Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Một cách phá nền giáo dục

 

Giáo viên phải "có tí chức sắc" mới được lên hạng, đã có nơi mất đoàn kết

Cập nhật lúc 09:40     

 Hiệu trưởng giỏi, công tâm thì tìm tổ trưởng chuyên môn có năng lực. Nhưng hiệu trưởng non kém lại muốn có người bảo vệ mình nên tiêu chí chọn tổ trưởng cũng khác

Bài viết “Chuyển xếp hạng giáo viên theo thông tư mới mỗi nơi làm một kiểu” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục và nhận được khá nhiều ý kiến của các nhà giáo.

Rất nhiều thầy cô giáo đồng tình với bài viết và mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét sửa đổi một số quy định để đảm bảo quyền lợi cho nhiều thầy cô giáo đã cống hiến biết bao công sức cho ngành.

Những nỗi niềm tâm tư của giáo viên trước nguy cơ xuống hạng

Trao đổi với người viết, các đồng nghiệp đã bày tỏ nhiều tâm tư lo lắng về nguy cơ xếp hạng theo thông tư mới. Cô Ngọc Huyền, giáo viên tại Bình Thuận chia sẻ: “Đi dạy 20 năm, 10 năm ở hạng II giờ lại bị tuột xuống hạng III trong khi bản thân luôn trau dồi phẩm chất đạo đức và cố gắng phát triển năng lực chuyên môn”;

 


Chất lượng dạy học của giáo viên đôi khi không phụ thuộc vào thứ hạng giáo viên đảm nhận (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Cô P.T cho biết: “Gần 30 năm đi dạy thì hơn nửa số thời gian là tổ trưởng chuyên môn với nhiều thành tích nổi trội như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua các cấp, là công đoàn viên xuất sắc…mới nghỉ làm tổ trưởng 1 năm (dành cơ hội cho lớp trẻ) thì phải xuống hạng III có thật là công bằng?”.

Cô B.N: “Xét trụ hạng và xuống hạng kiểu này thật không công bằng. Nhiều giáo viên công hiến vài chục năm, những tiêu chuẩn ấy trước đây họ đều đạt hết. Có thầy cô giáo từng làm tổ trưởng hàng chục năm, từng là giáo viên dạy giỏi, từng được chiến sĩ thi đua, nhưng hiện tại họ không đảm nhận chức vụ tổ trưởng thì không được xét, thấy bất cập và buồn quá".

Giáo viên H.T. cho rằng: "Tổ trưởng ở các trường học có phải do giáo viên bầu người có năng lực lên đâu? Chủ yếu là “quân xanh” của hiệu trưởng. Không thân tín, không phe cánh thì có giỏi cũng nằm mơ nhé. Làm thế này, hiệu trưởng đã uy quyền càng uy quyền hơn”.

Cô giáo trẻ tâm tư: “Việc thăng hạng như quy định của chùm Thông tư 01/02/03/04/2021 rất thiệt thòi cho giáo viên dạy bộ môn ở tiểu học.

Ví dụ như giáo viên tốt nghiệp chuyên mĩ thuật dạy tiểu học 23tiết/23 lớp. Do thiếu nên 1 giáo viên bộ môn chạy 4 điểm trường (cách nhau từ 4km đến 16 km ) nên không kiêm nhiệm gì.

Khi xét thì nào không tổ trưởng, không dự giờ (vì tốt nghiệp chuyên sư phạm mĩ thuật của đại học mỹ thuật nên không nắm nội dung các môn khác).

Khi dạy tiểu học thì bị trả lương trung cấp do vị trí việc làm là tiểu học. Giáo dục cần khảo sát các vùng nông thôn và có tiếng nói cho giáo viên bộ môn”.

Phân hạng giáo viên có tạo động lực cho giáo viên phấn đấu trong giảng dạy và rèn luyện phẩm chất?

Nếu theo quy định hạng giáo viên cần đạt phải gắn với nhiệm vụ yêu cầu của các hạng đó thì chỉ có tổ trưởng chuyên môn mới được lên hạng hoặc trụ hạng.

Mỗi trường tiểu học có nhiều nhất là 5 tổ trưởng chuyên môn, trường ít giáo viên có thể chỉ có 3 tổ trưởng. Khi những vị trí tổ trưởng đã đủ thì giáo viên hiểu rằng có phấn đấu thế nào, có nhiệt tình giảng dạy ra sao bản thân cũng không thể được xét thăng hạng.

Theo quy định từ trước đến nay, tổ trưởng chuyên môn được các thành viên trong tổ bầu hàng năm. Tuy nhiên trong thực tế, tổ trưởng chuyên môn hoàn toàn do hiệu trưởng chỉ định.

Có những hiệu trưởng giỏi, công tâm thì tìm tổ trưởng chuyên môn có năng lực. Nhưng hiệu trưởng non kém lại muốn có người bảo vệ mình nên tiêu chí chọn tổ trưởng cũng khác.

Người được chọn không cần năng lực xuất sắc, không cần chuyên môn nổi trội hơn đồng nghiệp mà chỉ cần biết “nhìn mặt hiệu trưởng để sống”, biết thu thập tin tức từ tập thể để làm "chim xanh” là đạt rồi.

Vì thế có thể giáo viên ấy sẽ làm tổ trưởng chuyên môn cho đến khi hiệu trưởng chuyển trường hoặc giáo viên ấy chuyển đi trường khác đồng nghĩa với việc những giáo viên tiềm năng khác chẳng bao giờ còn cơ hội thể hiện mình.

Và như thế, lòng nhiệt huyết cũng mai một dần, sự bất mãn, buông xuông là không thể tránh khỏi khi cái suy nghĩ “làm cho lắm cũng chẳng ai ghi nhận” cứ len lỏi trong đầu.

Việc thăng hạng, trụ hạng liên quan đến thu nhập hàng tháng của giáo viên. Bởi thế, nhiều thầy cô giáo lo sợ rằng giáo viên không lo phát triển chuyên môn nghiệp vụ, không lo giảng dạy mà chỉ lo tìm cách lấy lòng hiệu trưởng để giành cơ hội cho mình.

Nguy cơ mất đoàn kết nội bộ

Một đồng nghiệp (đề nghị giấu tên) vừa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện buồn xảy ra tại trường học nơi bạn công tác trong đợt xét trụ hạng và xuống hạng của giáo viên thời gian vừa qua.

Cô giáo A. nói rằng khi nhà trường xét cho cô giáo B. trụ hạng II còn một số giáo viên khác phải xuống hạng III, có giáo viên bức xúc đã tố đồng nghiệp mình. Nào là đi dạy trễ, thường xuyên bỏ lớp và ít quan tâm đến học sinh, nhiều phong trào của trường tham gia không nhiệt tình…

Tố đồng nghiệp đồng thời chứng tỏ mình luôn thực hiện mọi nội quy đều tốt mà sao không được xét?...

Giáo viên B. bị đồng nghiệp tố cũng tố lại giáo viên đã tố mình…thế là buổi bình xét trở thành buổi ‘họp chợ” moi móc nhau.

Và, không riêng gì trong cuộc họp mà những cuộc trò chuyện bên lề người ta cũng thường đem câu chuyện về giáo viên này nổi trội hơn nhưng chỉ là hạng III còn giáo viên kia chưa thật nổi bật nhưng lại được hạng II…rồi ai nấy nêu ý kiến chủ quan của mình.

Khi quy định phân hạng giáo viên, mục tiêu cần hướng tới là ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của giáo viên cũng như tạo động lực để các thầy cô giáo cố gắng phấn đấu rèn luyện bản thân cũng như trong công tác giảng dạy.

Tuy nhiên việc phân hạng hiện nay đang tạo ra khá nhiều bất công cho các nhà giáo. Rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để có những sửa đổi cũng như hướng dẫn cách thực hiện cho phù hợp nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

(Theo GDVN) Phan Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét