Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Vụ quân nhân tại Quân khu 1 chết bất thường

 

Đang điều tra nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô

Cập nhật lúc 15:52               

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng, cho biết các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô tử vong tại Trường đại học Quân sự Quân khu 1.

 

Tang lễ quân nhân Trần Đức Đô. Ảnh TTXVN

Trao đổi với Thanh Niên sáng 30.6, thiếu tướng Đức cho hay, liên quan đến thông tin quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê tại khu Đa Hội, P.Châu Khê, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tử vong trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường đại học Quân sự Quân khu 1 vào ngày 28.6, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng "đang điều tra, làm rõ".

Trước đó, đại diện Quân khu 1, Bộ Quốc phòng xác nhận vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong, bước đầu là do tự tử. Sau khi phát hiện, nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Quân khu 1 đã thông tin đến gia đình nạn nhân và phối hợp với gia đình đưa thi thể nạn nhân về làm lễ, an táng tại quê nhà.

Đêm 28.6, lực lượng công an và Cơ quan Điều tra Bộ Quốc phòng đã khám nghiệm tử thi và khẩn trương điều tra vụ việc.

Ông Đức không bình luận về thông tin này. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng cho biết, các cơ quan chức năng đang điều tra theo quy trình và sẽ thông tin chính thức sau khi sự việc được làm rõ.

Theo TTXVN, ông Trần Đức Hội (trú tại khu Đa Hội, P.Châu Khê, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), bố đẻ của quân nhân Trần Đức Đô, cho biết đầu năm nay, con trai ông viết đơn xung phong nhập ngũ.

Sau 3 tháng huấn luyện tại Bắc Giang, quân nhân Đô được chuyển đến Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường đại học Quân sự Quân khu 1 huấn luyện.

Khoảng 17 giờ ngày 28.6, gia đình nhận được điện thoại thông báo con trai được đưa đi cấp cứu và đã tử vong. Hiện, gia đình mong muốn các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân tử vong của quân nhân Đô.

Từ đêm 28.6, trên mạng xã hội liên tục phát video trực tiếp hình ảnh đám tang của quân nhân Đô, trong đó có các hình ảnh khám nghiệm tử thi, những dấu hiệu được cho là thương tích trên cơ thể nạn nhân, người nhà và một số người dân địa phương bức xúc cho rằng cái chết của nạn nhân có nhiều dấu hiệu bất thường… và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.

Trước câu hỏi việc cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết của quân nhân Trần Đức Đô có phải theo yêu cầu của gia đình hay không, thiếu tướng Trần Văn Đức cho biết, việc điều tra được thực hiện theo quy trình.

(Theo Thanh Niên) Lê Hiệp

Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1:

Các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô không phải do 'đánh đập ngoại lực'

Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1, cho biết theo kết quả pháp y ban đầu, các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô không phải do "đánh đập ngoại lực".

 

Liên quan đến vụ việc quân nhân Trần Đức Đô (19 tuổi, quê TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) tử vong ở đơn vị, chiều 30.6, trao đổi với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng), khẳng định không có chuyện quân nhân Trần Đức Đô bị đánh. Sự việc đang được điều tra, đợi kết luận.

Theo đại tá Thìn, ông nội quân nhân Trần Đức Đô từng công tác trong quân đội và động viên cháu viết đơn xung phong nhập ngũ.

Sau 3 tháng huấn luyện tại Bắc Giang, nửa tháng nay, anh Đô được chuyển đến Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Quân sự Quân khu 1 đóng tại H.Phú Bình (Thái Nguyên) để huấn luyện.

Chiều 28.6, đơn vị tổ chức huấn luyện ngoài thao trường. Khoảng 14 giờ, quân nhân Đô nói bị đau bụng, xin ra ngoài đi vệ sinh. 20 phút sau không thấy anh Đô quay lại, đơn vị cho người đi tìm và phát hiện quân nhân này đang trong tư thế treo cổ trên cây.

Ngay lập tức, mọi người đưa anh Đô xuống đất và tổ chức sơ cứu, ép lồng ngực nhưng không có tiến triển, đã gọi xe đưa quân nhân này tới Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ tổ chức cấp cứu nhưng không có kết quả, quân nhân Trần Đức Đô được xác định tử vong vào lúc gần 15 giờ chiều 28.6.

Sau khi xảy ra sự việc, gia đình quân nhân Đô tới bệnh viện và cho rằng anh này bị đánh chết, có nhiều vết thương trên cơ thể.

“Tôi khẳng định anh Đô không bị đánh, thời điểm đó đang ở ngoài thao trường thực hiện nhiệm vụ, và Đô ra ngoài một mình chứ không phải tối, sinh hoạt tại đơn vị mà bảo ai đánh. Chúng tôi đang cho sinh hoạt trung đội, đại đội, tiểu đội để xác định nguyên nhân xem có mâu thuẫn gì không”, đại tá Thìn nói.

Về những vết thương trên cơ thể nạn nhân, đại tá Thìn cho biết, qua kết quả pháp y ban đầu, không phải do "đánh đập ngoại lực", mà các vết bầm, xước ở cổ nạn nhân là do quá trình giãy giụa, vùng vẫy nên bị dây thừng siết chặt, cọ sát gây ra; còn vết tím trên ngực là trong quá trình ép lồng ngực cấp cứu mà ra, chứ hoàn toàn không có ai đấm, đánh dẫn đến tử vong.

“Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã cử lực lượng về phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ cho anh Đô theo nghi thức quân đội và phong tục địa phương. Chúng tôi sẽ làm rõ và sẽ trả lời rõ ràng về vụ việc này”, đại tá Thìn nói. 

Đại tá Thìn cũng cho biết, phía an ninh mạng đang vào cuộc làm rõ những thông tin lan truyền chưa có căn cứ, sai sự thật về vụ việc trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến lực lượng quân đội để xử lý theo quy định.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc một nam quân nhân tử vong, trên cơ thể nhiều có nhiều vết bầm dập, gia đình nam quân nhân cho rằng con mình bị đánh, dẫn tới tử vong.

Ông Trần Đức Hội (41 tuổi, trú tại TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết, chiều 28.6, ông nhận tin báo từ đơn vị về việc con trai ông là quân nhân Trần Đức Đô, 19 tuổi, đang nguy kịch, được cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, khi ông Hội cùng người thân đến nơi thì con trai ông đã tử vong, thi thể đã lạnh.

“Thủ trưởng của cháu gọi đến thông báo cháu bị đột quỵ ngoài thao trường, đang cấp cứu. Gia đình tôi tức tốc đến viện, nhưng đi được nửa đường thì lại nhận được điện thoại từ đơn vị hỏi cháu có mâu thuẫn gì không mà thắt cổ tự tử. Đến nơi, thi thể con tôi đã lạnh cóng. Kiểm tra thì thấy đầu cháu có chỗ bị lõm, miệng sưng tím, sau gáy bị phù sưng to, chân tay có biểu hiện bị trói... cộng với nhiều vết thương bầm dập khắp cơ thể”, ông Hội cho hay.

Theo Thanh Niên

Lúc nói tự tử, lúc lại đột quỵ. Thực tế là thế nào? Xem ra có điều gì uẩn khúc cần được làm rõ.

Thương Giang 

Phòng chống tham nhũng

 

Khởi tố, bắt tạm giam cựu chủ tịch và nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương

Cập nhật lúc 15:42               

Từ kết quả điều tra xác định những sai phạm trong quá trình quản lý đất, tài sản tại doanh nghiệp từng thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, cơ quan điều tra đã mở rộng khởi tố, bắt tạm giam các cán bộ có liên quan.

6 cán bộ Bình Dương bị khởi tố, (từ trái qua) hàng trên: Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Trúc; hàng dưới: Võ Văn Lượng, Trần Xuân Lâm, Ngô Dũng Phương - Ảnh: Bộ Công an

Ngày 30-6, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 Bộ luật hình sự.

Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, quyết định khám xét nhà và bắt tạm giam 6 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Trong danh sách các lãnh đạo bị khởi tố, bắt tạm giam có các ông:

1. Phạm Văn Cành, cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương,

2. Trần Thanh Liêm, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương,

3. Nguyễn Thanh Trúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương,

4. Trần Xuân Lâm, chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương,

5. Võ Văn Lượng, chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương,

6. Ngô Dũng Phương, trưởng Phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 30-6, xe biển số xanh của Bộ Công an và các lực lượng hỗ trợ đã khám xét nhà các bị can.

Đại diện Công an tỉnh Bình Dương xác nhận cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu hỗ trợ.


Cán bộ công an khám xét tại nhà phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc ở phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một sáng 30-6 - Ảnh: BÁ SƠN


Ông Phạm Văn Cành, 63 tuổi, cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, cựu chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Cành bị Ban Bí thư thi hành hình thức kỷ luật "cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020".

Theo Ủy ban Kiểm tra trung ương, trong thời gian làm phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, ông Cành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, việc ký văn bản hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng công ty 3-2 (doanh nghiệp vốn chi phối thuộc Tỉnh ủy Bình Dương).

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, ông Cành ký nhiều văn bản cho chủ trương của Tỉnh ủy về việc sắp xếp các khu đất của Tổng công ty 3-2, chủ trương cho thoái vốn 30% của tổng công ty tại dự án 43ha (và sau đó lại thu hồi).

Ông Trần Thanh Liêm, cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian giữ cương vị phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân.

Cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ông Liêm đã bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Những sai phạm liên quan việc quản lý, sử dụng đất, tài sản tại Tổng công ty 3-2 được cơ quan chức năng chỉ ra liên quan các nội dung: việc để các khu đất 43ha (khu đô thị Tân Phú) và khu đất 145ha (dự án sân golf) từng do doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy quản lý nay đã chuyển về doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, còn xảy ra sai phạm trong việc tính tiền sử dụng đất đối với các khu đất của Tổng công ty 3-2 tại thành phố mới Bình Dương (trong đó có khu đất 43ha và 145ha).

Xe biển số xanh của Bộ Công an phục vụ khám xét nhà bị can tại Bình Dương sáng 30-6 - Ảnh: BÁ SƠN

Liên quan các sai phạm tại Bình Dương, Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật với ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy.

Các cán bộ bị kỷ luật khác là ông Nguyễn Văn Đông - bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, nguyên chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương - bị thi hành kỷ luật "cảnh cáo".

Kỷ luật "cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng" với 5 cán bộ, gồm: ông Trần Thanh Liêm (nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh), ông Nguyễn Thanh Trúc (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Xuân Lâm (chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, nguyên trưởng Phòng kinh tế ngành Văn phòng UBND tỉnh); Võ Văn Lượng (chánh Văn phòng UBND tỉnh, trước đó là phó chánh Văn phòng UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (trưởng Phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy).

Liên quan vụ án "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty 3-2, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với tổng cộng 14 người gồm: 3 cán bộ thuế (cựu cục trưởng, cục phó và phó phòng của Cục Thuế tỉnh Bình Dương) và 7 lãnh đạo, cán bộ của Tổng công ty 3-2; con rể cựu chủ tịch Tổng công ty 3-2 và giám đốc Công ty Âu Lạc (công ty mua lại dự án 43ha); 2 lãnh đạo công ty thẩm định giá.

(Theo Tuổi trẻ) BÁ SƠN - THÂN HOÀNG

 

Độc quyền EVN

 

Dọa thiếu điện, hẹn sửa biểu giá: Lần lữa...

Cập nhật lúc 15:17   

Hứa, hẹn sửa biểu giá điện bậc thang, tới nay vẫn "nợ". Các chuyên gia cho rằng cầu ngừng "điệp khúc hứa"...

GS.TS Đặng Đình Đào (ĐH KTQD) cho hay, hóa đơn tiền điện cao vọt có nguyên nhân từ cách áp dụng biểu giá điện 6 bậc. Việc này là thực tế không thể chối cãi. Cách tính giá điện bậc thang bất hợp lý đang tác động tới thu nhập, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Doa thieu dien, hen sua bieu gia: Lan lua...  

Bộ Công thương cho biết sẽ sớm trình phương án sửa biểu giá bán lẻ điện - Ảnh: EVN 

Vị chuyên gia chỉ rõ, cách xây dựng các bước nhảy số, nhảy giá tiền không phù hợp với đại đa số nhu cầu sử dụng điện của người dân, chính là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao khi nhu cầu sử dụng của người dân cũng tăng lên.

Theo vị chuyên gia, tình trạng này đã lặp lại rất nhiều, ngay từ khi bắt đầu áp dụng cách tính giá điện bậc thang 6 bậc của Bộ Công thương, tuy nhiên, mọi bức xúc của người dân dường như đang bị cơ quan này hoặc nghe chiếu lệ, hoặc trả lời cho xong.

Ông khẳng định, có thái độ và cách ứng xử nói trên là do còn tồn tại tư duy "độc quyền", nhà đèn đang lấy vị thế "độc quyền" để ứng xử với khách hàng.

Phương án sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được nghiên cứu từ năm 2018 nhưng trước những bức xúc phản ánh việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường, ngành Công thương chỉ lần nữa, hứa hẹn.

Từ năm 2019, trước những phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng đột biến gấp 3-4 lần, ngành công thương cũng thừa nhận sự bất cập trong áp dụng cách tính giá điện bậc thang và hứa hẹn sẽ nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới.

Nhưng đến tháng 3/2020, ngành công thương lại xin lùi thời gian báo cáo về phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với lý do dịch Covid-19.

Thực tế, trong mùa nóng năm 2020, nhiều gia đình tiếp tục bức xúc phản ánh việc hóa đơn tiền điện lại tăng đột biến, lúc này, ngành công thương lại lần nữa, và lại tiếp tục hứa hẹn sẽ lấy ý kiến về biểu giá điện trong tháng 8/2020, trong đó có phương án một giá.

Và mới đây, Bộ Công Thương lại hẹn sẽ trình lại Chính phủ phương án sửa biểu giá điện trong năm nay. Thế nhưng, khi được nhắc hẹn, lãnh đạo ngành công thương lại nói rằng bây giờ mới là tháng 6, còn chưa hết năm.

Chưa hết, khi trả lời báo chí, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cũng thông tin đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện.

Như vậy, người dân lại tiếp tục phải nghe hứa và phải chờ đợi mà không biết khi nào mới sửa được biểu giá điện.

Tôi thấy thật khó hiểu vì sao suốt 3 năm, ngành công thương vẫn quanh quẩn hết "sẽ lấy ý kiến" giờ lại "đang lấy ý kiến", ngành công thương lấy ý kiến của ai? Lấy đến bao giờ?

Làm rõ trách nhiệm

Một động thái đáng chú ý khác trong bối cảnh dân bức xúc yêu cầu ngành điện phải sửa biểu giá bán lẻ điện thì ngành điện lại thông tin về nguy cơ thiếu nguồn điện phải cắt điện luân phiên do nhà máy chậm tiến độ.

 Động thái trên khiến vị chuyên gia rất quan tâm, ông đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trong việc này.

"Có hai vấn đề, thứ nhất là cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất các cơ chế, quản lý cho hiệu quả nhưng lại để bức xúc của người dân kéo dài, chậm trễ giải quyết là rất đáng trách.

Thứ hai, là cơ quan độc quyền cung cấp điện cho dân nhưng không bảo đảm đủ được nguồn cung cho người dân, trong đó có nguyên nhân từ việc chậm trễ của các dự án điện dẫn tới việc thiếu điện là khó chấp nhận.

Ngành điện đang quản lý trên vị thế "độc quyền", thiếu công bằng với người dân, cứ khó khăn, thiệt thòi đổ hết sang dân, còn yếu kém, hạn chế thì không ai chịu trách nhiệm là không được", GS Đặng Đình Đào nói rõ.

Từ những phân tích trên, vị GS cho rằng: "Phải tăng tính cạnh tranh trong quản lý điều hành đồng thời làm rõ trách nhiệm giữa khách hàng với nhà cung ứng. Các quy tắc phải được thảo thuận chi tiết theo hợp đồng. Bên nào vi phạm phải xử lý theo hợp đồng, kể cả phải yêu cầu bồi thường theo đúng quy định.

(Theo Đất Việt) Lam Lam

 

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Chiêu lừa đảo cũ, nhiều nạn nhân mới

 

Hàng nghìn người điêu đứng vì sập 'sàn ngoại hối song sinh'

Cập nhật lúc 15:56               

Bỏ tiền tỷ đổi tiền ảo trên sàn FXTradingMarkets - "song sinh" với UKtrade, hàng nghìn người đang điêu đứng, trình báo công an khi không thể truy cập.

 Những ngày này, chị Nga (ngụ quận 7) liên tục vào nhóm hơn 4.200 thành viên trên Facebook để cập nhật tin tức về hai sàn giao dịch ngoại hối FXTradingMarkets và UKtrade dừng hoạt động. Dày đặc trong đó là những lời kêu gọi nộp đơn tố cáo, bên cạnh nhiều tiếng than vãn "tiền đi trong nốt nhạc, có ai biết bọn chúng ở đâu không".

Chị Nga cho biết, hồi tháng 3 đã nộp 1,4 tỷ đồng (60.000 USD) vào FXTradingMarkets để đổi thành 60.000 FXT (tiền ảo). Đêm 25/6, chị cùng nhiều người khác nhận được hình chụp "tâm thư" đề tên lãnh đạo nhóm Lion Group (hay Lion Teams) viết: "Chúng tôi xin thông báo từ 26/6 tập thể Lion sẽ tạm thời phân tách, sàn FXTradingMarkets sẽ dừng hoạt động và Ban Chuyên gia cũng ngừng giao dịch".

Hơn tháng trước, hôm 27/5, Công an TP HCM đã cảnh báo người dân không tham gia các sàn kinh doanh ngoại hối (Forex) trái phép, bởi đây là phương thức đầu tư gây nhiều rủi ro về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Cơ quan điều tra đã nắm được phương thức, thủ đoạn phạm tội của những người tổ chức sàn FXTradingMarkets. Có 4 thành viên trong nhóm Lion Group tự xưng là "Tứ đại sư phụ, Tứ đại củ hành" (cùng cắt tóc kiểu củ hành) với người đứng đầu có bí danh Iker Phương (được gọi là "thầy, sư phụ"). Họ tổ chức nhiều hội thảo làm giàu ở các tỉnh thành để mời chào người tham gia.

Từ năm 2019, Lion Group giới thiệu FXTradingMarkets là sàn giao dịch ngoại hối có trụ sở và giấy phép được cấp ở Anh. Hiện, sàn thu hút 60.000 người đầu tư vào tiền ảo FXT. Người tham gia sẽ chuyển khoản từ 1.000 USD trở lên cho Leader (trưởng nhánh) để đổi ra FXT với tỷ giá 23.700 VND (1 USD) được 1 FXT.

 

Người tham gia FXTradingMarkets kêu than, rủ nhau viết đơn tố cáo ngày 28/6. Ảnh chụp màn hình.

Khi có FXT, nhà đầu tư sẽ truy cập trang fxtradingmarkets.com (từ năm nay có thêm app điện thoại) để giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary option) với 8 cấp ngoại tệ. Trong 30 giây, họ sẽ đặt lệnh dự đoán tỷ giá cặp ngoại tệ lên hoặc xuống, nếu đoán trúng sẽ lời 95% giá trị cược, nếu thua sẽ mất tiền.

Tuy nhiên, FXTradingMarkets quảng cáo ai cũng thắng, cam kết rút vốn bất kỳ lúc nào và ngồi im hưởng lãi 1%/ngày vì lệnh giao dịch được tự động đánh theo Ban Chuyên gia. Những người không chơi đoán giá thì được khuyến khích "ôm" nhiều FXT để chờ sau này tăng giá gấp 5, gấp 7 lần; hoặc mời thêm người chơi mới để nhận thưởng hoa hồng với 5 cấp bậc.

Muốn rút vốn và lợi nhuận, nhà đầu tư phải thanh khoản với Leader (1 FXT "ăn" 22.500 VND) hoặc chuyển FXT sang hai sàn tiền điện tử quốc tế Bilaxy, Probit bán thu về USD. Cuối tháng 2, FXTradingMarkets không cho phép giao dịch với Leader, buộc nhà đầu tư tự rút lên sàn quốc tế với tỷ giá 1 FXT "ăn" 0,3 USD (mất 70%). Đến đầu tháng 5, sàn dừng luôn việc chuyển FXT lên sàn quốc tế.

Chị Nga kể, khi không thể rút tiền và nghe tin các sàn Busstrade, Coolcat sập, mọi người trong nhóm rất lo lắng nhưng được Leader xoa dịu "sàn mình sư phụ xuất hiện mỗi ngày ngại gì". "Lúc đó hàng loạt Facebook của các nghệ sĩ nổi tiếng cũng đăng post kêu gọi đầu tư vào đồng FXT nên chúng tôi thấy xuôi xuôi", chị nói.

Nhưng đầu tháng 6, chị và người tham gia FXTradingMarkets không xem được tài khoản, truy cập sàn chỉ thấy dòng thông báo "đang nâng cấp". Các Leader trấn an rằng sàn đang hoàn thiện để "đưa FXT lên sàn quốc tế Binance vào cuối tháng, giá sẽ tăng lại và cho rút tiền"...

Đến đêm 25/6, mọi người truyền nhau hình chụp "tâm thư" thông báo FXTradingMarkets sập. Một vài người kịp "ôm" FXT trên sàn quốc tế nhưng lúc này giá quy đổi lao dốc còn 1 FXT "ăn" 0,0022 USD. Các nhóm chat hỗ trợ nhà đầu tư bị xóa.

Chị Nga nhẩm tính số FXT của mình nếu rút được, quy đổi trên sàn quốc tế đêm đó chỉ tương đương 133 USD (mất giá 450 lần).

Website sàn Uktrade (trái) và FXTradingMarkets có giao diện giống hệt nhau. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, sàn UKtrade cũng quảng cáo thành lập ở Anh, giao diện website và cách thức giao dịch không khác FXTradingMarkets. Sàn này đăng thông báo "đang bảo trì, nâng cấp" từ ngày 13/6 và chính thức sập cùng ngày 26/6.

UKtrade hoạt động từ cuối năm 2020, có thêm loại tài khoản VIP cho nhà đầu tư nạp trên 20.000 Euro (quy đổi thành tiền điện tử EURC) với mức lợi nhuận cam kết lên đến 3% một ngày.

Anh Tâm (ngụ TP Thủ Đức) cho biết đã nạp 2,8 tỷ đồng trong tháng 4 nhưng hiện "bị cháy gần hết". Hàng nghìn tài khoản UKtrade bị giao dịch thua 95% vào đêm 10/5. Khi mọi người thắc mắc, đội ngũ Leader giải thích "do dịch bệnh nên Ban Chuyên gia không phân tích được thị trường". Sàn yêu cầu mọi người đổ thêm tiền để được "cứu cháy", ai không nạp thêm và lên tiếng hoài nghi sẽ bị xóa tài khoản, kích ra khỏi hệ thống.

Thấy có dấu hiệu lập trình để "vét sạch" tài khoản nhà đầu tư, anh Tâm cùng gần 10 người khác rủ nhau viết đơn gửi công an dù bị các Leader thách thức. "Nhóm chúng tôi mất tổng cộng 6 tỷ đồng", giọng anh buồn rượi.

 

Một buổi tư vấn đầu tư tiền ảo tại văn phòng FYT tại nhà GH8 Trúc Khuê, TP Phan Thiết. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tại Bình Thuận, hàng trăm người khác cũng rơi vào hoàn cảnh như anh Tâm, đã kéo đến công an tố cáo người đứng đầu sàn UKTrade tại Phan Thiết đã lừa họ nộp tiền đầu tư. Bà này tự xưng là Golden Leader (lãnh đạo vàng) đứng đầu sàn giao dịch ở Phan Thiết, đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình, tư vấn nhà đầu tư chỉ cần nạp tiền còn ban chuyên gia người Philipines sẽ đứng ra giao dịch, cam kết đưa về lợi nhuận 0,8-1% mỗi ngày.

Chị Võ Thị Diệu Hiền (ngụ ở phường Hàm Tiến) cho biết, ngày 2/5, chị đã chuyển khoản hơn 106 triệu đồng để mua 4.000 EURC. Hai hôm sau chị nộp thêm 213 triệu đồng để mua tiếp 8.000 EURC và được mở một tài khoản để theo dõi lợi nhuận. Ngày 10/5, phát hiện tài khoản của mình bị mất sạch tiền ảo, chị khiếu nại thì Golden Leader yêu cầu nộp thêm 30% so với vốn ban đầu để cứu và nói sẽ có lợi nhuận cao hơn. "Tài khoản tôi bị khóa sau đó, mới biết đây là hình thức lừa đảo, nên tố cáo để giúp những người khác không bị mắc bẫy", chị Hiền nói.

Hiện, nhóm chat gần 500 thành viên nhận là nạn nhân của UKtrade và FXTradingMarkets tố cáo đội ngũ của hai sàn này là một, hoặc có mối hợp tác mật thiết vì mọi thứ "giống như song sinh". Các "sư phụ, chuyên gia" hai sàn thường chia sẻ những hình ảnh hợp tác, giao lưu, ăn nhậu.

Công an TP HCM, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân. Theo thông tin điều tra ban đầu, tên miền của sàn FXTradingMarkets cùng máy chủ được đăng ký và đặt tại Mỹ. Các đối tượng quản trị sàn này có dấu hiệu tạo lập sàn mới tại địa chỉ sp500stock.com (đăng ký ẩn danh từ cuối năm 2020) với giao diện và chức năng tương tự sàn cũ.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra sập sàn đầu tư tài chính hay đầu tư ngoại hối, khiến hàng nghìn người trên cả nước mất hàng trăm tỷ đồng. Như vụ 4 sàn giao dịch Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss lừa 12.000 tài khoản nạp 4,3 triệu USD, sau đó dùng thủ thuật chiếm đoạt tiền. Hay app Coolcat lừa, Busstrade dụ hàng chục nghìn người trên cả nước "đầu tư" khoảng 500 tỷ đồng rồi bất ngờ biến mất.

(Theo VnExpress) Việt Anh - Việt Quốc

Nguy cơ thiếu điện

 

Nguy cơ thiếu nguồn, cắt điện luân phiên trên toàn miền Bắc

Cập nhật lúc 15:47               

Do số nhà máy điện xây mới rất ít nên dự kiến việc đảm bảo cung cầu điện tại khu vực miền Bắc vẫn rất khó khăn.

Nỗi lo thiếu điện ở miền Bắc

Mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn về phương án đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh những cảnh báo đầu tiên về thiếu điện ở miền Bắc đã xảy ra trong thực tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong nửa đầu năm 2021, tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đỉnh (Pmax) của miền Bắc tăng cao đột biến, lên tới xấp xỉ 21.500MW (ngày 2/6/2021).

Trong những ngày nắng nóng cực đoan, dự kiến tiêu thụ điện miền Bắc cao nhất có thể lên đến 22.000MW.

Cũng theo A0, năm 2022, dự kiến hệ thống điện vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cho cả nước và và khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, hệ thống điện miền Bắc cao điểm mùa hè 2022 sẽ vận hành vô cùng khó khăn.

 


Tiêu thụ điện liên tục lập các kỷ lục mới.

Tại buổi họp, A0 báo cáo ba phương án đảm bảo điện cho miền Bắc trong năm 2022, với phương án cơ sở là tăng trưởng điện 8,7% so với 2021; phương án cao tăng trưởng 15% so với 2021 và trong trường hợp miền Bắc khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế phục hồi, công suất cực đại của hệ thống điện miền Bắc có thể tăng trưởng cao hơn, đạt mức 18%.

Trong khi đó, miền Bắc lại rất thiếu các nhà máy điện mới. Ngoài điện mặt trời, điện gió do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng ở miền Trung và miền Nam, trong vài năm qua, EVN không có thêm nhà máy điện mới nào ở miền Bắc và chỉ đang tiến hành mở rộng thủy điện Hòa Bình.

Các dự án khác ngoài EVN cũng không thấy tín hiệu sáng sủa. Đơn cử, dự án nhiệt điện Thái Bình 2, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, dù đã gần về đích song vướng mắc về cơ chế nên vẫn dang dở, chậm tiến độ sau nhiều năm xây dựng.

Các dự án nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Công Thanh, Nam Định 1, Hải Phòng 3,... đều rất mờ mịt, có dự án địa phương quyết liệt từ chối cho triển khai. Hiện chỉ còn Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Liên doanh Marubeni và Kepco làm chủ đầu tư dự kiến sang năm có thể vận hành.

Thực tế, miền Bắc lại tăng trưởng cao liên tục mấy năm gần đây và sẽ tăng cao hậu Covid-19. Miền Nam và miền Trung còn có năng lượng tái tạo hỗ trợ và tăng trưởng không cao như miền Bắc nên đỡ căng thẳng hơn.

Ngoài ra, khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc bị giới hạn do năng lực truyền tải trên giao diện 500kV Bắc - Trung (chỉ có hai mạch đường dây 500kV).

Chính vì thế, thời điểm còn lại của tháng 6 và tháng 7/2021 - là cao điểm nắng nóng, nhu cầu dùng điện cao nhất trong năm nên có thể tiếp tục phải cắt giảm điện trong tình huống cực đoan, khi tiêu thụ điện căng cao đột biến hoặc sự cố không mong muốn ở các nguồn điện.

Cần thêm dự án điện, có thể phát triển điện mặt trời mái nhà

Theo tính toán của Viện Năng lượng, ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.

 

Dự án nhiệt điện Thăng Long do Geleximco đầu tư là dự án hiếm hoi phát điện ở miền Bắc vài năm gần đây. Ảnh: Lương Bằng

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương gần đây, EVN cũng lưu ý rằng: Với trường hợp các nguồn điện có thể vào vận hành với tiến độ như dự kiến và kịch bản nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm, hệ thống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện trong giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn là đảm bảo cung cầu tại khu vực miền Bắc do nguồn điện mới dự kiến vào vận hành ở miền Bắc rất ít.

EVN cho biết: Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ khiến nhu cầu tiêu thụ điện “đỉnh” của miền Bắc tăng cao đột biến, lên tới 21.500MW (tăng cao hơn 2.500MW so với nhu cầu phụ tải các ngày làm việc trước đó) tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài cao điểm chiều, công suất tiêu thụ điện lớn nhất xảy ra vào thời cao điểm tối (khoảng từ 20h-22h) khi không có sự đóng góp của các nguồn điện mặt trời.

Cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã huy động tối đa tất cả nguồn điện trên hệ thống điện miền Bắc và khai thác tối đa khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc. Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực và phải cắt điện trong các ngày 31/5-3/6, trong các giờ cao điểm (từ khoảng 12h30-14h30 và 21h-23h) với công suất cắt giảm khoảng 500-2.000MW.

Điều đó có nghĩa, tại một số khu vực ở miền Bắc đã xảy ra tình trạng bị cắt điện vào những cao điểm nắng nóng - điều không ai muốn xảy ra. Việc cắt giảm này được EVN nhấn mạnh là “tình huống khẩn cấp để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống”.

Vì thế, tới đây, việc thúc đẩy đầu tư các dự án điện ở miền Bắc là điều cơ quan quản lý quan tâm. Trước mắt, những dự án như nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN, nếu được tháo gỡ khó khăn, đi vào vận hành sẽ cung cấp được lượng điện đáng kể cho miền Bắc. EVN cũng đã tính toán phương án mở rộng các dự án thủy điện hiện hữu để có thêm điện.

Ngoài ra, một giải pháp đáng chú ý khác là đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu vực phía Bắc. Tại cuộc họp ngày 21/6, lãnh đạo EVN cũng đề nghị như vậy.

Tuy nhiên, so với miền Trung và miền Nam, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở phía Bắc sẽ không đạt hiệu quả cao nếu không có mức giá ưu đãi. Lý do là số giờ nắng ở miền Bắc thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý như Bộ Công Thương muốn “giảm nhiệt” việc thiếu điện trong tương lai thì cần bắt tay nghiên cứu chính sách giá điện mặt trời mái nhà cho miền Bắc.

(Theo VietNamNet) Lương Bằng

Thị trường

Đang tính toán phương án cải tiến biểu giá điện

Cập nhật lúc 10:10  

Đề án đang tính toán, đánh giá tác động và đề xuất các phương án cải tiến biểu giá hợp lý, phù hợp thực tế nhu cầu sử dụng

Tuần qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh việc "nhảy" bậc giá điện làm "nhảy tiền điện" khiến dân bức xúc, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Dang tinh toan phuong an cai tien bieu gia dien 

 Đang tính toán phương án cải tiến biểu giá điện

Cụ thể, về việc sửa biểu giá điện bậc thang hiện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện của các khách hàng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các khách hàng.

Hiện tư vấn Đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện đang cập nhật số liệu tính toán, đánh giá tác động và đề xuất các phương án cải tiến biểu giá hợp lý, phù hợp thực tế nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Trên cơ sở xem xét đề án, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn phương án phù hợp và sẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan có liên quan để hoàn thiện các phương án sửa đổi Quyết định 28/2014/TT-BCT quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền phổ biến chính sách giá điện và quy định về biểu giá bán điện; nâng cao hiệu quả trong chăm sóc khách hàng.

Cụ thể như việc thực hiện tốt ghi chỉ số công tơ; kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện; tăng cường, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở.

Thực tế thời gian qua, công nghệ thông tin được EVN áp dụng hiệu quả, các ứng dụng về theo dõi tiền điện giúp khách hàng biết rõ lượng điện tiêu thụ để có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao.

Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện; sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt).

Bên cạnh đó, người dân cần tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp đun điện... để đảm bảo hiệu quả sử dụng điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường.

(Theo Đất Việt) Thái An

Chung quy là EVN cần giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp và người dùng điện. Khi doanh nghiệp, người dùng điện hưởng lợi thì cả nền kinh tế có lợi, trong đó có EVN. Nếu vẫn muốn hưởng độc quyền lợi nhuận thì bài toán giá điện chẳng bao giờ được giải quyết.

Thương Giang