Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

CA xem dân bắt cướp

 

Kỷ luật cảnh cáo đại úy công an đứng nhìn tài xế vật lộn với tên cướp: có thỏa đáng?

 Cập nhật lúc 10:16  

Nhiều chuyên gia cho rằng hành động của đại úy công an đứng nhìn tài xế taxi bị thương vật lộn với tên cướp là rất phản cảm, khó chấp nhận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, ngày 17-5, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Đại úy Nguyễn Văn Lâm bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong việc tham gia bắt giữ nghi phạm Đặng Phạm Sáu (51 tuổi, ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) khi chứng kiến người này dùng dao đâm trọng thương tài xế taxi để cướp.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đại úy Lâm chỉ bị xử lý với hình thức kỷ luật cảnh cáo là quá nhẹ.

 

Đại uý Lâm đứng tại hiện trường khi tài xế taxi giằng co với tên cướp. Ảnh: Cắt từ video

"Không xứng đáng là người chiến sĩ công an"

Tối muộn ngày 17-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó giáo sư, tiến sĩ luật, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, cho rằng đại úy công an đang thực hiện nhiệm vụ của người công an nhưng khi chứng kiến người dân bị thương cố vật lộn với tên cướp mà đại úy chỉ đứng bấm điện thoại mà không lao vào bắt giữ là "không thể chấp nhận được".

Trong trường hợp này, đại úy công an trên cần nhanh chóng lao vào khống chế tên cướp. "Bắt cướp là nhiệm vụ, trách nhiệm của công an để bảo vệ tính mạng sức khỏe cho dân chứ không phải công an giúp dân bắt cướp".

"Hành động thiếu trách nhiệm của đại úy này làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người chiến sĩ công an, gây hình ảnh phản cảm trong dư luận xã hội. Đại úy này không xứng đáng là người chiến sĩ công an. Cần phải tước danh hiệu công an nhân dân để xây dựng lại hình ảnh người chiến sĩ công an trong mắt nhân dân", ông Độ nêu quan điểm.

Theo trung tướng Độ, cần có một hình thức kỷ luật nặng hơn đối với chiến sĩ công an này. Thậm chí trong trường hợp nếu nạn nhân chết, đại úy này còn bị truy cứu trách nghiệm hình sự.

Kỹ năng xử lý tình huống thiếu chuyên nghiệp

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho biết khi xem những diễn biến của vụ việc qua clip người dân ghi lại, ông thấy rất không hài lòng vì chiến sĩ này đã không làm việc cần phải làm của người chiến sĩ công an trong tình huống khẩn cấp đó.

Theo trung tá Hiếu, tên cướp bị chính nạn nhân đang rất cố gắng để bắt giữ, nhưng đại úy này chỉ đứng nhìn và bấm điện thoại, không hề tham gia hỗ trợ người dân bắt tội phạm, đó thực sự là một hình ảnh vô cùng phản cảm, làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân.

Dư luận có quyền đánh giá rằng chiến sĩ này đã bàng quan, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc và xứng đáng với hình thức loại ngũ.

"Bên cạnh rất nhiều tấm gương cán bộ chiến sĩ công an dũng cảm trong chiến đấu, hi sinh quên mình vì nhiệm vụ, quả cảm đối diện với hiểm nguy để bảo vệ nhân dân, thì hành động tại hiện trường của chiến sĩ này khiến chính anh em trong lực lượng công an cũng cảm thấy bức xúc, khó chấp nhận. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp hi hữu" - trung tá Hiếu nhận xét.

Tuy nhiên, trung tá Hiếu cho rằng đại úy Nguyễn Văn Lâm có thể không phải vô cảm, thiếu trách nhiệm, mà kỹ năng xử lý tình huống quá yếu kém. Vì theo kết quả xác minh của Công an TP Hà Nội, người này đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện lực lượng đến hỗ trợ bắt đối tượng, chứ không phải là không có động thái gì trước vụ việc.

"Có thể thấy đại úy này xử lý tình huống rất thiếu chuyên nghiệp, vì đó là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết.

Với trách nhiệm công vụ, lẽ ra đại úy này phải ngay lập tức xông vào hỗ trợ bắt, khống chế đối tượng. Có thể kêu gọi người đi đường tham gia giúp sức khóa trói tên tội phạm. Sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị cử người ra tiếp nhận.

Đằng này chiến sĩ đó đã không có những thao tác cần thiết, thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ, lúng túng, bị động, không mưu trí, dũng cảm trong giải quyết công việc.

Công an phải là hiệp sĩ bảo vệ người dân. Trong tình huống nguy hiểm, người dân đang bị uy hiếp nghiêm trọng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, người chiến sĩ công an không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc dũng cảm đối diện với tội phạm với tâm thế sẵn sàng hi sinh tính mạng để cứu dân ra khỏi nguy hiểm.

Bằng nghiệp vụ và võ thuật đã được trang bị, người lính phải tính toán rất nhanh phương án tiếp cận, đánh bắt hợp lý để giải quyết tình huống. Không có chỗ cho sự nhút nhát, chần chừ hay trốn tránh trách nhiệm lúc này. Đã làm nghề này, phải chấp nhận tất cả vì nhiệm vụ. Còn sợ thì hãy xin ra khỏi ngành" - trung tá Hiếu thẳng thắn nhận xét.

Về hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với đại úy Lâm, ông Hiếu cho rằng đó là biện pháp cần thiết để siết chặt kỷ cương, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của ngành công an là không bao che, dung túng cho sai phạm, tiêu cực. Kỷ luật để giáo dục cán bộ, để khắc phục hạn chế nhằm làm tốt hơn công việc được giao. Trung tá Hiếu đánh giá mức kỷ luật cảnh cáo là tạo cơ hội cho chiến sĩ Lâm sửa chữa khuyết điểm.

(Theo Tuổi trẻ) Danh Trọng

Giả sử người lái taxi không may mắn, tử vong thì sao? Khi đó hình thức kỉ luật với cs công an kia thế nào? Cần hiểu rằng, sự thoát chết ở vụ này chỉ là may mắn, khi nhát đâm chưa vào chỗ nguy hiểm. Những tình huống như thế này sẽ kiểm nghiệm chính xác nhất phẩm chất, tư cách một chiến sĩ trong lực lượng bảo vệ dân. Khi người ta không coi trọng tính mạng dân thì nên cho chuyển sang làm việc lĩnh vực khác.

Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét