Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

Quản lí nhà nước

 

Những lỗ hổng thất thoát tiền bạc nhà nước

Cập nhật lúc 14:40 

Có hiện tượng các viện nghiên cứu nhận người thân quen vào làm việc, rồi đẩy xuống các đề tài cho họ. Có những cá nhân chỉ làm rối các nhà khoa học thực sự…

Quản lý đề tài: Tưởng chặt, nhưng rất lỏng

Giải ngân trong hoạt động nghiên cứu đang là vấn đề vướng mắc nhiều nhất cần tháo gỡ. Khi chi phí cho nghiên cứu được lấy từ ngân sách, bắt buộc phải tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước.

Trong qúa khứ, nhiều trường hợp đề tài được duyệt vào tháng 5 hay 6, tiền được chuyển về vào thàng 9 - 10. Đến tháng 12 đã phải quyết toán mà không được phép chuyển sang năm tài khóa sau.

Dù có đề nghị thế nào đi chăng nữa, cơ quan quản lý cấp trên cũng không thể ra quy định chi tiêu khác với Luật Ngân sách.

 

Thay vì tập trung cho nghiên cứu, các nhà khoa học lại vướng vào việc lo hợp pháp hóa chứng từ, viết báo cáo định kỳ, đi họp hành... Ảnh: LB.

Ở nhiều nước, họ có các quỹ khác nhau để tài trợ cho nghiên cứu khoa học, và việc thu chi tuân thủ theo quy định của quỹ nhằm tạo sự năng động và mềm dẻo trong việc giải ngân trong nghiên cứu. 

Bộ NN-PTNT có thể nghiên cứu thành lập ra quỹ nào đó để phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ, tránh được những quy định ngặt nghèo của Luật Ngân sách.

Vấn đề thứ hai là tổ chức tại cơ sở nghiên cứu. Khi chủ nhiệm đề tài chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề tài nghiên cứu thì cần làm rõ vai trò của thủ trưởng cơ quan và kế toán trưởng như thế nào; vai trò của trưởng phòng tổ chức ra sao?

Có hiện tượng các viện nghiên cứu nhận người thân quen vào làm việc, rồi đẩy xuống cho họ các đề tài. Hoặc có các cá nhân không đủ khả năng nghiên cứu mà chỉ làm rối các nhà khoa học thực sự… Những vấn đề này cần có cơ chế để kiểm soát.

Vấn đề thứ ba là quản lý nghiên cứu khoa học. Nhà nước nhất thiết phải quản lý các đề tài nghiên cứu dùng tiền ngân sách, suốt cả trong quá trình phê duyệt, theo dõi, kiểm tra và nghiệm thu các đề tài.

Có thể nói sự quản lý này không chặt. Cách thức và hình thức nghe ra thì rất chặt nhưng rườm rà, gây phức tạp cho nghiên cứu, và thực tế cũng không hạn chế được số tiền thất thoát, không giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Đã có những phàn nàn rằng, chủ nhiệm đề tài phải lo hợp pháp hóa chứng từ, viết báo cáo định kỳ, đi họp hành giao ban... đã không đủ thời gian thì còn thời gian đâu dành cho nghiên cứu.

Một phòng thí nghiệm (trung tâm xuất sắc) ở Hồng Kông về virus đường hô hấp mỗi năm chi 2 triệu đô-la, nhưng chỉ cần có một báo cáo hành chính chưa đầy một trang giấy vào cuối năm.

Viết điều này không phải là đòi hỏi ở Việt Nam cũng phải làm được như vậy. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu, học hỏi và áp dụng những phương pháp quản lý nghiên cứu của các nước trên thế giới sao cho đơn giản và hiệu quả.

Hội đồng nghiệm thu na ná chấm luận án

Thành quả của nghiên cứu là các bài báo khoa học. Cái còn lại cho đời sau, sau tất cả mọi chi phí và công sức là bài báo khoa học. Bài báo khoa học là “các- vi -sit” hay “Business Card” của nhà khoa học chứ không phải mảnh giấy nho nhỏ, trên đó ghi tên tuổi, chức vụ, địa chỉ… Uy tín và trách nhiệm của nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu được phản ánh qua bài báo khoa học.


Nghiên cứu khoa học là lao động vô cùng vất vả, đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn, liên tục. Ảnh: LB.

Bài báo khoa học nói lên mọi kết quả nghiên cứu cả tên và số bằng sáng chế đã đăng ký được ghi trong đó.Các công ty, các nhà sản xuất tìm đến khoa học và các nhà khoa học thông qua bài báo khoa học… 

Điều đó nói lên tầm quan trọng của bài báo khoa học, giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng của một đề tài nghiên cứu.

Cá nhân tôi mất thời gian 6 tháng kể từ khi gửi đến khi được chấp nhận đăng bài đầu tiên của mình trên tạp chí Journal of General Virology. Trong quá trình đó, phải sửa đi sửa lại, thậm chí làm thêm một số thí nghiệm để bổ sung.

Do vậy, tôi cho rằng cần thay đổi nhận thức, coi trọng và chú ý đầu tư nhiều hơn vào việc viết báo cáo và xuất bản cái được tính điểm là “công trình khoa học” này.

Sở dĩ quản lý khoa học ở các nước khác đơn giản vì công trình khoa học được công bố là bằng chứng nói lên tất cả.

Điều muốn nhấn mạnh nữa là không có lĩnh vực nào như lĩnh vực khoa học, đòi hỏi Việt Nam muốn hòa nhập quốc tế, thì phải chấp nhận và áp dụng các tập quán khoa học được quốc tế công nhận. Trong khi đó ở chúng ta, lại thành lập hội đồng nghiệm thu.

Trong đó, hội đồng nghiệm thu đôi khi thành phần có nhiều người không đúng chuyên ngành hoặc thậm chí không phải nhà khoa học.

Các hội đồng đó na ná hội đồng chấm luận án tốt nghiệp đại học, luận án thạc sỹ, luận án tiến sỹ… Nhiều khi hội đồng sa đà vào chấm lỗi chính tả. Bản báo cáo nghiệm thu đề tài cũng na ná các luận án.

TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, môi trường khoa học không giành cho những người dối dá, cơ hội. Ảnh: TĐ.

Khoa học không dung nạp kẻ dối trá

Muốn có khoa học phải tạo ra môi trường khoa học. Thật khó để định nghĩa đầy đủ và súc tích thế nào là môi trường khoa học. Tôi xin nêu một vài đặc điểm của nó theo ý chủ quan và từ những gì thu nhận được trong cuộc đời làm khoa học của mình.

Môi trường khoa học là nơi các nhà khoa học hoạt động. Vậy nhà khoa học là người như thế nào? Có nhiều đặc điểm để diễn tả nhà khoa học. Tuy nhiên, phẩm chất quan trọng nhất là nói trung thực những gì quan sát thấy.

Để nói về phẩm chất này, phương Tây có câu so sánh như sau: Quân đội không dung nạp kẻ đảo ngũ; tình báo không dung nạp kẻ hai mang; ngân hàng không dung nạp kẻ tắt mắt và khoa học không dung nạp người không nói đúng những gì họ quan sát thấy.

Môi trường khoa học là nơi có mối quan hệ bình đẳng giữa các nhà khoa học. Ở đó không phân biệt cấp trên cấp dưới. Dù trong đó có quan hệ thầy trò, nhưng các ý kiến của mỗi người đều được tôn trọng. Nói cách khác, ở đó không có mối quan hệ chủ và tớ.

Đó là nơi không có sự nhân nhượng trong tranh luận học thuật. Nói chung không có khái niệm hay thái độ nhân nhượng trong khoa học. Phải tranh luận đến cùng mới có chân lý.

Cần chú ý rằng, khai thác thông tin khoa học cũng là một phần cơ hữu của nghiên cứu. Điểm này còn rất yếu tại các cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta còn cho phép bỏ qua cả chứng chỉ tiếng Anh.

Nhà khoa học phải biết tiếng Anh để đọc và báo cáo. Hơn thế nữa, đó là cơ chế để sàng lọc và tìm ra những nhà khoa học thực thụ. Nhân đây, cũng nói để bạn đọc hiểu rằng, nghề nghiên cứu khoa học là một nghề lao động vô cùng vất vả, đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn, liên tục.

 


TS Nguyễn Tiến Dũng bảo vệ luận án tiến sỹ tại Tours (Indre-et-Loire, Pháp) năm 1986. Ảnh:NVCC.

Góp ý để cởi trói cho nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp còn rất nhiều vấn đề. Cả đời làm nghiên cứu, từ khi ra trường đến khi đủ 60 tuổi để về hưu. Quá trình cống hiến, tôi cũng đã vinh dự được Nhà nước (Bộ Nội vụ) cấp chứng nhận là Nghiên cứu viên cao cấp khóa 1 của Việt Nam. 

Đến 60 tuổi, tôi được nghỉ hưu. Ở Mỹ, các nhà khoa học không nghỉ hưu, họ còn làm việc khi còn có được tài trợ để nghiên cứu.

Còn ở ta, nhiều nhà khoa học dù còn sức khỏe có thể cống hiến hơn nữa, nhưng sau khi nghỉ hưu, họ cảm thấy như trút được gánh nặng vì các sức ép bức bối, các thủ tục, các khó khăn về quản lý… khi thực hiện đề tài nghiên cứu trong suốt thời gian còn công tác.

Việc Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có sáng kiến tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp là rất hoan nghênh và trân trọng.

Bởi khai thác tài nguyên dù phong phú đến đâu cũng có giới hạn. Khai thác trí tuệ mới là vô tận. Cá nhân tôi hi vọng Bộ trưởng sẽ tập trung được trí tuệ các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, khai thác được nguồn tài nguyên vô tận này của Việt Nam.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét