Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Văn hóa

 

Tổ bái … vinh quy!

Cập nhật lúc 10:36

Thời thế xoay vần, thế sự đảo điên nên “Vinh quy bái tổ” bị biến thành “Tổ bái vinh quy”, nói thế tuy hơi cực đoan song không phải là không có lý.

Ngày xưa, những người đỗ đạt trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, đặc biệt là những vị đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) sau khi được vua sắc phong sẽ có chuyến trở về thăm quê hương gọi là “Vinh quy bái tổ”.

Trong câu “Vinh quy bái tổ”, “Vinh” là vinh quang, vinh dự, hiển vinh,… là đạt được thành tích vang dội khiến người đời ngưỡng vọng; “Quy” (trong từ quy hồi, quy tập) nghĩa là trở về chốn cũ, quê hương, bản quán; “Bái” về động tác là lạy, vái, khấn, về ý nghĩa là thể hiện sự tôn kính; “Tổ” ngoài ý nghĩa là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các thế hệ đi trước cũng còn bao hàm ý nghĩa cội nguồn, nơi “chôn nhau, cắt rốn”.

 

Tranh dân gian “Vinh quy bái tổ”

Bức tranh “Vinh quy bái tổ” lưu truyền trong dân gian không rõ ai là tác giả, nhìn tranh có thể thấy lực lượng hộ tống vị tân khoa “vinh quy” là rất trang trọng, có đầy đủ cờ, lọng, chiêng, trống, lính dõng vác giáo, khiêng đồ đạc,…

Ở phía ngược lại, chức sắc và dân chúng địa phương đứng đón ở cổng làng chỉ dăm ba người, không thấy cảnh xếp hàng rồng rắn chen vai hích cánh để đứng cạnh tân khoa.

Người vinh quy có bốn nơi phải đến thực hiện nghi lễ “bái tổ” là đình làng, nhà thờ tổ của dòng họ, trường học - thày dạy và nơi thờ tự của gia đình (cũng tức là nơi ông bà, cha mẹ người thân đang sinh sống).

Ngày nay, người đỗ tiến sĩ (dân chúng nói đùa là nhiều như “củi lụt”, có người độc miệng còn bảo “đông như cún con”) nên chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện “vinh quy”.

Một số vị “tiến sĩ” mua bằng (rởm) của nước ngoài hay “nở bung bét” từ các “lò ấp tiến sĩ” khiến người có bằng phải giấu thật kỹ sợ bị lộ. Có chăng những bằng “tiến sĩ” kiểu này chỉ xuất hiện trong hồ sơ khi chuẩn bị quy hoạch cán bộ hoặc nhằm mục đích “chui" vào cơ quan nhà nước.

Những năm vừa qua, học sinh thi quốc tế đoạt huy chương vàng trở về được một vị lãnh đạo cỡ Thứ trưởng và vài ba cán bộ, người thân, bạn bè ra đón ở sân bay là vinh dự to lớn, nếu các cháu về quê thì được gia đình làm vài mâm cơm mời họ hàng, láng giềng chung vui. Những cuộc vui ấy chẳng mấy khi đạt đến quy mô cấp … xóm.

Gần đây báo chí có thêm đề tài rôm rả về chuyện “Vinh quy bái tổ” cỡ huyện, cỡ đại học của cô sinh viên đoạt danh hiệu hoa hậu. Người ta kể rằng “Chính quyền địa phương huy động khá đông nhân lực, xe cộ đi đón. Lực lượng công an địa dùng xe công dẫn đường,…”.

Báo Kinhtedothi.vn - Cơ quan của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - mô tả là cuộc đón tiếp này là “Nghênh đón ầm ĩ” và khuyên “Nên chừng mực hơn”. [1]

 


Khuôn mặt và ánh mắt các cụ già tóc bạc được huy động đón hoa hậu nói lên điều gì? (ảnh lấy từ Baothanhhoa.vn)

Lời khuyên của Kinhtedothi.vn có lẽ đã thấm được đến một “tổ” khác của hoa hậu là ngôi trường cô đang theo học?

Ở “tổ” này, người ta đã rút kinh nghiệm chuyện “Nghênh đón ầm ĩ” mà tờ báo của chính quyền thành phố đã nhắc khéo nên cách làm cũng “khéo” hơn.

Báo điện tử Nld.com.vn trong bài “Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nói gì về bức ảnh “chắp tay báo cáo hoa hậu”?” đăng một bức ảnh khiến mạng xã hội không ngớt lời ra tiếng vào. Bức ảnh này cho đến trưa ngày 11/12/2020 vẫn còn trong bài báo.

 


Đại học Kinh tế Quốc dân đón tiếp Hoa hậu, Ảnh chụp màn hình báo Nld.com.vn trưa ngày 11/12/2020

Báo chí và mạng xã hội có khắt khe quá không chuyện thày đứng nhìn về phía hoa hậu và đại diện ban tổ chức (cuộc thi hoa hậu) nói chuyện còn trò thì yên vị trên ghế nhìn đi chỗ khác?

Giải thích với báo chí, vị Hiệu trưởng Trường đại học cho rằng “Hoa hậu vẫn còn rất trẻ, nên hãy vị tha với H. Vì tuổi trẻ không tránh khỏi những sơ suất". [2]

Khi thày Hiệu trưởng đã nhận thấy và phải lên tiếng giải thích “tuổi trẻ không tránh khỏi những sơ suất” thì “tuổi trẻ” có nên cảm ơn thày, xin dư luận thông cảm và sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc”, ít nhất thì cũng như kiểu như bao nhiêu người không còn trẻ từng hứa trước Quốc dân và Quốc hội?

Đúng là người trẻ tuổi không tránh được sơ suất nên người lớn cần phải thông cảm, nên vị tha với họ, có trách thì trách người lớn, những người vô tình hoặc cố ý khiến cho người trẻ tuổi bị “sơ suất”.

Nói thế không có nghĩa là cứ “tuổi trẻ” thì được quyền được “sơ suất”.

Quan Nhập nội Hành khiển (Tể tướng) Phạm Sư Mạnh khi về thăm thày Chu Văn An còn phải quỳ lạy nghe thày trách phạt vì trên đường về, khi đi qua khu chợ đã để cho quân lính vung roi, gọi loa dẹp đường.

Giữa đại dịch Covid-19, tập trung hàng nghìn người chờ đợi mấy tiếng đồng hồ (vì máy bay bị trễ) để đón hoa hậu không phải là lỗi của hoa hậu. Vấn đề là người/cơ quan đứng ra tổ chức có hiểu trách nhiệm khi cả nước và thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch bệnh?

Liệu có phải đây là dịp vinh danh người đã mang lại niềm tự hào cho địa danh vốn gắn với cụm từ nổi tiếng “Nâng đỡ không trong sáng” hay đơn giản chỉ là dịp quảng bá hình ảnh quê hương với cả nước?

Thế nhưng quảng bá hình ảnh mà “lố” quá sẽ bị phản tác dụng, điều này có lẽ không phải ai cũng biết.

Cô hoa hậu H'Hen Niê về “bái tổ” trên chiếc xe công nông, ngồi cùng với mấy đứa trẻ và bạn bè ra đón liệu có làm tối đi ánh hào quang tỏa ra từ vương miện hoa hậu?

Và quê hương cô chắc chắn không phải là không thuê nổi một chiếc xe địa hình Land Cruiser đưa đón hoa hậu về làng.

 

Hoa hậu H'Hen Niê về “bái tổ” trên chiếc xe công nông (Ảnh cắt từ clip)

Có người chép miệng bảo thời thế xoay vần, thế sự đảo điên nên “Vinh quy bái tổ” bị biến thành “Tổ bái vinh quy”, nói thế tuy hơi cực đoan song không phải là không có lý./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://kinhtedothi.vn/khi-hoa-hau-ve-lang-403328.html

[2] https://nld.com.vn/van-nghe/hieu-truong-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-ha-noi-noi-gi-ve-buc-anh-chap-tay-bao-cao-hoa-hau-2020120916193077.htm

(Theo GDVN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét