Học thật, thi thật, nhân tài thật: Nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinhCập nhật lúc 14:54 Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với ngành Giáo dục là phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật", cần xem xét bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh. Đây là cuộc thi có tính hình thức, không thực chất, tiềm ẩn nhiều gian dối.
Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: LĐO Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu đối với ngành này: Phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ. Là một người công tác nhiều năm trong ngành Giáo dục, tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bãi bỏ những cuộc thi hình thức, tiềm ẩn nhiều gian dối như cuộc thi KHKT học sinh. Cuộc thi này không thực chất. Bởi vì rất nhiều đề tài, dự án dự thi vượt quá tầm hiểu biết, khả năng thực hiện của học sinh phổ thông, hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, sự quan tâm hằng ngày của các em như tự động hóa, thuốc chữa ung thư, vật liệu nano, các kỹ thuật, thiết bị y học hiện đại, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, trí tuệ nhân tạo... Hầu hết đề tài được giải cao như giải quốc gia, quốc tế đều không có khả ứng dụng vào thực tế, không có khả năng sản xuất thành sản phẩm bán ra thị trường, hầu như đề tài, dự án đạt giải xong “đắp chiếu”. Xuất hiện hiện tượng trùng lặp về đề tài, dự án của các địa phương khác nhau, hoặc của đợt thi này với đợt thi khác, nhiều đề tài đã được công bố hoặc sản xuất ở nước ngoài... Hiện tượng này khá phổ biến đi cùng với nhiều thông tin nghi vấn về việc người lớn, giáo viên thực hiện đề tài rồi “huấn luyện” cho học sinh đi thi, hoặc thuê, mua đề tài, sản phẩm để đi thi. Một hiện tượng nữa đáng quan tâm và cho thấy, cuộc thi thiếu thực chất là nhiều học sinh đạt giải cao từ cuộc thi không có khả năng phát triển, không thể hiện được khả năng sáng chế, nghiên cứu ở môi trường đại học hoặc làm việc. Cuộc thi được tổ chức thường niên, dẫn đến sự cạn kiệt, trùng lặp về đề tài, dự án, làm cho các cơ sở giáo dục rất áp lực và tốn kém. Cuộc thi diễn ra ở nhiều cấp, gây tốn kém ngân sách. Thời gian vừa qua, xuất hiện đơn thư khiếu nại, phản ánh về những hiện tượng bất cập, không trung thực của cuộc thi, dẫn đến một bộ phận phụ huynh, học sinh và giáo viên nghi ngờ tính trung thực, hiệu quả của cuộc thi. Dư luận cho rằng, do kết quả cuộc thi có giá trị tương đương với thi học sinh giỏi các môn văn hóa, kèm theo các ưu đãi rất lớn khi đạt giải quốc gia, quốc tế, vì vậy, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế đã tìm cách “đầu tư” cho con đạt giải, để hưởng ưu tiên tuyển thẳng hoặc cộng điểm vào đại học. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học, phụ huynh đã lên tiếng phản ứng về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh cuộc thi để đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có sự trao đổi, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của dư luận, mà vẫn tiếp tục phát động cuộc thi, không có sự thay đổi về thể lệ. Không chỉ cuộc thi KHKT, mà ngay cả cuộc thi danh giá là thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa cũng có những ý kiến phản ánh tình trạng bất cập, các dấu hiệu tiêu cực. Thiết nghĩ, Bộ GDĐT cần có sự rà soát, xem xét để điều chỉnh, bãi bỏ những hoạt động mang tính hình thức và tiềm ẩn tiêu cực.
(Theo Lao Động) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét