến 40% thì những ai có tư duy thông thường cũng nhận thấy có sự khuất tất về giá cả. 

Quy mô của vụ án, tính chất của vụ án, tác hại của vụ án, thiệt hại của vụ án dần dần sẽ được sáng tỏ nhưng bước đầu cũng đã làm chúng ta giật mình. Giật mình vì sự táo tợn của nó, giật mình vì đồng tiền mà làm tha hóa cả một đội ngũ cán bộ nhiều tỉnh thành, vụ, đơn vị. 

Đây không chỉ là tham nhũng mà sự tha hóa quyền lực trầm trọng, một sự tự diễn biến, tự chuyển hóa.  

Người dân thấy tin tưởng khi có ngay sự chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. 

Bắt đầu từ dư luận nghi ngờ về giá cả, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố sẽ kiểm tra và thanh tra ngay. Ngay sau đó Bộ Công an đã vào cuộc điều tra. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vụ án vào diện theo dõi chỉ đạo. Cùng với đó, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo, Ban Dân nguyện tổng hợp ý kiến của cử tri... Tất cả như một trận đánh hợp đồng. Không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm là thông điệp mà lãnh đạo cao nhất đã chỉ đạo.

(Theo VietNamNet) Nguyễn Đăng Tấn 

Dịch Covid-19

 

Tất cả những người tiếp xúc ca nhập cảnh TP.HCM nhiễm Omicron đều bị lây bệnh

Cập nhật lúc 10:11     

Kết quả giải mã trình tự gene ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ Mỹ vừa được phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xác định nhiễm biến chủng Omicron (BA.1).

Các chuyên gia làm việc tại phòng lab, khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thông tin này vừa được nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay. Đặc biệt, ngoài 3 ca mắc Omicron trong cộng đồng được báo cáo trước đó, có thêm 2 ca mắc biến chủng này, tất cả đều có mối liên hệ với bệnh nhân nhập cảnh. 

Xác định nguồn gốc lây bệnh?

Bệnh nhân nhập cảnh vừa được xác định nhiễm biến chủng Omicron là chị N.T.N.P., sinh năm 1981, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh. Trước đó chị P. đã tiêm 3 mũi vắc xin, được cách ly sau nhập cảnh tại Nha Trang và phát hiện dương tính khi về ở TP.HCM.

Hai trường hợp mới có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm Omicron đều là nam và có mối liên hệ với các bệnh nhân nhiễm Omicron trước đó. 

Cụ thể trường hợp thứ nhất sinh năm 1997, ngụ phường 17 (quận Bình Thạnh), em họ của bệnh nhân khác sống tại khu chung cư thương mại dịch vụ ở quận 11. Bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vắc xin và từ 28-12-2021 được giới thiệu làm bảo vệ tại nhà của bệnh nhân nhập cảnh tại Bình Thạnh. 

Trường hợp thứ hai sinh năm 1993, là bác sĩ khoa cấp cứu của 1 bệnh viện lớn. Bệnh nhân này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư thương mại dịch vụ quận 11, đã tiêm đủ 3 liều vắc xin. 

Như vậy liên quan đến ca nhập cảnh, hiện có đến 5 trường hợp khác nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM. Với các dữ liệu này, bước đầu có cơ sở để đánh giá các ca nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng vừa được phát hiện ở TP.HCM có nguồn lây từ ca nhập cảnh. 

"Đây là tín hiệu lạc quan bởi giúp xác định được nguồn lây các ca cộng đồng, nếu không sẽ rất khó khăn để điều tra truy vết" - một đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Trước đó ngày 19-1, Sở Y tế TP.HCM phát đi thông báo xác nhận phát hiện 5 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng có liên quan với ca nhập cảnh là chị N.T.N.P.. Trong đó 3 trường hợp có kết quả giải mã trình tự gene nhiễm biến chủng Omicron, ngụ ở Bình Chánh, quận 11 và quận Gò Vấp. 2 ca dương tính còn lại đang chờ giải mã trình tự gene. 

Ủ bệnh lâu, lây nhanh

Sự kiện chùm ca bệnh này phần nào chứng minh cho đánh giá về thời gian ủ bệnh và tốc độ lây lan cực nhanh của biến chủng Omicron. 

Nếu tính từ ngày 4-1, thời điểm chị N.T.N.P có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính (xét nghiệm tại Mỹ, trước lúc về Việt Nam) cho đến ngày được xác định mắc COVID-19 là 12 ngày. Nếu tính từ thời điểm hết cách ly tại Nha Trang (10-1) đến ngày phát bệnh (16-1) là 6 ngày. 

Điều này, theo các chuyên gia, hoàn toàn khác với chủng Delta hoặc Alpha, thời gian ủ bệnh trung bình chỉ tầm 5-7 ngày, cá biệt chỉ vài ngày là phát bệnh. 

Về khả năng lây nhiễm của chùm ca bệnh này cũng khá cao. 3/5 trường hợp được xác định nhiễm Omicron hiện nay đều có tiếp xúc với bệnh nhân nhập cảnh (1 lần đón ở sân bay, 1 lần đi ăn) và chỉ 4 ngày sau thì cả 3 phát bệnh (sau 1 ngày chị P. phát bệnh). Ngoài ra người sống chung với các ca bệnh cũng đều nhiễm Omicron. Tỉ lệ lây bệnh cho người tiếp xúc gần trong trường hợp này là gần như tuyệt đối. 

"Các trường hợp này được phát hiện do có triệu chứng và đi làm xét nghiệm. Nếu không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, người bệnh không đi làm xét nghiệm thì sẽ không biết được và khi đó dịch bệnh có thể âm thầm lan dần trong cộng đồng" - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá. 

Không thể tránh khỏi việc "người khỏe mang theo mầm Omicron"

Theo quy định của Bộ Y tế, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.

Người nhập cảnh phải được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Khi biến chủng Omicron lan rộng, lượng người nhập cảnh về Việt Nam nhiều, không thể tránh khỏi việc "người khỏe mang theo mầm Omicron". "Thời gian cách ly chỉ tương đối, không đủ để phát hiện và ngăn chặn chủng Omicron lọt ra ngoài, xâm nhập vào cộng đồng" - một chuyên gia dịch tễ nhận định.

(Theo Tuổi trẻ) Hoàng Lộc

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Y học

 

Biến thể Omicron sẽ kết thúc Covid-19 vĩnh viễn?

Cập nhật lúc 14:09  

 

Cả thế giới đã mường tượng điều tồi tệ nhất khi chứng kiến biến thể Omicron của virus gây Covid-19 lây lan khắp toàn cầu với tốc độ nhanh chưa từng có.

Tuy nhiên, hai tháng sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ.

"Mức độ lo ngại về Omicron có xu hướng thấp hơn so với các biến thể trước đó. Đối với không ít người, nỗi sợ Covid-19 đã bớt đi", CNN dẫn lời ông Simon Williams, một nhà nghiên cứu tại Đại học Swansea (Anh) chuyên về thái độ và hành vi của công chúng đối với Covid-19 tại Đại học Swansea.



Ảnh: Reuters

Nhưng một số chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng trước quan điểm Omicron có thể là "hành động cuối cùng" của Covid-19 – mang lại một "lớp miễn dịch" và đưa nhân loại tiến gần hơn đến giai đoạn đại dịch trở thành bệnh đặc hữu, giống như cảm cúm.

"Quan điểm duy nhất của tôi là nó sẽ trở thành đặc hữu và sẽ tiếp tục lưu hành trong một thời gian – như những gì đã xảy ra với các loại coronavirus khác", ông David Heymann, giáo sư về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London bày tỏ.

Theo giới chuyên gia, Covid-19 đã phát triển khó lường, và biến thể nào có thể vượt lên Delta về mức độ nguy hiểm sẽ trở thành chủng thống trị. Tuy nhiên, thế giới ruốt cuộc đã có một chủng mới vượt trội về tốc độ lây lan nhưng mức độ nguy hiểm lại không bằng các biến thể trước.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia khuyến cáo sẽ vẫn có nhiều trở ngại trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 vì nguy cơ một biến thể mới khác ra đời có thể tạo ra mối đe dọa cao hơn đối với y tế cộng đồng và làm trì hoãn điểm kết của đại dịch. Trong khi đó, ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, hệ thống bệnh viện vẫn đang đối mặt với tình trạng quá tải vì số ca nhiễm tăng vọt do làn sóng Omicron gây ra.

Câu hỏi mà các nhà khoa học và toàn xã hội sẽ phải đối mặt trong năm 2022 sẽ là khi nào Covid-19 rời khỏi giai đoạn hiện tại để trở thành bệnh đặc hữu, hiện diện thường xuyên trong cộng đồng nhưng không ảnh hưởng lớn hoặc gây gián đoạn xã hội như thường thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Các chuyên gia không cho rằng Covid-19 sẽ biến mất hoàn toàn nhưng nó sẽ tiến đến một giai đoạn tương tự các bệnh khác mà "hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ, có thể nhiễm nhiều lần và khi tích tụ lại có thể tạo khả năng miễn dịch", theo Mark Woolhouse, giáo sư về bệnh truyền nhiễm dịch tễ học tại Đại học Edinburgh.

"Đó là tình huống mà chúng ta đang hướng tới. Omicron sẽ là một liều virus. Tất cả chúng ta sẽ ít mắc bệnh hơn nếu đã nhiễm liều đó, hoặc đã tiêm vắc xin", giáo sư Woolhouse nhận định và chỉ ra rằng tính nguy hiểm giảm bớt của Omicron là một yếu tố then chốt. 

"Đến nay, hơn một nửa thế giới hiện đã tiếp xúc với virus hoặc vắc xin. Các quy tắc của trò chơi đã thay đổi từ quan điểm của virus", ông Woolhouse bình luận thêm.

(Theo VietNamNet) Phương Anh

Người Việt năm châu

 

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì

Cập nhật lúc 08:32                

 

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam đặc biệt trong dịp Tết.

Hàng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đông đảo kiều bào trên khắp thế giới về quê hương đón Tết, đoàn tụ cùng gia đình và tham dự chương trình Xuân Quê hương. 

Xuân Quê hương 2022 được tổ chức trở lại sau một năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, gần 60 kiều bào từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới cùng tụ họp về đây với một lịch trình dày đặc. 

Trong không khí ấm áp, chân thành, bà con kiều bào xúc động xen lẫn niềm tự hào, phấn khởi trước những thành tựu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của đất nước trong thời gian vừa qua, trong số này có nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler hiện đang là lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tại Điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành, cùng Chủ tịch nước thả cá trong Phủ Chủ tịch,...nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler tham gia tất cả các hoạt động như một người con lâu ngày trở về thăm nhà.


Nguyên Phó thủ tướng Đức Philipp Roesler. Ảnh: Phạm Hải

Chia sẻ về niềm vui, sự tự hào, ông Philipp Roesler cảm ơn và chúc mừng Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã gìn giữ, duy trì một di sản rất quý giá, đó chính là cộng đồng Việt Nam không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài.

Trong thời điểm không đơn giản mà một số lượng lớn kiều bào có thể về nước, ông cho rằng đây là sự nỗ lực lớn.

Cùng với 60 kiều bào khác, ông Philipp Roesler cho biết, ông về đây không chỉ hỗ trợ Việt Nam mà muốn còn tăng cường kết nối hơn nữa để giúp Việt Nam vượt qua đại dịch.

"Mỗi chúng ta sẽ là đại sứ cho đất nước Việt Nam. Hôm nay tôi đã học được điều quan trọng của Tết Việt Nam là ăn bánh chưng và lì xì. Có những kiều bào về đây tuy không có lì xì nhưng mà họ mang về cho Việt Nam tình cảm và niềm mong mỏi kết nối với kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Đây chính là hình thức kết nối tuyệt vời giữa truyền thống và một Việt Nam hiện đại", ông bày tỏ.

Với ông, Tết là ngày lễ truyền thống thiêng liêng của dân tộc, là dịp gắn kết, sum họp gia đình, động viên nhau sống tốt hơn, cùng nhau phát triển.

Ông Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam: "Chúng tôi đến đây bằng nhiều phương tiện tàu hoả, máy bay, xe hơi, nhưng sau những trải nghiệm hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi đã về nhà, trở về quê hương.

Chuyến đi này có ý nghĩa đặc biệt. Tôi sang Việt Nam nhiều lần rồi, nhưng về Việt Nam trong dịp Tết lại có cảm xúc khác. Tôi học được nhiều điều về văn hoá, xã hội, đặc biệt là ý nghĩa của gia đình ở Việt Nam".

Trong vai trò lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nói về tiềm năng kết nối doanh nghiệp Việt Nam, ông Philipp Roesler cho biết, đầu năm nay sẽ có các đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ và Đức sang Việt Nam: "Tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn tìm cơ hội cho sinh viên Việt Nam sang Đức hoặc Thụy Sĩ học trong các ngành học mới".

Ông ghi nhận, Chính phủ và người dân Việt Nam đã có những bước xử lý khủng hoảng trong đại dịch vừa qua rất tốt, đó là một giai đoạn có nhiều khó khăn nhưng mọi người đã thành công trong vượt qua khó khăn đó. Nhiệm vụ hiện nay là tái thiết kinh tế, vì thế phải tăng cường quan hệ kinh tế và xây dựng đối tác mới với các nước trên thế giới.

Nguyên Phó thủ tướng Đức đánh giá tiềm năng phát triển của Việt Nam rất lớn, cả thế giới đều quan tâm đến Việt Nam vì có dân số trẻ, nhiều người được đào tạo bài bản, có tinh thần doanh nghiệp. Để phát huy được nhân lực trẻ của Việt Nam, ông cho rằng một trong những việc có thể làm là chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Ông Philipp Rösler sinh năm 1973 tại tỉnh Sóc Trăng, cha mẹ đều là người Việt. Ông được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa về Tây Đức khi mới 9 tháng tuổi. Ông được đào tạo trở thành bác sĩ, tiến sĩ y khoa trong quân đội Đức, rồi tham gia chính trị và nhanh chóng thăng tiến.

Ở tuổi 36, ông trở thành Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức. Hai năm sau, ông làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức. Sau khi rời chính trường Đức tháng 12/2013, ông Philipp Rösler làm việc cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Rời WEF cuối năm 2017, ông chuyển lên thành phố Zurich và tham gia vào địa hạt kinh doanh, làm cố vấn cho nhiều doanh nghiệp khắp thế giới. Năm 2020, ông lập công ty tư vấn Consessor AG tại tiểu bang Zug, kết nối các nhà đầu tư quốc tế với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Tháng 9/2021, ông Philipp Roesler được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự tại Zurich và Zug được kỳ vọng thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa Việt Nam và vùng lãnh thổ nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ.

(Theo VietNamNet) Trần Thường

Khoa học và ứng dụng

 

Nghề khoa học

Cập nhật lúc 08:18                 

Lê Thiết Thành

Tiến sĩ Sinh học phân tử

Năm hôm trước, tôi tình cờ nhận được yêu cầu kết bạn trên trang cá nhân từ bà Katalin Karikó.

Trước đó, tôi viết một bài về cuộc đời làm khoa học của bà. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh đã kết nối bà và tôi. Sau đó, chúng tôi nhắn tin qua lại trong những ngày bà ở Hà Nội tham dự giải thưởng VinFuture.

Tôi chia sẻ vài tấm hình và kỷ niệm trong thời kỳ học tập và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sinh học Szeged, Hungary năm 1984, khi bà cũng đang làm việc tại đó. Tôi đã rất quan tâm và theo dõi thông tin liên quan đến vaccine mRNA, nhất là với bà, người có công đầu trong việc xây dựng nền công nghệ mRNA.

Nhìn ảnh bà, tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc khi chúng tôi cũng làm việc tại Hungary. Bà Karikó làm việc ở Viện Hóa sinh trên tầng bốn, còn tôi ở tầng ba.

Cùng là người làm khoa học nhập cư vào Mỹ như bà, tôi rất xúc động và đồng cảm về những đam mê cũng như khó khăn của những người làm nghề nghiên cứu. Tôi đã theo dõi nhiều bài viết về bà Karikó và thấu hiểu những chướng ngại vật trên con đường khoa học của bà. Vì trên phương diện nào đó, tôi cũng từng trải qua.

Có khi là sự phân biệt, dù tế nhị, trong công việc, đôi khi là cách đối xử, xưng hô. Karikó bị giáng cấp vào năm 1995 tại Đại học Pennsylvania. Cũng trong thời gian đó, bà bị chẩn đoán bệnh ung thư. Đồng thời, chồng bà bị giữ lại Hungary sáu tháng do vấn đề thị thực. Nhưng bà vẫn tiếp tục theo đuổi nghiên cứu của mình. "Thông thường, vào thời điểm đó, mọi người chỉ nói lời tạm biệt và bỏ đi, vì nó quá kinh khủng", bà nói, "Tôi đã nghĩ đến việc đi một nơi khác, hoặc làm điều gì đó khác. Tôi cũng nghĩ có lẽ tôi không đủ năng lực, không đủ thông minh".

Làm khoa học ở phương Tây chỉ trông chờ vào kinh phí tài trợ. Karikó kể, mặc dù bà đã cố gắng sửa chữa đơn xin kinh phí nghiên cứu nhiều lần, và đưa ra triển vọng ứng dụng của nó, nhưng tất cả đều bị bác bỏ. Bà kể: "Tôi tiếp tục viết và cải tiến cách tiếp cận. Tôi đã đưa ra các ứng dụng, cố gắng xin tài trợ của chính phủ, từ các nhà đầu tư, nhưng mọi người đều từ chối nó".

Năm 2013, Đại học Pennsylvania đã kết luận rằng bà "không đủ chất lượng để làm giảng viên". Sau khi quyết định gia nhập BioNTech với tư cách là phó chủ tịch, bà còn bị giễu: "Khi tôi nói với họ rằng tôi sẽ rời đi, họ đã cười nhạo tôi và nói, BioNTech thậm chí còn không có trang web".

Karikó tâm sự với tôi rằng bà có lịch làm việc dày đặc ở Hà Nội tuần này. Điều này không có gì lạ với bà, trước đó, bà cũng kể với báo giới quốc tế mình thường bắt đầu làm việc từ sáu giờ sáng, nhiều khi kể cả vào cuối tuần, thậm chí ngủ qua đêm tại phòng làm việc. "Nó có vẻ điên rồ, vật lộn, nhưng tôi thấy hạnh phúc trong phòng thí nghiệm", bà nói.

Chính xác là như vậy. Tôi cũng đã trải qua nhưng ngày như thế. Làm nghề nghiên cứu trong các đại học ở Mỹ, lương ba cọc ba đồng, nhưng dường như những người đam mê khoa học chúng tôi không ai để ý đến quyền lợi vật chất.

Tôi cũng từng đêm đêm nằm mơ thấy những đoạn gene cắt nối và những vi khuẩn chuyển gene. Sáng sớm là vội bật dậy, lao đến phòng thí nghiệm xem chúng đã mọc chưa. Nhiều ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, tôi cũng ngồi lì trong phòng thí nghiệm.

Tôi đã nghiên cứu về hai căn bệnh liên quan đến cơ và thần kinh vận động (DMD và SMA). Đề tài chính tôi theo đuổi trong nhiều năm là tạo ra được mô hình động vật mang bệnh tương tự như ở người, dùng để thử thuốc và thử các phương pháp điều trị, đặc biệt là về liệu pháp gene.

Những con chuột chuyển gene bệnh từ người của tôi hiện được lưu trữ tại Jackson Laboratory, nơi giữ toàn bộ các mẫu động vật chuyển gene lớn nhất của thế giới.

Cộng tác với một phòng thí nghiệm của bệnh viện trẻ em, liệu pháp điều trị gene cho bệnh nhược cơ của chúng tôi đã thành công, được công bố trên tạp chí Nature Biotechnolgy vào năm 2010, và sau đó liệu pháp được Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) phê chuẩn. Công ty công nghệ AveXis ra đời tại Illinoi đã sử dụng công nghệ liệu pháp gene này, sau đó đã trở thành công ty niêm yết thành công trên sàn chứng khoán của Mỹ.

Tôi và cộng sự đã làm ra mô hình đó nhưng không liên quan đến việc kinh doanh. Chúng tôi hài lòng với công việc nghiên cứu cơ bản và không đòi hỏi về quyền lợi. Trên cả đam mê, nghiên cứu còn là "nghiệp" mà các nhà khoa học đã lựa chọn. Chúa đã phân cho mỗi người một vai. Và tôi tự an bài với những gì mình đã có.

Sáng ngày 20/1 tại Mỹ, tôi dành trọn thời gian theo dõi buổi tường thuật trực tuyến lễ trao giải thưởng tại Hà Nội cho các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ mới. Đặc biệt với ba người có công đầu trong việc đặt nền móng cho công nghệ vaccine mRNA lần đầu tiên được ứng dụng, góp phần cứu sống hàng chục triệu sinh mạng và bảo vệ hàng tỷ người trên hành tinh.

Đây là một cơ hội vàng để mời được những nhân vật xuất chúng về khoa học thế giới đến Việt Nam. Nhân cơ hội này, tôi tự hỏi, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học nào có điều kiện để đến làm quen hoặc trao đổi học thuật, đặt ra việc hợp tác với các chuyên gia hàng đầu này không?



Tôi hy vọng các đơn vị ở Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này, mời các chuyên gia xuất sắc giúp một số lĩnh vực mà họ quan tâm và muốn theo đuổi. Ví dụ, công nghệ mRNA không chỉ là vấn đề sản xuất vaccine chống Covid-19 mà còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư và các bệnh di truyền... Ngoài ra, còn các lĩnh vực mới đang là mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện nay là công nghệ về vật liệu mới liên quan đến rất nhiều lĩnh vực về AI (Trí tuệ nhân tạo), môi trường, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe... Chúng rất khó và không đơn giản chút nào, chính vì thế nên mới phải thử. Cơ hội và vận may chỉ đến nếu chúng ta dấn thân.

Nhiều nước trên thế giới cũng có giải thưởng vinh danh các khoa học gia xuất sắc toàn cầu, như giải Hoàng tử Mahidol từ năm 1992 của Thái Lan, giải Tang của Trung Quốc từ năm 2014... Các công ty lớn nhất thế giới như Microsoft, Google, Facebook... không lập giải thưởng, nhưng họ bỏ ra hàng trăm triệu USD cho các nhà khoa học nghiên cứu thử nghiệm và thực hiện các dự án thử nghiệm. Đó là các nghiên cứu sơ bộ, quy mô nhỏ được thực hiện để đánh giá tính khả thi, thời gian, chi phí, các yếu tố ảnh hưởng để hình thành nên một hướng nghiên cứu, hoặc một lĩnh vực công nghệ mới.

Các doanh nghiệp lớn sẵn sàng tài trợ hàng chục đề án thăm dò, tốn cả trăm triệu USD mà kết quả nhiều khi là số không. Nhưng họ biết, nếu may mắn, chỉ cần một đề án thành công là có "lãi".

Việc các bộ óc khoa học hàng đầu nhân loại đến Hà Nội khiến tôi nghĩ, cần làm thêm nhiều việc để khơi dậy tình yêu khoa học, hoài bão trong cuộc sống của thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi hy vọng các cơ quan liên quan trong nước sẽ nghĩ về điều đó và hành động nhiều hơn nữa.

Câu hỏi hôm nay là: Chúng ta sẽ làm gì và đứng ở đâu trên bản đồ các nghiên cứu đột phá của thế giới?

Theo VnExpress

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Manh nha doanh nghiệp mô hình Việt Á

 

Doanh nghiệp quảng cáo có 10ha sâm: 'Thực tế không có'

Cập nhật lúc 08:59                

Liên quan đến vụ quảng cáo có vườn sâm Ngọc Linh 10ha nhưng không chứng minh được, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã kiểm tra thực địa và kết luận Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam không có 10ha sâm như đã công bố.

Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam tại Kon Tum vẫn mở cửa hoạt động bình thường - Ảnh: TRẦN VẤN

Ngày 21-1, ông Huỳnh Văn Liêm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam đã có "Thông cáo làm rõ thông tin" gửi sở này.

Trong thông cáo nói trên (đề ngày 17-1), công ty này cho rằng: "Có thể, tại thời điểm đông đúc của lễ khai trương cũng như hạn hẹp nhất định về mặt thời gian, vì vậy, nên Sâm Việt Nam chưa thể thông tin và diễn giải toàn bộ nội dung trên để quý cơ quan, báo chí cùng khách hàng được tường tận và minh bạch.

Nay, bằng văn bản này, chúng tôi xin được diễn giải và làm rõ hơn nội dung. Theo tính toán của Sâm Việt Nam, thì tại lễ khai trương, tổng diện tích rừng trồng các sản phẩm mà Sâm Việt Nam đã, đang và sẽ trong quá trình triển khai liên kết, hợp tác với các đối tác của công ty ước tính đạt khoảng 10ha như đã thông tin trong lễ khai trương…

Rất mong với thông cáo này đã có thể làm rõ hơn những vấn đề hiểu lầm xảy ra trong thời gian qua".

Về việc Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam có "vườn sâm gốc với hơn 10ha tại hai địa điểm Ngọc Lây và Mường Hoong của Kon Tum" như thông cáo tại lễ khai trương (ngày 29-11) hay không, ông Liêm cho biết sau khi cùng Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư đi kiểm tra (theo chỉ đạo của UBND tỉnh), sở đã có báo cáo.

Trong đó, có kết luận: "Qua kết quả kiểm tra xác minh trên, thì việc Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam tại Kon Tum công bố sở hữu 10ha và liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông là không có.

Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam tại Kon Tum chỉ có mua của người dân 550 cây sâm Ngọc Linh, gửi lại người dân trồng đã cho thu hoạch được khoảng 1.000 hạt và được ông A Ngao gieo số hạt sâm Ngọc Linh này tại vườn...".

Các nhân viên của công ty này đang đóng gói sản phẩm - Ảnh: TRẦN VẤN

Cũng theo báo cáo này, tổ công tác đã 3 lần đến trụ sở Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam để làm việc và mời cùng đi kiểm tra thực địa để làm cơ sở rà soát đối chiếu hồ sơ liên quan đến việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

"Tuy nhiên, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam thông báo không có lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, cho nên không làm việc được với tổ công tác" .

Trong khi đó, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần liên lạc công ty này nhưng nhân viên nói không có lãnh đạo ở trụ sở, còn gọi điện thoại thì lãnh đạo công ty này không nghe.

Về việc này, ông Lê Ngọc Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cũng khẳng định: "Qua xác minh vấn đề công ty này công bố 10ha sâm, thực tế không có".

(Theo Tuổi trẻ) Trần Vấn

Đang và sẽ trồng 10 ha sâm nhưng nhà xưởng đã nhộn nhịp đóng gói sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Đây đúng là manh nha một công ty lừa đảo dạng Việt Á, chẳng cần sản xuất cũng có đủ kít xét nghiệm cho gần trăm triệu ngưới dân cả nước!

Thương Giang