Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Biến học trò thành "ngụy khoa học gia"

 

Biến học trò thành "ngụy khoa học gia", tác hại khôn lường

Cập nhật lúc 10:24  

Thành tích được ngụy tạo qua một cuộc thi danh chính ngôn thuận sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học tổ chức đầu tiên vào năm 2013, chỉ có 140 dự án dự thi quốc gia, 81 dự án đạt giải.

Đến năm 2014, số lượng dự án dự thi quốc gia đột ngột tăng lên 299 dự án (tăng 2,1 lần), số dự án đạt giải tăng lên 164 dự án (hơn 2 lần).

Tính đến nay, đã có 1.754 dự án đạt giải khoa học kĩ thuật quốc gia, 23 dự án đạt giải thi khoa học kĩ thuật quốc tế, đó là số lượng rất lớn, ngoài ra còn có hàng chục nghìn dự án đạt giải cấp tỉnh, huyện, trường.

 

Cuộc thi dành cho học sinh, nhưng người lớn đang đóng vai trò chủ đạo? Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: lhhkh.baclieu.gov.vn.

Sau mỗi cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc gia dư luận lại rộ lên ý kiến đề nghị bỏ cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

Báo Tuổi trẻ đã lấy ý kiến bạn đọc về bỏ hay duy trì cuộc thi khoa học kĩ thuật, kết quả có 83% bạn đọc đề nghị bỏ cuộc thi này.

Kết quả thi khoa học kĩ thuật quốc gia là… ngụy tạo thành tích?

Dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật thường bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Từ thực tế, đòi hỏi của thực tế, đã giúp hình thành ý tưởng sáng tạo cho người có năng lực sáng tạo, đó là quy luật của thế giới quan khoa học biện chứng.

Chính nhu cầu thực tế cuộc sống mà chúng ta có những nhà sáng chế nông dân tuyệt vời trên cả nước, đang hàng ngày cải tiến nông cụ, tăng năng suất lao động và giảm tiêu hao sức người.

Vì vậy, chỉ cần nhìn nhận thực tế này, chúng ta có thể biết ngay những ý tưởng sáng tạo nào có thể có từ... chốn học đường.

Người viết chỉ bàn về “ý tưởng” chứ chưa bàn về sản phẩm sau nghiên cứu của dự án trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật Quốc gia, năm 2021 vừa mới đây thôi.

Học sinh chưa từng trải nghiệm thực tế sản xuất có thể có ý tưởng “Vi tảo biển - nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu”, “Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo”?

Học sinh chưa từng trải nghiệm thực tế khám chữa bệnh có thể có ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ”, “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hoá eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch”,Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư”, “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ”,“Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp trong phòng trị hiệu quả cho người dân”, “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần, “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà”,

Học sinh chưa từng trải nghiệm thực tế dạy học trong một thời gian dài có thể có ý tưởng “Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch”, “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh Trung học phổ thông trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học”?

Học sinh chưa từng trải nghiệm thực tế quản lý học sinh trong một thời gian dài có thể có ý tưởng “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh trong trường học”?[1]

Câu trả lời dành cho bạn đọc, nhưng với người viết là không thể có, nếu có thì đó là những thần đồng khoa học, hoặc đây là những dự án “khoa học ảo tưởng” được tổ chức theo mô hình của Australia.[2]

Điểm xuất phát của nghiên cứu khoa học không thể có, mọi thứ phía sau nó chỉ là giả dối, ngụy tạo. Kết quả thi khoa học kĩ thuật chúng ta công nhận chẳng khác nào… ngụy tạo thành tích.

Thành tích được ngụy tạo qua một cuộc thi danh chính ngôn thuận sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Nguy hại nhất chính là gieo vào học trò sự giả dối, gieo vào xã hội sự nghi ngờ, gieo vào giáo dục bệnh thành tích.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thực tế, 1.754 dự án đạt giải khoa học kĩ thuật quốc gia, 23 dự án đạt giải thi khoa học kĩ thuật quốc tế đang ở đâu, để từ đó trả lại chốn học đường sự trung thực, sự thật thà.

Thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh phổ thông phải dành cho... học sinh phổ thông.

Thầy N.T.T., giáo viên môn hóa một trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Ngãi, là một trong những giáo viên dẫn đoàn học sinh của trường tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2018 - 2019 ở Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: "Chủ yếu là giáo viên chứ làm sao học sinh có thể nghĩ ra, nhất là học sinh vùng quê. Nghĩ đề tài và hỗ trợ, hướng dẫn, ý tưởng là từ giáo viên hết".

Thầy N.V.M. - một giáo viên dạy tại một trường trung học phổ thông thuộc tốp đầu ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đề tài vào được cấp quốc gia đa số do các nhà khoa học, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn chưa làm ra được để ứng dụng.

Những đề tài do học sinh làm thì "rớt từ vòng gửi xe". Vậy thì cuối cùng cuộc thi hướng đến đích là gì?".[3]

Như vậy, cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia hiện nay thực tế là sân chơi của giáo viên, các nhà khoa học, thạc sĩ, tiến sĩ, học sinh chỉ là “diễn viên” không hơn không kém.

Để trả lại sân chơi này cho học sinh, đầu tiên phải ưu tiên những ý tưởng sáng tạo gắn với học đường, gắn với cuộc sống thực tế của các em.

Chúng ta có thể học theo Mỹ, Australia... mô hình tổ chức cuộc thi khoa học kĩ thuật của họ, đơn giản, không thành tích, không gắn với những quyền lợi “béo bở” dành cho giáo viên và học sinh tham dự.

Tham dự cuộc thi khoa học kĩ thuật hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, tự chi trả, giải thưởng chỉ mang tính danh dự, biểu tượng, cuộc thi sẽ trở về với học sinh thân yêu, với ý nghĩa tốt đẹp của nó.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cong-bo-12-du-an-dat-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-quoc-gia-post216634.gd

[2]https://vnexpress.net/australia-vun-dap-dam-me-khoa-hoc-cho-tre-the-nao-4258378.html

[3]https://tuoitre.vn/thi-khoa-hoc-ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-pho-thong-can-vua-suc-trung-thuc-lanh-manh-20210331091125765.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

(Theo GDVN) Sơn Quang Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét