Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Dư luận vụ CA đứng nhìn dân chống cướp

 

Đại úy công an đứng nhìn dân vật lộn với cướp: ‘Dân không cần công an kiểu này!’

Cập nhật lúc 14:13 

Dù lãnh đạo Công an TP Hà Nội giải thích việc xử lý kỷ luật đại úy Nguyễn Văn Lâm - người đứng nhìn tài xế taxi bị thương vật lộn với cướp - cần theo đúng quy trình, nhưng dư luận người dân vẫn chưa nguôi bức xúc.

 

Các tin bài trên Tuổi Trẻ Online về vụ anh tài xế taxi bị đâm trọng thương vẫn cố sức vật lộn với đối tượng giết người đang trốn truy nã (ban đầu nghi là cướp) ngay dưới lòng đường, trong khi đại úy công an đứng trên vỉa hè gọi điện thoại và đứng nhìn có hàng chục ngàn lượt bạn đọc truy cập theo dõi mỗi ngày.

Người dân đánh giá cao việc giám đốc Công an TP Hà Nội vào tận bệnh viện trao giấy khen cho anh tài xế dũng cảm "tình cờ" lập công bắt được kẻ đang bị truy nã. Nhưng người dân vẫn chưa nguôi bức xúc về hành xử vô cảm, làm xấu hình ảnh công an nhân dân của đại úy Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Dù đại úy Lâm đã bị Công an huyện Thanh Oai kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và điều chuyển về Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, nhưng dư luận người dân cho rằng như thế là quá nhẹ, không thích đáng.

Đại úy Lâm giải trình việc không lao vào khống chế nghi phạm là do đang bận gọi điện thoại về cơ quan đề nghị chi viện và 4 phút sau công an xã có mặt. Nhiều ý kiến cho rằng giải trình như thế chỉ là lấp liếm cho sự yếu kém về nghiệp vụ, nhút nhát trước tội phạm và vô cảm trước tính mạng của người dân đang bị đe dọa.

Nếu không phải anh tài xế cố sức bình sinh chống trả và bị nghi phạm đâm chết thì sao? Lúc đó đại úy Lâm sẽ giải thích gì với cấp trên, với gia đình người tài xế? Nếu trong lúc đại úy Lâm "gọi điện nhờ chi viện" mà nghi phạm giết người tài xế và chạy thoát thì ai chịu trách nhiệm?... Hàng loạt câu hỏi được bạn đọc đặt ra khi bình luận trên Tuổi Trẻ Online.

"Trong tình huống cấp bách nguy hiểm như vậy, đúng ra vị đại úy công an phải xông vào cùng với tài xế taxi (lúc đó tài xế taxi có gọi hỗ trợ) khống chế tên cướp, sau đó gọi điện cho cơ quan công an chi viện. May mà anh Minh tài xế chỉ bị thương. Chẳng qua anh công an này không có tâm cứu người lúc hoạn nạn" - bạn đọc Trương Vân phân tích.

Một bạn đọc khác bình luận: "Công an được đào tạo nghiệp vụ, tinh thần đạo đức mà lại đứng nhìn người bị thương vật lộn với kẻ cướp như vậy thật không xứng đáng là người công an nhân dân. Cướp nó đâm người dân ngay trước mắt mà ở đó gọi chi viện". 

Nhiều bạn đọc cho rằng bên cạnh những chiến sĩ công an ngày đêm quên mình chống dịch nơi biên giới, nơi tâm dịch được nhân dân mến thương tin tưởng thì đại úy Nguyễn Văn Lâm lại "tiếp thị" hình ảnh một người công an quá đáng thất vọng. Bạn đọc khẳng định: "Người dân không cần công an kiểu này!".

"Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét và đưa anh công an này ra khỏi ngành để không ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an. Sự việc rõ ràng xảy ra trước bàn dân thiên hạ mà vị công an này ứng xử một cách thờ ơ như vậy thì những tình huống khác anh này sẽ không giúp được gì cho nhân dân!" - bạn đọc đề nghị.

"Tôi nói thẳng còn để công an kiểu này làm xấu lực lượng, mất lòng tin. Quy trình bao lâu cũng được, nhưng công an như Lâm phải bị loại khỏi lực lượng" - bạn đọc Văn Minh dứt khoát.

Nhiều ý kiến cho rằng việc kỷ luật theo quy trình là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là việc kỷ luật phải thích đáng và khiến người dân "tâm phục khẩu phục". Trường hợp quy trình kỷ luật chưa đủ răn đe thì ngành công an cần phải kiến nghị sửa đổi. Nếu kỷ luật không nghiêm, hình ảnh tốt đẹp người công an nhân dân sẽ mất dần trong con mắt người dân.

Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét