Hà Nội nói kết luận thanh tra
'chưa thỏa đáng'
Cập nhật lúc 08:02
Thanh tra Bộ Xây dựng có Kết luận thanh tra số 39 (KLTT 39) nêu rõ trách
nhiệm của Hà Nội liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn
Lương - Tố Hữu, song lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội lại cho rằng 'việc điều chỉnh
phù hợp pháp luật và cũng đã được Bộ Xây dựng đồng thuận'.
Chưa rõ trách nhiệm cá nhân
Các câu hỏi về xử lý trách nhiệm cá
nhân lãnh đạo, tập thể liên quan đến KLTT 39 của Bộ Xây dựng về điều chỉnh
quy hoạch (QH) tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu là vấn đề nóng nhất tại cuộc họp
báo quý 2/2022 của UBND TP.Hà Nội chiều 1.7.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ nguyên
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội như ông Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn
Đức Chung; nguyên Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng, Lê Vinh…
trong việc đồng ý điều chỉnh QH “băm nát” đường Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ được
xem xét ra sao, có được triệu tập đến giải trình? Tuy nhiên, phần trả lời của
lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội lại chưa làm rõ.
Nhà
cao tầng ken cứng như bức tường dọc tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.LÊ QUÂN
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở
QH-KT Hà Nội, chỉ cho biết đang trong quá trình thực hiện kết luận của Thanh
tra Bộ Xây dựng, khi xác định đầy đủ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên
quan sẽ có báo cáo chính thức. “Với các cá nhân thuộc Sở QH-KT sẽ tự xem xét,
kiểm điểm. Các cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP sẽ báo cáo thành
phố xem xét”, ông Tuyến nói.
Thông tin thêm, ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội, cho hay
từ nay đến 20.7 (hạn chót thực hiện KLTT) còn 3 tuần nữa, thời gian này rất
quan trọng, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở QH-KT, Viện QH-KT và các đơn vị liên
quan xây dựng báo cáo tiếp tục giải trình những nội dung KLTT 39 nêu “chưa
thỏa đáng” để làm việc với Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng, sau đó sẽ có
buổi thông tin đầy đủ, toàn diện về vụ việc. Ông Dũng khẳng định đã ghi nhận
đầy đủ câu hỏi của báo chí về trách nhiệm nguyên cán bộ, song chưa trả lời cụ
thể vào nội dung câu hỏi.
Trao đổi sau cuộc họp báo, một lãnh đạo của Sở QH-KT cho rằng sẽ kiến nghị có
cuộc họp cấp lãnh đạo TP.Hà Nội và lãnh đạo Bộ Xây dựng để làm rõ các nội
dung chưa thỏa đáng. Hiện mới chỉ là trao đổi giữa cấp Sở QH-KT và Thanh tra
Bộ Xây dựng, nhiều nội dung chưa thống nhất ý kiến hai bên.
“Kết luận chưa thỏa đáng”
Cũng theo ông Phạm Quốc Tuyến, qua các
thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng
trục cao tầng, được thống nhất tại các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt và Bộ Xây dựng đồng ý.
Theo vị lãnh đạo sở này, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày
20.8.1998, UBND TP.Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ,
Láng Hạ, Tố Hữu trong đó có đoạn tuyến Lê Văn Lương. Vào thời điểm này toàn
bộ trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến Vành đai 2) đã
được xác định xây dựng cao tầng, chiều cao trung bình công trình từ 5,62 tầng
đến 18,5 tầng; tập trung cao nhất tại khu vực các nút giao thông của tuyến
đường với các phố như Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám.
Năm 2008, cùng với việc hợp nhất TP.Hà Nội với tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh
Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở QH-KT rà soát quy hoạch khu
vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc
cảnh quan hai bên trục đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng, hướng tới kỷ
niệm 1.000 năm Thăng Long. “Quá trình thực hiện, UBND TP.Hà Nội đã có Công
văn số 1327/UBND-XDĐT ngày 18.9.2008 gửi Bộ Xây dựng, đề nghị xem xét, chấp
thuận nguyên tắc nội dung nghiên cứu định hướng tổ chức không gian kiến trúc
cảnh quan tỷ lệ 1/2.000 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Bộ Xây dựng đã có
Văn bản 2009 vào tháng 10.2008 thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch
không gian 2 khu vực trên”, ông Tuyến nói.
Theo Sở QH-KT Hà Nội, theo định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan
tuyến đường Lê Văn Lương được UBND TP chấp thuận tại Văn bản số 3362/UBND-GT
ngày 25.11.2008, chức năng công cộng (khách sạn, văn phòng, trung tâm thương
mại) cao nhất là 45 tầng, chức năng hỗn hợp là 32 tầng (định hướng nghiên cứu
này đã được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011).
“Với các định hướng tại Quy hoạch chung thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND
TP phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo
hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận
và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP qua các thời kỳ và
định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt tại Quyết định 1259. Việc kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu
trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng”, ông
Tuyến nêu.
“Điều chỉnh quy hoạch là phù hợp” ?
Lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho rằng đối
chiếu luật Xây dựng 2003, luật Quy hoạch đô thị 2009, việc “điều chỉnh QH tại
khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp”. Do vậy,
việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy
hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là
chưa áp dụng đúng quy định luật Xây dựng 2003, luật Quy hoạch đô thị 2009,
các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế xã
hội của thủ đô trong suốt giai đoạn này.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều
lần. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho hay việc xác định các lần điều
chỉnh này là chưa chính xác. Các văn bản chủ trương của UBND TP, văn bản trả
lời liên thông của Sở, văn bản chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến
trúc... được hiểu là các lần điều chỉnh là chưa đúng quy định của luật Xây
dựng và luật Quy hoạch đô thị.
Ví dụ dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do
Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư, theo kết luận của
Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 4 lần, tuy nhiên Sở QH-KT Hà
Nội cho rằng chỉ điều chỉnh chính thức 1 lần, 3 lần còn lại là các văn bản rà
soát quy hoạch, cho chủ trương... “Nếu nói điều chỉnh 4 lần tác động rất
mạnh, nhưng điều chỉnh 1 lần lại khác”, ông Tuyến nói.
Sau cuộc họp, chiều cùng ngày, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Thanh
tra Bộ Xây dựng liên quan đến việc Hà Nội phản bác lại một số nội dung trong
KLTT 39, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
“Di dời trường học, bệnh viện giao Bộ Xây dựng nhưng chưa làm được”
Theo KLTT 39, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần các công trình trên tuyến
Lê Văn Lương - Tố Hữu, tăng số lượng tầng đã gây quá tải về giao thông và hạ
tầng cho trục này. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở QH-KT Hà
Nội, nói việc ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì bố trí
nhiều công trình cao tầng. Khi làm QH đã vẽ rất kỹ mạng lưới giao thông ở khu
vực này, nhưng hiện nay mới xây dựng được 42% mật độ đường, nên năng lực lưu
thông chưa đáp ứng được thực tế.
Lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho rằng giải pháp đã tính đến là di dời các trường
ĐH, bệnh viện lớn, cơ quan T.Ư ra ngoài nội đô. Thủ tướng đã có quyết định
giao Bộ Xây dựng thực hiện nhưng tới nay chưa triển khai được. “Hà Nội đã
tích cực giãn như đưa các bệnh viện của Hà Nội ra Quốc Oai, Hà Đông..., nhưng
các cơ sở liên quan cơ quan T.Ư thì không thể làm được. Qua đây cũng kiến
nghị Bộ Xây dựng khẩn trương di dời cơ quan để bàn giao lại quỹ đất. Bộ
TN-MT, Bộ Nội vụ cũng chưa bàn giao mét vuông đất nào cho Hà Nội”, ông Tuyến
nói.
(Theo
Thanh Niên) Lê Quân-Mai Hà
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét