Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Giáo dục đào tạo

 

Vì sao Việt Nam cần đào tạo nhiều tiến sĩ?

Cập nhật lúc 09:32  

GS.TS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi: Nếu tiến sĩ đào tạo ra mà không có tác dụng gì thì đào tạo để làm  gì?

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 đang gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, quy chế mới đã "hạ chuẩn" tiến sĩ, có thể góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo nhưng về chất lượng lại khó có thể tăng lên.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, việc tranh cãi là đương nhiên khi thời gian qua, dư luận và nhiều nhà khoa học, nhà giáo bức xúc về chất lượng của các tiến sĩ mới được đào tạo ra, tác dụng" thực tế của những tiến sĩ này ít quá.

"Đáng lẽ đào tạo nhiều như vậy thì giáo dục đại học phải khác, hoạt động của các viện nghiên cứu phải khác. Tuy nhiên, thực tế lại không khác bao nhiêu, cứ thấp tà tà, không thể đi lên và rất nhiều tiến sĩ mới không phát huy tác dụng gì. Cho nên, nhiều tranh luận đã xảy ra, nhiều người cảm thấy nếu cứ đào tạo thế này thì còn lâu Việt Nam mới phát triển được, lại gây tốn kém cho Nhà nước và cả cá nhân người học", GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Vậy làm thế nào để đào tạo tiến sĩ có chất lượng? Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đây là một vấn đề lớn. Nhiều ý kiến cho rằng nghiên cứu sinh phải có bài báo quốc tế và coi đó là một chuẩn, nhưng trên thực tế đáng buồn là nhiều thầy hướng dẫn chưa chắc đã viết được bài báo quốc tế thì làm sao trò viết được? Khi ấy, bài báo quốc tế trở nên quá sức.

Theo GS Dong, muốn giải quyết vấn đề này một cách cơ bản thì các nhà khoa học đầu ngành nên ngồi lại với nhau, dưới sự chủ trì của Bộ GD-ĐT, để bàn luận, đi đến kết luận cơ bản, từ đó thực hiện. Nhưng kết luận thì phải bảo đảm những tiến sĩ mới sắp tới phải hơn được những tiến sĩ cũ, hơn về trình độ ngoại ngữ và công trình công bố phải có tác dụng, không phải viết xong rồi cất ngăn kéo.

 

Điều này thấy rõ ở nhiều luận án về khoa học xã hội. Theo GS Dong, rất nhiều luận án về khoa học xã hội cứ tràng giàng đại hải, làm theo một khuôn mẫu nào đó, rồi cuối cùng đưa ra giải pháp. Song giải pháp đưa ra lại rất... vô duyên, vì đã là giải pháp tức là phải ứng dụng được vào thực tế chứ không phải tự nghĩ ra những thứ "trên trời". Lại có những giải pháp chung chung,  có cũng được mà không có cũng chẳng sao, vô thưởng vô phạt.

Vi sao Viet Nam can dao tao nhieu tien si?Phóng to
 Điều đáng buồn là nhiều tiến sĩ đào tạo ra không phát huy tác dụng gì...

Minh chứng cho điều này, vị chuyên gia cho biết: "Nhiều luận án khi giải quyết một vấn đề gì thì giải pháp đầu tiên mà luận án đưa ra là nâng cao nhận thức. Nhưng làm gì mà không phải nâng cao nhận thức? Những khẩu hiệu ấy nghe... phát ngán. Nó không sai nhưng ai cũng làm thế thì nói làm gì?

Hay nói về thử nghiệm, người ta thường hỏi: Tôi đưa ra thế này thì bao nhiêu phần trăm đồng ý với tôi rồi coi đó là thử nghiệm, chủ quan vô cùng. Đáng lẽ phải đưa vào thực tế và  thực tế ấy so với yêu cầu thì vận hành thế nào, kết quả được hay không... Còn đi hỏi, người ta nói lung tung, bảo được/không được, rồi tổng kết đưa vào luận án. Khoa học xã hội như vậy thì rất không ổn, vậy nhưng sau cùng luận án ấy vẫn được thông qua", GS.TS Phạm Tất Dong chỉ rõ và cho rằng, lỗ hổng hiện nay trong đào tạo tiến sĩ là hổng từ hướng dẫn, chỉ đạo, luận văn nào cũng giống nhau, đưa ra những câu không nội hàm, không giải quyết được gì và điều này khác hoàn toàn với khoa học tự nhiên.

Phân tích thêm, GS Dong cũng bày tỏ sự không đồng tình với cách viết của nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là giáo dục. Ông cho biết, trong lĩnh vực giáo dục có nhiều luận văn... vô duyên, kể cả những bài viết đăng trên tạp chí khoa học của Bộ GD và được tính điểm.

Chẳng hạn, có bài viết về khung năng lực của giáo viên mẫu giáo. Ông không rõ người viết đã thực hiện đến đâu, kết luận có được không, nhưng người viết đưa ra vài trang giấy về khung năng lực giáo viên mẫu giáo trong khi bản thân có lẽ chưa chắc đã có 4 năng lực trong đó.

"Làm sao có chuyện lạ như vậy? Người ta cứ viết bài đăng báo, tạp chí rồi báo cáo công trình của họ được đăng trên tờ này, được chấm 0,5 điểm, thế là xong.

Làm như vậy không được. Ý kiến đưa ra phải được thẩm định trên thực tế, thực tế có chấp nhận hay không, không thể phóng đại mà viết", Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nói và cho rằng, Việt Nam đã đào tạo ra những người lý thuyết suông quá nhiều.

Cũng từ đây, GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi: Có nên lấy bài báo quốc tế không hay bản thân những tờ báo khoa học, nơi đăng bài viết của nghiên cứu sinh để họ được chấm điểm, phải cải tiến và phải có một hội đồng thẩm định thật rõ ràng?

Chính bởi tình hình thực tế đáng buồn ở Việt Nam hiện nay nên ông cho rằng tốt nhất hãy cứ từ từ mà làm, không thể tuyển như hiện nay. Hiện có nhiều viện nghiên cứu một năm nhận ồ ạt hàng loạt nghiên cứu sinh, thạc sĩ.

"Nếu tiến sĩ đào tạo ra mà không có tác dụng gì thì đào tạo để làm gì? Nhiều cơ quan cứ khoe năm nay đào tạo được mấy trăm thạc sĩ, mấy chục tiến sĩ, nhưng mấy chục, mấy trăm ấy phát huy tác dụng rất ít. Ấy là sự không thực tế.

Cũng có nhiều cơ quan chỉ đạo phải có bao nhiêu người này, bao nhiêu người kia nhưng thực tế không có. Người trước khi làm nghiên cứu sinh có bao giờ tự học?  Kiến thức của họ đã cùn, không bắt được vào những kiến thức mới nên không viết ra được cái gì", GS Phạm Tất Dong cho biết và chỉ ra điều đáng buồn là có không ít cơ quan được phép đào tạo nghiên cứu sinh nhưng năng lực rất yếu mà ông không tiện nêu tên.

Vị chuyên gia nói thẳng, có giáo sư hướng dẫn làm đề tài song bản thân người hướng dẫn cũng không biết lĩnh vực ấy là cái gì, còn người viết thì cả thực tế và lý thuyết đều không ăn nhập. Thế nhưng hội đồng vẫn "gật gù" thông qua vì ở trong nội bộ với nhau.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét