Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Kinh tế

 

Có đúng là 99% dự án điện than mới Việt Nam không lời?

Cập nhật lúc 09:38     

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phản bác lại một số nhận định trong báo cáo vừa được công bố của Carbon Tracker.

Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, Carbon Tracker - tổ chức tư vấn tài chính chuyên phân tích tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng, đánh giá, việc đầu tư vào các nhà máy điện than nhìn chung không khả thi cả về mặt kinh tế và môi trường.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, Việt Nam có gần 24GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch. Trong số này, Carbon Tracker đánh giá tới 99% các dự án không khả thi trong điều kiện kinh doanh bình thường.

Tổ chức này nhận định, năng lượng tái tạo mới sẽ cạnh tranh với các tổ máy điện than hiện có ở Việt Nam vào năm 2022.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thể hiện sự không đồng tình với một số nhận định mà Carbon Tracker đưa ra.

Theo ông Ngãi, hiện tại nhiệt điện than có mặt ở 77 nước (vào năm 2000 con số này là 65), 13 nước khác đang có kế hoạch phát triển nhiệt điện than. Công suất nhiệt điện than thế giới đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2000-2017, từ 1.063GW lên đến 1.995GW.

 Hiện công suất nhiệt điện than Việt Nam mới đạt khoảng 27.000 MW, trong khi đó từ trước tới nay, Việt Nam sống dựa vào nhiệt điện than vì loại năng lượng này có một số ưu việt.

Thứ nhất, vốn đầu tư không lớn, song hiệu quả kinh tế cao, vận hành liên tục. Nhiệt điện than là nguồn điện ổn định quanh năm, số giờ vận hành lên tới 7.000 giờ/năm, thậm chí cao hơn, hiện chưa có nguồn điện nào đạt được kỷ lục như vậy.

Thứ hai, công nghệ điện than ngày càng tiến bộ. Trước đây, các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ lò tầng sôi, các chỉ số về ô nhiễm môi trường như tro xỉ, khí CO2, SOx cao. Nhưng giờ đây, các nhà máy điện than không sử dụng công nghệ này nữa mà thay vào đó là công nghệ siêu tới hạn, hạn chế được khí CO2, SO2, SOx phát thải ra môi trường, môi trường được cải thiện rất lớn, đặc biệt là tro xỉ thải ra rất ít.

"Các dự án điện than sau này của Việt Nam, như Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Trung tâm Điện lực Duyên hải, Trung tâm Điện lực Long Phú, Trung tâm Điện lực Sông Hậu... đều dùng công nghệ siêu tới hạn. Thế giới bây giờ cũng hướng về công nghệ đó, vấn đề ở chỗ nguồn than ngày càng khan hiếm, và đây là lý do hạn chế xây dựng các nhà máy nhiệt điện than", ông Trần Viết Ngãi giải thích.

Đối với năng lượng tái tạo, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, chỉ có điện gió ngoài khơi mới cạnh tranh được với nhiệt điện than. Điện gió trong đất liền và điện mặt trời không cạnh tranh được với điện than vì lúc được lúc không, thiếu ổn định.

99% du an dien than moi Viet Nam khong loi: Noi lai...   

Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh minh họa

Cho nên, trong Tổng sơ đồ điện VIII, dự kiến tỷ trọng nhiệt điện than chiếm khoảng 40% vào năm 2025, theo ông Ngãi cũng là thỏa đáng, "để cân bằng dư luận xã hội, cân bằng với LNG, năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo chỉ phát được ban ngày, trừ điện gió ngoài khơi, mà điện gió ngoài khơi hiện Việt Nam chưa có dự án nào. Tuy nhiên, nếu đầu tư phát triển tốt thì điện gió ngoài khơi dần dần có thể thay thế được nhiệt điện than, LNG...", ông Ngãi nhận xét.

Liên quan đến nhiệt điện than, trong nhiều lần trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khẳng định, nhiệt điện than đang đứng trước xu hướng thoái trào và nhiều chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế có chính sách thắt chặt tài chính đối với loại năng lượng này. Chính vì thế, khả năng huy động vốn cho nhiệt điện than không mấy dễ dàng.

Bên cạnh đó là sự tham gia ngày càng đông đảo của các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới trong việc nói không với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp. Trong khi đó, năng lượng tái tạo đang trở thành sự lựa chọn thay thế của nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với nguồn tài chính tăng mạnh đầu tư vào nguồn năng lượng này.

Ngay trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đơn vị tư vấn cũng thừa nhận, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện lớn gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các dự án điện than.

Trong báo cáo "Bùng nổ và thoái trào 2021: Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu" được công bố hồi tháng 4/2021 bởi Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), Sierra Club, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), Climate Risk Horizons, GreenID và Ekosfer đã nêu rõ, lượng điện than của Việt Nam tăng nhanh hơn so với hầu hết các nước khác. Việt Nam đã bổ sung 2/3 (11,8GW) trong tổng số 18 GW điện than đang vận hành kể từ năm 2015.

Tuy nhiên, theo GreenID, ít nhất 6GW điện than đã không thể vào vận hành theo kế hoạch, chủ yếu do sự chưa đồng thuận của người dân và khó khăn trong việc huy động vốn. Thời gian triển khai kéo dài của các dự án điện than đã làm dấy lên quan ngại rằng tiến độ thi công của các dự án này không thể kịp đáp ứng nhu cầu điện gia tăng của Việt Nam. Những khó khăn trong việc triển khai các dự án điện than đã khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam xem xét lại quy hoạch năng lượng quốc gia.

Báo cáo cho biết, chính quyền địa phương, bao gồm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Nghệ An, đã yêu cầu hủy 11,6 GW điện than hoặc chuyển sang các nguồn nhiên liệu khác. Việt Nam cũng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất cao hơn đối với các nhà máy điện than mới. Trong khi đó, các dự án như nhà máy điện than tại Nam Định đang khó khởi công trước khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Cũng theo báo cáo này, phần lớn các nhà máy điện than đã được cấp phép vẫn cần vốn do chỉ 22% (1,9 GW) trong tổng số 8,7 GW công suất điện than đã được cấp phép tại Việt Nam đã đóng tài chính.

"Dấu hiệu mới đây nhất cho thấy việc huy động vốn cho các dự án điện than đang gặp khó khăn đó là các nhà đầu tư và công ty đã rút khỏi các dự án điện than. Tháng 2/2021, Tập đoàn thương mại Mitsubishi của Nhật Bản đã rút khỏi dự án nhà máy điện than Vĩnh Tân 3 với lý do dự án này sẽ gây ra nhiều tác động môi trường tiêu cực", báo cáo cho biết.

Trong một động thái có liên quan, tháng 2/2020, Việt Nam đã đưa ra tín hiệu sẽ chuyển dịch khỏi điện than trong chiến lược phát triển năng lượng dài hạn và thúc đẩy thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2030-2045. Từ năm 2016 đến năm 2020, năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng 484%, cao gấp hai lần kế hoạch đề ra và tỷ trọng của năng lượng tái tạo phi thủy điện trong cơ cấu công suất điện quốc gia đã tăng lên mức 26% tính đến cuối năm 2020.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét