Đổ xô mua thuốc 'hỗ trợ điều trị Covid-19' theo tâm lý đám đông Cập nhật lúc 09:45 Chuyên gia cho biết, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền này trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Những ngày qua, theo phản ánh của báo chí, giá nhiều loại thuốc như viên nang Kovir hay Xuyên Tâm Liên... tăng chóng mặt, không ít hiệu thuốc không có thuốc Xuyên Tâm Liên để bán do số lượng người mua tăng cao. Khách hàng muốn mua phải đặt tiền trước, để chủ hiệu thuốc đặt hàng, kèm theo đó là lời cảnh báo "thuốc đắt hơn trước rất nhiều" của nhân viên bán thuốc. Người dân đổ xô đi mua các loại thuốc trên sau khi Bộ Y tế có công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24/7 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, có liệt kê 12 sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid -19 như một số loại sirô, Ngọc bình phong gia Xuyên Tâm Liên, viên nang Kovir, Hoạt huyết Nhất Nhất… Dù ngay sau đó, công văn trên đã được Bộ Y tế thu hồi, nhưng hiện tượng tăng giá một số loại thuốc trong liệt kê vẫn chưa dừng lại. Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền này trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Chẳng hạn, tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 của Xuyên Tâm Liên hiện mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm và đang trong các bước thử nghiệm trên lâm sàng đánh giá khả năng điều trị Covid-19, đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19 của Xuyên tâm liên. Bộ Y tế ngày 26/7 cũng đã thu hồi lại Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Bộ Y tế đã thu hồi công văn từng liệt kê một số sản phẩm y học cổ truyền được sử dụng trong hỗ trợ và điều trị Covid-19 PGS.TS Nguyễn Văn Sái cho rằng, nhiều người dân đổ xô đi mua những loại thuốc cổ truyền trong danh mục đã bị Bộ Y tế thu hồi chủ yếu là hoàn toàn không cần thiết và cũng không nên tự ý mua thuốc với mục đích phòng ngừa Covid-19 bởi có thể gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng này đổ xô đi mua thuốc. Ông nhắc lại sự việc năm 2019, khi dịch cúm bùng phát, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Giá thuốc Tamiflu ngoài thị trường cũng tăng lên gấp nhiều lần. Tình trạng găm hàng, ôm hàng, "thổi” giá thuốc để trục lợi cũng diễn ra, có nơi bán 200.000-320.000 đồng/viên Tamiflu. Thời điểm đó, cơ quan y tế cùng các chuyên gia trong ngành đã khuyến cáo người dân cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời khẳng định Tamiflu chỉ là một loại thuốc hỗ trợ, không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 điều trị cúm. Nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc. Chưa kể, trong y học, đối với cúm, tự nhiên bệnh này cũng sẽ khỏi nếu sức khỏe tốt, quan trọng là không được để xảy ra biến chứng. "Tất cả những việc này cho thấy người dân đổ xô đi mua thuốc theo tâm lý đám đông, người không bị bệnh cũng mua để dự phòng. Người dân cần tỉnh táo, bám sát khuyến cáo và tư vấn của Bộ Y tế, không nên lao theo những việc làm vô bổ, tiêu tiền mua thuốc không hiệu quả, khiến tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thái Bình lưu ý. Cũng từ đây, ông nhấn mạnh, hệ thống y tế cần nâng cao tuyên truyền cho người người, hiện nay chưa có thuốc đặc trị hiệu quả bệnh Covid-19. Điều quan trọng nhất là người dân cần chú ý rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể trạng, ăn uống đầy đủ chất, bổ sung vitamin, tập thể dục, thường xuyên súc miệng nước muối... để phòng, chống dịch bệnh. Liên quan đến việc này, ngày 27/7, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm sát thị trường hàng hóa trong phòng chống dịch Covid-19, nhằm ngăn chặn hành vi tăng giá bất hợp lý. Công văn được phát đi ngay sau khi có thông tin phản ánh từ các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng internet, trong bối cảnh dịch Covid-9 diễn biến phức tạp, nhu cầu tâm lý phòng chống dịch bệnh của nhân dân tăng cao, trên thị trường xuất hiện một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19” chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó". Tổng cục Quản lý thị trường cũng đặc biệt lưu ý tới một số sản phẩm như Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương... Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm (nếu có), Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra, xử lý gửi về Tổng cục Quản lý thị trường (Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường) để tổng hợp. (Theo Đất Việt) Thành Luân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét