Nghỉ hưu, dọn nhà sang Việt Nam!
Cập nhật lúc 08:22
Khi
chi phí chăm sóc y tế và giá sinh hoạt tăng ở nhiều nước, không ít người nước
ngoài về hưu đã tìm đến Việt Nam - một trong những nước được đánh giá có môi
trường sống thân thiện, mức sống không đắt đỏ, nhiều món ăn ngon và cảnh đẹp.
Ông L. Dennis Woolbright (người Mỹ) cùng vợ Ikuyo Usui Woolbright
(người Nhật) đi dạo ở quận 1, TP.HCM sáng 31-12-2019 - Ảnh: D.PHAN
Không phải ngẫu nhiên khi
trong bài báo đăng ngày 28-12 trên tờ New York Post (Mỹ), Việt Nam là nước
được liệt kê đầu tiên trong danh sách xếp hạng 12 quốc gia tốt nhất dành cho
người hưu trí.
Ngoài ra, mới đây tờ Los Angeles Times cũng đăng bài
viết khẳng định ngày càng nhiều người Mỹ đang tới Việt Nam nghỉ hưu vì phí
chăm sóc sức khỏe rẻ và mức sống phải chăng.
"Yêu" từ cái nhìn đầu tiên
Ở tuổi 70, ông
Herby Neubacher đã có hơn 19 năm sống tại thành phố biển Nha Trang, nơi mà
ông gọi một cách thân thương là "thành phố quê hương của tôi bây
giờ". Ông tới Việt Nam lần đầu năm 2000 để tham dự hội thảo về thị
trường hải sản ở Đức và quy định hàm lượng kháng sinh trong cá, hải sản của
EU.
Dù ở lại không
nhiều ngày nhưng ông đã nộp đơn ứng tuyển vị trí chuyên gia của Tập đoàn
SIPPO kết nối với Hãng Nestlé để làm việc trong lĩnh vực giáo dục. "Tôi
đã yêu đất nước này ngay lập tức", ông chia sẻ với Tuổi Trẻ. "Đã có
nhiều thứ thay đổi so với lúc đó, thành phố nhỏ của ngư dân ngày nào giờ đã thành
trung tâm du lịch, nhưng tôi vẫn hạnh phúc khi về hưu và sống ở đây cùng vợ
(người Việt - PV). Tôi thỉnh thoảng vẫn tư vấn cho các công ty cá tra, còn vợ
tôi tư vấn cho các công ty châu Âu, giúp họ hiểu hơn về Việt Nam", ông
chia sẻ thêm.
Trong cảm nhận của
một người châu Âu, ông Herby Neubacher thấy Việt Nam là nơi ông có sự độc lập
và tự do làm những điều mình thích. Sự mở lòng và sẵn sàng tìm hiểu, chấp
nhận văn hóa nước khác của người Việt khiến ông luôn thấy mình được chào đón,
chấp nhận. "Dù không nói rành tiếng Việt nhưng tôi chưa bao giờ gặp rắc
rối trong giao tiếp với những người Việt quanh mình", ông Herby
Neubacher chia sẻ.
Khác với ông Herby
Neubacher, hành trình đến với Việt Nam ở tuổi xế chiều của ông L. Dennis
Woolbright, người Mỹ, 74 tuổi, đang sống tại Trà Vinh, có vẻ "ngoằn
ngoèo" hơn một chút. Ông sống ở Mỹ đến năm 40 tuổi rồi lấy bằng thạc sĩ
sư phạm, sau đó chuyển sang Nhật dạy học. Ban đầu ông chỉ định ở đó một năm
rồi về, nhưng sau đó vì mê châu Á mà ông ở lại tới… hơn 30 năm. Ông cưới vợ
người Nhật và có hai con.
Sau 30 năm giảng
dạy đại học, ông về hưu ở tuổi 72 và xin phép… vợ tới Việt Nam dạy tiếng Anh
như một đam mê. Chỉ mới sống ở Việt Nam hai năm, song với ông L. Dennis
Woolbright, cảm giác thích nhất vẫn là thấy mình còn có ích, còn nhiều người
cần ông và ông cũng thích giúp đỡ mọi người. Ông rất thích tết của người Việt
Nam và khoe: "Năm ngoái tôi được 12 gia đình mời đến nhà chơi trong vòng
10 ngày!".
Nhiều người Mỹ đến Việt Nam sống
Nhà báo Ralph
Jennings, tác giả của bài báo "Những người Mỹ đang tới Việt Nam nghỉ hưu
vì phí chăm sóc sức khỏe rẻ và mức sống tươm tất" đăng trên báo Los
Angeles Times mới đây, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng kể từ sau năm 1975, mỗi
người Mỹ đều có lý do để trở lại Việt Nam, nhưng một trong số đó là việc
nhiều người tìm đến Việt Nam như một chốn an dưỡng tuổi xế chiều bởi giá nhà
ở (thuê/mua) không quá đắt, chi phí y tế rẻ và mức sống ngày một nâng cao.
Một trong những
người nhà báo Ralph đã phỏng vấn là ông John Rockhold. Sau khi kết thúc sự
nghiệp quân ngũ, ông Rockhold trở thành nhà thầu quốc phòng, chủ yếu làm việc
tại châu Phi. Lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam năm 1992 theo một chương
trình hỗ trợ những người tị nạn kinh tế.
Ông định cư tại
Việt Nam năm 1995, cũng là năm Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan
hệ. Năm 2009 ông kết hôn với một phụ nữ Việt. Thực sự thì ông Rockhold thích
Việt Nam tới mức ông đã thuyết phục mẹ mình tới Việt Nam. Khi đó bà đang ở
Santa Maria, bang California. "Bà tới dự đám cưới tôi và quyết định ở
lại luôn" - ông Rockhold kể và cười lớn. Mẹ ông Rockhold đã sống với ông
cho tới năm 2015 thì bà qua đời, thọ 94 tuổi.
Theo chia sẻ của
ông Rockhold với anh Ralph Jennings, các hàng xóm của nhà ông rất vui vẻ, hòa
nhã. "Người Việt Nam rất tử tế với tôi, nhất là nếu so sánh với chính quê
nhà ở Mỹ khi tôi trở về sau chiến tranh" - ông Rockhold nói. Ở tuổi hưu
trí, ông Rockhold vẫn rất bận rộn trong công việc kinh doanh nhập khẩu gas tự
nhiên hóa lỏng vào Việt Nam và tham gia công tác từ thiện giúp cung cấp năng
lượng mặt trời cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Ông cựu binh này cũng rất
ấn tượng trước sự cải thiện đáng kể về chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam.
Cần có chính sách thu hút rõ ràng
Giống như ông
Rockhold, ông Rick Ellis (62 tuổi, người Canada) - từng có hơn 4 thập kỷ sống
tại nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó có 11 năm sống luân phiên
tại 6 quốc gia Đông Nam Á - thậm chí còn cho rằng trong số các nước ông từng
sống suốt nhiều thập kỷ qua, người Việt Nam là những người thân thiện nhất.
Ông Rick Ellis cho
biết Việt Nam chưa có một chương trình visa chính thức dành riêng cho đối
tượng hưu trí người nước ngoài nên rất khó để xác định chính xác tổng số
người nước ngoài về hưu đang sinh sống tại đây. Dù vậy, theo tìm hiểu và ước
tính của ông Rick Ellis, con số đó phải trên 100.000 người, hầu hết vẫn đang
làm việc hoặc là các chủ doanh nghiệp.
Việc chưa có một
chính sách thị thực riêng dành cho người hưu trí nước ngoài ở Việt Nam là một
trong những yếu tố chính khiến nhiều người dù rất yêu Việt Nam, muốn đến Việt
Nam nghỉ hưu đã phải cân nhắc lại. Dù đã ở Việt Nam tới 8 năm nhưng ông Bill
Harany (76 tuổi, người Canada) cũng thừa nhận ông chưa hoàn toàn nghĩ tới
việc sẽ sống ở đây mãi, cũng bởi vấn đề thị thực, bên cạnh các khó khăn khác
như thách thức học tiếng Việt, tình hình giao thông… Ông Rick Ellis có hai
người bạn cũng ở hoàn cảnh này, họ muốn tới Việt Nam nghỉ hưu nhưng ngần ngại
vì không yên tâm chuyện visa.
Trên thực tế, đang
có một sự cạnh tranh không nhỏ giữa các nước ASEAN trong việc thu hút những
người hưu trí nước ngoài "phù hợp", tức những người có thu nhập ổn
định, không tiền án tiền sự, không tham gia hoạt động phi pháp, gây bất ổn chính
trị, xã hội. Theo ông Rick Ellis, tại Đông Nam Á các nước đã có chính sách
visa hưu trí gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, trong khi Lào,
Việt Nam và Campuchia chưa có.
Ở những nước có
chương trình thị thực hưu trí, một trong những điều kiện ràng buộc là người
nước ngoài thuộc diện này phải chứng minh được mức thu nhập trung bình tối
thiểu theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo cho họ có thể sống ổn định mà không
thành gánh nặng với địa phương sở tại. Ở Thái Lan quy định là 2.000
USD/tháng, Malaysia là 2.200 USD/tháng, Philippines là 800 USD/tháng và
Indonesia là 1.500 USD/tháng. Ông Rick cho rằng yêu cầu 800 USD của
Philippines là thực tế nhất và có thể là một hạn mức để Việt Nam tham khảo
nếu muốn triển khai chương trình tương tự.
Tuy nhiên, tiền
chưa phải là tất cả. Điều quan trọng hơn khi muốn biến chính sách thị thực
hưu trí trở thành nguồn thu ngoại tệ tốt cho ngân sách thì quy trình rà soát,
thẩm tra và cấp thị thực là công đoạn cần được thực hiện chặt chẽ. Từ quan
điểm của một nhà quản lý doanh nghiệp và kinh nghiệm sống tại nhiều quốc gia,
ông Rick Ellis cho rằng việc này hoàn toàn làm được nếu có sự phối kiểm, liên
hệ giữa cơ quan quản lý di trú với các đại sứ quán, lãnh sự quán các nước.
Theo ông Rick
Ellis, nếu có chính sách tốt giúp tạo điều kiện cho tất cả những người nước
ngoài phù hợp có thể đến Việt Nam nghỉ hưu thì đó sẽ là nguồn lợi kinh tế
không nhỏ. Chuyên gia này cho rằng do có nhiều đặc điểm tương đồng, Việt Nam
hoàn toàn có thể tham khảo thêm thông tin, cách làm của chính sách visa hưu
trí cho người nước ngoài của Thái Lan bởi quốc gia này cũng chỉ vừa mới chính
thức phê chuẩn chương trình này trong năm 2019.
Những điều Việt Nam cần cải thiện
Ông Herby Neubacher: Ồn quá!
Dù thích sống ở Việt Nam nhưng cũng có một số điều tôi nghĩ nếu được
cải thiện sẽ càng tốt hơn nữa. Theo tôi, một trong những vấn đề lớn ở đây là
rác thải khắp nơi. Ý thức bỏ rác đúng nơi quy định vẫn chưa cao, không phải
không có thùng rác nhưng người ta lại vứt rác… bên cạnh thùng rác. Khi tôi
hỏi vì sao làm vậy, họ trả lời vì thùng rác dơ lắm, họ không muốn đụng vào.
Logic này chắc chỉ có ở Việt Nam!
Một điều nữa là tiếng ồn, ví như khi người đi nhà hàng nói chuyện quá
ồn ảnh hưởng đến người khác, rồi trẻ con la hét inh ỏi. Đó là chưa kể tình
trạng hát karaoke gây ồn, có khi người ta còn hát suốt đêm, nhất là dịp tết.
Nhắc họ thì họ nói "năm mới mà" rồi lại tiếp tục.
Ông Herby Neubacher
hiện đang sống ở Nha Trang - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ông L. Dennis Woolbright: Bớt ngập sẽ tốt hơn
Trong tương lai, tôi hi vọng Việt Nam
sẽ có thêm nhiều tiến bộ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường sá
và các công trình thoát nước tốt hơn. Những thứ này rất quan trọng đối với
sức khỏe mọi người. Tôi cũng mong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam có
thể được cải thiện tốt hơn nữa. Nhiều người sẽ đến Việt Nam nghỉ hưu nếu họ
thấy công tác chăm sóc sức khỏe ở đây tốt hơn.
Bán tất cả để qua Việt Nam
Tôi sinh năm 1967, khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã xảy ra
nhiều năm. Úc gửi quân tham chiến ở Việt Nam, cha tôi đóng quân ở Biên Hòa từ
tháng 5-1965 đến tháng 6-1966. Tôi lớn lên trong những năm tháng phải nghe về
chiến tranh và những thông tin tiêu cực về Việt Nam.
Ở nơi tôi sống có nhiều người Việt Nam. Gần trường tôi học còn có một
cửa hàng bánh của người Việt Nam và họ là những người tốt bụng nhất tôi từng
gặp. Cô bán bánh thỉnh thoảng hay cho tôi một cái khi tôi đi mua bánh với mẹ.
Tôi bỗng có mơ ước phải chứng minh rằng những điều mà tôi bị bắt nghe là
không đúng.
Ông Ray Kuschert, người Úc, vô
cùng trân quý tình cảm và sự thân thiện mà người Việt Nam dành cho ông, bất
kể quen hay lạ. Trong ảnh: ông trò chuyện vui vẻ cùng những người bán hàng
mới gặp lần đầu ở chợ Đà Lạt sáng 31-12-2019 - Ảnh: MAI VINH
Đầu tháng
8-2012, tôi và con trai đến TP.HCM. Tôi vẫn nhớ cảm giác nhìn qua cửa sổ
máy bay và trông thấy Việt Nam lần đầu tiên trong đời. Là Việt Nam, là
TP.HCM. Nước mắt lăn trên má, tôi nói với con trai: "Mình tới rồi con
ơi!". Tại sân bay, tôi gặp một cô gái mặc áo dài màu thiên thanh, đội
nón lá. Với tôi, cô gái ấy hệt như một thiên thần mà tôi vẫn luôn mơ đến khi
còn nhỏ. Cô ấy mỉm cười nhìn tôi bằng một ánh mắt tôi chưa từng thấy trong
đời.
Chín ngày sau, chúng tôi bay về Úc. Tôi
tự hứa sẽ quay trở lại đây, sớm thôi. Mọi thứ nhanh chóng thay đổi khi tôi về
lại Úc với nỗi trống rỗng. Một năm mười ngày sau đó, tôi bán hết mọi thứ và
chuyển sang Việt Nam. Chỉ khi ở Việt Nam, tôi mới thấy mình được trọn vẹn.
Tôi đến Việt Nam và bắt đầu cuộc đời mới
với công tác thiện nguyện, dạy học và viết lách. Đến nay, bằng việc dành toàn
tâm toàn ý cho đất nước này, cho những con người tuyệt vời đã gặp, tôi có thể
nói lời xin lỗi, theo cách riêng bí mật của mình. Tôi muốn xin lỗi vì đã nghĩ
xấu về Việt Nam vì chiến tranh, tôi đã sai khi đổ lỗi cho Việt Nam vì những
rắc rối của gia đình mình. Khi biết được sự thật về cuộc chiến, tôi thấy mình
cần xin lỗi vì những gì gia đình tôi đã làm ở đất nước này.
Ông Ray Kuschert
(người Úc, 52 tuổi, đang sống tại TP.HCM)
(Theo Tuổi trẻ)
D.KIM THOA - NGỌC ĐÔNG
|
Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét