Tranh cãi gay gắt xung quanh cuộc thi Rap dành cho trẻ em Cập nhật lúc 15:32 Trước sức hút
từ nhạc rap, một số nhà sản xuất gameshow bắt tay khai thác đề tài này dành
cho thiếu nhi. Thế nhưng thay vì ủng hộ, các cuộc thi bị nhiều khán giả, phụ
huynh lên tiếng phản đối, tẩy chay. Sau thành công của các show rap thời gian qua, chương trình Rap Kids (cuộc thi rap dành cho trẻ em từ 5-15 tuổi) vừa chính thức hé lộ với công chúng những ngày qua. Theo ban tổ chức, show hiện đã kết thúc vòng tuyển sinh từ 22/11 và sẽ lên sóng truyền hình trong tháng 12.Các thí sinh nhí trong buổi casting đầu tiên của 'Rap Kids'.Thông tin cuộc thi vừa đăng tải đã vấp phải sự tranh cãi từ khán giả. Đa phần ý kiến cho rằng việc thí sinh ở độ tuổi còn quá nhỏ và không phù hợp với rap - một thể loại vốn có đặc thù riêng với độ gai góc, ngôn từ phóng khoáng, mặc định gắn liền yếu tố đường phố.Trên fanpage Rap Kids 2020, những hình ảnh và đoạn clip đầu tiên đăng tải của các thí sinh càng bị phản đối. Với mỗi bài viết, chương trình nhận hàng trăm bình luận tiêu cực, kèm biểu tượng cảm xúc phẫn nộ từ cư dân mạng."Tôi nghĩ nên ngưng ngay chương trình này. Trẻ em hãy cứ là trẻ em, cần phải đúng tuổi, hồn nhiên và vô tư", "Thật lố lăng, rap cần trải nghiệm, va chạm và viết lời sâu sắc. Rõ ràng dòng nhạc này không nên phổ biến cho trẻ em dưới tuổi vị thành niên", "Các bậc phụ huynh có con tham gia cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng",... là những bình luận bày tỏ quan ngại về chất lượng cuộc thi và thí sinh. Một số ý kiến thẳng thắn cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa trong việc rà soát, chấn chỉnh và thậm chí yêu cầu nhà đài cấm phát sóng nếu xét thấy tính chất chương trình không phù hợp.Thành công của "Rap Việt" đưa nhạc rap, hip hop trở nên đại chúng hơn trong thị trường âm nhạc Việt Nam.Trước sự phản đối từ khán giả, ông Hồng Minh - đại diện nhà sản xuất cho biết chương trình vẫn sẽ tổ chức bình thường như dự kiến. Người này lý giải thể loại rap đang hot như hiện nay việc trẻ em tiếp xúc là điều không thể tránh khỏi. Việc ban tổ chức tạo ra sân chơi âm nhạc này cũng nhằm mục đích giúp các bé thỏa sức khám phá và thưởng thức những tác phẩm của mình.“Sau khi chương trình công bố, chúng tôi đã đón nhận sự ủng hộ lẫn phản đối từ khán giả. Tuy nhiên, quan điểm của ê-kíp là nghệ thuật không giới hạn độ tuổi, đối tượng. Rap đặc thù của người lớn nhưng cũng không vì thế mà trẻ em không được quyền tham gia. Các em có thể sáng tác, thể hiện những bản nhạc nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình là điều hợp lý”, ông Hồng Minh bày tỏ.Về sự lo ngại rap ảnh hưởng đến văn hóa thí sinh, BTC khẳng định họ có đội ngũ chuyên môn riêng để định hình phong cách thời trang, âm nhạc đảm bảo phù hợp lứa tuổi: "Các tiết mục khi lên sóng đều được kiểm duyệt, đảm bảo tính thuần phong mỹ tục. Đối với các tiết mục không đảm bảo đúng tiêu chuẩn sẽ bị cắt".Chia sẻ với VietNamNet, ông Thanh Phương, phụ trách phòng nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết việc khen chê hay phản ứng đối với một chương trình truyền hình là điều khá phổ biến. Với riêng chương trình Rap Kids, phía Sở đã nắm được thông tin tuy nhiên việc này không nằm trong thẩm quyền."Tất cả các chương trình hiện nay sẽ do nhà sản xuất triển khai thực hiện, phía đài truyền hình kiểm duyệt trước khi lên sóng. Vì thế, nội dung trong mỗi tập phát sóng sẽ do chính nhà đài chịu trách nhiệm cuối cùng. Đối với những nội dung cần xem xét, thẩm tra từ Sở được phía đài trình lên, chúng tôi mới có thể can thiệp", ông nói.Đạo diễn Vương Khang cho rằng việc tổ chức chương trình rap cho đối tượng thí sinh nhí là không phù hợp tại Việt Nam.Vương Khang - Tổng đạo diễn Rap Việt bày tỏ làn sóng rap trở lại là sức hút lớn không chỉ với khán giả mà kể cả các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện một chương trình dành cho trẻ em về đề tài này là sự mạo hiểm và không phù hợp nếu đặt vào thị trường Việt Nam."Rap Việt dù rất thành công nhưng bản thân tôi không dám nghĩ sẽ thực hiện một chương trình tương tự dành cho thiếu nhi. Rap xuất phát từ Âu Mỹ, trong khi Việt Nam chỉ mới thực sự đại chúng trong gần một năm qua. Việc bối cảnh khác nhau kèm theo yếu tố văn hóa đã là thứ tác động rất lớn. Các thí sinh tham gia cũng sẽ bị giới hạn đề tài và bị "soi" về hình ảnh, phong cách vô tình ảnh hưởng tâm lý. Theo tôi đó là điều không nên với một cuộc thi", anh nêu quan điểm với VietNamNet.Thực tế hiện tượng các gameshow nhí tràn lan trên sóng truyền hình đã diễn ra từ nhiều năm nay. Một hiện tượng khá phổ biến khi một chương trình dành cho người lớn tạo dấu ấn, phía nhà sản xuất sẽ bắt tay thực hiện những format tương tự dành cho trẻ em.Nếu trước đây, các chương trình Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí... thay nhau chiếm sóng giờ vàng thì trong 3 năm gần đây, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi dần mở rộng phạm vi khai thác: từ tập trung vào các chương trình thi ca hát, thời trang, người mẫu, trí tuệ đến talkshow chia sẻ, gameshow trải nghiệm thực tế... Điều đó cho thấy đối tượng thiếu nhi góp mặt trong hàng loạt game show ở mọi thể loại hiện nay.Các chương trình dành cho thiếu nhi lên sóng thời gian thu hút sự quan tâm của khán giả.Nhiều trăn trở, hoài nghi từ khán giả lẫn giới chuyên môn trong việc định hướng văn hóa thí sinh nhí. Đó là chưa kể đầu ra của các bé về hướng đi lâu dài trong khi trách nhiệm của ban tổ chức hầu hết chỉ dừng ở khuôn khổ cuộc thi. Điều này dẫn đến hiện tượng nhiều em có tiềm năng, triển vọng nhưng không đủ điều kiện phát triển đã phải dừng lại hoặc đi sai con đường của mình.Mặt khác, hiện tượng "ép lúa non" như hiện nay sẽ khiến các tài năng nhí cũng sẽ lâm vào tình trạng "sớm nở tối tàn". Việc tung hô sẽ tạo ra những hiện tượng tiêu cực mà trước hết, là ảnh hưởng các em.Ca sĩ Mỹ Linh cũng thể hiện quan điểm của mình về hướng đi của các tài năng nhí hậu cuộc thi: "Chỉ có một con đường duy nhất, đó là định hướng cho các con kiên trì học tập, trau dồi năng khiếu trong dài hạn". Cô còn nhấn mạnh rằng: "10 ngàn giờ luyện tập mới có thể tạo nên được một tài năng, chứ không ai trở thành thiên tài chỉ sau một đêm được"./.(Theo Vietnamnet) Tuấn Chiêu
Họ đưa ra những mĩ từ để bóc lột trẻ em mà thôi. Môi trường showbiz chỉ phù hợp với người lớn, thậm chí nếu người trưởng thành không đủ bản lĩnh cũng sẽ sa ngã chứ không nói trẻ em. Nếu trẻ thất bại sẽ là cú sốc đầu đời khó gượng. Nếu trẻ thành công sẽ ngộ nhận và bị nhiều áp lực chi phối. Chỉ có nhà đài, nhà sản xuất thu lợi nhuận từ phát chương trình và quảng cáo. Phụ huynh thì được cái danh hão nhưng không nhận thức được nguy cơ đe dọa tương lai con em mình phía trước. Học tập tại nhà trường cùng sự giáo dục của gia đình mới là môi trường định hình nhân cách và tài năng đích thực của trẻ. Thương Giang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét