Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Bằng tiến sĩ để “vừa tiến vừa… sĩ”

 

Bằng tiến sĩ lưỡng dụng: “vừa tiến vừa… sĩ”

Cập nhật lúc 09:30      

Tiếc rằng một bộ phận không hề nhỏ công chức “có học” được Tiến sĩ Đinh Văn Minh đề cập đang sử dụng những tấm bằng tiến sĩ lưỡng dụng, vừa để “tiến” vừa để “sĩ”.

Trình độ chuyên môn, chất lượng công việc của công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, trong các cơ sở dịch vụ công ích quyết định sự phát triển xã hội trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng,…

Trình độ công chức, thể hiện qua số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đã khiến một vị tiến sĩ thuộc Thanh tra Chính phủ là ông Đinh Văn Minh nêu ý kiến:

“Những con số thống kê về trình độ học vấn (đo đếm qua bằng cấp) khiến cho người ta không khỏi nửa mừng nửa lo. Mừng là vì công chức càng ngày càng “có học”,…

Thủ tướng còn phải ra hẳn một chỉ thị để chống “tham nhũng vặt”, để đấu tranh với những tệ nạn do chính đội ngũ công chức “có học” này gây ra”. [1]

Ông Đinh Văn Minh là Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ và vì vậy số liệu thống kê ông đưa ra chắc phải là nguồn tư liệu tin cậy, toàn diện về trình độ đội ngũ công chức Việt Nam hiện tại.

Bài báo trích số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy cả nước có 295.536 biên chế công chức từ cấp huyện đến trung ương.

Số công chức chưa qua đào tạo hoặc chưa được cấp chứng chỉ các trình độ như sau:

Trình độ “Lý luận chính trị” là 32,7%; Trình độ tin học là 25,7%; Trình độ ngoại ngữ là 26,9%;… (Số liệu nêu trên không bao gồm Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).

Hơn một phần tư công chức từ cấp huyện trở lên chưa được đào tạo hoặc chưa đạt chuẩn (chưa có chứng chỉ) về Công nghệ Thông tin, liệu đây có phải là điều bình thường khi thế giới đã bước vào kỷ nguyên “Trí tuệ nhân tạo”, khi đất nước bước vào công cuộc “chuyển đổi số” nhưng 25% công chức Việt Nam hoặc là không biết gì hoặc là hụt hẫng kiến thức tin học!

 


(Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)

“Chưa qua đào tạo hoặc chưa được cấp chứng chỉ” gộp chung lại là chưa đủ tiêu chuẩn làm công chức nhà nước theo quy định cũ nhưng có vẻ sẽ phù hợp với quy định mới khi sắp tới đây các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ được bãi bỏ và thay thế bằng “Năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học”!

Tuy nhiên, muốn đánh giá “Năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học” của công chức thì phải lập “Hội đồng”, phải ban hành “Quy trình” và trở lại cái vòng luẩn quẩn từ xưa hay thôi thì “tùy ý thủ trưởng”?

Thực ra thì những người chưa qua đào tạo hoặc chưa được cấp chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ là những người trung thực vì họ không mua bán chứng chỉ, bằng cấp để che giấu sự khiếm khuyết của mình. Họ không sống theo kiểu “đẹp đẽ khoa ra, xấu xa đậy lại” và vì vậy họ nên được tôn trọng.

Ba phần tư còn lại đủ chứng chỉ liệu có phải hoàn toàn phản ánh năng lực tương đương với chứng chỉ đó?

Tại phiên họp ngày 25/02/2014 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nêu ý kiến:

“Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. [2]

Ông Luận đã phân biệt rạch ròi hai loại “bằng” giúp người sở hữu nó “Có thể chui vào hệ thống công chức nhà nước” là bằng giả hoặc bằng thật nhưng chất lượng giả.

Vậy có thể ước lượng số người “chui” vào công chức nhà nước theo cách diễn đạt của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận?

Mới đây, trong quá trình kiểm tra nhân sự, chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai khoá 2021-2025, Huyện ủy huyện này đã phát hiện 9 cán bộ cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông “không hợp pháp”. [3]

Loại bằng “không hợp pháp” nêu trên được gọi theo cách dân gian là “Bằng rởm” hoặc “Bằng giả”. Đầu tháng 02/2021, công an xóa sổ đường dây làm bằng giả, thu giữ 4.000 con dấu và 5 tấn phôi bằng. [4]

Nguyên tắc của thị trường là có cầu thì sẽ có cung, không có người mua bằng, chẳng kẻ tâm thần nào làm giả hàng đống văn bằng chỉ để cất trong tủ.

Loại bằng giả 100% này phát hiện dễ và triệt phá không mấy khó khăn, bằng chứng là cơ quan đảng huyện miền núi Ia Pa, tỉnh Gia Lai cũng có thể phát hiện và xử lý.

Vấn đề nằm ở loại “bằng thật nhưng chất lượng giả”, có thể nêu hai vụ việc điển hình:

Vụ “Lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và vụ văn bằng 2 ngoại ngữ tại Đại học Đông Đô – một cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội.

Nếu phải nói thêm, nói chính xác, nói có sách, mách có chứng thì không thể bỏ qua một dạng “bằng thật nhưng chất lượng giả” khác. Số lượng loại bằng này không hề nhỏ và nó có tên là “bằng đại học tại chức”.

Khi dư luận bức xúc với loại văn bằng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Thiện Nhân – buộc phải lên tiếng:

“Tại chức là “nồi cơm” của các trường, họ đã có từ 40 - 50% khoản thu từ đó, nếu siết lại ngay thì khổ cho các trường nên chỉ cần gióng chuông cảnh báo”. [5]

Sau khi tiếng chuông cảnh báo được gióng lên, số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2003 – 2007, “có năm quy mô của hệ vừa học, vừa làm (chủ yếu là tại chức, từ xa,…) chiếm 49,49% tổng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng của cả nước”. Năm 2009, số lượng sinh viên đại học tại chức là 490.000 người, bằng 57% quy mô đại học chính quy. [5]

Từ hai số liệu thống kê nêu trên (49,49% và 57%) có thể thấy bình quân giai đoạn 2003-2009, tỷ lệ người theo học chương trình vừa học, vừa làm (tại chức) bằng khoảng 50% quy mô hệ đào tạo chính quy.

Để dễ hình dung, nếu quy mô đào tạo chính quy là 100 người thì tại chức là 50 người, và như vậy cứ ba cử nhân ra trường thì có một là “tại chức”!

Căn cứ vào thực tế là hàng loạt địa phương (Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Nam Định,…) tuyên bố “Nói không với bằng đại học tại chức” hoàn toàn có đủ cơ sở kết luận, rằng bằng tốt nghiệp đại học loại này là bằng thật nhưng chất lượng thì chưa chắc?

Dù nhiều địa phương có kiên quyết cỡ mấy thì số lượng “khủng” sinh viên tại chức ra lò trong hàng chục năm trời đã có đủ thời gian “chui” vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (như ý kiến của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) và hậu quả phải chăng đã hiển hiện trong một số điều luật, chẳng hạn trên các văn bằng không còn sự phân biệt hình thức đào tạo “tại chức” hay “chính quy”.

Nói cách khác, một số lượng không hề nhỏ “hàng tại chức” không thuộc diện “Hàng Việt Nam chất lượng cao” xưa kia nay đã mặc nhiên được xếp cùng “đẳng cấp” với bất kỳ loại “đồ xịn” nào, và những ai vẫn coi đấy là “hàng rởm” liệu có nên thận trọng?

Năm 2013, trong bài “Bằng “rởm” cao cấp, pháp luật chào thua” người viết đã phân tích vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với loại bằng tiến sĩ “rởm”.

Tám năm sau, đến năm 2021 này vẫn có một số người dùng bằng ngoại ngữ “rởm” của Đại học Đông Đô để làm luận án tiến sĩ.

Và những kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, những lời phê phán kẻ dùng văn bằng giả hình như đã trở nên nhàm chán.

Rất nhiều tiếng nói đề nghị phải có một văn bản quy phạm pháp luật chuyên đề xử lý tệ sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mạo hoặc văn bằng thật nhưng chất lượng giả, tiếc rằng cho đến nay kiến nghị vẫn chỉ là kiến nghị.

Đến bao giờ thì những kẻ sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để “chui” vào cơ quan nhà nước mới bị công khai danh tính?

Học tập nâng cao trình độ, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học không liên quan đến quản lý nhà nước thì tốt nhất hãy chuyển nơi làm việc, hãy trở thành người nghiên cứu khoa học hay giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tiếc rằng một bộ phận không hề nhỏ công chức “có học” được Tiến sĩ Đinh Văn Minh đề cập đang sử dụng những tấm bằng tiến sĩ lưỡng dụng, vừa để “tiến” vừa để “sĩ”.

Người Việt đang hàng ngày tiếp xúc với thuốc chữa bệnh giả, xăng dầu giả, thực phẩm bẩn, sông hồ ô nhiễm, không khí đầy bụi mịn và phải chăng vì thế sống chung với bằng giả cũng là một nét “văn hóa”?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-chuc-ngay-cang-co-hoc-720844.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-163130.html

[3] https://vov.vn/chinh-tri/to-chuc-nhan-su/phat-hien-9-can-bo-dung-bang-gia-khi-ra-soat-nhan-su-ung-cu-844110.vov

[4] http://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/Cong-an-tinh-Hung-Yen-triet-pha-duong-day-lam-bang-gia-quy-mo-lon-630287/

[5] https://thanhnien.vn/giao-duc/dao-tao-tai-chuc-van-bat-nhao-noi-com-cua-cac-truong-922243.html

(Theo GDVN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét