Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Phòng chống tham nhũng

 

Đất đai và tù tội

 Cập nhật lúc 07:59    

 Thử gõ ba cụm từ khóa là "xử lý vi phạm, khởi tố, đất đai" vào Google thì ra hơn 4 triệu kết quả trong 0,52 giây.

 Ở đó, có các cựu lãnh đạo từ bộ, ngành, tỉnh - thành, quận - huyện, xã - thị trấn, doanh nghiệp; về địa lý thì có từ Bắc đến Nam, thành phố đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược... trong danh sách bị xử lý kỷ luật, khởi tố, án tù.

Như vậy, có thể sử dụng từ "hàng loạt" để miêu tả vi phạm, sai phạm của cán bộ các cấp, các vùng miền liên quan đến quản lý đất đai. Mới nhất là vụ 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam. 

 


2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh  (trái) và Nguyễn Chiến Thắng      

 

Trước đó, nhiều vụ vi phạm về đất đai bị điều tra, xét xử mà người phạm tội là quan chức cỡ "bự" như cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, các cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, các cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, các cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM là Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín...

Đọc các kết luận thanh tra, điều tra, bản luận tội thì thấy phần lớn những người bị kỷ luật, bị truy tố do vi phạm các quy định, gây thất thoát, lãng phí. Nhiều vụ án có số tiền thất thoát đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ nhưng các bị cáo đều một mực thanh minh là "không vụ lợi", "không nắm rõ quy định của pháp luật", "tin tưởng cấp dưới"...

Đồng thời, nội dung các kết luận điều tra, các bản án cũng cho thấy trong đó những "thế giới riêng" quan hệ lợi ích, tiền bạc, tình cảm đan xen với công vụ. Các vi phạm, sai phạm thường không xảy ra ở những địa hạt "đất nghèo", "đất bạc màu" mà xảy ra ở nơi đất đai "màu mỡ" với "đất vàng", "đất bạc", "đất kim cương".

Nhìn ở khía cạnh công tác chống tham nhũng, sai phạm, vi phạm thì việc xử lý nêu trên cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Kết quả bước đầu đã đem lại niềm tin cho nhân dân rằng những vi phạm, sai phạm được xử lý "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".

Nhưng nhìn ở khía cạnh khác là công tác thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện luật pháp..., những vi phạm "hàng loạt" như dẫn chứng nêu trên rất đáng được suy nghĩ. Phải chăng, pháp luật bị vi phạm nhiều là do còn có những kẽ hở? 

Các hành vi vi phạm, phạm tội bị xử lý liên tục nhưng còn chưa đủ sức răn đe nên không ít kẻ vẫn "lao" vào? Tại sao trong quản lý đất đai lại là con đường dẫn nhiều người vào tù ngục như vậy?

Luật đất đai 2013 đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Điều này đã được các cơ quan có trách nhiệm và nhiều chuyên gia đánh giá, phân tích, kiến nghị trong suốt thời gian qua. Mới đây, cả Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều đặt ra yêu cầu phải sớm sửa đổi Luật đất đai trong nhiệm kỳ này.

Hy vọng, những quy định về sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi, bồi thường, định giá, đấu giá, thuế đất... sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để theo thông lệ quốc tế và thực tế đất nước trong thời kỳ mới, để những tồn tại, bất cập bị triệt tiêu. Có như vậy trong tương lai chúng ta mới tránh được tình trạng "mất đất, mất người" như thời gian qua.

(Theo Tuổi trẻ) Lê Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét