Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Pháp luật-Giáo dục

 

Đại học Đông Đô: bằng giả hay không cần đợi Tòa phán quyết

Cập nhật lúc 14:37 

 

Về tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 nhà trường sẽ cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, mọi việc nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Sau khi Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, dư luận quan tâm là với các bằng tốt nghiệp đại học thứ 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh (văn bằng 2 Tiếng Anh) đã được cấp, Trường đã làm gì, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ Trường Đại học Đông Đô để có thông tin thêm.

Sáng ngày 4/12/2020, ông Phạm Thanh Tùng - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Hành chính Tổng hợp, Trường Đại học Đông Đô đã được nhà trường cử trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về một số vấn đề liên quan.

 

Ông Phạm Thanh Tùng: "Với những trường hợp đã được cấp thì phía nhà trường còn phải chờ kết luận cuối cùng của Tòa án xem đó có phải là bằng giả hay không thì mới có hướng xử lý".

Phóng viên: Hiện tại, nhà trường đã thống kê chính xác được bao nhiêu trường hợp bằng giả (theo kết luận điều tra - phóng viên) được rà soát, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng: Về khái niệm “bằng giả” chúng tôi xin phép không dùng từ này khi chưa có kết luận chính thức. Kết luận điều tra liên quan đến vấn đề này phía nhà trường chưa nhận được. Khái niệm “bằng giả” là có từ các phản ánh trên truyền thông, báo chí đăng tải.

Từ thời điểm xảy ra vụ việc nhà trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra để tiến hành rà soát và cung cấp những tài liệu cần thiết. Theo kết quả rà soát của nhà trường thì có 216 trường hợp văn bằng 2 được cấp sai quy định, trong đó có 193 trường hợp được cấp khi chưa đủ điều kiện, 23 trường hợp tham gia đào tạo văn bằng 2 khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.

Phóng viên: Với những trường hợp được cấp bằng sai quy định (theo quan điểm của Trường Đại học Đông Đô - phóng viên), trường có hướng xử lý như thế nào? Nhà trường có thu hồi lại các văn bằng ấy hay không thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng: Với những trường hợp đã được cấp thì phía nhà trường còn phải chờ kết luận cuối cùng của Tòa án xem đó có phải là bằng giả hay không thì mới có hướng xử lý. Đồng thời cũng phải chờ quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mới truy xét đến từng các cá nhân được cấp văn bằng 2 trong đợt vừa rồi.

Về việc thu hồi hay không với những bằng được cấp sai quy định thì nhà trường phải tuân thủ đúng theo quyết định của Tòa án. Từ kết quả đó thì nhà trường mới có giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ thì nhà trường mới có hướng giải quyết tiếp theo.

Phóng viên: Nhà trường là đơn vị cấp bằng nên chắc chắn trường đã có danh sách của các cá nhân được cấp bằng. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải công khai danh sách những người dùng "bằng giả" để làm Tiến sĩ. Vậy sắp tới, trường có công khai danh sách này hay không thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng: Cá nhân ai được cấp bằng không đúng theo quy định mà báo chí phản ánh nhà trường không nắm được để có thể hỗ trợ cho phóng viên.

Phóng viên: Thưa ông, hiện tại, cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của cơ quan hoạt động như thế nào? Về vấn đề nhân sự, nhà trường có định hướng thay đổi gì không?

Ông Phạm Thanh Tùng: Sau nghị định 99/2019 ban hành ngày 30/12/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật sửa đổi của Luật giáo dục đại học, nhà trường đã hoàn thiện bộ máy tổ chức rồi. Nghĩa là đã có Hội đồng trường mới và Ban giám hiệu, các phòng ban chức năng và các khoa.

Chỉ có điều trong thời điểm hiện tại, bộ máy mới của nhà trường đang bị thiếu hụt rất lớn về các nhân sự chủ chốt. Ban lãnh đạo mới cũng đang phải gồng mình để giải quyết những vấn đề nằm trong khả năng của mình.

Phóng viên: Trong quá trình tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 nhà trường đã có báo cáo với đơn vị nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng: Việc báo cáo với đơn vị nào của Bộ Giáo dục về tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 nhà trường sẽ cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, mọi việc nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Theo trình tự việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường sẽ đăng ký với các Vụ có liên quan và đủ thẩm quyền trong Bộ. Sau đó Vụ sẽ công khai thông tin đó trên trang của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Sau vụ việc trên, hiện nhà trường đang gặp phải những vấn đề khó khăn gì để duy trì hoạt động dạy và học, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng: Việc thiếu hụt các nhân sự chủ chốt, có năng lực quản lý đang là các cản trở lớn nhất để nhà trường ổn định việc dạy và học. Ban lãnh đạo nhà trường cũng đang cố gắng hết khả năng để đảm bảo quyền lợi cho các bạn sinh viên và người lao động trong nhà trường.

Những cái gì sai thì đã có pháp luật xử lý, còn cái gì đúng thì nhà trường cũng mong các cơ quan báo chí truyền tải để nhà trường có cơ hội sửa sai để ổn định việc dạy và học sau này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

(Theo GDVN) Trung Dũng

Theo quy định của pháp luật thì “hàng giả, là những sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường”. Còn bằng giả thì chưa có quy định cụ thể nhưng nếu coi đó cũng là một loại hàng hóa thì nó cũng được sản xuất ra trái pháp luật (không được phép), có hình dáng giống như bằng thật.

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét