Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Thủ tục hành chính

Hai năm ròng rã, chai nước mắm Việt lập kỷ lục trên Amazon

Cập nhật lúc 08:33         

       

Thời gian chờ đợi 2 năm cho việc đăng ký Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.

Từ chai nước mắm vô danh thành Top 1 trên Amazon

8 tháng, quãng thời gian Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Foods - ông Lê Bá Linh - phải điên đầu để đưa chai nước mắm truyền thống Việt từ khi đăng ký đến khi niêm yết được trên sàn thương mại điện tử Amazon. “Đó là câu chuyện dài cách Việt Nam nửa vòng trái đất”, ông Linh nói. 

Tiền thân là đơn vị xuất khẩu nên ông chủ doanh nghiệp này sớm coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu. Đặc biệt, khi tấn công vào các thị trường như Mỹ, Canada thì điều đó càng cần thiết.

“Khi bán hãng trên Amazon, doanh nghiệp buộc phải có đăng ký sở hữu trí tuệ, pháp lý thương hiệu minh bạch. Nếu không có các yếu tố trên, sản phẩm của doanh nghiệp xuất hiện trên sàn sẽ không được thực hiện các chương trình marketing, quảng bá để tiếp cận người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.

 


Nước mắm Việt đứng vị trí Top 1 trên Amazon

Theo ông Linh, khi không có đăng ký sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp như “kẻ bán thuê”, sản phẩm không thể coi là của mình. Tại nước sở tại, trong khi chờ chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ, công ty không được kinh doanh hoặc nếu có khiếu nại sẽ phải dừng kinh doanh và chứng minh đó là thương hiệu của mình rồi mới được tiếp tục hoạt động.

“Khi chưa đăng ký sở hữu trí tuệ và có chấp nhận đơn, nước mắm Việt chỉ đứng vị trí hơn 2.000. Sau khi đăng ký, chúng tôi thực hiện marketing, sản phẩm dần được đón nhận và chính thức lên Top 1 Amazon vào tháng 4/2020”, đại diện Pacific Foods nhớ lại.

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp tới kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp liền đẩy mạnh kênh bán hàng online trên Amazon. Hiện, mỗi tháng, khoảng 18.000 chai nước mắm truyền thống Việt được bán ra trên nền tảng thương mại điện tử khổng lồ này, bỏ lại đằng sau các sản phẩm nước mắm của đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Singapore.

Báo cáo số lượng đơn đặt hàng với sản phẩm nước mắm của Pacific Foods mà hệ thống Amazon gửi về có những thông số đáng chú ý: từ 0% năm 2018 tăng trưởng đến 2.590% vào giữa tháng 4/2020. Đó là nhờ nhãn hàng đã “chạm tay” tới được người tiêu dùng nước bạn và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.

 


Ông Lê Bá Linh giới thiệu nước mắm truyền thống cho Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan 

Đăng ký sở hữu trí tuệ chờ 2 năm là quá dài 

Quay trở về với câu chuyện ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, không cứ là mang đi thi đấu ở thị trường quốc tế mà ngay tại trong nước, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến thương hiệu.

“Từ dấu chấm hay dấu phẩy thôi đã xảy ra tranh cãi, chứ đừng nói đến tên gọi, thương hiệu hay logo công ty. Nếu công ty có định hướng làm ăn tốt thì nhận diện thương hiệu là điều không thể bỏ qua”, ông chủ Vietstar Windows Nguyễn Ngọc Luận nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Luận, quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước hiện rất phức tạp. Doanh nghiệp nộp đơn sẽ mất thời gian để cơ quan nhà nước rà soát xem có sai sót, tranh chấp gì không. Trong 2 năm đó, nếu phát hiện thương hiệu đã sử dụng thì việc đăng ký sở hữu trí tuệ bị từ chối. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp mất hơn 700 ngày chờ đợi như đánh xổ số.

“Thương hiệu Vietstar Windows trước đây của chúng tôi là ví dụ. Cơ quan nhà nước không có sự tương tác. Tất cả thông qua công ty dịch vụ trung gian, doanh nghiệp không làm trực tiếp được. Hai năm bỏ chi phí làm truyền thông rồi, nếu thương hiệu không được chấp nhận thì sao? Rồi lại phải chờ tiếp 2 năm làm thương hiệu mới để lặp lại vòng luẩn quẩn này?”, ông Luận đặt câu hỏi.

Cũng trong thời gian chờ cấp văn bằng sau khi đăng ký, Việt Đức - chủ một thương hiệu cà phê mới trên thị trường - cho biết phải sống với cảm giác chờ đợi quá lâu và tâm lý lo lắng. “Nếu sau 2 năm không được thì sao đây. Đó là rủi ro lớn. Chúng tôi như chờ đợi trong mỏi mòn”, Đức nói. 

 


Văn bản Cục Sở hữu trí tuệ phản hồi sau khi người nộp đơn kiến nghị thời gian cấp chứng nhận kéo dài


Trong khi đó, chỉ một tuần sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê tại Hoa Kỳ, ông Luận nhận được bản báo cáo đầy đủ của nhà chức trách sở tại về những thương hiệu có liên quan để doanh nghiệp tự lường trước các vấn đề pháp lý, khả năng thành công trong trường hợp tranh chấp xảy ra như: tên ngành hàng, tên chủ sở hữu, các ký tự trùng lắp trong tên gọi đã đăng ký... Nếu không có vấn đề nào khác, trong vòng 6 tháng, chứng nhận bảo hộ thương hiệu sẽ được cấp cho doanh nghiệp.

Nói về sự khác biệt giữa quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các nước, ông Lê Bá Linh cho rằng, các nước có sự phân kỳ như 3 tháng, 6 tháng để phản hồi tới doanh nghiệp về các khiếu nại trong quá trình chứng minh thương hiệu, còn đăng ký ở Việt Nam mất tới 2 năm mới nhận được câu trả lời.

“Các báo cáo phân kỳ được cơ quan thương hiệu nước bạn gửi đều đặn. Tất cả là một quy trình được xử lý trên hệ thống trực tuyến có sẵn, với kho dữ liệu khổng lồ. Sẽ có người tự động trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp, tránh rắc rối hay chậm tiến độ”, ông Linh chia sẻ. 

Chuyên gia nghiên cứu về pháp luật sở hữu trí tuệ Huỳnh Thanh Thịnh đến từ Herman, Henry & Dominic LLC (The Ezlaw Firm) thông tin, theo Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu suôn sẻ, không bị yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, từ chối hoặc có ý kiến phản đối từ bên thứ ba, thời gian từ lúc nộp đơn đăng ký đến khi có kết quả cấp văn bằng bảo hộ sẽ không quá 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, thời hạn này thường kéo dài hơn 24 tháng. 

Thời gian và kết quả thẩm định phụ thuộc nhiều vào quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động, kế hoạch kinh doanh nếu doanh nghiệp bị buộc phải thay thế nhãn hiệu khác khi Cục từ chối cấp. Thậm chí, khiến doanh nghiệp còn rơi vào kiện tụng, khiếu nại do việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trong một số trường hợp nhất định. 

“Bất cập này đã kéo dài từ lâu”, ông Thịnh nhận xét.

Năm 2019, qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, CLB cựu Đại biểu Quốc hội đã đề nghị, Cục Sở hữu trí tuệ cần sớm cải tiến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm, sáng chế. Thời gian chờ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ 2 năm là quá dài, gây phiền hà, thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ KH&CN thời điểm đó cho biết đã chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, rút ngắn thời gian chờ đăng ký, như: Rà soát, đơn giản hóa quy trình thẩm định, tuyển dụng thêm nhân lực, tăng định mức lao động, nâng cao năng lực của hệ thống công nghệ thông tin, tham gia các chương trình thẩm định nhanh, mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu chuyên dụng.

(Theo VietNamNet) Quảng Định 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét