Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Mỹ ghi nhận số người chết kỷ lục trong 24h, các nhà tang lễ ở New York quá tải

Cập nhật lúc 21:46                 

Theo số liệu mới nhất tính theo thời gian thực của ĐH Johns Hopkins công bố ngày 29-4 (giờ địa phương), nước Mỹ đã ghi nhận số người chết kỷ lục trong 24h qua với 2.502 ca tử vong.


 

Một cảnh sát đứng gần nơi các nhân viên xử lý những thi thể người bệnh COVID-19 trên xe tải ở nhà tang lễ Andrew Cleckley tại quận Brooklyn ở thành phố New York, bang New York, Mỹ ngày 29-4-2020 - Ảnh: REUTERS

Như vậy, sau hai ngày tương đối giảm số người chết vào chủ nhật (26-4) và thứ hai (27-4), số người chết vì virus corona lại tăng ở Mỹ. Theo ĐH Johns Hopkins, tới nay đã có ít nhất 60.853 người Mỹ chết vì COVID-19.
Theo Hãng tin AFP, tại New York, địa phương tâm dịch của nước Mỹ, chỉ còn duy nhất một nhà tang lễ vẫn tiếp nhận các thi thể, trong khi các nơi khác đều đã từ chối vì không thể giải quyết.
Ngay cả với nhà tang lễ duy nhất còn phục vụ này cũng không phải vì họ không quá tải. Lý do thực sự như chia sẻ của người trong cuộc là vì họ không chịu nổi cảm giác đau lòng khi phải từ chối những gia đình vốn đã quá đau khổ vì mất người thân lúc này.
Số người chết hằng ngày vì COVID-19 tại New York tới nay đã giảm một nửa so với mức đỉnh 799 người chết ngày 9-4, nhưng chuông điện thoại của Công ty Dịch vụ tang lễ và hỏa táng quốc tế, một doanh nghiệp do phụ nữ điều hành ở Harlem vẫn liên tục đổ.
"Họ rất tuyệt vọng, họ nói ‘trời ơi, người ta sẽ đưa người thân của tôi tới khu chôn những người nghèo, người vô danh, các bệnh viện không còn giữ xác nữa. Quý vị có thể giúp không", bà Nicole Warrring, giám đốc phụ trách tang lễ, một trong 4 phụ nữ điều hành công ty, chia sẻ với AFP.
"Thật khó để nói với họ là hai ngày nữa hãy gọi lại cho tôi, điều đó làm tôi đau lòng", bà nói.
Kể từ khi New York trở thành tâm dịch COVID-19 của nước Mỹ trong tháng trước, Công ty Dịch vụ tang lễ và hỏa táng quốc tế đã quá tải công việc.
Với nhiều gia đình ở bang New York, nơi đã có hơn 20.000 người chết vì COVID-19, việc tìm ra một nhà tang lễ có thể tiếp nhận, giải quyết hậu sự cho người thân lúc này là chuyện rất khó khăn.
"Mọi người từ khắp các quận gọi về cho chúng tôi vì rất nhiều nhà tang lễ đã quá tải. Họ thậm chí còn không nghe điện thoại nữa", bà Warring nói.
Bà Alisha Narvaez, quản lý tại công ty Dịch vụ tang lễ và hỏa táng quốc tế, cũng không muốn khiến những thân nhân đã rất đau khổ đó thêm một lần tuyệt vọng nên vẫn cố gắng tiếp nhận mọi thi thể đưa tới, bất kể việc này có nghĩa toàn bộ đội ngũ của họ sẽ phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
"Điều đau lòng với tôi là mình đã không thể phục vụ họ tốt nhất như cách mình muốn. Vậy nên phần khó khăn nhất chính là phải từ chối các gia đình, và đó là điều tôi cố gắng để không phải làm như vậy", bà Narvaez nói.
(Theo Tuổi trẻ) D. Ki Thoa

Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những ngày đầu đất nước thống nhất

Cập nhật lúc 12:42                  
Trước ngày 30/4/1975, Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã gặp nhiều khó khăn khi đường dây liên lạc với cấp trên đã bị ngưng lại do chiến sự. Với vai trò một phóng viên quốc tế của tờ báo Time, lẽ ra Phạm Xuân Ẩn sẽ phải rời khỏi Việt Nam trước khi chiến sự được dự báo nổ ra tại Sài Gòn. Nhưng ông đã không rời khỏi Việt Nam mà chấp nhận ở lại đương đầu với khó khăn.
Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn

Trong cuốn Điệp viên hoàn hảo X.6 của nhà sử học Larry Berman, trước ngày 30/4, tòa soạn báoTime đã thúc giục Phạm Xuân Ẩn cùng gia đình mau chóng rời khỏi Việt Nam vì tình hình chiến sự đang ngày một căng thẳng, và toà soạn không thể bảo đảm an toàn cho phóng viên của mình.
Hầu hết các phóng viên có cộng tác với các tờ báo Mỹ cũng đã tìm cách để di tản một cách nhanh nhất, tuy nhiên, Phạm Xuân Ẩn chỉ đưa vợ con đi trước còn ông chọn con đường ở lại. Khi được đồng nghiệp hỏi sao chưa đi thì Phạm Xuân Ẩn chỉ nói là ông còn mẹ già đang bệnh. 
Ông Larry Berman
Sau này kể lại cho Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn cho rằng thời điểm đó ông rất lo lắng và căng thẳng vì Sài Gòn đang cực kỳ hỗn loạn. Từng đám quân lính Việt Nam cộng hoà hoảng loạn trút bỏ quân phục, những cuộc thanh toán nhau đã xảy ra.
Với mọi người xung quanh thì Phạm Xuân Ẩn là một người đã từng cộng tác với Mỹ nhiều năm, nếu bị chính quyền mới bắt giữ thì ông khó lòng minh oan bởi cấp trên của ông thời điểm đó không liên lạc được.


 Thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn do chính quyền Sài Gòn cấp

Trước tình hình căng thẳng đó, ngày 29/4/1975, Phạm Xuân Ẩn đưa mẹ tới trú tạm tại khách sạn Continental (Quận 1), nơi có đông Pháp kiều tị nạn và bệnh viện Grall. "Trong những ngày hỗn loạn đó, khách sạn Continental có lẽ là một trong những nơi an toàn nhất ở Sài Gòn”, Phạm Xuân Ẩn đã kể lại cho Larry Berman như thế. 
 Suốt 1 tuần ở đó, Phạm Xuân Ẩn chỉ đi lại giữa khách sạn và toà soạn báo Time, nơi ông tiếp tục vai trò một phóng viên quốc tế. Và khi chính quyền Việt Nam cộng hoà sụp đổ, Phạm Xuân Ẩn vẫn đang giữ vị trí phụ trách văn phòng Time tại Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn đã gửi telex tới toàn soạnTime tại New York (Mỹ): “Tất cả phóng viên Mỹ đã di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng tạp chíTime hiện nay do Phạm Xuân Ẩn điều hành”.


Phạm Xuân Ẩn trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo nhà sử học Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn đã ở khách sạn Continental khoảng 1 tuần. Suốt thời gian đó, ông vẫn điều hành văn phòng, tiếp tục có những tin bài cho Time.
Phạm Xuân Ẩn cũng là một trong những nhà báo chứng kiến sự kiện chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập. Bài báo cuối cùng ông viết cho Time có tựa đề “Cuộc chia tay cuối cùng nghiệt ngã” được ghi là ngày 12/5/1975.
Những ngày sau đó, Phạm Xuân Ẩn đã chấp hành nghiêm túc quy định của chính quyền mới về việc trình diện, khai báo về nhân thân trước khi có đại diện lực lượng an ninh phía cách mạng tới tiếp xúc với ông. Tuy nhiên cũng chỉ có một số ít người trong chính quyền mới biết Phạm Xuân Ẩn là tình báo nằm vùng, nhiều người chỉ nghĩ ông vẫn đang làm công việc của một nhà báo quốc tế bám trụ ở Việt Nam sau chiến tranh.


Nhà sử học Larry Berman và Phạm Xuân Ẩn
Mãi tới khi Phạm Xuân Ẩn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” vào tháng 1/1976, mọi người mới biết ông là tình báo viên của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt bao năm chiến tranh. 
(Theo Tiền phong) Trọng Thịnh

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Vợ chồng tố cáo cán bộ công an bảo kê Đường “Nhuệ” bất ngờ được tại ngoại  sau 2 năm ngồi tù
Cập nhật lúc 16:36                                  

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết - những người từng tố cáo băng nhóm Đường "Nhuệ" và cán bộ công an bảo kê, đã bất ngờ được TAND cấp cao cho tại ngoại, sau hơn 2 năm ngồi tù. 


Ông Lẫm, bà Quyết (giữa) đã được về nhà sau khi tòa cấp cao thay đổi biện pháp ngăn chặn. ẢNH LÊ TÂN

Ngày 28.4, TAND cấp cao đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi, ngụ số 138 đường Nguyễn Danh Đới, phường Trần Lãm, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi, vợ ông Lẫm) từ tạm giam thành bảo lãnh tại ngoại.
Ông Lẫm và bà Quyết là bị can trong vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Công an TP.Thái Bình khởi tố, điều tra sau đó chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Thái Bình.
Tháng 6.2019, ông Lẫm, bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù. Trong quá trình bị khởi tố, truy tố và xét xử, ông Lẫm và bà Quyết cùng người nhà đã liên tục làm đơn kêu oan, đồng thời tố cáo một số cán bộ Công an TP.Thái Bình bao che cho băng nhóm Đường "Nhuệ". Đến nay, vụ án đang trong trình tự chờ xét xử phúc thẩm.
Hồ sơ Thanh Niên thu thập được cho thấy, năm 2017, ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết có vay của Đường “Nhuệ” 1,7 tỉ đồng. Ngày 3.10.2017, khi vợ chồng ông Lẫm đi vắng, Đường “Nhuệ” dẫn người đến chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết của ông Lẫm đến ngày 19.10.2017.
Trong thời gian đó, Đường "Nhuệ" liên tục gọi điện đe dọa, chửi bới vợ chông ông Lẫm và yêu cầu ông Lẫm, bà Quyết phải định giá công ty, bán lại cho Đường "Nhuệ" để trả nợ.
Ngày 16.10.2017, gia đình ông Lẫm gửi đơn tố cáo Đường “Nhuệ” về hành vi tổ chức chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa, giết người, lăng mạ. Đến ngày 19.10.2017, Công an TP.Thái Bình mời các bên liên quan lên làm việc, Đường “Nhuệ” mới “rút quân” khỏi Công ty TNHH Lâm Quyết.
“Khi đàn em của Đường "Nhuệ" rút đi, tất cả giấy tờ trong công ty đã biến mất. Trong đó, có nhiều hồ sơ, tài liệu, giấy xác nhận trả tiền nợ của bố mẹ tôi”, anh Nguyễn Văn Hà (31 tuổi, ngụ phường Trần Lãm, TP.Thái Bình), con trai vợ chồng Lẫm, cho biết.  Đáng chú ý, trong quá trình làm đơn tố cáo băng nhóm Đường “Nhuệ”, thấy vụ việc có diễn biến phức tạp nên ông Lẫm đã có đơn tố cáo lên Công an tỉnh Thái Bình về việc lãnh đạo Công an TP.Thái Bình giải quyết tố giác tội phạm không công tâm, có dấu hiệu bao che tội phạm.
Đến ngày 29.3.2018, ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình, đã ký Thông báo số 12 về việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, liên quan đến tố cáo của ông Lẫm, bà Quyết, với lý do không có căn cứ xác định Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết.
Tiếp đó, ngày 16.4.2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới làm đơn tố cáo.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh (Đoàn Luật sư TP.Hải Phòng), người trực tiếp tham gia bảo vệ cho các bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, cho biết vụ án liên quan đến Công ty TNHH Lâm Quyết đã có nhiều dấu hiệu bất thường trong tố tụng.
Vụ việc được khởi sự có liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ” nhưng các cơ quan tố tụng đã bóc tách vai trò của Đường “Nhuệ” rồi điều tra ông Lẫm, bà Quyết trong một vụ án khác mà bản chất vốn là giao dịch dân sự đã bị hình sự hóa.
Trong diễn biến khác, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định điều chuyển công tác đối với ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó trưởng công an TP.Thái Bình, làm Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình. Ông Nam là người từng bị một số người dân tố cáo đích danh về việc bao che cho băng nhóm Đường "Nhuệ". 

(Theo Thanh Niên) Lễ Tân - Thái Sơn
“Chúng ta học hỏi rất nhiều từ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19”
Cập nhật lúc 15:28                

Học giả Indonesia đánh giá cao những biện pháp chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia, ông Agus Marwan đánh giá cao những biện pháp chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ông cho rằng, trong khi nhiều cường quốc trên thế giới gặp khó khăn trong cuộc chiến này thì Việt Nam, quốc gia có nguồn lực hạn chế đã chiến thắng trong bằng một chiến lược tổng thể.


Tổng Thư ký Diễn đàn Văn Chương Indonesia Agus Marwan (ngoài cùng bên trái)

“Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Đánh giá đúng về Covid-19, chính phủ Việt Nam đã lên kế hoạch cũng như sẵn sàng thực hiện đúng những gì đã cam kết. Người dân tuân theo yêu cầu của chính phủ một cách kỷ luật. Cả chính phủ và người dân đều hợp tác trong cuộc chiến này. Có thể nói tinh thần chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam. Đó là tinh thần chiến đấu không mệt mỏi trước bất kì một kẻ thù nào” - nhà văn Agus Marwan nói.

Ông cũng phân tích 12 biện pháp chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống đại dịch:
Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng một chiến lược tuyên truyền rằng Covid-19 là kẻ thù chung cần tiêu diệt, với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chống dịch như chống giặc".
Thứ hai, Chính phủ áp dụng chính sách phong tỏa hạn chế và cung ứng các nhu yếu phẩm cho người dân khu vực phong toả với các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát chặt chẽ và bảo vệ an ninh tại khu vực biên giới.
Thứ tư, Việt Nam đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước khi ngừng tất cả các chuyến bay đến các quốc gia vùng dịch. Bên cạnh đó, hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, ngoại trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao và tiến hành cách ly 14 ngày với toàn bộ các trường hợp nhập cảnh Việt Nam trong thời gian này.
Thứ năm, chính phủ đã huy động lực lượng an ninh để xác minh, theo dõi và giám sát những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh. Cộng đồng cũng tham gia cung cấp thông tin liên quan đến các ca mắc Covid-19 và thông báo về các đối tượng từng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.
Thứ sáu, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu mọi công dân phải đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng. Những người vi phạm bị phạt tiền và xử lý nghiêm khắc. Chính phủ đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang.
Thứ bảy, Việt Nam đã đóng cửa các địa điểm dịch vụ công cộng, chẳng hạn như văn phòng và trung tâm kinh doanh không quan trọng. Trường học cũng được được đóng cửa, trong khi nhân viên các công ty và cơ quan được yêu cầu làm việc tại nhà.
Thứ tám, chính phủ đã ban hành chính sách giãn cách xã hội và cộng đồng vẫn có thể làm việc. Tuy nhiên, người dân được yêu cầu tiết giảm các hoạt động ngoài trời nếu không có lý do chính đáng.
Thứ chín, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng cách: các bác sỹ được yêu cầu điều trị các triệu chứng như sốt; bệnh nhân phải thực hiện chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt và theo dõi mức độ bão hòa oxy trong máu của các bệnh nhân.
Mười là, Chính phủ đã lập các cơ sở phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 khẩn cấp tại các khu dân cư nhằm nỗ lực phát hiện sớm các ca lây nhiễm và tăng cường xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo sớm công bố kết quả xét nghiệm.
Mười một là, Việt Nam đã lan tỏa các thông điệp truyền thông rõ ràng về Covid-19 cho người dân và kiểm soát tin giả trong không gian mạng.
Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã huy động các sinh viên trường y, bác sỹ và y tá đã nghỉ hưu tham gia cuộc chiến chống Covid-19. Điều này nhằm tăng “quân số” cho tuyến đầu chống dịch.
Nhà văn Agus Marwan còn ca ngợi Việt Nam khi có những hành động giúp đỡ các quốc gia khác khi tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng Thư ký diễn đàn Văn học Indonesia, ông Agus Marwan đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử và sự phát triển của Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách “Cuộc cách mạng bên bờ Sông Hồng” và là học giả hội thảo “Sáu mươi năm chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia"./.
Hương Trà/VOV-Jakarta
"ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" TRONG KHUÔN VIÊN DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC

Cập nhật lúc 15:01                

Nhà chức trách yêu cầu Công ty Thâm Việt (Trung Quốc) phá bỏ mô hình giống "đường lưỡi bò" trong khuôn viên nhà điều hành.


Mô hình giống "đường lưỡi bò" phía trước tòa nhà điều hành của Công ty Thâm Việt
tại khu công nghiệp An Dương. Ảnh: Google Map.

Ngày 28/4, ông Phạm Văn Mợi - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, cho biết quá trình kiểm tra công trình xây dựng vi phạm pháp luật tại khu công nghiệp An Dương, đơn vị phát hiện mô hình giống "đường lưỡi bò" nằm trước nhà điều hành của Công ty TNHH Thâm Việt (Trung Quốc).

Theo ông Mợi, mô hình trái phép này nằm trên phần đất quy hoạch công viên cây xanh trong khu công nghiệp An Dương, được lập bằng lối đi lát gạch bao quanh một hồ nước nhân tạo; nếu nhìn gần khó phát hiện ra, song quan sát từ trên cao sẽ thấy rõ mô hình giống "đường lưỡi bò".

Nhà chức trách Hải Phòng đã yêu cầu Công ty Thâm Việt khẩn trương phá bỏ mô hình "đường lưỡi bò", san phẳng khuôn viên, trả lại nguyên trạng phần đất trồng cây xanh làm công viên. "Nếu chủ đầu tư không thực hiện, thành phố sẽ cưỡng chế", ông Mợi nói.

Theo ông Lê Anh Quân - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện An Dương, cùng với yêu cầu phá bỏ mô hình "đường lưỡi bò", chính quyền địa phương đã giao Công ty Thâm Việt trong hôm nay (28/4) tháo dỡ ngôi nhà rộng khoảng 400 m2, xây trái phép trên phần đất quy hoạch làm công viên cây xanh ở cuối khu công nghiệp An Dương. Đây là ngôi nhà được chủ đầu tư xây dựng cho công nhân Trung Quốc ở trong thời gian qua.


Ngôi nhà rộng 400 m2 nằm trên phần đất quy hoạch trồng cây xanh phía cuối KCN
An Dương được yêu cầu phá dỡ trong ngày 28/4. Ảnh: Giang Chinh

Tối 28/4, ông Lê Văn Cường - Phó chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, trong chiều nay Công ty Thâm Việt đã cho người đổ đất, lấp đầy "hồ hình lưỡi bò" và đang tháo dỡ ngôi nhà 400 m2 xây trái phép; dự kiến hoàn tất các phần việc theo yêu cầu của thành phố trong ngày mai (29/4).

Trước đó tháng 9/2019, chủ đầu tư khu công nghiệp An Dương xây hàng chục ngôi nhà dành cho lao động Trung Quốc trên đất quy hoạch trồng cây xanh. Chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình trái phép này, chỉ để lại nhà tạm phục vụ điều hành thi công tại công trường. Tuy nhiên đến nay Công ty Thâm Việt chỉ tháo dỡ một phần công trình.

Khu công nghiệp An Dương được thành lập năm 2008, tổng diện tích khoảng 800 ha, do Công ty Thâm Việt làm chủ đầu tư với số vốn 175 triệu USD.

(Theo VNE) Giang Chinh
Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải: Chánh tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên giám đốc thẩm
Cập nhật lúc 14:44    

Phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao làm chủ tọa. Ông Bình là người ký quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án khi ông đang làm Viện trưởng Viện KSND tối cao.



Sáng 29.4, luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết ông đã nhận được giấy mời của TAND tối cao về việc tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, xét xử vụ án Hồ Duy Hải bị kết án về các tội “giết người”, “cướp tài sản”. Phiên giám đốc thẩm sẽ diễn ra tại trụ sở TAND Tối cao (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phiên tòa giám đốc thẩm sẽ Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa, thời gian xét xử dự kiến trong 3 ngày, từ 6.5 - 8.5. Ông Trần Hồng Phong là luật sư bào chữa cho tử tù Hồ Duy Hải.


Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm. ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Thời điểm năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình là Viện trưởng Viện KSND tối cao, từng ra quyết định không kháng nghị (ngày 24.10.2011) theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội.
Vụ án Hồ Duy Hải xảy ra tháng 1.2008, đã qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên tử hình bị cáo, Viện KSND tối cao năm 2011 từng có quyết định không kháng nghị. 
Cuối tháng 11.2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định kháng nghị mới nhất này sẽ thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao năm 2011. 

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải

Sáng 14.1.2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Sau đó, bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Sau khi những bản án được tuyên, mẹ bị án Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Nhưng ngày 24.10.2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải.
Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, trong ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sựtỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.

Theo Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Đồng thời, Viện KSND tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20.3.2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, theo Viện KSND tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao nêu rõ những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.
Vì vậy, Viện KSND tối cao cho rằng những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Infographic: Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải - Thực hiện: Phạm Thu Ngân
ĐỒ HỌA: DUY QUANG
(Theo Thanh Niên) Phan Thương

Mua cặp vé 27,7 triệu đồng, hãng bay hủy chuyến, mất 11 triệu tiền phí

Cập nhật lúc 14:32  

 Một hành khách mua 2 vé máy bay đi Hàn Quốc giá 27,7 triệu đồng qua đại lý vé máy bay. Khi hãng bay hủy chuyến đã hoàn 100% tiền vé, nhưng đại lý trả lại khách 16,5 triệu đồng và tự động trừ phí 11 triệu đồng.

 

 Anh Trần Văn Sơn cầm biên lai thu tiền vé của đại lý, bức xúc khi bị thu phí "chặt chém" tiền hoàn vé hãng bay hủy chuyến của khách hàng trong thời điểm dịch khó khăn - Ảnh: CÔNG TRUNG


Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, anh Trần Văn Sơn (tỉnh Long An) cho biết "trần ai" khi đòi tiền hoàn vé đại lý bán vé máy bay Vaness Booking có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM).
Anh Sơn kể ngày 20-3 lên mạng và thấy thông tin phòng vé Vaness Booking đang mở bán vé bay đến Seoul của Hãng China Airlines ngày 26-3.
Sau những tư vấn về giá vé, tình trạng chuyến bay, anh Sơn đã đến đại lý mua 2 vé đi Hàn Quốc với giá 1.180 USD (khoảng 27,7 triệu đồng). Tuy nhiên, sau 2 lần hãng bay hủy chuyến, thay vì đổi tiếp ngày bay sang tháng 5, anh Sơn yêu cầu đại lý hoàn vé.
"Thay vì hoàn 100% tiền vé đã mua cho khách, sau đó đại lý trừ vừa phải 1-3 triệu đồng phí tư vấn. Tuy nhiên, đại lý này báo với tôi là phải trừ tiền phí 11 triệu đồng, tôi chỉ được nhận 16,5 triệu đồng. Họ giải thích phải thu vì đã mua vé từ đầu năm nguyên dãy seri vé. Tôi chưa thấy đại lý nào mà trừ tiền phí như "bóp cổ" khách hàng như vậy" - anh Sơn nói.
Trong các diễn đàn mạng xã hội, nhiều hành khách phản ánh tình trạng tương tự khi hãng bay hủy chuyến, tiền hoàn vé dường như im lặng, khó đòi được.
Chị Nguyễn Thị Thu Loan (quận Gò Vấp) phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online, cho biết trầy trật đòi tiền 20 triệu đồng tiền hoàn vé máy bay T'way Air khi mua qua Traveloka.
Theo chị Loan, đầu tháng 2 đến nay khi hãng bay T'way Air hủy vé đi từ TP.HCM - Hàn Quốc, hãng đã hoàn tiền 100% sau 14 ngày nhưng phía Traveloka vẫn chưa thực hiện hoàn tiền cho khách hàng.
"Tôi lên tới văn phòng của Traveloka để đòi tiền hoàn vé nhưng lúc đầu họ bảo 30 ngày, sau đó rồi hứa 90 ngày. Mãi cho đến nay, tôi chẳng biết khi nào nhận được lại tiền vé máy bay khi hãng hủy chuyến" - chị Loan nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về trường hợp của anh Sơn, đại diện China Airlines cho biết sau khi xác minh vé của hành khách, hãng đã thực hiện hoàn vé và không thu phí. Tuy nhiên, vé của khách hàng mua qua đại lý nên hãng không can thiệp.
Đại diện đại lý cấp 1 H.H.H (nơi đại lý Vaness Booking hợp tác) xác nhận với Tuổi Trẻ, hai vé của anh Sơn do hãng hủy chuyến được phép hoàn vé miễn phí và đã hoàn trả đúng số tiền vé ban đầu xuất bán cho Vaness Booking mà không thu bất kỳ khoản phí nào.
"Vì khách hàng không mua trực tiếp của chúng tôi mà mua qua Vaness Booking nên không can thiệp. Việc này tùy vào thỏa thuận ban đầu giữa khách và đại lý nơi khách mua vé giải quyết" - đại diện này nói.
Tuổi Trẻ Online liên hệ với bà Vân Bích Trâm - giám đốc Vaness Booking, vị này từ chối cung cấp thông tin về việc thu phí 11 triệu đồng cho 2 vé máy bay khi hãng bay và đại lý cấp 1 đã xác nhận hoàn 100% tiền vé.
Khi được hỏi về mức thu phí 11 triệu đồng, nhiều đại lý bán vé máy bay cấp 1 khẳng định đây là "chặt chém" khách hàng, hoàn toàn không có mức phí quá cao như vậy.
"Đúng là mua vé máy bay thời điểm dịch khó khăn khi phải canh vé, làm nhiều thủ tục trong nghề để có vé bán cho hành khách. Theo tôi, thu phí như vậy là quá cao. Thông thường, phí này đại lý thu khoảng 2-3 triệu đồng. Giữ chân khách hàng, nhiều nơi còn không thu phí tư vấn, xuất vé" - chị Trang, đại lý cấp 1 tại TP.HCM, nói.
Anh Sơn cho biết sẽ gửi đơn đến cơ quan chức năng để làm rõ cơ sở nào để đại lý này lấy phí quá cao của khách hàng trong mùa dịch.
Theo bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, hành khách cần bảo vệ quyền lợi của mình khi nhận thấy sự không rõ ràng của doanh nghiệp.
"Nếu như đại lý thu phí quá cao thì nên gửi đơn kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình" - bà Thu nói và cho rằng nhiều doanh nghiệp khác lợi dụng tâm lý của khách hàng cảm thấy mệt mỏi đi tới đi lui khi xảy ra kiện tụng với những khoản tiền nhỏ nên nhiều tổ chức đã lợi dụng chiếm đoạt tiền, khách hàng chịu thiệt thòi.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc hủy, hoãn chuyến bay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
(Theo Tuổi trẻ) Công Trung

Máy xét nghiệm Covid-19: Mua giá nào đúng, giá nào thì… vào tù?

Cập nhật lúc 10:28   

 

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao "loạn giá" máy Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19? Giá nào là thực, giá nào bị "thổi", giá nào có thể bị… bắt giam như trường hợp của PGS-TS-BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội?

 

Ngày 23-4, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Realtime PCR. Theo đó, các bị can này có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế. Các bị can đã nâng giá gấp 3 lần giá nhập, khoảng 2,3 tỉ đồng lên 7 tỉ đồng khi bán cho CDC Hà Nội.


Máy PCR của Quảng Trị mua 1,45 tỉ đồng! Ảnh: Thanh Lộc

Lập tức, như hiệu ứng domino, nhiều địa phương khác cũng đã hoặc đang đặt mua thiết bị PCR với giá cao bị đặt nghi vấn! Như Hải Phòng mua máy này với giá 10 tỉ, Quảng Ninh 8,4 tỉ, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình 7,9 tỉ, Quảng Nam 7,2 tỉ; một số tỉnh lân cận Hà Nội mua với giá 6,2 tỉ…
 Nói chung, hệ thống máy PCR, mỗi địa phương mua mỗi giá khác nhau, có giá bất thường và rất cao!
Ngược lại, tỉnh Quảng Trị mua loại máy này có giá rất rẻ! Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 của Quảng Trị mua có giá chỉ 1,45 tỉ đồng, có cấu hình thấp và 1 máy tách chiết mẫu tự động với giá 650 triệu đồng. Máy có năng lực xét nghiệm 200 mẫu/ngày, do Mỹ sản xuất.
Sau thông tin này, nhiều địa phương đã mua máy PCR với giá cao bỗng "giật mình". Có địa phương tìm cách "ứng phó", lộ liễu như các tỉnh lân cận Hà Nội mua máy PCR với gía trên 6 tỉ đồng, nay "đàm phán" lại, giảm xuống còn 5,4 tỉ đồng!
"Ứng phó" thô thiển như Quảng Ninh, từ việc mua máy với giá trên 8,4 tỷ đồng, sau khi "bị động" bèn ký "phụ lục hợp đồng", giảm xuống còn 7 tỉ đồng. Ngày 19-3, Sở Y tế tỉnh này đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu nhưng hôm 21-4 bên trúng thầu đã hoàn trả lại 4,2 tỉ đồng này. Ngày 23-4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị này với giá 5,2 tỉ đồng!
 Ứng phó kiểu đó không khác gì "lạy ông tui ở bụi này"!
Nhiều tình khác "ứng phó" khôn ngoan hơn, từ việc có thể đã mua hoặc đã ký hợp đồng, nay chuyển sang "mượn" máy PCR để "dùng thử" như Hải Phòng, Bắc Giang, Bệnh viện Phổi trung ương, Lào Cai…
Chiêu "mượn máy dùng thử" lập tức bị dư luận đặt nghi vấn. Trước những ý kiến nghi vấn Hải Phòng đã mua hệ thống máy PCR với giá 10 tỉ đồng nhưng nay lại có văn bản "mượn máy" nhằm đối phó khi "bị động", bà Phạm Thu Xanh - giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho rằng không có chuyện đó!
"Mượn" hay mua với giá cao, thậm chí rất cao, chỉ có bên A và bên B (mua và bán) biết. Cơ quan thanh tra, điều tra cũng dễ dàng xác định được việc mua hay "mượn" bởi kiểu đối phó đó rất thô!
Dư luận đặt câu hỏi: vì sao "loạn giá" máy PCR? Giá nào là thực, giá nào bị "thổi", giá nào thì có thể bị… bắt giam như trường hợp của giám đốc CDC Hà Nội?
Về lý do mỗi nơi một giá, một doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế cho biết, hệ thống PCR không chênh lệch giá nhiều giữa các nhà cung cấp, nhưng thiết bị tách chiết thì chênh lệch tùy theo số lượng "giếng", tức số mẫu có thể thực hiện mỗi lần, tương ứng là 24, 36 hay 96 "giếng".
Cũng theo nhà cung cấp trên, giá cả của PCR cũng tùy thuộc vào thời điểm mua, trước đại dịch khác, trong đại dịch càng khác và đôi khi rất khó mua, thậm chí không thể mua được vì nhiều lý do. Do vậy giá cả hệ thống máy PCR cũng khác nhau là chuyện bình thường.
Vậy mua máy PCR với giá nào là có thể… vào tù? Đơn giản nếu có sự móc ngoặc, câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, nếu phát hiện thì phạm pháp, vào tù!
Đó là lý do vì sao nhiều địa phương "giật mình" sau cú ngã ngựa của giám đốc CDC Hà Nội!
Theo Bộ Tài chính, đến nay số tiền ngân sách trung ương đã chi cho các địa phương chống dịch là khoảng 3.000 tỉ đồng và có cả ngân sách địa phương. Đó là số tiền rất lớn, dễ bị thất thoát, vì vậy theo đề nghị của Bộ Công an, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, các tỉnh thành khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế…
Vụ CDC Hà Nội có thể chỉ là một vụ tham nhũng điển hình trong đầu tư công. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm việc để chỉ mặt chính xác những địa chỉ tham nhũng đầu tư công trên lĩnh vực y tế, đặc biệt tham nhũng ngân sách chống dịch thì tội ác càng lớn, càng phải được trừng trị thích đáng!
Bài học tham nhũng đầu tư công ngay trước mắt, khi mới tức thì, ngày 28-4, nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cùng 10 cán bộ của sở này bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng trong đấu thầu mua thuốc chữa bệnh!  
(Theo Người Lao Động) Lưu Nhi Dũ