Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Việt Nam tăng điểm xếp hạng

 

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt “nâng điểm” cho Việt Nam

Cập nhật lúc 14:49 

 IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021của Việt Nam là 6,7%; Ngân hàng Thế giới là 6,8%; còn ADB là 6,3% thì Fitch Ratings dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 7%.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Fitch Ratings nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”

Cơ sở để Fitch Ratings nâng Triển vọng lên “Tích cực”, theo Bộ Tài chính là phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, một trong rất ít nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91% vào năm 2020 trước đại dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết, Fitch Ratings ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công trong việc kiểm soát nhanh chóng dịch Covid-19 ngay từ ngày đầu, cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm sớm hồi phục hoạt động kinh tế xã hội. Kết quả vượt bậc của Việt Nam có được còn nhờ vào nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, vị thế tài chính đối ngoại tiếp tục tăng cường nhờ tài khoản vãng lai thặng dư liên tục và dự trữ ngoại hối tăng.

Trong khi các định chế tài chính quốc tế như IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021của Việt Nam là 6,7%; Ngân hàng Thế giới là 6,8%; còn ADB có cái nhìn thận trọng hơn khi dự báo, Việt Nam chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,3% trong năm nay thì Fitch Ratings vừa đưa ra dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam đạt khoảng 7% vào năm 2021 và 2022. Lý do là cùng với đà phục hồi kinh tế toàn cầu giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu, hoạt động kinh tế trong nước được bình thường hóa và Chính phủ sẽ tiếp tục ngăn chặn thành công dịch Covid-19.

Vào tháng 4 năm 2020, Fitch Ratings cũng quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, và điều chỉnh triển vọng từ “Tích cực” sang “Ổn định”. Sau đó, vào tháng 5/2020, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia có uy tín không kém là S&P Global Ratings (“S&P”) cũng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức BB, triển vọng Ổn định trong khi đó, S&P đã điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 32 quốc gia, trong đó 10 quốc gia bị hạ bậc và 22 quốc gia bị hạ triển vọng.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc gia uy tín trên thế giới thể hiện sự gắn kết sâu sắc giữa người dân và Chính phủ, góp phần bồi đắp nền tảng thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát và khẳng định vị thế đối ngoại vững vàng của Việt Nam.

Việc S&P xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, theo ông Long đã phản ánh đánh giá của tổ chức này về tiềm năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau khoảng thời gian giảm tốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Và thực tế đã chứng minh, trong khi cả thế giới vẫn “quay cuồng” với đại dịch Covid-19, thì Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh, nhờ đó trở thành một trong số rất ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương (tăng 2,91%) trong năm 2020. Chính vì vậy, việc S&P xác nhận giữ nguyên định mức và triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện niềm tin của tổ chức này vào khuôn khổ thể chế của Việt Nam.

Đáng nói là ngay trong thời điểm Việt Nam rơi vào “tâm bão” của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên phải thực hiện cách ly toàn xã hội vào tháng 4/2020, nhưng S&P vẫn giữ nguyên mức tín nhiệm  Ổn định đối với Việt Nam. Điều này cho thấy, S&P đã tin rằng nền kinh tế Việt Nam sớm được phục hồi và cân bằng trở lại. Và cũng với niềm tin này, S&P khi đó đã đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 và từ năm 2022 tiến gần tốc độ phát triển Việt Nam đã xác lập trong dài hạn từ 6,0% - 7,0%.

Moody’s lần đầu tiên nâng triển vọng của Việt Nam lên “Tích cực”

 

Theo Moody’s thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tương đồng trên toàn thế giới.

Mới đây, vào ngày 18/3/2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh tăng triển vọng lên Tích cực.

Như vậy, kể từ đợt nâng bậc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên Ba3 vào tháng 8/2018, lần đầu tiên Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “Tích cực”. Theo ông Trương Hùng Long, đây là sự ghi nhận quan trọng về kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Việt Nam trong việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, vượt xa các quốc gia đồng mức xếp hạng trong khu vực cũng như trên thế giới.

“Đây cũng là lần đầu tiên Moody’s đánh giá vượt bậc đối với triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, nâng liền 2 bậc, là điều chưa có tiền lệ trong đánh giá của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới thì đây thực sự là thông tin rất đáng mừng”, ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, việc Moody’s nâng bậc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là do tổ chức này đánh cho rằng, thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam, vượt xa các quốc gia có xếp hạng tương đồng trên toàn thế giới, các giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế, thương mại, xuất-nhập khẩu phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, Moody’s cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, mặc dù gặp khó khăn, thách thức không nhỏ, nhưng theo Moody’s, Việt Nam tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới, duy trì và tiếp tục cải thiện các yếu tố sức mạnh tín nhiệm của quốc gia, tạo nền tảng vững chắc hiện thực hóa các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước.

Còn Fitch Ratings cho rằng, các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, cải thiện tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững và ổn định nợ trong trung hạn là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian tới.

Fitch Ratings nhận định, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB. Việt Nam  là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp. Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong thời gian qua từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

(Theo Đầu tư) Mạnh  Bôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét