Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Chứng khóan thiếu minh bạch

 

Bộ Tài chính thanh tra khẩn cấp tại HOSE về tình trạng nghẽn lệnh

 

Cập nhật lúc 10:16

Bộ Tài chính sẽ thanh tra Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM do tình trạng nghẽn lệnh kéo dài.

 

Nghẽn lệnh trên HOSE kéo dài khiến nhà đầu tư phẫn nộ. Ảnh: Đ.Ngọc Thạch

 Trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTr quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2020 khi khối lượng lệnh của nhà đầu tư vượt quá khả năng xử lý của hệ thống. Đến giữa tháng 3 tình trạng này càng diễn ra nghiêm trọng khiến nhiều ngày HOSE phải tạm ngưng giao dịch. Sau đó HOSE đã áp dụng một số giải pháp tạm thời như chuyển bớt cổ phiếu sang sàn Hà Nội; nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 đơn vị nhưng hệ thống vẫn chưa được thông suốt khi thanh khoản tiếp tục gia tăng.

Đỉnh điểm là mới đây, trong phiên sáng 1.6 khi giá trị giao dịch tại HOSE vượt mức 21.700 tỉ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống khiến sở phải dừng giao dịch phiên chiều. Đồng thời các công ty chứng khoán bắt đầu ngừng áp dụng tính năng hủy và sửa lệnh trên sàn HOSE. Dù vậy việc lệnh xử lý chậm, bảng giá điện tử không hiển thị thông tin khớp lệnh kịp thời và nhà đầu tư không được phép hủy, sửa lệnh khiến rủi ro cho họ gia tăng. Thậm chí trong hôm qua 10.6, HOSE vẫn tiếp tục khuyến nghị các công ty chứng khoán kiểm soát, hạn chế hủy, sửa lệnh trong một số khung giờ hàng ngày. Tình trạng nghẽn lệnh, giao dịch khó khăn tại HOSE kéo dài hơn 6 tháng khiến các nhà đầu tư phẫn nộ và nhiều ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng HOSE phải chịu trách nhiệm, thậm chí cần thay đổi lãnh đạo HOSE.

Trước đó vào đầu tháng 3, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng gửi văn bản kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xem xét vấn đề này. Bởi theo VAFI, việc hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán, có thời điểm nhà đầu tư không thể mua, bán chứng khoán… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế. Điều này thể hiện năng lực quản trị điều hành HOSE rất yếu kém, đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch mà không làm chủ được công nghệ vận hành... Do đó, VAFI đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài để thay lãnh đạo quản lý vận hành HOSE.

(Theo Thanh Niên) Mai Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét