Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Dịch COVID-19 sáng 9-4: Toàn cầu vượt 1,5 triệu ca bệnh, các nước châu Âu kéo dài phong tỏa

Cập nhật lúc 10:59    

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 1,5 triệu, tăng hơn 76.800 ca so với ngày trước đó. Mỹ tuyên bố siết chặt việc xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế, còn các nước tâm dịch COVID-19 ở châu Âu kéo dài biện pháp phong tỏa.

 

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 8h ngày 9-4
Số ca nhiễm mới tăng nhẹ ở Trung Quốc
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhẹ trong 2 ngày liên tiếp đồng thời số ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài đang ở con số cao nhất trong 2 tuần. Trong ngày 8-4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo có 63 ca nhiễm mới, trong số này, 61 ca từ nước ngoài trở về. Tổng số ca bệnh từ nước ngoài về là 1.103 trường hợp, chủ yếu là du học sinh Trung Quốc.
Tổng số ca xác nhận nhiễm bệnh ở đại lục là 81.865 người và 3.335 người tử vong, trong số đó, 75% nạn nhân là ở thành phố Vũ Hán.
Hàn Quốc có số nhiễm mới ít nhất từ cuối tháng 2
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong ngày 9-4, đất nước này đã ghi nhận 39 ca nhiễm virus corona chủng mới và 4 ca tử vong mới do bệnh COVID-19. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc dao động quanh mốc 50 ca với tỉ lệ khỏi bệnh trên 65%. 
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đến nay, tổng số ca mắc nhiễm virus corona ở Hàn Quốc là 10.423 người. Tổng số ca tử vong là 204, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. 
Ngoài ra, có 197 trường hợp đã phục hồi và xuất viện. Tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 6.973 người. Hiện vẫn còn hơn 30 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Nửa tỉ người sẽ lâm vào nghèo đói
Tổ chức Oxfam cảnh báo virus corona chủng mới có thể đẩy hơn 500 triệu người trên toàn cầu vào nghèo đói nếu không có các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ cho các nước nghèo.
Theo Oxfam, ảnh hưởng của việc đóng cửa kinh tế tại hàng loạt quốc gia sẽ đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu lùi lại 10 năm, riêng tại một số nước châu Phi và Trung Đông có thể đến 30 năm. 

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỹ chặn xuất khẩu thiết bị y tế
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) ngày 8-4 cho biết sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là các thiết bị bảo hộ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước này.
Các mặt hàng thuộc diện bị thu giữ gồm mặt nạ chống độc, khẩu trang phẫu thuật và găng tay phẫu thuật. Sau khi thu giữ, Fema sẽ xem xét số hàng nào được giữ lại để sử dụng trong nước và số hàng nào được phép xuất khẩu. Quy định thu giữ và kiểm tra hàng xuất khẩu của Fema sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4 tới 10-8.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump kích hoạt đạo luật sản xuất quốc phòng trong nỗ lực giảm bớt tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh viện.
Tình trạng này đã dẫn đến một các "tranh giành" giữa một số bang và thành phố ở Mỹ trong thời gian qua, buộc Tổng thống Trump phải chỉ đạo các cơ quan liên bang dùng quyền cần thiết để thu giữ những thiết bị y tế đang có nhu cầu cao tại Mỹ.
Mỹ cũng cho phép các nhà thuốc thực hiện các xét nghiệm COVID-19 đã được phê duyệt trong nỗ lực đẩy mạnh việc xét nghiệm trên toàn quốc, theo AFP.
Bộ trưởng Y tế Alex Azar nói rằng động thái này sẽ cho phép các nhà thuốc đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh bên cạnh các nhân viên y tế. Các xét nghiệm được cho phép sẽ bao gồm xét nghiệm kháng thể để xác định liệu một người đã khỏi bệnh hay chưa.

Mỹ hiện có hơn 425.000 ca mắc COVID-19 và ít nhất 14.600 ca tử vong.
* Bộ Y tế Mexico ngày 9-4 thông báo nước này có 396 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm virus corona ở Mexico hiện là 3.181 trường hợp với 174 trường hợp tử vong.

* Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 9-4 tiếp tục áp dụng thêm các biện pháp cách ly mạnh tay đối với tất cả công dân từ nước ngoài trở về kể từ nửa đêm 9-4 cho đến khi có thông báo mới. 
Cụ thể, các công dân từ nước ngoài trở về sẽ bị cách ly tập trung, không được cách ly tại nhà. Đây là biện pháp được dự báo trước dù số ca nhiễm virus mới của New chỉ tăng lên 29 trường hợp trong ngày 9-4, thấp nhất kể từ ngày 21-3. 
Tổng số ca nhiễm virus ở New Zealand là 1.239 và chỉ có 1 trường hợp tử vong. 

Người cao tuổi Mỹ tập thể dục trên ban công một khu nhà ở California ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

New York treo cờ rủ
Tâm dịch New York của Mỹ để cờ rủ toàn bang sau khi số ghi nhận tổng cộng 6.298 ca tử vong do COVID-19.
Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York. Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.

Châu Âu: một số nước kéo dài phong tỏa
Pháp, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 với hơn 10.000 ca tử vong, sẽ kéo dài biện pháp phong tỏa toàn quốc đến ngày 15-4. Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng các biện pháp phong tỏa đang giúp kềm chế dịch lây lan và đây chưa phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế.
Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga, các biện pháp chống dịch thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn.Tốc độ lây lan dịch đã chậm lại trong những ngày gần đây."Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa đi đến đích"- ông Sommaruga nói.
Tại Ý, thủ tướng Giuseppe Conte bác bỏ những lời kêu gọi nới lỏng phong tỏa của các doanh nghiệp nhằm cho phép người lao động trở lại làm việc.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15-5.
Theo Ủy viên châu Âu Margaritis Schinas, toàn bộ các nước thành viên khối Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tương tác trong cộng đồng và làm chậm đà lây lan của virus. Bên cạnh đó, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ 3 để hỗ trợ cho nỗ lực trên.

Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tàu sân bay Pháp nghi có ca nhiễm
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải ngừng sứ mệnh ở Biển Bắc để quay trở về nước sau khi phát hiện khoảng 40 trường hợp nghi mắc COVID-19 ở trên tàu.
Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp ngày 8-4 ra thông cáo cho biết "khoảng 40 thành viên thủy thủ đoàn có các triệu chứng giống như bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp nào nguy kịch".
Một nhóm chuyên gia về dịch bệnh thuộc lực lượng quân y Pháp đã được đưa lên tàu để kiểm tra sức khoẻ của 1.760 thành viên thủy thủ đoàn. 

Tàu sân bay Charles de Gaulle - Ảnh: REUTERS

Hàng trăm triệu người Ấn Độ buộc phải mang khẩu trang
Nhiều bang và thành phố lớn, gồm New Delhi và Mumbai, với hàng trăm triệu dân đã ra quy định bắt buộc mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, theo hãng tin AFP.
Tại New Delhi, chính quyền yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng khi ra ngoài, kể cả lúc ngồi trên ôtô, ở nơi làm việc hoặc văn phòng. Khẩu trang sử dụng phải là loại có 3 lớp hoặc khẩu trang vải.
"Khẩu trang giúp giảm đáng kể sự lây lan của virus" - Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal nói.
Cùng ngày, bang đông dân nhất Ấn Độ Uttar Pradesh và các thành phố Mumbai, Thane và Pune của bang Maharashtra cũng đưa ra quy định tương tự.


Đồ họa: NGỌC THÀNH

 (Theo Tuổi trẻ) TRẦN PHƯƠNG - HỒNG VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét