Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Lộn xộn ngành giáo

 

NHỮNG VI PHẠM PHÁP LUẬT MÀ NGÀNH GIÁO DỤC KHÔNG BIẾT

 Cập nhật lúc 09:38  

 Một lần giải lao uống nước, một học viên hệ liên thông đã bạc đầu (chỉ còn hai năm nữa nghỉ hưu) hỏi tôi: "Các loại luật nói chung đều ghi ở điều cuối cùng: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Việc bắt buộc giáo viên như tôi phải học để gọi là "đảm bảo trình độ chuẩn", theo thầy có đúng không?" Tôi gật đầu: "Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc các cấp sở, phòng, trường bắt buộc giáo viên được đào tạo trước đó phải đi học là vi phạm pháp luật. Bởi ngay cả Luật Hình sự cũng không có "hồi tố" những trường hợp khi chưa có luật quy định.

Luật Giáo dục 2019 quy định "Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo": a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. 

 

Có nghĩa là từ 2019, yêu cầu đào tạo và tuyển dụng theo chuẩn này. Việc bắt buộc giáo viên theo chuẩn của luật trước đó phải theo chuẩn của luật mới này chẳng khác gì "hồi tố" một cách bất hợp pháp. Mà nếu chơi trò "hồi tố" như vậy thì tôi dám khẳng định nhiều giáo sư tên tuổi cũng bị tước hàm giáo sư. Vì rất nhiều giáo sư chưa tiến sỹ hay thạc sỹ. Thậm chí có thế hệ mới chỉ tú tài đã được phong giáo sư! Đó là chưa nói trong chính quyền, hay ngành khác, nhiều người trình độ rất thấp, trong khi quy định hiện hành đòi phải có trình độ cử nhân hay thạc sỹ trở lên. "Hồi tố" các đối tượng này được không mà bắt ép cái ngành được tiếng tôn sư trọng đạo thành chày ra nước như vậy?" Học viên hỏi: "Thưa thầy. Còn đào tạo chứng chỉ hạng ngạch có thuộc luật nào không? Như tôi vừa phải học đại học liên thông, vừa phải học đủ các loại chứng chỉ khác?" Tôi trả lời: "Điều đó chỉ thuộc các văn bản dưới luật. Đó là chủ trương của Chính phủ, thông qua Bộ Nội vụ. Nhưng xem chứng chỉ cao hơn bằng đại học là phạm luật. Người ta có bằng đạt chuẩn rồi mà đe doạ thiếu chứng chỉ không thể xếp hạng hay hạ hạng người ta xuống một bậc là vô lý. Lấy trường hợp tôi ra chẳng hạn. Như tôi, tiến sỹ, giảng viên chính, tức hạng 2, họ giao tôi đào tạo hạng cho các bạn, xong họ bắt tôi phải học chứng chỉ giữ hạng, nếu không thì sẽ xuống hạng 3. Trong khi mười lăm năm trước tôi phải học và thi giảng viên chính do Hội đồng quốc gia chấm. Để đủ tiêu chuẩn thi giảng viên chính, họ còn xét hồ sơ với chuẩn về năm kinh nghiệm, về công trình khoa học. Bây giờ họ làm như vậy, một là họ tự xổ toẹt vào mặt Hội đồng quốc gia, hai là họ tự xổ toẹt các chứng chỉ do tôi đang đào tạo cho các bạn (vì tôi chưa đủ chuẩn), ba là, nếu tôi bị xuống hạng 3 thì tôi phải học giữ hạng 3, nếu không thì lại xuống hạng 4, và có thể tụt hết như tụt quần ư? Và một cách bình đẳng, mấy ông trên cao kia liệu có đi học và có đủ các loại chứng chỉ như mọi người không? Chắc chắn là không!" Học viên cứ ngơ ngác nhìn tôi. Tôi nói thêm: "Triết gia Foucault nói, trong một xã hội độc tài, luật thuộc về kẻ mạnh. Họ muốn tạo luật cho người khác, còn họ thì ngang nhiên phạm luật.

Nhiều thứ vi phạm nữa. Chẳng hạn, người đứng đầu ngành giáo dục tuyên bố sẽ có dự án nhập giáo trình nước ngoài về và buộc giảng viên phải dạy bằng tiếng Anh. Trong khi để giữ gìn tiếng Việt, Điều 11 của Luật Giáo dục ghi rành rành "Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục". Những trường hợp đặc biệt mới "căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục". Chưa hết, mua bán dâm ở Việt Nam bị cấm hoàn toàn, nhưng ngành giáo dục lại tự điều chỉnh bằng cách ra quy định cho sinh viên bán dâm không quá bốn lần. Tự làm luật có lợi cho mình và bất lợi cho xã hội là thứ luật vô nhân tính. Và ngành giáo dục ở trong tình trạng vô nhân tính như thế thì sao có thể dạy trẻ em làm người?"

Vị học viên già ấy ngồi há hốc mồm nghe tôi nói. Cứ như là tôi bịa ra hơn là sự thật. Tôi nhìn mặt anh ta mà buồn, vì hình như toàn bộ ngành giáo chẳng mấy ai hiểu luật, nên trên bảo gì dưới nghe và làm theo vậy. Đến mức họ thi nhau bóp cổ giáo viên nghèo, cùng một lúc nôn ra cả đống tiền cũng phải nôn cho hết. Hậu quả là cả một hệ thống được tiếng hiểu biết mà ngồi xổm trên pháp luật./.

Facebook Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét