Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Lại lạm thu trường học

 

Phụ huynh tố Tiểu học Yên Viên mập mờ thu chi: Thanh tra Bộ Giáo dục vào cuộc

Cập nhật lúc 14:27 

Ngày 26/5, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 455 gửi Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm làm rõ việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Viên bị tố lạm thu.

Theo nội dung văn bản nêu, ngày 10/5/2021, Thanh tra Bộ nhận được đơn của công dân phản ánh về việc Trường Tiểu học Yên Viên lạm thu quỹ cha mẹ học sinh; thu, chi không rõ ràng trong việc mua sắm thiết bị máy chiếu, thu tiền bảo hiểm thân thể của học sinh.

“Sau khi xem xét nội dung Đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển đơn trên đến Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu.

 

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển Đơn trên đến Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Ảnh: M.Đ

Thanh tra Bộ cũng đề nghị huyện Gia Lâm gửi Kết quả giải quyết đơn về đơn vị này trước ngày 20/6.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, vào ngày 22/3, ông Trần Văn Đô (Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1A1, trường Tiểu học Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đã tố cáo có nhiều mập mờ trong nhiều khoản thu - chi của trường; các khoản thu cây xanh; quỹ phụ huynh của trường Tiểu học Yên Viên. Ngay sau khi Tạp chí đăng tải bài viết này, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đã giao Thanh tra huyện Gia Lâm vào cuộc thanh tra.

Ngày 11/5 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã ký ban hành Kết luận Thanh tra việc tố cáo trên.

Theo nội dung thanh tra về khoản quỹ 92,5 triệu đồng của phụ huynh nộp cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, thì Ban chi 66,6 triệu đồng (còn lại 25,9 triệu đồng) cho các hoạt động của trường.

Trong số 66 triệu đồng, Ban chi 20,3 triệu đồng phát sinh ngoài kế hoạch dự kiến (17,5 triệu đồng mua cốc tặng quà học sinh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 1 triệu đồng mua hoa; 1,8 triệu đồng trang trí lớp học).

Lý do chi vượt kế hoạch được nhà trường lý giải: “Do không biết chính xác thời gian trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nên Ban đại diện cha mẹ học sinh không đưa vào kế hoạch”.

Về việc “lạm chi” trên, Thanh tra huyện Gia Lâm nêu tồn tại trong việc sử dụng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (lớp 1A1, A2, lớp 2A1, A2, A3, A4; lớp 3A1, lớp 4A1, A2) là thực hiện chưa đúng quy định.

Về nội dung lắp đặt máy chiếu cho bốn lớp 1 từ tiền cha mẹ học sinh ủng hộ sau đề nghị của giáo viên chủ nhiệm, Kết luận Thanh tra cho hay, Nhà trường nói việc lắp đặt 4 máy chiếu cho 4 lớp 1 là tự nguyện, không có bất kì sự áp đặt nào từ phía nhà trường.

Bên cạnh đó, về nội dung tố cáo Nhà trường cố tình mua máy chiếu trong khi nhà trường đã đề nghị Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm lắp máy, Kết luận xác định có việc Nhà trường đề nghị lắp đặt máy vào tháng 1/2020 nhưng khi này nhà trường không nắm được thời gian cấp máy chiếu vào tháng 1/2021.

“Khi vào đầu năm học 2020-2021, nhà trường có sơ suất là không thông báo nội dung trên với Ban đại diện cha mẹ học sinh của 4 lớp 1”, kết luận nêu.

Trong nội dung Kết luận thanh tra cũng nêu về việc vận động trồng cây xanh tại trường Tiểu học Yên Viên bị tập thể phụ huynh học sinh tố cáo.

Theo đó, việc này được cấp Ủy, chính quyền xã Yên Viên thống nhất nhưng chưa có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện theo quy định.

“Nhà trường ký hợp đồng mua cây xanh ngày 28/6/2020, trước thời hạn 15 ngày niêm yết lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 16/2018. Trách nhiệm của tồn tại, thiếu sót trên thuộc Hội đồng trường, Ban giám hiệu trường Tiểu học Yên Viên, cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch này”, kết luận nêu rõ.

Từ Kết luận của Thanh tra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm có chỉ đạo, cần chấm dứt việc cho phép tiếp nhận máy chiếu do phụ huynh học sinh tặng tại các lớp, do nằm trong danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 được quy định tại Thông tư 05/2019.

“Đối với Ban giám hiệu trường Tiểu học Yên Viên, cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với những thiếu sót, tồn tại nêu trong kết luận”, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm nêu trong văn bản.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo, nhà trường cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp cần rà soát nội dung Kế hoạch hoạt động và việc thu chi quỹ Ban đại diện đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, sử dụng đúng mục đích theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi có Kết luận thanh tra, ông Trần Văn Đô tỏ ra không đồng tình với Kết luận này.

Bên cạnh đó, nội dung về tiền bảo hiểm thân thể của học sinh nhà trường thu tuy nhiên qua việc có học sinh phải nằm viện và được chi trả rất mập mờ cho thấy có dấu hiệu bất thường. Ông Đô cho hay đã phản ánh nhưng Thanh tra huyện Gia Lâm không làm rõ vấn đề này.

Ông Đô nói thêm, như lãnh đạo huyện Gia Lâm nói, máy chiếu được nằm trong danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 thì Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Viên là bà Hồ Thị Thu Hà không thể nói là không biết được.

“Bà Hà với cương vị là người đứng đầu trường cố tình “không biết” hay “lờ đi” để lấy tiền ủng hộ từ phụ huynh học sinh để mua máy? Dù khi đó, nhà trường cũng đã đề nghị được cấp máy chiếu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đó là cố tình hay sai sót?”, ông Đô bức xúc.

(Theo GDVN) Mạnh Đoàn

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Vaccine Sputnik V

 

Người tiêm vaccine Sputnik V dù có nhiễm virus cũng không lây cho người khác

Cập nhật lúc 09:49     

Đó là khẳng định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya của Nga. Đây là trung tâm đã phát triển vaccine COVID-19 có tên Sputnik V của Nga.

Đài Sputnik dẫn lời ông Vladimir Guschin: "Những ai đã tiêm cả hai liều vaccine này giảm rủi ro mắc COVID-19 thể trung bình hoặc nặng tới 14 lần nếu họ nhiễm virus. Trong trường hợp này, những ai tiêm vaccine Sputnik V không truyền virus và nhờ đó không gây nguy hiểm cho người khác".

Trước đó, ngày 24/5, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) đã công bố kết quả một công trình nghiên cứu kết hợp với trường Đại học Cordoba của Argentina, theo đó khẳng định vaccine Sputnik V có hiệu quả cao đối với biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở thành phố Manaos của Brazil và đã lây lan ra một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Thông báo của RDIF cho biết công trình nghiên cứu được Viện Nghiên cứu José María Vanella thuộc trường Đại học Cordoba thực hiện đã xác nhận hiệu quả của Sputnik V đáp ứng miễn dịch cao đối với những người được tiêm chủng vaccine này. Ssau ngày thứ 14 được tiêm mũi vaccine Sputnik V đầu tiên, khoảng 85,5% nhóm tình nguyện viên thử nghiệm đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 và đến ngày thứ 42 sau khi được tiêm mũi vaccine thứ hai thì có tới 99,65% số tình nguyện viên có kháng thể trên.

 

Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga (IRNA/TTXVN)

Trưởng khoa Y học của trường Đại học Cordoba, Tiến sỹ Rogelio Pizzi cho biết Sputnik V có phản ứng rất tốt trong tổng số kháng thể kháng S (Immunoglobulin IgG anti S), nhưng nó cũng có một phản ứng đặc biệt trong việc vô hiệu hóa các kháng thể, và đó là những gì cần để ức chế virus. Nhóm nghiên cứu cũng đã tái tạo và phát triển biến thể của virus phát hiện tại Manaos dễ lây lan hơn 70% so với ban đầu - và kết quả nghiên cứu được thực hiện với Sputnik V cho thấy loại vaccine này ức chế sự phát triển.

Ngày 22/5, Đại sứ Ấn Độ tại Nga DB Venkatesh Varma cho biết Ấn Độ sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V vào tháng 8 tới, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể sản lượng vaccine ngừa COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Đến tháng 9-10, Ấn Độ sẽ sản xuất được 850 triệu liều vaccine này. Như vậy, Ấn Độ sẽ sản xuất khoảng 65-70% vaccine Sputnik V sản xuất trên toàn thế giới. Nga sẽ xuất khẩu vaccine này tới các nơi khác trên thế giới khi nhu cầu tại Ấn Độ được đáp ứng.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vaccine Sputnik V an toàn và đạt hiệu quả trong phòng ngừa bệnh COVID-19. Ông Guterres nhấn mạnh vai trò "then chốt" của vaccine Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nhiều nhân viên LHQ đã được tiêm vaccine này.

Các chuyên gia kỹ thuật của WHO và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành vòng đánh giá tiếp theo về vaccine Sputnik V của Nga, từ ngày 10/5 đến tuần đầu của tháng 6. Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vaccine Sputnik V vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp.

Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Vaccine này được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở 66 quốc gia có tổng dân số trên 3,2 tỷ người. Hiệu quả của vaccine là 97,6% dựa theo phân tích dữ liệu mới nhất từ 3,8 triệu người Nga đã tiêm chủng.

(Theo Cafebiz.vn) Thùy Dương

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Kinh doanh tâm linh

 

Ăn mày cửa Phật

  Cập nhật lúc 09:27     


 Đặng Hùng Võ, Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Vài năm trước, sư trụ trì một chùa thuyết phục tôi làm lễ cúng "cho gia tiên được mát mẻ". Tôi hỏi "mất bao nhiêu tiền?"

Câu trả lời là "cúng thường 20 triệu, cúng sang thì 60 triệu". Tôi cảm ơn vì không đủ tiền. Và nói thêm rằng lẽ sống của tôi là làm nhiều việc thiện, gia tiên sẽ được mát mặt. Tiền không phải là giải pháp của nhà Phật.

Hôm qua là ngày Phật Đản. Tôi vốn là người gần gũi với đạo Phật. Nhưng nhớ lại, vụ sư trụ trì chùa Phước Quang ở Vĩnh Long bị nghi lừa 18 tỷ đồng khi xây dựng cô nhi viện; hay trước đó, chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh tổ chức truyền bá "vong báo oán" và "giải nghiệp" để thu hàng trăm tỷ đồng khiến tôi suy nghĩ.

Lúc còn bé, tôi hay được bà nội dắt lên chùa làng. Tới nơi, bà luôn tươi cười với sư cụ: "Bạch cụ, bà cháu con hôm nay xin lên ăn mày cửa Phật". Chuyện trò một lúc, tôi được mấy cái oản đóng bằng cơm nếp mang về.

Khi đó, tôi cứ băn khoăn mãi về câu "ăn mày cửa Phật". "Ông ơi, sao bà lên chùa lại cứ nói là ăn mày cửa Phật, mình có phải ăn mày đâu?", tôi đành hỏi ông nội.

Ông tôi giải thích, ai cũng có thể trở thành ăn mày. Các cụ đã nói: "Ăn mày là ai? ăn mày là ta/ Đói cơm, rách áo hoá ra ăn mày". Ai nghèo khó, bị hắt hủi, cứ đến chùa là được ăn no. Khi lên cửa Phật, ai cũng tự nhận là ăn mày, không phải để xin oản mà để được nghe các sư nói rồi ngộ ra những điều cần làm, ngăn lại ham muốn vị kỷ. "Đó chính là ăn mày các điều răn dạy của Phật", ông nói tiếp. Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn lời ông.

Ngày xưa, làng tôi vừa nhỏ, vừa nghèo, không có chùa. Cụ nội tôi đỗ Phó bảng khoa thi 1892 đã bỏ tiền ra xây chùa cho làng. Tiền ít nên chùa cũng nhỏ, nhưng là chỗ đi lại ấm áp của dân làng. Từ khi xây xong, chùa vẫn đứng vững nguyên vẹn sau nhiều thăng trầm của đất nước, chiến tranh cũng như khi Phật giáo ít được trọng.

Kể từ Đổi mới, Phật giáo ngày một vượng. Rất nhiều người lần theo đường "ăn mày cửa Phật". Muốn có cái gì, họ tìm cửa Phật để xin. Từ buôn bán "một vốn bốn lời" hay thăng quan tiến chức, tình duyên êm đẹp cho tới thắng cuộc đỏ đen, người ta đều nghĩ rằng đến chùa thả tiền vào thùng công đức, Phật sẽ giúp.

Sự thực, những mong muốn này trái với Phật pháp. Phật chỉ dạy rằng cần làm điều thiện và chế ngự dục vọng. Dục vọng là nguồn gốc của tội lỗi. Chắc chắn Phật không thể giúp ai đó lấy của người khác làm của mình.

Và rồi, trong cơn tiền bạc xoay vần, có người còn dựa vào tâm lý ham muốn của kẻ tới chùa cầu xin mà làm nhiều điều trái với Phật pháp.

Năm ngoái, một kiến trúc sư chia sẻ với tôi câu hỏi, tại sao vài nghìn hecta đất được giao cho các dự án xây chùa gắn với du lịch tâm linh mà nhà nước gần như không thu lại đồng nào. Ngân sách đầu tư công cũng bỏ ra hàng nghìn tỷ cho giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng không thuộc "hạng mục ưu tiên". Nhà đầu tư tư nhân, sau khi bỏ tiền xây chùa và các bất động sản du lịch, lại được chủ động khai thác. Hòm công đức đặt như thiên la địa võng cùng nhiều thủ pháp thu tiền như khắc tên người vào bia đá, tượng Phật... Lợi nhuận thu được phân chia không rõ ràng.

Tôi bỏ thời gian tìm hiểu xem phương thức xây chùa kiểu này có đúng với pháp luật đất đai không. Trên thực tế, có tỉnh giao đất cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để giao cho nhà đầu tư, có tỉnh lại giao trực tiếp cho nhà đầu tư để xây chùa.

Như vậy, việc giao đất không minh bạch. Giao đất cho cơ quan nhà nước sử dụng, sao lại để tư nhân xây chùa và khai thác du lịch? Điều này trái với quy định về mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước. Việc giao đất cho nhà đầu tư để xây chùa cũng không đủ rõ ràng để có thể tính tiền thuê đất, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Sự thiếu minh bạch này do Luật Đất đai 2013 không đề cập tới loại dự án xây dựng cơ sở tôn giáo làm kinh doanh du lịch, các địa phương đã tự "sáng tác" áp dụng pháp luật theo ý mình.

Quốc hội đã chất vấn về du lịch tâm linh tại Nghị trường, có đại biểu gọi là "BOT chùa". Nhưng đến nay bức xúc vẫn vẹn nguyên.

Nhìn lại, các dự án xây dựng cơ sở tôn giáo có mặt tích cực là để lại những kiến trúc đặc biệt. Những người có tâm trên thế giới cũng đã bỏ tiền riêng cùng cộng đồng tạo nên kiến trúc để đời trong nhiều dòng tôn giáo khác nhau. Các cơ sở tôn giáo cũng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Ở phía ngược lại, tôi thấy có hai vấn đề chưa làm rõ. Thứ nhất là quy hoạch nhóm dự án tâm linh thế nào cho phù hợp với nguồn lực đất đai theo đầu người rất thấp ở nước ta? Diện tích đất nào phải thu tiền và chỗ nào được sử dụng mang tính công cộng không thu tiền? Thứ hai, phân chia lợi ích từ khai thác du lịch ra sao để hợp lý giữa nhà nước, cộng đồng địa phương và chủ đầu tư tư nhân?

Pháp luật nước ta luôn quá chậm so với tính năng động của thị trường. Pháp luật đất đai mới chỉ điều chỉnh các dự án xây dựng cơ sở tôn giáo dựa trên nguyện vọng cộng đồng, quyên góp cộng đồng và do cộng đồng quản lý. Luật Du lịch cũng chỉ mới tính đến hình thức du lịch tới các cơ sở tôn giáo đã hình thành từ lịch sử, chưa đề cập đến hoạt động du lịch của cơ sở tôn giáo tư nhân.

Giải pháp ở đây là sửa Luật Đất đai theo năm điểm. Thứ nhất, bổ sung quy định về phát triển cơ sở tôn giáo qua hình thức đầu tư tư nhân vì mục tiêu lợi nhuận, áp dụng với mọi tôn giáo. Thứ hai, đưa loại dự án này vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy trình riêng - có sự đồng thuận của cơ quan nhà nước, tổ chức tôn giáo và cộng đồng địa phương.

Thứ ba, đất đai phục vụ mục đích kinh doanh du lịch tâm linh phải thuê của nhà nước chứ không được giao miễn phí. Thứ tư, việc quản lý tiền đóng góp đèn hương, công đức được giao cho chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư quản lý thay vì doanh nghiệp. Thứ năm, hoạt động kinh doanh du lịch do doanh nghiệp triển khai phải tuân theo các quy định về du lịch và thương mại.

Nếu các "đại gia" hoạt động như nhà hảo tâm, xây chùa xong giao lại cho cộng đồng quản lý thì hay biết mấy. Còn xin đất, xây chùa rồi kinh doanh ngay công trình thì có gì đó không hợp với triết lý nhà Phật.

Hay đó cũng là "ăn mày cửa Phật" thời hiện đại?

(Theo VnExpress) Đặng Hùng Võ, Chuyên gia Quản lý tài nguyên

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Bệnh hình thức trong giáo dục

 

Học thật, thi thật, nhân tài thật: Nên bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh

Cập nhật lúc 14:54

Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với ngành Giáo dục là phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật", cần xem xét bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh. Đây là cuộc thi có tính hình thức, không thực chất, tiềm ẩn nhiều gian dối.

Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh: LĐO

Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra yêu cầu đối với ngành này: Phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ.

Là một người công tác nhiều năm trong ngành Giáo dục, tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét bãi bỏ những cuộc thi hình thức, tiềm ẩn nhiều gian dối như cuộc thi KHKT học sinh.

Cuộc thi này không thực chất. Bởi vì rất nhiều đề tài, dự án dự thi vượt quá tầm hiểu biết, khả năng thực hiện của học sinh phổ thông, hoàn toàn xa lạ với cuộc sống, sự quan tâm hằng ngày của các em như tự động hóa, thuốc chữa ung thư, vật liệu nano, các kỹ thuật, thiết bị y học hiện đại, thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh, trí tuệ nhân tạo...

Hầu hết đề tài được giải cao như giải quốc gia, quốc tế đều không có khả ứng dụng vào thực tế, không có khả năng sản xuất thành sản phẩm bán ra thị trường, hầu như đề tài, dự án đạt giải xong “đắp chiếu”.

Xuất hiện hiện tượng trùng lặp về đề tài, dự án của các địa phương khác nhau, hoặc của đợt thi này với đợt thi khác, nhiều đề tài đã được công bố hoặc sản xuất ở nước ngoài... Hiện tượng này khá phổ biến đi cùng với nhiều thông tin nghi vấn về việc người lớn, giáo viên thực hiện đề tài rồi “huấn luyện” cho học sinh đi thi, hoặc thuê, mua đề tài, sản phẩm để đi thi.

Một hiện tượng nữa đáng quan tâm và cho thấy, cuộc thi thiếu thực chất là nhiều học sinh đạt giải cao từ cuộc thi không có khả năng phát triển, không thể hiện được khả năng sáng chế, nghiên cứu ở môi trường đại học hoặc làm việc.

Cuộc thi được tổ chức thường niên, dẫn đến sự cạn kiệt, trùng lặp về đề tài, dự án, làm cho các cơ sở giáo dục rất áp lực và tốn kém. Cuộc thi diễn ra ở nhiều cấp, gây tốn kém ngân sách.

Thời gian vừa qua, xuất hiện đơn thư khiếu nại, phản ánh về những hiện tượng bất cập, không trung thực của cuộc thi, dẫn đến một bộ phận phụ huynh, học sinh và giáo viên nghi ngờ tính trung thực, hiệu quả của cuộc thi.

Dư luận cho rằng, do kết quả cuộc thi có giá trị tương đương với thi học sinh giỏi các môn văn hóa, kèm theo các ưu đãi rất lớn khi đạt giải quốc gia, quốc tế, vì vậy, một số phụ huynh có điều kiện kinh tế đã tìm cách “đầu tư” cho con đạt giải, để hưởng ưu tiên tuyển thẳng hoặc cộng điểm vào đại học.

Nhiều nhà giáo, nhà khoa học, phụ huynh đã lên tiếng phản ứng về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh cuộc thi để đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có sự trao đổi, giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của dư luận, mà vẫn tiếp tục phát động cuộc thi, không có sự thay đổi về thể lệ.

Không chỉ cuộc thi KHKT, mà ngay cả cuộc thi danh giá là thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa cũng có những ý kiến phản ánh tình trạng bất cập, các dấu hiệu tiêu cực. Thiết nghĩ, Bộ GDĐT cần có sự rà soát, xem xét để điều chỉnh, bãi bỏ những hoạt động mang tính hình thức và tiềm ẩn tiêu cực. 

(Theo Lao Động) 

LÊ VĂN VỴ - NGUYÊN GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM GDTX HƯƠNG SƠN (HÀ TĨNH)

Hoài linh "tung" thêm lí do chậm trễ làm từ thiện

 

Hoài Linh bất ngờ công bố từng bị ung thư tuyến giáp

Cập nhật lúc 09:26     

Người thân của nghệ sĩ Hoài Linh xác nhận với Thanh Niên thông tin nam nghệ sĩ mắc bệnh K tuyến giáp vào tháng 9.2020, nhưng đã không công bố thời điểm đó vì tránh ồn ào.

 

Phía Hoài Linh bất ngờ thông báo ông từng mắc bệnh hiểm nghèo giữa tâm bão

Ảnh: chụp màn hình/NVCC

Cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch cổ phải

Theo đó, NSƯT Hoài Linh được phát hiện một số bất thường ở tuyến giáp, nam nghệ sĩ đã vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để thăm khám và siêu âm, phát hiện có u ác tính ở tuyến giáp. Theo thông tin mà phía đại diện của Hoài Linh chia sẻ, ông được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo hạch cổ phải tuyến 2-3-4-5-6 vào ngày 15.10.2020. Sau phẫu thuật sức khỏe của nam danh hài dần ổn định. Ngay khi công bố thông tin này, con trai Hoài Linh từ Mỹ cũng có dòng trạng thái động viên bố: "Một năm qua bố đã mất mát nhiều rồi. Đừng bao giờ mất sức khỏe nữa bố nhé. Có những chuyện người trong nhà mới biết. Gửi lời chúc sức khỏe đến bố".

Quá trình điều trị của cghệ sĩ Hoài Linh được cho kéo dài liên tục cho đến nay, cụ thể là ngày 19.10.2020 xạ trị lần 1, phải nằm điều trị, nghỉ ngơi 2 tuần. Đến ngày 13.4.2021, trước khi định thực hiện một chuyến từ thiện, Hoài Linh vào thuốc lần 2 và cũng phải điều trị 2 tuần. Người đại diện của Hoài Linh cũng xác nhận ông đã kêu gọi ủng hộ miền Trung ngay trong thời điểm nằm trên giường bệnh nhưng không nói rõ đây có phải là nguyên nhân khiến nam danh hài chậm trễ công việc từ thiện khiến cộng đồng mạng sôi sục những ngày gần đây.

Tiết lộ thông tin bệnh án, Hoài Linh càng khiến dân mạng soi kỹ từng hoạt động trong quá khứ, tìm "chứng cứ" phản bác. Ảnh: Chụp màn hình

Tiếp tục gây tranh cãi

Thông tin nam danh hài nổi tiếng đang phải điều trị ung thư tuyến giáp gây nhiều bất ngờ, đặc biệt khi đang có rất nhiều tranh cãi trái chiều liên quan đến khoản tiền hơn 13 tỉ đồng mà các mạnh thường quân đóng góp để Hoài Linh làm từ thiện giúp đỡ người dân miền Trung trong cơn bão lũ vừa qua. Với những người yêu thương nam danh hài, thông tin Hoài Linh mắc bệnh ung thư thực sự khiến họ lo lắng. Nhưng không ít bình luận bán tín bán nghi liệu rằng đây có phải là "nước cờ" của ê-kíp nhằm làm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận, thậm chí "tẩy trắng" lỗi sai của nam nghệ sĩ về việc "quên" khoản tiền 13 tỉ đồng cứu người dân vùng lũ như đã kêu gọi?

Dân mạng liên tục tung ra hàng loạt hình ảnh Hoài Linh xuất hiện trước công chúng vào các cột mốc gần với ngày chữa bệnh mà ê-kíp công bố trong trạng thái sức khỏe ổn định, với nhiều thắc mắc như "Có ai mổ xong từ tháng 10 đến tháng 12 cổ không 1 vết sẹo không? Có ai bị K mà vẫn đi show vùng Tây Bắc không? Nhưng đi thiện nguyện lũ miền Trung thì do K nên không có sức khỏe và thời gian đi?". Ngoài ra anti fan "soi" loạt ảnh chụp màn hình những chiếc video TitkTok, hình ảnh đi show với cái cổ bình thường của nam nghệ sĩ từ tháng 10 tới tháng 4.2021 rồi chỉ trích ông.

"Tôi vốn rất tin và thần tượng Hoài Linh. Nhưng từ hôm thứ bảy tuần trước đến giờ mình thấy thông tin từ ê-kíp Hoài Linh đưa ra như kiểu đối phó. Hỏi tới đâu đối phó tới đó, hoặc rất ngẫu nhiên. Từ vụ ủy nhiệm chi Banking VCB, video trần tình rồi giờ tới lượt nói bị K tuyến giáp. Tôi thấy thất vọng", một bình luận viết.

Một dân mạng khác để lại ý kiến: "Theo cảm tính của một đứa hóng biến lâu năm và đã xem hết 800 cái post từ phe ủng hộ cô Hằng cũng như phe ủng hộ Hoài Linh, mình tin rằng có thể cuộc phẫu thuật của Hoài Linh hoàn toàn có thật, và nó được dùng như lá bài mạnh nhất của Hoài Linh đến thời điểm này để lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, mổ thật hay mổ không thật chuyện đó không quan trọng, chuyện quan trọng là chúng ta cần câu trả lời minh bạch cho những câu hỏi sau: "Tại sao "ém" tiền 6 tháng không đi cứu trợ trong khi ngày 11.11.2020 đã tuyên bố “ngưng nhận tiền và lên đường về miền Trung”. Tại sao đổ lỗi vì dịch bệnh trong khi Hoài Linh vẫn đi chơi, đi từ thiện, đi liveshow ca nhạc, đi hầu đồng ở chỗ đông người bình thường được, và trong 6 tháng vẫn có những khoảng thời gian không hề có dịch? Tại sao clip thanh minh không nói luôn lý do này mà phải đợi đến hôm nay, ngay sau livestream của cô Hằng? Chúng ta chỉ cần giải thích minh bạch cho chuyện đó".

Chia sẻ với Thanh Niên sáng 26.5, người thân của Hoài Linh cho biết sắp tới nam nghệ sĩ sẽ livestream nói rõ một lần liên quan đến những thắc mắc của khán giả.

(Theo Thanh Niên) Anh Thư-Thạch Anh

Xem ra danh hài này đang cố gắng đưa ra lí do để biện minh cho việc chậm trễ cứu trợ. Nếu danh hài thực sự lo nghĩ cho đồng bào bị nạn miền Trung thì không thiếu cách để chuyển ngay số tiền tới tay người đang cần gấp. Đó có thể là một cá nhân hay tổ chức đáng tin tưởng (chẳng lẽ HL không tin tưởng bất kì ai, bất kì tổ chức nào), để giúp mình thực hiện nghĩa cử. Vậy giả sử căn bệnh của anh chữa trị kéo dài hàng năm nữa thì tiền vẫn phải để trong TK cá nhân hay sao? Anh càng biện minh càng khiến dư luận bức xúc thêm và danh tiếng càng thêm vỡ vụn!

Thương Giang

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Danh hài làm chuyên khôi hài?

 

Cách Hoài Linh lý giải việc "ngâm" hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện rất ngô nghê và khôi hài!

 Cập nhật lúc 09:56     

"Lũ đi nửa năm trời rồi, sau lũ bà con màn trời chiếu đất, không có kế sinh nhai. Vậy mà số tiền tương đương hơn nửa triệu đô la người dân ủng hộ bà con lại nằm bất động trong tài khoản của một danh hài. Quả là chuyện khôi hài của diễn viên hài này", chuyên gia Lê Ngọc Sơn chia sẻ với Dân Việt.

Mới đây, vụ việc danh hài Hoài Linh chưa trao khoản tiền 14 tỷ ủng hộ miền Trung sau 6 tháng trận lũ lịch sử diễn ra gây xôn xao dư luận. Lời giải thích của danh hài vào ngày 24/5 càng đặt ra cho công chúng những câu hỏi lớn.

PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Truyền thông và Xử lý Khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions – BCS) về sự việc này.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn

Là một chuyên gia xử lý khủng hoảng tham gia xử lý nhiều vụ khủng hoảng lớn ở trong và ngoài nước, anh nghĩ sao về vụ việc nghệ sỹ Hoài Linh chậm trễ trong việc xử lý hơn 13 tỷ từ thiện cho miền Trung đang gây xôn xao trong dư luận?

- Thực ra, vụ việc lùm xùm về tiền từ thiện này chỉ là một "mắt xích" nhỏ của một cuộc khủng hoảng lớn hơn mà Hoài Linh đang dính phải: Cuộc khủng hoảng có liên quan đến "lương y bịp" Võ Hoàng Yên. Phải đặt đúng câu chuyện để hình dung ra bản chất và mức độ trầm trọng của "vấn đề Hoài Linh" để phân tích.

Dư luận đặt ra hàng tá câu hỏi cả tháng trời nay nhưng mọi thứ rơi vào im lặng vì Hoài Linh không chịu xuất hiện dù áp lực rất lớn của đám đông.

Do đó, câu chuyện hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện vẫn chưa gửi về miền Trung sau hơn nửa năm bão lũ, về bản chất, chỉ là một sự thất bại trong "chiến lược im lặng" của Hoài Linh trong các vụ lùm xùm có thể lớn hơn của anh ấy.

Trước sự bất bình của công chúng, ngày 25/5 nghệ sỹ Hoài Linh đã có trần tình với về sự việc, thế nhưng, lời giải thích của danh hài này dường như còn khiến công chúng bức xúc hơn?

- Tôi nhìn nhận vụ lùm xùm khoản từ thiện hơn 13 tỷ đồng này là một cơn bão phía ngoài "cái cốc tưởng tượng" của diễn viên hài này. Có thể, trước đó anh chọn chiến lược im lặng để đối phó với cơn bão dư luận đòi hỏi minh bạch chuyện liên quan đến Võ Hoàng Yên, chuyện hầu đồng hầu bóng và xem chuyện này như là cơn bão trong chiếc cốc" mà Võ Hoài Linh có thể nắm trong tay. Nhưng khi xuất hiện câu chuyện hơn 13 tỷ đồng tiền người hâm mộ ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung, có lẽ Võ Hoài Linh hết ngộ nhận về sự "thành công" của "chiến lược im lặng" của mình.

Lý giải của anh về chuyện do dịch bệnh nên không đi miền Trung làm từ thiện như đã hứa là một lý do không đủ thuyết phục và ngô nghê. Bằng chứng là một nữ ca sĩ vẫn ngược xuôi vô số chuyến từ thiện và xây hàng chục căn nhà chống lũ cho bà con các tỉnh bị ảnh hưởng, cô ấy có biện lý do bệnh dịch để thoái thác việc không đi đâu. Bằng chứng là theo các bức ảnh được công bố, Hoài Linh vẫn tham gia các hoạt động được cho là từ thiện của các nhãn hàng.

 

Hoài Linh khiến người hâm một thất vọng sau một loạt scandal.


Tôi nghĩ, với tư cách là một "thần tượng giải trí", Hoài Linh cần có trách nhiệm giải trình nghiêm túc hơn về câu chuyện này và những râm ran lâu nay trong làng giải trí. Xa hơn, cần giải trình về những câu hỏi sâu xa hơn của dư luận: Liệu anh có mục đích trục lợi bằng việc phát tán sự mê tín dị đoan khi xây dựng cái gọi là "nhà thờ tổ"? Động cơ nào khiến Hoài Linh "găm" số tiền hơn 13 tỷ đồng trong 180 ngày liền mà không chịu đi trao cho người dân miền Trung?

Đó mới là cách ứng xử sòng phẳng với những người hâm mộ của mình!

Theo anh, tại sao công chúng lại phẫn nộ đến vậy trước sự việc này?

- Có lẽ dư luận bức xúc vì sự cộng gộp các điều đã nói ở trên. Dân ta có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Lũ đi nửa năm trời rồi, sau lũ bà con màn trời chiếu đất, không có kế sinh nhai. Vậy mà số tiền tương đương hơn nửa triệu đô la người dân ủng hộ bà con lại nằm bất động trong tài khoản của một danh hài. Giờ sau hơn nửa năm vẫn chưa đến tay người dân, thì quả là chuyện khôi hài của diễn viên hài này.

Nghệ sĩ chân chính là người đánh thức sự u mê của đám đông, thay vì ru ngủ quần chúng trong những sự múa may dụ mị của trò mua thần bán thánh. Mà một nghệ sĩ thành danh từ hải ngoại như Hoài Linh về quê hương lập nghiệp, càng cần phải thấy sứ mệnh đó của mình.

Nếu công chúng không cảm thấy thoả đáng với cách hành xử của nghệ sỹ Hoài Linh, sự nghiệp và hình ảnh của nghệ sỹ Hoài Linh sẽ đi theo hướng nào, theo dự đoán của anh?

- Tôi nghĩ Hoài Linh là một diễn viên hài tài năng. Nhưng có lẽ anh chỉ nên dừng lại ở việc diễn hài trên sân khấu. Anh ấy tham gia làm đồng cốt thì chỉ làm tha hoá văn hoá tín ngưỡng Việt. Còn nguy hiểm hơn, nếu anh ấy định tham gia "chữa bệnh, cứu người" (như một số video lan tràn trên mạng) thì quả là một đại hoạ cho chúng sinh.

Trong tất cả các diễn viên hài của làng cười Việt, tôi từng thích nhất tài diễn của Hoài Linh. Hầu như không có vở diễn nào của anh mà tôi không xem. Nhưng 3-4 năm gần đây, tôi thấy các vai anh diễn nhạt dần, đuối dần. Ngó những vụ lùm xùm gần đây của anh, tôi đã tự tìm được vài cách giải thích cho chính mình.

Theo anh, nghệ sỹ Hoài Linh nên xử lý khủng hoảng này như thế nào?

- Trước hết phải thật tâm muốn giải quyết vấn đề. Hoài Linh là một người nổi tiếng và được nhiều người gửi niềm tin (bằng chứng là họ gửi tiền vào ủng hộ). Và vì thế, trách nhiệm giải trình trước công chúng là việc phải làm.

Về mặt chuyên môn quản trị khủng hoảng mà nói, anh ấy cần một đội ngũ chuyên nghiệp và có tâm để giúp đỡ. Giúp đỡ để việc giải trình của anh ấy đến với công chúng được rõ ràng hơn, việc nghĩa vẫn được tiếp tục thực hiện và hình ảnh Hoài Linh đỡ tệ hơn bởi hệ luỵ chuyện này, chứ không phải giúp đỡ để giấu diếm hay làm việc sai trái.

Và thực sự, xin nói thẳng, Hoài Linh cần một lối thoát trong danh dự. Rõ ràng, diễn viên hài này bị cuống trong các cách xử lý vấn đề trong những ngày gần đây, đặc biệt khi có các diễn biến mới: chẳng hạn từ việc người ta đặt ra câu chuyện số tiền hơn 13 tỷ chưa được anh trao, rồi đến cái chứng từ giả lan truyền trên mạng,.v.v…

Và quan trọng hơn, anh ấy cần dự liệu cho những diễn biến bất ngờ khác, nếu xuất hiện các thông tin thêm nào đó về những "hoạt động ngoài sân khấu hài". Tốt nhất, anh ấy vẫn nên chủ động làm rõ mối quan hệ với Võ Hoàng Yên, thay vì bị động như hiện tại.

Theo anh các nghệ sỹ làm từ thiện nên làm việc này như thế nào để tránh những sự việc như thế này?

- Cách làm của vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh là đáng để tham khảo, mọi thứ cố gắng rõ ràng nhất có thể. Thuỷ Tiên đến các nơi bị ảnh hưởng để trao cho bà con và công khai minh bạch sau khi đến mỗi nơi.

Khi bão lũ miền Trung năm ngoái xảy ra, chúng tôi đang ở CHLB Đức nhưng cũng tham gia kêu gọi đóng góp ủng hộ khúc ruột miền Trung. Có thể số tiền kêu gọi được dịp đó không lớn, nhưng cách làm của chúng tôi là rất minh bạch: Bản chất của hoạt động từ thiện là một việc uỷ thác niền tin lẫn nhau. Vì không về được tận nơi để trao cho bà con, thì sẽ tìm một nhà hoạt động từ thiện lâu năm, có uy tín để uỷ thác.

Đến thời điểm kết thúc đợt kêu gọi, chúng tôi thông báo không tiếp tục nhận, rồi tính toán và chuyển khoản ngay cho nhà hoạt động được uỷ thác với đề nghị thực hiện đúng tinh thần của lời kêu gọi ban đầu của chúng tôi: mua sách vở cho học sinh, cây – con giống cho bà con sau lũ. Sau đó, chúng tôi chụp màn hình chuyển khoản và công bố tới những người ủng hộ. Mọi thứ rất nhanh, gọn, và hiệu quả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

(Theo Dân Việt) Yến Linh

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Du lịch côn đồ

 

Bảo vệ resort đánh gãy tay 2 người: Bất chấp căn ngăn

Cập nhật lúc 08:29   

Bất chấp sự can ngăn của một số du khách, một nhóm bảo vệ của khu nghĩ dưỡng vẫn lao vào đánh nhóm kéo lưới khiến 2 người gãy tay.

Liên quan đến thông tin bảo vệ khu nghỉ dưỡng đánh 2 người gãy tay, sáng ngày 24/5, trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, ông mới nắm được thông tin và đã chỉ đạo thanh tra Sở xuống làm việc với  khu nghỉ dưỡng N.N ở khu vực mũi Móng Tay, thuộc xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

"Hiện giờ chưa xác định được nhóm bảo vệ của khu nghỉ dưỡng đó đánh du khách hay người dân địa phương. Sáng ngày 24/5, thanh tra Sở sẽ xuống làm việc, xác minh lại bên phía cơ quan chức năng ở khu vực đó.

Ngoài ra cũng phải làm rõ xem phạm vi những người đến tắm, câu cá ở đó có thuộc sự quản lý của phía khu nghỉ dưỡng hay không", vị lãnh đạo trên cho biết.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 18/5, có một nhóm du khách cùng một số người dân địa phương tới mũi Móng Tay tắm biển và giăng lưới bắt cá.

Cho rằng nhóm người này xâm phạm vùng biển riêng của khu nghỉ dưỡng, nhóm nhân viên bảo vệ tại đây lên tiếng ngăn cản, rồi cự cãi với nhóm người kéo lưới.

Bao ve resort danh gay tay 2 nguoi: Bat chap can ngan

Bao ve resort danh gay tay 2 nguoi: Bat chap can ngan
Nhiều bảo vệ của khu nghỉ dưỡng ở mũi Móng Tay, TP Phú Quốc, cầm gậy gộc đánh nạn nhân

 

Nhiều bảo vệ cầm gậy gộc xông xuống biển đánh người giăng lưới, rượt đuổi những người này chạy lên bờ. Lên tới bờ, bất chấp sự can ngăn của một số du khách, một nhóm bảo vệ khác lao vào đánh nhóm kéo lưới khiến 2 người trong số này bị gãy tay.

Được biết, khu vực mũi Móng Tay trước đây là đất của một trạm kiểm soát biên phòng đóng quân.

Kể từ khi được giao lại cho một doanh nghiệp làm du lịch, khu vực này thường xuyên xảy ra tranh chấp nên chủ của một số khu nghỉ dưỡng thuê nhiều thanh niên xăm trổ làm bảo vệ.

Về việc này, ngày 23/5, Công an TP Phú Quốc ra lệnh bắt tạm giam 6 bị can là bảo vệ của khu nghỉ dưỡng trên để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

(Theo Đất Việt) Thanh Giang

Hình như Phú Quốc giao cho chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn quản lí luôn cả vùng biển. Chắc doanh nghiệp kinh doanh cả nghề cá! Làm du lịch kiểu này thì sao mà phát triển được?

Thương Giang

Bóp quảng cáo báo chí nội

 

Quảng cáo trên báo

 Cập nhật lúc 08:12   

“Không cho phép thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo vượt quá 1,5 giây” trên báo điện tử là quy định hiệu lực từ 1/6 tới.

Quy định này, tại Nghị định 38/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, có vẻ hợp lý với bạn đọc, nhưng chưa hợp lý với doanh nghiệp.

Họ sẽ chuyển quảng cáo từ báo chí sang nền tảng như YouTube. Vì ở đây, quảng cáo của họ được kéo dài 5 giây hoặc hơn, thậm chí có thể "bắt" người dùng xem hết với những video quảng cáo ngắn. Hay với các nền tảng OTT hoặc game, quảng cáo đang không bị các quy định pháp lý theo luật Việt Nam khống chế.

Quảng cáo xuyên biên giới chiếm đa số thị phần tại VN

Người bị thiệt là báo chí và nhà quảng cáo, doanh nghiệp trong nước. Người hưởng lợi là các ông lớn như Google, Facebook, nhà phát hành game và ứng dụng OTT.

Tổng doanh thu của báo điện tử Việt Nam mỗi năm chỉ trên 4.000 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí quảng cáo trực tuyến khoảng 14.500 tỷ đồng. Phần chênh lệch hơn 10.000 tỷ đồng đang rơi vào túi "người ngoài" là các tập đoàn xuyên biên giới. Quy định pháp lý như Nghị định 38 mới đây càng khiến miếng bánh đã bé dễ bị chia thêm cho các ông lớn hơn.

Tôi bắt đầu nghiên cứu cơ chế thu hút quảng cáo trên báo chí năm 1994, khi còn làm việc tại một số tòa soạn báo. Như một quy luật, các nhà quảng cáo sẵn lòng bỏ tiền vào nơi họ tin rằng có lượng bạn đọc nhất định thuộc phân khúc họ muốn tiếp cận. Họ sẽ trả tiền cao hơn nữa, nếu được đảm bảo xuất hiện ở trang báo có nội dung quan trọng, hấp dẫn mà bạn đọc của họ không bao giờ bỏ qua. Ví dụ, trang 3, trang 5 hoặc trang đầu của những chuyên mục quan trọng như "tài chính - ngân hàng", "thời sự", "pháp lý"...

Tôi cũng đã áp dụng cơ chế tương tự để bán quảng cáo trên một số tạp chí của mình sau đó. Các thương hiệu xa xỉ từng giành giật nhau những vị trí tốt nhất mà họ tin rằng bạn đọc - người có khả năng chi trả cho sản phẩm của họ - sẽ nhìn thấy đầu tiên. Nếu không, ít nhất họ cũng muốn quảng cáo của mình nằm bên tay phải của những "bài đinh" nửa đầu cuốn tạp chí.

Không chỉ trên báo in, thời kỳ đầu của báo điện tử, khoảng 15 năm trước, việc chiếm được vị trí trên đầu hoặc có logo trên trang chủ rất quan trọng, vì người đọc kiểu gì cũng phải đi qua "mặt tiền" để vào "nhà" đọc tin. Sau này, bạn đọc trải nghiệm nội dung theo link bài báo được gợi ý, chia sẻ trên mạng xã hội. Người đọc "đi" thẳng vào bài viết qua link, không nhất thiết phải qua trang chủ.

Dĩ nhiên, nhà quảng cáo khôn khéo sẽ chọn xuất hiện ở ngay bài báo, với nhiều hình thức sáng tạo, dựa trên thuật toán xác định người đang đọc có phải đối tượng mình muốn tiếp cận không. Lý do rất đơn giản và tất yếu: quảng cáo phải xuất hiện ở đâu khách hàng của họ có thể nhìn thấy, khi lật trang báo hoặc lướt web theo dòng chảy nội dung.

Nhưng từ ngày Nghị định 38 hiệu lực tới đây, các hành vi tưởng như hiển nhiên này bị coi là vi phạm Luật Quảng cáo, sẽ bị phạt rất nặng. Trên báo in, quảng cáo không được phép xuất hiện ở trang nội dung, đồng thời quảng cáo theo ngữ cảnh trên báo điện tử bị cấm. "Được nằm cạnh nội dung" - yếu tố tiên quyết để nhà quảng cáo bắt tay với báo chí - bị khóa lại.

Thực ra, quảng cáo xen với nội dung đã bị cấm từ Luật Quảng cáo 2012. Ngay khi nó ra đời, các nhà chuyên môn đã chỉ ra những bất cập và lạc hậu của nhiều điều khoản trong luật, không theo kịp sự biến chuyển vũ bão của công nghệ truyền thông.

Trên thế giới, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với bài nội dung và tuỳ biến dựa theo đối tượng đọc báo. Người ta sáng tạo nhiều cách để tránh gây phản cảm cho bạn đọc. Ví dụ như các video, box hình ảnh tĩnh và động, lời gợi ý thân thiện ngay trên thân bài viết. Các bài viết hay phụ trương doanh nghiệp trả tiền được ghi rõ "nội dung được tài trợ". Người đọc hoàn toàn thoải mái trong việc nhấp chuột vào hay bỏ qua. Nếu không muốn bị quảng cáo làm phiền, bạn có thể đặt báo in hay trả tiền mua nội dung báo online theo tháng, quý hoặc năm.

Tôi nhận ra rằng, trong nỗ lực bảo vệ quyền của bạn đọc, các nhà lập pháp nước ta đã quên mất quyền của người bỏ tiền quảng cáo, quyền của doanh nghiệp - người mang lại nguồn thu chính cho báo chí, và là một phần của thị trường truyền thông. Họ bị tước bỏ dần các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống. Quyền được phát triển mạnh mẽ của báo chí - những người phục vụ nhu cầu thông tin cho xã hội - đang bị gạt sang bên lề.

Báo in đang khó khăn, bạn đọc mỗi ngày một rời xa. Mô hình thu phí người đọc mới chỉ manh nha ở một, hai báo điện tử. Cho tới bây giờ, quảng cáo vẫn là nguồn thu gần như duy nhất đối với hầu hết cơ quan báo chí, để báo chí có thể tiếp tục miễn phí cho bạn đọc.

Các doanh nghiệp đương nhiên vẫn phải bán hàng. Họ, dù không muốn, sẽ buộc phải chuyển dịch ngân sách quảng cáo lẽ ra dành cho báo chí sang các kênh khác. Doanh thu của báo điện tử hiện chỉ chiếm 20% - 25% tổng thị trường quảng cáo trực tuyến, với sự siết chặt này, sẽ càng thêm khó.

Thay đổi trên thực ra còn bất lợi cho nhà nước. Việc quảng bá sản phẩm khó khăn hơn sẽ cản trở sự phát triển chung của kinh tế - xã hội. Báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, vì giãn cách, có nhu cầu sử dụng kênh báo chí nhiều hơn để tiếp cận công chúng. Những rào cản mới sẽ khiến việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khó khăn hơn. Nhà quảng cáo không được sử dụng kênh báo chí hiệu quả sẽ chuyển sang các nền tảng khác mà việc thu thuế hiện là vấn đề nan giải với chính phủ.

Bộ Thông tin - Truyền thông cũng thấy rõ thị phần quảng cáo trực tuyến trong nước ngày càng bị co hẹp bởi sự cạnh tranh bất bình đẳng, không chung một luật chơi với các nền tảng xuyên biên giới. Cơ quan này đang nỗ lực nhiều cách để cải thiện sự công bằng trên bức tranh quảng cáo số Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc Nghị định 38 ra đời với một số quy định bóp nghẹt quảng cáo trên báo chí vô hình trung càng tạo thêm lợi thế cho các Big Tech.

Trong câu chuyện này, chính độc giả cũng bị ảnh hưởng. Họ có thể phải chấp nhận quảng cáo kém tin cậy bởi mạng xã hội không chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin được quảng cáo như báo chí chính thống. Và điều quan trọng nữa, động lực phát triển một trong những ngành kinh tế sáng tạo: ngành xuất bản và nội dung số, sẽ bị suy giảm đáng kể.

Người đọc có quyền chặn quảng cáo, nếu muốn. Họ có thể từ chối đọc, xem một kênh báo chí quá nhiều quảng cáo. Họ cũng có cả quyền không trả tiền cho người làm nội dung nếu không thích. Nhưng báo chí và doanh nghiệp thì không được pháp luật bảo hộ những quyền tương tự.

Với Nghị định trên, tôi không bình luận về mức độ và hình thức xử phạt, vì nó được đặt ra với mục tiêu ngăn chặn vi phạm. Nhưng tôi chắc chắn việc áp dụng sẽ là bước lùi trong tiến trình đổi mới sáng tạo truyền thông theo xu hướng chung của thế giới.

(Theo VnExpress) Lê Quốc Vinh