Cuộc cách mạng
không đổ máu của Vladimir Putin
Cập nhật lúc 08:22
20
năm trước, Vladimir Putin gây chấn động nước Nga khi được Boris Yeltsin chỉ
định làm Tổng thống. Ngày 15/1 năm nay, ông đã làm điều đó một lần nữa.
Đối mặt với hạn chế nhiệm kỳ vào năm
2024 và sự giảm tỷ lệ tín nhiệm cũng như sự đình trệ kinh tế, Tổng thống Nga
đã đánh một canh bạc bất ngờ nhằm gia tăng sự lựa chọn của mình bằng cách
định hình lại hệ thống chính trị: đề xuất những sửa đổi đáng kể nhất đối với
Hiến pháp Nga kể từ năm 1993.
Điểm nổi bật nhất trong những đề xuất
sửa đổi này là giảm bớt quyền lực của Tổng thống Nga trong tương lai, gia
tăng thêm quyền lực cho Thủ tướng và Quốc hội. Tuy nhiên, điều đó không có
nghĩa là ông có kế hoạch nghỉ hưu khỏi chính trường. Hầu hết các nhà quan sát
đều cho rằng, ông Putin hy vọng có thể cầm quyền từ vị trí khác.
Mở ra hướng đi với nhiều lựa
chọn linh hoạt
Sau tuyên bố của Tổng thống Putin, toàn
bộ chính phủ từ chức, cho phép ông Putin thay thế Thủ tướng đương nhiệm
Dmitry Medvedev bằng một nhà kỹ trị ít được biết đến – Mikhail Mishustin.
Trước đây, ông từng do dự sửa đổi hiến
pháp và đã không làm điều đó trong giai đoạn 2000-2009.
Nhưng giờ đã đến lúc. Tỷ lệ tín nhiệm
của ông đã giảm sút gần đây và dự báo không có sự tiến triển đáng kể nào với
phương Tây trong thời gian trước mắt, nền kinh tế Nga cũng ít có khả năng cải
thiện trong vài năm tới. Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga dự kiến diễn ra vào
tháng 9/2021 và nhiệm kỳ của ông Putin sẽ hết hạn vào năm 2024.
Vladimir Putin, người nắm quyền dưới
con mắt phương Tây là không thân thiện với dân chủ, dường như muốn để lại một
trật tự dân chủ hơn cho người kế nhiệm mình.
Một trong số các đề xuất sửa đổi dường
như để bảo vệ ông và “vòng tròn” của ông sau khi từ chức. Đó là việc khẳng
định sự ưu tiên Hiến pháp Nga lên trên luật pháp và các hiệp ước quốc tế -
điều sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp xảy ra truy tố quốc tế.
Một đề xuất khác là cấm các công dân
mang 2 quốc tịch hoặc có giấy phép cư trú nước ngoài được nắm giữ chức vụ Bộ
trưởng, thẩm phán, thống đốc, các thành viên nghị viện. Các Tổng thống tương
lai sẽ phải sống ở Nga 25 năm liên tiếp trước khi năm quyền. Đề xuất này cho
thấy sự lo ngại của Kremlin về ảnh hưởng của phương Tây.
Nhiều người nhận định, những đề xuất
của Putin là một chiến thuật “thí quân mở đường” nhằm mở ra không gian cho
các động thái trong tương lai.
Lựa chọn loại bỏ hạn chế nhiệm kỳ Tổng
thống – như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn – là nằm ngoài đề
xuất. Một khả năng khác – trở thành Tổng thống của liên hiệp Nga và Belarus –
cũng dường như khó có khả năng sau khi các cuộc đàm phán gần đây với Tổng
thống nước này Alexander Lukashenko, bị đình trệ. Khả năng ông Putin trở
thành Thủ tướng sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024 cũng không được giới
quan sát đánh giá cao.
Một số người cho rằng ông có thể đóng
vai trò như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc thậm chí tranh cử Nghị viện để
trở thành Thủ tướng – vị trí mà ông từng nắm giữ giai đoạn 2008-2012 sau 2
nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.
Một cuộc cách mạng không đổ máu?
Năm 2018, khi ông Putin kết thúc nhiệm
kỳ Tổng thống 6 năm đầu tiên và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 một lần nữa, tầng
lớp chính trị xung quanh nước Nga bắt đầu đặt câu hỏi về điều sẽ diễn ra tiếp
theo.
Một số học giả đã đề cập tới “Chiến
dịch 2024” - năm mà ông Putin phải quyết định ông duy trì quyền lực như thế
nào sau khi nhiệm kỳ thứ 2 của ông kết thúc (Hiến pháp hiện hành của Nga quy
định Tổng thống không nắm giữ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp).
Chiến dịch này dường như đã chính thức
bắt đầu ngày 15/1/2020, khi ông Putin đọc thông điệp liên bang lần thứ 16
trong sự nghiệp chính trị của mình.
Những sửa đổi mà ông Putin đề xuất sẽ
không làm sụp đổ cấu trúc của nền dân chủ Nga, nhưng động thái được cân nhắc
nhiều nhất của Tổng thống dường như còn ẩn chứa nhiều sự khôn khéo và thận
trọng hơn vẻ bề ngoài. Những gì ông đề xuất là thay đổi Hiến pháp theo hướng
có thể cho ông thêm sự linh động, chỉnh lại kim đồng hồ đang chạy dần về
nhiệm kỳ cuối cùng, cho ông nhiều lựa chọn để tiếp tục là nhà lãnh đạo của
Nga, cho dù là ở bất cứ hình thức nào mà ông lựa chọn.
“Ngài muốn một cuộc cách mạng không đổ
máu ư? Ông đã tới rồi đó” một trong những người yêu thích ông Putin,
Margarita Simonyan – người lãnh đạo mạng lưới truyền hình RT, đăng tải trên
Twitter.
Có thể không đổ máu, nhưng cuộc cách
mạng ngày 15/1 vẫn có những nạn nhân. Một số nhà phân tích cho rằng, rõ ràng
nhất có thể thấy là Thủ tướng Dmitry Medvedev, người cộng tác lâu năm - người
đã từng mang nước cho Putin từ khi 2 người đều còn là quan chức cấp tỉnh
những năm 1990 ở St. Petersburg.
Sau khi Medvedev tuyên bố ông và toàn
bộ chính phủ sẽ từ chức, Putin khi đó đã đề xuất một cách hòa nhã rằng, ông
Medvedev có thể nắm giữ một vị trí mới: Phó chủ tịch Hội đồng An ninh
Kremlin, giám sát quốc phòng. Đó là một sự giáng cấp đối với Medvedev, người
ít nhất khi xét về vị trí chỉ đứng thứ 2 sau ông Putin trong 8 năm qua.
Dù vậy vẫn có những nhận định trái
chiều. “Theo quan điểm của tôi, đây là một nước cờ giữa Putin và Medvedev”,
Valeriy Akimenko, một nhà phân tích nước Nga lâu năm hiện làm việc cho Trung
tâm nghiên cứu xung đột, nhận định.
“Medvedev không phải là một nhân tố độc
lập và cũng không hề có động thái chống lại Putin trong thời gian ông làm
Tổng thống. Như trường hợp năm 2008, đây dường như là thỏa thuận đôi bên cùng
có lợi giữa 2 người.
Tham vọng lãnh đạo trọn đời?
Một cơ quan “hậu trường” mà Tổng thống
Putin nhắc đến ngày 15/1 là Hội đồng Nhà nước. Đây là cơ quan mà ông đã thành
lập trong năm đầu tiên cầm quyền, năm 2000, bao gồm những người đứng đầu
chính quyền địa phương và các quan chức khác do ông Putin lựa chọn. Về mặt
chính thức, Hội đồng Nhà nước đóng vai trò cố vấn cho điện Kremlin, nhưng
trong suốt thời gian tồn tại, không có nhiều người hiểu được chức năng thực
sự của cơ quan này là gì.
Theo những đề xuất sửa đổi hiến pháp,
Hội đồng này sẽ được trao thêm quyền lực mới. “Cần phải làm rõ mọi thứ, để
xác nhận tình trạng và vai trò của Hội đồng Nhà nước trong Hiến pháp Nga”,
Tổng thống Putin nói.
Ông không nêu chi tiết cụ thể, nhưng đề
xuất này khiến các nhà quan sát nhận định sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024,
ông có thể quyết định sẽ nắm vai trò đứng đầu Hội đồng Nhà nước và tiếp tục
lãnh đạo nước Nga từ đây.
“Ông Putin dường như đang tính toán trở
thành người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, cơ quan sẽ được gia tăng quyền lực và
trở thành một nền tảng ra quyết định chủ chốt với các thành viên từ chính
quyền Tổng thống, chính phủ và các thống đốc”, Tatiana Stanovaya, một chuyên
gia tại Trung tâm Carbegie Moscow đăng tải trên trang Facebook.
Cơ quan mới này, với sự điều hành của
Putin, có thể đóng vai trò như một Kremlin trong thực tế.
Điều đó, ít nhất là một trong những
kịch bản khả thi nhất nổi lên từ địa chấn chính trị mà ông Putin đã tạo ra
ngày 15/1.
Cố vấn lâu năm của Putin, Gleb
Pavlovsky từng tiết lộ rằng, Putin là nhà chiến thuật và nhà chiến lược sắc
sảo. Hơn là cố định một hành trình dài hạn và gắn chặt với nó, ông thích để
ngỏ nhiều lựa chọn. Tùy thuộc vào “tâm trạng” của dư luận, các rủi ro ở thời
điểm nhất định, khi đó ông mới đặt cược vào chiêu bài trong ngắn hạn, đảm bảo
vẫn để lại chỗ có thể trở lại hoặc thay đổi hành trình nếu cần thiết.
Những gì ông dường như không sẵn sàng
chịu đựng là những hạn chế nghiêm ngặt về quyền lực của ông, đặc biệt được
xây dựng trong Hiến pháp Nga. Điều đó trở nên rõ ràng hơn vào năm 2008, khi
những giới hạn nhiệm kỳ trong Hiến pháp buộc ông phải rời vị trí Tổng thống
sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Sau đó, ông để lại 1 con đường nắm giữ
quyền lực với sự thay đổi nhỏ với pháp luật hơn là viết lại Hiến pháp, dù ông
rõ ràng có quyền để làm điều đó. Putin tuyên bố năm 2008 rằng ông sẽ chuyển
sang vị trí Thủ tướng trong khi Medvedev sẽ nắm giữ vai trò Tổng thống.
Khi lên nắm quyền lực, Medvedev đã cải
cách hiến pháp theo đó gia tăng thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 năm lên 6
năm. Khi nhiệm kỳ 4 năm của Medvedev sắp kết thúc vào cuối năm 2011, ông lại
“đứng sang một bên” để ông Putin trở lại làm Tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ nữa,
lần này là nhiệm kỳ 6 năm.
Vẫn còn 4 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ
hiện nay, nhưng dường như đã đủ “gần” đối với Putin để đặt ra Chiến dịch
2024. Kết quả của nó sẽ phụ thuộc vào các yếu tố mà hiện giờ rất khó dự đoán.
Dư luận nước Nga sẽ phản ứng như thế nào đối với triển vọng một nhà lãnh đạo
trọn đời? Sự trung thành của giới cấp cao của Nga mạnh mẽ tới đâu để bước vào
một giai đoạn mới của “chủ nghĩa Putin”?./.
Hoàng
Phạm/VOV.VN
|
Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét