Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Xây dựng, quy hoạch

 

Kho báu bên sông Hồng

 Cập nhật lúc 08:12                 

 

Năm 15 tuổi, tôi một mình tự bơi qua sông Hồng và tin rằng mình sẽ thành người lớn.

Đó là một điều ước từ lâu. Tôi đã bơi qua khúc sông giữa Bát Tràng và Khuyến Lương. Sang được bờ bên kia, sức gần kiệt, tôi nằm nghỉ, rồi cứ quần đùi ướt sũng nhờ chuyến đò ngang về lại bờ bên quê mình.

Quê tôi ngay ven sông Hồng tại Gia Lâm. Hồi bé, tôi vẫn đi bộ dọc đê sông Hồng từ nhà lên Hà Nội trọ học. Trí nhớ tôi vẫn in từng đoạn sông, nhất là mùa lũ. Đi trên con trạch của bờ đê, chúng tôi có thể khoả chân xuống nước sông đang dữ dằn chảy xiết.

Năm 1994, Tổng cục Địa chính mới thành lập, Thủ tướng ban hành Quyết định 773 về khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở đồng bằng. Tôi nhớ ngay đến quê mình. Bên kia sông là nơi đô hội, còn bên này sông, quê tôi vẫn xác xơ.

 

Đất đai bên bờ sông Hồng khu vực cầu Vĩnh Tuy chưa được khai thác hiệu quả. 

Tôi tự đi khảo sát bãi sông Hồng xem sao. Trên bãi bên thành phố, nhiều nhà tạm đơn sơ được dựng lên trái phép như những xóm nghèo cho dân tứ xứ thuê để kiếm sống, có cả xóm tụ bạ của xã hội đen. Thấy dăm biệt thự sang trọng trong vườn cây được chăm sóc công phu, tôi hỏi ra cũng là xây trái phép, nhưng đều của ông nọ, bà kia cả.

Phần bãi lùi ra xa Hà Nội, chính quyền các xã đều lạm quyền cho các hộ thuê đất để trồng trọt. Trông mà thấy phung phí đất đai quá.

Năm 2007, tập đoàn Posco, Hàn Quốc đã đề xuất dự án phát triển Thành phố Sông Hồng trên diện tích đất giữa hai con đê của sông dựa trên kinh nghiệm thành phố sông Hàn bên họ. Dự án dấy lên tranh luận gay gắt, người phản đối nhiều hơn người ủng hộ.

Có những ý kiến như: lại bày trò lấy đất của dân, đền bù rẻ mạt, biến thành đất ở rồi bán giá cao hơn; làm gì có doanh nghiệp nào đủ tiền mà xây thành phố hiện đại như thế... Tôi cũng viết một bài, cho rằng ý tưởng rất hay nhưng chỉ băn khoăn về phương án trị thuỷ con sông dễ giận này.

Dự án Thành phố Sông Hồng đến nay được nhắc lại nhiều lần. Mọi ý kiến dù chê hay khen đều ẩn chứa ý tưởng coi sông Hồng như phần hồn của Hà Nội. Không có sông Hồng, không phải là Thăng Long - Hà Nội.

Sông Hồng đứng đó cùng lịch sử đã tạo nên một Hà Nội khác biệt, đầy chất lãng mạn, oai hùng.

Tôi đã đọc nhiều thư tịch cổ về phong thuỷ Việt Nam. Người ta nói rằng dãy Hoàng Liên Sơn và sông Hồng là cặp long mạch một dương, một âm bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng qua nước ta, đến ngã ba hợp với sông Đà thì kết thúc, rồi sông Hồng chảy tiếp đổ ra biển Đông.

Nếu nối dài đường thẳng theo sông Hồng, phía Tây Bắc đi qua đỉnh Everest cao nhất thế giới và phía Đông Nam đi qua vũng Mariana sâu nhất thế giới. Về địa phong thuỷ, cặp long mạch gắn với sông Hồng đứng trên tầm thế giới, giúp cho đất nước và dân tộc Việt trường tồn.

Có ý kiến cho rằng, phố cổ Hà Nội có giá trị "vàng", tại sao đất bãi sông Hồng chỉ có giá trị "bèo". Hai nơi không xa nhau lắm mà giá trị đất đai cách nhau một trời, một vực. "Làm gì để đất bèo thành đất vàng?" là câu hỏi lớn cho Hà Nội. Theo tôi, dự án Thành phố Sông Hồng là câu trả lời.

Nhìn trên bản đồ ảnh vệ tinh, có thể thấy sông Hồng khi chảy qua Hà Nội như bị níu lại. Đoạn sông ở đây phình rộng ra, nhiều bãi giữa nổi lên làm ra cảnh tượng như hai con sông bện chặt vào nhau và quyến luyến Hà Nội không muốn chảy tiếp. Vì vậy mà cổ nhân đặt tên cho đoạn sông này là Nhị Hà. Từ đây, có thể thấy đoạn Nhị Hà ẩn chứa tiềm năng của một khu vui chơi giải trí gồm cả lịch sử lẫn cảnh quan hiện đại.

Ngày 1/8/2008, sau nhiều thảo luận phức tạp, Quốc hội đã quyết định sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, gồm Hà Đông và Sơn Tây xưa, vào Hà Nội theo tờ trình của Chính phủ. Tờ trình cũng nói tới thế phong thuỷ của Hà Nội khi được mở rộng.

Khi đó, tôi đã rất băn khoăn về quyết định này. Căn cốt về phong thuỷ không rõ ràng, bóng dáng về địa kinh tế để phát triển cũng mờ ảo. Điều thấy rõ nhất là giá đất Hà Tây cũ có thể tăng cao và văn hoá xứ Đoài rơi vào nguy cơ mất mát dần.

Thực ra, trước đó, khi xem xét mở rộng Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã đưa ra 5 phương án. Trong đó, phương án một đã được lựa chọn như hiện nay, các phương án hai tới bốn chỉ là gia giảm từ phương án một. Riêng phương án 5 mang theo triết lý phát triển khác, lấy sông Hồng làm trung tâm và chia Hà Nội thành hai nửa cân đối, tả và hữu sông Hồng.

Theo phương án 5, Hà Nội đón nhận thêm thành phố Hà Đông, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín của Hà Tây; huyện Mê Linh và Thị xã Phúc Yên của Vĩnh Phúc; huyện Từ Sơn, Thuận Thành của Bắc Ninh; huyện Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên.

Phương án này mới vực dậy địa thế phát triển Hà Nội dựa vào sông Hồng, hợp cả phong thuỷ theo tư duy xưa lẫn lý thuyết địa kinh tế hiện đại. Không gian sông Hồng từ đền Tản Viên Sơn Thánh trên núi Ba Vì phía Tây Bắc kéo đến đền Chử Đồng Tử phía Đông Nam, tạo nên khung cảnh hai trong "Tứ bất tử" của đất Việt gắn với sông Hồng, dẫn dắt Hà Nội trường tồn. Đoạn sông này hứa hẹn một thành phố du lịch trên sông với nhiều dạng cầu kết nối, nhiều công trình trên mặt nước khác biệt.

Dự án đến nay chưa thành hiện thực, nhưng tôi vẫn cho rằng nó là lựa chọn tối ưu cho Sông Hồng và Hà Nội. Sẽ có người đặt lại hai câu hỏi cơ bản: lấy kinh phí đâu để xây dựng và phương án trị thuỷ ra sao?

Phương án trị thuỷ hoàn toàn phụ thuộc vào giải pháp kỹ thuật, ngày nay ta có nhiều lựa chọn an toàn và độc đáo. Còn nghệ thuật tạo ra kinh phí đầu tư xây dựng là lấy từ vốn hoá đất đai. Đất bãi Sông Hồng đang giá "bèo" mà thành "vàng mười" thì làm gì chẳng được? Điều quan trọng là nguồn thu từ chuyển đổi đất đai phải được nhà nước đưa vào phát triển đô thị.

Các nước phát triển nhờ dùng nghệ thuật vốn hoá đất đai mà trở nên thịnh vượng. Đà Nẵng đã dùng cách này xây được một thành phố đáng sống, dù nguồn thu từ đất bị rơi vãi cũng nhiều.

"Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú đông, nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng?" (ý thơ Trần Mạnh Hảo). Ai chia xa Hà Nội đều không thể mang được phần hồn của sông Hồng. Hà Nội phát triển mạnh mẽ hay không cũng chờ ở sự ứng xử đúng đắn của chính quyền với phần hồn đó.

(Theo VnExpress) Đặng Hùng Võ


Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội có cái được và cái mất. Được lớn nhất là đất đai các huyện giáp nội đô - nguồn lợi lớn vào tay các tập đoàn bất động sản và chỉ có thế. Mất là văn hóa xứ Đoài nghìn năm biến mất; vùng đất này chậm phát triển so với các tỉnh ven HN như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Nếu không sáp nhập chắc Hà Tây cũng ngang hàng về kinh tế, nay thì chỉ là quận huyện ngoại thành, công nghiệp èo uột, nông thôn chậm phát triển.

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét