Cập nhật lúc 14:56 Trước mặt tôi là người đàn ông nổi tiếng trên mạng với thuyết thay đổi tư duy quyết
liệt – "xóa học" để sáng tạo. Người đàn ông này từng mệnh danh là
giáo sư "quần đùi", thách đố sinh viên dám nghĩ vượt ngoài khuôn
phép, vượt qua nỗi sợ của chính mình trước định kiến của đám đông. Cũng chính
ông khích lệ sinh viên chủ động trong học tập, gieo những hạt giống sáng tạo
trong giới giảng viên trẻ. Trong thời gian giãn cách
vì dịch Covid-19, ông chuyển sang tư vấn cho các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc
biệt truyền cảm hứng cho các tổ chức giáo dục… Ông còn cùng nhóm nghiên cứu,
cộng sự trẻ của mình thực hiện đề tài khoa học - xây dựng mạng lưới khám phá
những ứng dụng mới cho thuốc Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nhiều người còn biết đến
ông như vị giáo sư nổi tiếng đưa cuộc đời mình vào trang sách để lan tỏa rộng
hơn lý tưởng về giáo dục. Đọc những gì mà "Cha Voi"- nhân vật chính
của chúng ta viết cho con, nhiều người xúc động, vì ông không chỉ am hiểu tâm
hồn trẻ thơ, đặc biệt những tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, mà còn vừa làm cha, vừa
làm mẹ, nuôi dưỡng hai người con trai trưởng thành, trong đó có một người con
vượt qua chứng tự kỷ. Trong quán cà phê nhỏ ở
khu Vinhome, Giáo sư Trương Nguyện Thành cười sảng khoái: "Tôi chỉ là
một người bình thường, chẳng có gì để bạn trẻ phải ngưỡng mộ". Nhưng
chính cuộc đời của cậu bé bán thuốc lá, làm vườn nuôi 6 em ăn học, thay mẹ,
thay cha, sau này lênh đênh, lưu lạc trên biển để đến xứ cờ hoa đã khiến
nhiều người kinh ngạc. Trước đó, ông là người nổi tiếng ở trại tị nạn Thái
Lan, khi ngày ngày khiêng xác… những thuyền nhân tử nạn mang chôn trên đôi
vai gầy guộc của tuổi 19. Những ngày ở trại tị nạn
cùng với em trai ấy đã mở cho ông một trang khác của cuộc đời – chỉ có cật
lực làm lụng và vượt qua rào cản ngôn ngữ, chỉ có khoảng trống tự do sáng tạo
trong tư duy mới có thể giúp ông vượt lên, từ cậu sinh viên làm trong phòng
thí nghiệm đến người nhận học bổng dành cho những giáo sư trẻ có nhiều tiềm
năng nhất nước Mỹ.
- Bên Khoa Công nghệ Thông tin ĐH Bách Khoa và ĐH Y
Dược mới nộp đề tài cho Vingroup Innovation Foundation, ứng dụng trí tuệ nhân
tạo vào thiết kế dược và khám phá những ứng dụng mới cho thuốc Nam, mở ra cơ
hội cho nông phẩm giá trị cao. Khi tham gia dự án này, tôi muốn tạo cơ hội cho các
nhóm nghiên cứu VN ở những ngành nghề khác nhau có thể hợp tác, vì hợp tác đa
ngành ở VN chưa có. Tôi có thể dịch được ngôn ngữ dược, CNTT, trí tuệ nhân
tạo… Mục đích của nhóm nghiên cứu không phải là làm vaccine mà tạo nền tảng
khoa học phát triển dược phẩm, phát triển những ứng dụng của y học VN cổ
truyền.
Sâu xa hơn là sau vài chục năm, dù tôi có thể không
còn ở đây nữa thì nền tảng vẫn còn đó. Vaccine có thể 1-2 năm là điều chế
xong, nhưng sản xuất thuốc thì phải nhiều năm hơn. Chúng tôi vừa gửi đề tài
cho Vingroup, hy vọng đến tháng 9, tháng 10 có quyết định cuối cùng, nếu có
thì mình làm lớn, và nếu đội ngũ nghiên cứu lớn thì phát triển nhanh thôi. Thế còn sự nghiệp giáo dục, vì sao ông không tham
gia điều hành trường đại học như dự tính nữa? - Tôi chuyển hướng không làm cho ĐH Văn Lang vì lý
do khách quan. Do dịch Covid, tôi bị kẹt bên Mỹ, trong khi trường có quá
nhiều việc phải làm. Nên tôi rút lui để người khác điều hành. Khi về nước, đánh giá lại công việc, tôi mới nhận
ra một điều lâu nay không nghĩ tới. Sau khi tư vấn cho Vietravel đưa ra chiến
lược phát triển ở trường CĐ giáo dục Kent, tôi nhận ra chỉ trong vòng 1 tháng
mà mình làm được điều đó, thì tiềm năng giúp nhiều tổ chức khác nữa là rất
lớn. Trong khi đó, nếu tôi điều hành 1 trường đại học
thì có thể phải tham dự rất nhiều buổi họp, mất thời gian và dường như chất
xám không được đặt đúng chỗ. Vậy nên tôi chuyển hướng sang tư vấn cho các tổ
chức giáo dục và các doanh nghiệp start-up. Nhiều người cho rằng, giáo dục VN muốn thay đổi thì
phải đi từ gốc, từ bậc mầm non chứ không thể chờ lên tới đại học, ông nghĩ
sao về điều này? - Tôi cũng mới làm xong phần đánh giá và đưa ra
chiến lược phát triển các trường mầm non, trung học phổ thông, trường nghề…
Nói chung, tôi đi từ trường này sang trường kia, xem xét, chỉnh sửa, tư vấn,
gỡ khó cho họ. Từ kinh nghiệm điều hành ở ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang
và tổ chức start-up, chỉ cần đến nói chuyện trong hai, ba tuần thì tôi sẽ
nhìn ra được những vết nứt ở đâu đó mà họ không biết. Ông từng nói rằng ngay trong từ "giáo
dục"đã có thể tìm thấy triết lý đào tạo mới. "Dục" trong
"giáo dục" không chỉ là nuôi dưỡng, mà còn là sự đánh thức ham muốn
học hỏi. Với ham muốn kiến thức thì trọng tâm của quy trình đào tạo là ở
người học chứ không phải ở người dạy… - Ngay cả định nghĩa lại giáo dục là "thức
dục", cũng không phải ai cũng hiểu hết. Cái tôi cho rằng nếu cần sửa từ
gốc thì nên sửa từ 2 khía cạnh cùng một lúc, đó là từ phụ huynh và giảng
viên. Và sửa cùng lúc, bắt đầu từ mầm non lên tiểu học. Không thể sửa từ đại
học, vì lúc đó tre đã thọc nóc nhà rồi, không còn cách nào khác ngoài cách
chặt ngọn thôi. Để tìm ra các vết nứt trong hệ thống, tôi đi từ góc
nhìn quản trị, vốn là điểm yếu của không ít tổ chức ở Việt Nam. Vết nứt thứ hai là chưa có sự kết nối giữa phụ
huynh và giáo viên về mặt tâm lý và phương pháp giáo dục. Phải nhìn nhận rằng
phụ huynh hiện nay giống như đang "giao hàng" - con cái của chính
mình cho nhà trường, trong khi 50% tư duy của đứa trẻ hình thành phụ thuộc
vào cha mẹ hay… người giúp việc. Đợi đến 9-10 tuổi thì quá trình hình thành
tư duy đã xong rồi. Cha mẹ dù thành công đến mấy mà giao con cho người giúp
việc thì thua, chúng sẽ tư duy… y như người giúp việc vậy. Do thiếu sự bắt tay giữa phụ huynh và giáo viên nên
vòng lẩn quẩn bắt đầu: Phụ huynh chuyển hết trách nhiệm cho nhà trường, nhà
trường lại nhắm xuống giáo viên, giáo viên thì sợ chỉ tiêu và sợ cả phụ
huynh! Hỏng ngay từ chỗ đó. Sửa 3 cái gốc tôi vừa nêu thì may ra có những thế
hệ trẻ có tư duy tốt. Còn với những doanh nghiệp startup và các tổ chức
giáo dục, ông cho "thuốc" gì? - Doanh nghiệp nói chuyện với tôi, họ thường chịu
áp lực hiện tại quá lớn và bị bó cái đầu lại, giống như trời mưa to mà nhà bị
dột thì chỉ biết cầm cái xô hứng nước và cứ chạy vòng vòng… Khi có cơ hội thì
không chịu lắng nghe, đánh giá và suy nghĩ ra cách để kỳ mưa sau không phải
chịu trận như vậy nữa. Trong chẩn bệnh, phải chỉ ra nguyên nhân của cái
vòng xoay đó. Thí dụ như trong thời Covid-19, một công ty bị co lại doanh
thu, họ phải đưa ra chính sách nhất quán để tồn tại. Vấn đề là hầu như 99%
ông giám đốc đều thực thi theo cách giảm lương đồng bộ từ 30-40%, giảm thời
gian làm việc của nhân viên. Đó là quyết định dại nhất, là tự giết mình. Là bởi người giỏi sẽ không dại gì tiếp tục công
việc ở nơi hụt mất 30% lương, sẽ sang chỗ khác, hoặc kiếm chỗ làm thêm, dẫn
đến năng suất thấp. Còn những người dở sẽ cố đấm ăn xôi để ở lại, cuối cùng ở
thời điểm đó, người giỏi đi hết, chỉ còn người dở. Thay vì cách làm phổ biến
như vậy, người cầm đầu chỉ cần bỏ ra một thời gian ngắn, nửa tháng đến 1
tháng, đánh giá toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, cần phát triển thêm chỗ
nào, cần đóng lại chỗ nào, tái cơ cấu, dịch chuyển nhân sự ra sao. Những
người dở có thể cho đi, nhưng phải giữ lại cho được người giỏi. Doanh nghiệp khôn ngoan tại thời điểm này phải tự
cắt giảm những phần không cần thiết, dồn sức vào những gì cần đầu tư và phát
triển lên thêm. Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ thắng nhờ bộ máy gọn nhẹ và linh
hoạt. Khi mọi chuyện ổn thì họ sẽ đi rất nhanh, thay vì cắt giảm đại trà để
rồi đi chậm hơn. Đấy là những gì mà chỉ cách nhìn khác, suy nghĩ khác
mới làm được. Đó cũng là cách của tôi - cho người ta một góc nhìn mới, để họ
nghĩ ra được theo hướng mới vì trước đây chưa ai chỉ họ đi ra khỏi lùm cây để
thấy con đường. Sai lầm của giáo dục vẫn xuất phát từ đào tạo con
người. Nhưng nhìn ra các nước trong khu vực, vì sao họ không bị quanh quẩn
với chiến lược thay đổi liên tục như ở ta, thưa ông? - Ở Cambodia, giáo dục không bị ràng buộc như ở VN,
họ được quyền phát triển mọi hướng. Thích theo Nhật hay Mỹ cứ theo. Họ muốn
nhập hệ thống nào, cứ việc! Chính sự lựa chọn không bị ràng buộc ấy khiến họ
được cởi trói và chọn được mô hình hay để thích nghi. Còn mình không có sự
lựa chọn hoặc có chăng lại bị ràng buộc, cho nên tự nhiên ổ bánh mì thành cái
cháo quẫy. Mặc dù ban đầu là nhập ổ bánh mì. Nói thẳng luôn, có những điều mà
những chuyên gia như chúng tôi lo không tới, để lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào
tạo đưa ra những chiến lược phát triển, nhận định… Tôi là thợ làm đúng hơn là
thợ nói. Còn nếu cứ nói cho vui rồi thôi thì chuyện phát triển nghiên cứu
khoa học mười mấy năm rồi có góp ý đến mấy cũng chẳng suy suyển gì cả! Từ xưa tới nay, tôi hợp tác không vụ lợi, kể cả
những đề tài nghiên cứu ở VN tôi đều không nhận đồng nào ngoài chi phí đi lại
và sinh hoạt ở VN từ phụ cấp lúc còn là Viện trưởng khoa học Viện Khoa học và
Công nghệ Tính toán của TP.HCM mà dùng số tiền đó trả lương cho nghiên cứu
sinh. Thậm chí, tôi còn sẵn sàng bỏ 3 tháng lương hè gần 40 ngàn USD, bỏ phí
và công để bay về Việt Nam giúp phát triển khoa học cho VN. Chấp nhận để giúp
đỡ họ vì tôi đặc biệt yêu thương thế hệ trẻ ở Việt Nam. Ông hy vọng gì ở thế hệ mới này? - Tôi nghĩ rằng mình đang gieo những hạt giống, sau
này sẽ nhân ra nhiều hạt giống khác, chứ không mong thay đổi cả thế hệ. Thí
dụ, 20 năm trước tôi có nhận một số nghiên cứu sinh từ Thái Lan qua chương
trình học bổng của vua Thái. Hiện các em là những giáo sư có tiếng tăm, có
người lên trưởng khoa ở các trường đại học lớn ở Thái Lan. Ở VN thì hiện tại
tôi cũng có một số học trò cũ hiện đang là PGS ở các đại học có tiếng. Đó là những hạt giống mà tôi đã gieo tại nhiều
trường ĐH lớn. Tôi đào tạo cho các em có tư duy tốt. Chỉ cần thế thôi. Thực
sự thì một con én không làm nên mùa xuân. Từ khi giảng dạy ở ĐH Hoa Sen và sau là ĐH Văn
Lang, ông đã làm những gì để thay đổi tư duy người học? - Nếu để ý sẽ thấy lâu lâu tôi đặt vấn đề trên
trang Facebook cá nhân để người đọc suy nghĩ hay ít nhất cũng phải dừng lại
để suy nghĩ. Ví dụ "thức dục", tại sao ra chữ đó? Mới vừa rồi tôi
đưa ra từ "xóa học" khiến nhiều người phải ngẫm kỹ. Vì sao tôi đặt câu hỏi hệ lụy của đào tạo "mì
ăn liền" với giải pháp mẫu là khi giải pháp ấy không còn hợp lý, lúc ấy
sẽ chết mà không biết tại sao mình chết? Tại sao có lối đào tạo "mì ăn
liền"? Tại vì người ta phát ngấy với chuyện mì không ăn được, tức chỉ
nói lý thuyết, là mì "vẽ". Chứ đưa mì chất lượng thì người ta không
đòi "mì ăn liền". Cho nên phải quay ngược lại, mình chê "mì ăn
liền", nhưng câu hỏi sâu xa hơn là vì sao xã hội cần "mì ăn
liền"… Còn hậu quả của "mì ăn liền" thì như mọi người biết rồi. Xã hội nên giải quyết hai loại mì đó đi. Rất đơn
giản. Cả "mì vẽ" lẫn "mì ăn liền" đều không xài được. Nelson Madela từng nói: "Để phá hủy bất kỳ
quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa.
Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của
sinh viên…" - Đúng. Quốc gia là gì, tổ chức là gì? Tổ chức là
tập hợp những con người làm một việc gì đó, với mục đích gì đó ở trong một
quốc gia. Quốc gia là tập hợp những con người trong xã hội. Con người dở thì
quốc gia làm sao mạnh được! Câu chuyện quá đơn giản. Chung quy ra tất cả mọi
thứ, giáo dục là gì? Là con người. Sản phẩm của giáo dục cũng là con người,
xã hội là tập hợp của những con người. Tương lai của quốc gia là tập hợp khả
năng của những con người…
Nhiều người hỏi, liệu các hạt giống tôi gieo hiện
đang du học ở nước ngoài có trở về VN? Khó hy vọng vì họ có nhiều lựa chọn,
và vì sao phải chọn VN? Còn tôi thì có suy nghĩ khác, người đi tu không phải
lên núi mới là tu, lên đó không gặp thử thách thì làm sao biết mình tu thành
hay không? Muốn tu phải xuống chỗ chợ, tu giữa đời. Ông từng nói, với ông, không có định nghĩa thành
công hay thất bại mà chỉ là dám làm hay không mà thôi. Ông có thể nói rõ hơn
về điều này? - Tôi xác định mình tiếp tục tư vấn cho các tổ chức
giáo dục, những start-up xây dựng nền tảng hỗ trợ cho giáo dục VN. Nền tảng
giúp cho việc tương tác giữa người dạy và người học tốt hơn. Gặp trở ngại thì
xử lý, chứ với tôi, không có khái niệm "thất bại" hay"thành
công" gì cả. Cũng nói thêm, tôi sắp giới thiệu ra cộng đồng môn
thể dục do mình tự khám phá ra. Tôi đặt tên nó là Kidao (Khí Đạo). Sau một
thời gian dùng mình làm thí nghiệm, tôi thấy hiệu quả, sức khỏe của tôi tốt
hơn trước đây rất nhiều, tóc bạc trắng giờ đen trở lại. Lúc tôi làm ra môn thể dục này là khi tôi sống trong
phòng ngủ chật hẹp thời cách ly. Vào thời điểm đó tôi thích thú với môn tâm
lý học, thần kinh học. Tại sao có những nghiên cứu phát triển thế này mà mình
không ứng dụng? Rồi kinh nghiệm học võ, cùng tư duy làm nhà khoa học khá
"hiếu thắng", tôi không học theo yoga, khí công, mà chống lại những
cái có sẵn. Thắng thì lợi cho sức khỏe, còn thua thì cũng chẳng sao vì đó là
các môn tồn tại cả ngàn năm. Đừng chỉ tin vào kinh nghiệm của ngàn năm trước,
mà hãy tự trải nghiệm, và sao không mang kiến thức hiện đại ra thực hành? Trong khoa học, tôi cũng hay đả phá các giáo sư.
Tôi không đi theo bất cứ lối mòn nào, kể cả lối mòn của tôi. Món ăn tôi nấu
không bao giờ lặp lại,vì linh hoạt dựa trên những nguyên liệu có sẵn. Hồi nghiên cứu sinh, tôi từng bị phê bình cái gì
cũng muốn làm hết, các đàn anh khuyên tôi nên tập trung vào một thứ. Nhưng
với học trò của tôi, mỗi luận án tiến sĩ là một hướng nghiên cứu khác nhau.
Tôi có 4 học trò VN hiện là giảng viên trong nước với 4 luận án tiến sĩ khác
nhau: Y sinh, hóa năng lượng, vật liệu, polimer… Người ta nói tôi tuổi Tân
Sửu, gặp cái gì cũ thì không chịu được, phải "húc đầu" vào cái mới. Triết lý giáo dục của ông là gì? - Triết lý giáo dục của tôi là học mà không học,
dạy mà không dạy. Học mà không học, nghĩa là học mà chơi, chơi mà học. Dạy mà
như không dạy, không dạy mà là dạy, tôi dạy nhưng không ép học trò phải nghe
lời tôi nói, không dạy nhưng tạo môi trường để họ học hỏi. GS Trương Nguyện Thành thường không bao giờ đánh
giá 1 vấn đề theo cảm giác đúng hay sai, tốt hay xấu, thiện hay ác… Vì theo
ông, trong cái tốt có cái xấu, trong cái ác có cái thiện. Cho nên, là nhà
khoa học, ông nạp các thông tin, bối cảnh, rồi vẽ lại bức tranh khách quan
không bị chi phối bởi cảm tính của mình hay bởi chuẩn mực đạo đức.
"Không phải tôi coi mình tốt hơn ai, mà là không muốn mang chuẩn mực đạo
đức hay định kiến của mình đặt lên cho một ai. Mỗi người có một chuẩn mực đạo
đức của riêng mình". Nói đến ông, người ta nhớ ngay đến vị giáo sư nổi
danh ở Đại học Utah (Mỹ) với câu nói: "Khi con người không bị áp lực,
được động viên đúng cách và đúng thời điểm, họ sẽ có sức sáng tạo và có khả
năng chạm tới những năng lực vô biên". Xa xứ đã lâu, về nước, ông có sớm
thích nghi với hoàn cảnh? - Chính vì tính cách của mình mà ở đâu tôi cũng sống
được. Nhiều người nói tôi quá kiên nhẫn, nhưng tôi nghĩ, tức tối và bực bội
là tự hại mình. Người làm cho mình bực bội có biết đâu! Có những thứ ngoài
đường nhìn vào sẽ không tránh khỏi bực bội, nhưng tự nhiên đem rác đổ vô nhà
mình là sao? Suy nghĩ của tôi cũng khá giống cái gốc của thiền.
Trong cuộc sống, tôi không nói với người khác là mình thiền, nhưng chuyện tôi
làm, vấn đề tôi suy nghĩ lại là thiền. Ví dụ, tôi nhìn đời một cách khoan
dung, không để rác rưởi xả vô trong đầu. Thực sự khi nói chuyện những người
thiền thì họ nói, tôi có duyên tu giữa chợ. Còn những người muốn sống và phát triển ở VN, cái
tâm phải tĩnh. Cái tâm vẫn còn mong muốn thay đổi thì sẽ bị bất lực, tức tối
vì sẽ không có gì thay đổi trong thời gian mình mong muốn. Mà nếu không như
mình mong muốn thì sẽ thất vọng, stress, rồi đủ thứ chuyện… Ở VN muốn làm gì cũng phải thích nghi và cái tâm
phải thật tĩnh để nhìn các yếu tố ảnh hưởng đến sự việc nào đó. Và nếu như
chỉ nhìn ở những chuyện xảy ra trên bàn mà quyết định sự việc thì hoàn toàn
sai vì còn nhiều sợi dây kéo dưới bàn. Mà không tĩnh tâm suy nghĩ, cứ quyết
đoán những gì trước mắt thì dễ mắc sai lầm liên tục. Cho nên đó chính là lý
do tôi không đánh giá một điều gì… Phải chăng, quá khứ của cậu bé nghèo làm thuê nuôi
các em, đến câu chuyện vượt biển, vượt rào cản ngôn ngữ để vươn lên thành
giáo sư đại học đã hun đúc một con người nghị lực như thế? - Nhớ lại, khổ cực thì có nhưng cảm giác của những
lần chết hụt như vẫn còn trong tôi. Hồi 5 tuổi, tôi đã từng bị đuối nước, may
mà được cứu kịp thời. Còn hồi vượt biên, tôi bị bão nhồi tàu. Người em cô cậu
bị hất văng ra khỏi tàu mất tích. Lúc đó tôi bị ngất xỉu, may mà em trai cứu
tôi, nằm đè lên người để không bị văng xuống biển. Lúc tôi ở trại tị nạn, những người đi bằng thuyền
xuống miền Nam thường gặp cướp. Khi tới Thái Lan, mỗi tuần có tàu mới vô lại
có người chết trên ghe. Người Việt ngại người chết bất đắc kỳ tử, nhưng tôi
thì không sợ. Hàng tuần, tôi cứ vác những người chết vô bờ để đưa vào lò
thiêu trong trại tỵ nạn, như vác bao gạo 50-60kg vậy. Trong đời mình, tôi đã nhận được nhiều thứ, thì bây
giờ là lúc để giúp lại những người khác. Hiện tại, làm việc với những tổ chức giáo dục tư,
tôi hy vọng tạo tiền đề cho họ hoạt động hiệu quả hơn và thấy được ảnh hưởng
của chương trình đào tạo phát triển chuẩn, như cần đào tạo giảng viên bài bản
nhằm tạo nên những môi trường giáo dục tốt hơn, để các lứa học trò trở thành
những hạt giống tốt hơn. Xin cảm ơn giáo sư! Theo Theo Đân Việt |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét