Đất đai bị "gặm nhấm" một
phần cũng do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả Cập nhật lúc 14:12
Luật sư Lê Thị Hoa đặt câu hỏi: Khi nhận chức vụ quản
lý liên quan đến đất đai, có ai từ chối vì lý do chưa hiểu biết về lĩnh vực
này và nhường chỗ cho cán bộ khác?
Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao,
kể cả cán bộ nghỉ hưu, trong đó có cả những cán bộ đang là Ủy viên Trung ương
Đảng đã bị kỷ luật, bị cách các chức vụ trong Đảng, chính quyền, bị truy cứu
trách nhiệm hình sự vì dính líu sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai gây
thất thoát tài sản Nhà nước. Các chuyên gia pháp lý khẳng định: Đất
đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản Nhà nước
nghiêm trọng nhất. Ở đây có nhiều nguyên nhân, ngoài sự tha hóa biến
chất của cán bộ, lòng tham và lợi ích nhóm, thì có nguyên nhân cơ bản là
những lỗ hổng của Luật Đất đai, nhất là vấn đề tài chính đất đai và sự minh
bạch thông tin. GS Đặng Hùng
Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Trong hệ
thống pháp luật đã trao cho chúng ta quyền được quyết định thu hồi đất
của người này xong giao đất đó cho người khác. Trong thu hồi đất có bồi
thường, nhưng bồi thường nhiều khi cũng chưa thỏa đáng. Sau đó, đem đất đó
giao hoặc cho doanh nghiệp hoặc cho một nhà đầu tư thuê. Riêng việc giao đất,
cho thuê đất của Nhà nước cho một người được giao, được thuê, pháp luật
bây giờ lại không có quy định gì về công khai thông tin. Đây là một kẽ hở,
những người có thẩm quyền luôn lợi dụng cái đó để có thể lấy chênh lệch giá
để chia nhau với người được giao đất". GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Các chuyên gia còn chỉ rõ, một số bất
cập, lỗ hổng pháp lý khác dẫn đến tham nhũng, trục lợi đất đai như việc cho
các nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất hay quy hoạch treo, việc ban hành
giá đất không theo quy luật thị trường gây nên sự chênh lệch giữa giá đền bù
và giá thị trường, sự chồng chéo trong phân công quản lý nhà nước về đất đai.
Như ngành tài nguyên môi trường được giao quản lý đất nhưng xác định thuế
đất, giá đất lại do ngành tài chính ban hành nên cũng tạo ra những cơ hội để
tham nhũng. Đặc biệt là việc không quy định rõ ràng liên quan đến chuyển đất
đai thành vốn trong cổ phần hóa gây ra nhiều kẽ hở để các quan chức tham
nhũng đất đai; việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát
thường xuyên của cơ quan có thẩm quyền. Nhắc lại những lời trình bày của bị
cáo ở nhiều vụ án tham nhũng, đất đai với mẫu số chung rằng, bị cáo phụ trách
một lĩnh vực nhạy cảm, công việc nhiều, trình độ, năng lực có hạn, nhiều việc
phải làm gấp, làm theo chỉ đạo, trong khi pháp luật không rõ ràng, luật sư Lê
Thị Hoa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, các tham quan sau khi bị
ngã ngựa vì đất đều trình bày như vậy, điều đó cho thấy cách chọn, bố trí cán
bộ đối với lĩnh vực này còn có vấn đề. Ông Lê Viết Hưng - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 25/1/2022 vì sai phạm đất đai Song, theo luật sư, cán bộ không
thể biện minh cho sai phạm của mình bằng việc chỉ đổ lỗi cho sự bất cập của
pháp luật, cơ chế chính sách và sự hiểu biết hạn hẹp, mà cái chính là do lòng
tham. “Rất nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật hay
phải lĩnh án tù vì đất đai đều cho rằng do cơ chế, chính sách về đất đai dẫn
họ vào con đường phạm tội. Nếu biết ngày hôm nay thì họ sẽ không làm cán bộ
trong lĩnh vực này. Nhưng thử hỏi, những người đó có bao nhiêu đất vàng? Khi
nhận chức vụ quản lý liên quan đến đất đai, có ai từ chối vì lý do chưa hiểu
biết về lĩnh vực này và nhường chỗ cho cán bộ khác không?”- luật sư Lê Thị
Hoa đặt câu hỏi. Đất đai bị quan chức “gặm nhấm” như
vậy ngoài việc thiếu hụt của cơ chế, chính sách pháp luật thì có sự xuống cấp
của đội ngũ cán bộ, công chức cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu
quả. Tất cả những điều này nếu không kịp thời chấn chỉnh thì tham nhũng trong
lĩnh vực này vẫn còn phức tạp và vẫn là một nguy cơ thường trực./. (Theo VOV)
Tiến Anh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét