Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Mạng xã hội không lí trí

 

Đừng biến nữ sinh trộm đồ ở Thanh Hoá thành một Hào Anh khác

Cập nhật lúc 16:29                                 

Tôi chẳng bênh chủ shop Mai Hường kia bởi họ xử lý tình huống quá độc ác, không có tình người. Nhưng tôi cũng không thể bênh cô nữ sinh nọ và càng phản đối những người tới quyên góp, ủng hộ gia đình cô…

Đói cho sạch, rách cũng phải thơm!

Tình cờ lướt qua chiếc livestream gây ồn ào mạng xã hội vài ngày trước, tôi thấy rùng mình, sởn gai ốc. Ban đầu là bức xúc vì cách hành xử của gia đình chủ shop quần áo ở Thanh Hóa.

Trẻ con đã đến tận cửa quỳ xin khóc lóc như thế mà còn hành hạ con người ta như vậy, thật quá ác độc, thậm chí là vô nhân tính! Chủ shop mà cứ tưởng giang hồ, sau này còn ai dám lại shop mua nữa.

Nhưng sau này, tôi càng sợ hãi khi thấy cộng đồng mạng hùa nhau chửi rủa nhà chủ shop quần áo và… bênh vực cô nữ sinh 16 - 17 tuổi.

Chửi người sai thì chấp nhận được nhưng cô nữ sinh có đúng không để mà bênh? Dường như mọi người chỉ nhớ tới vế sau “chủ shop đánh đập, cắt áo ngực” mà quên mất vế trước là “nữ sinh trộm đồ".

Từ xa xưa, các cụ đã có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Và ngay từ khi học cấp 1, các cô giáo cũng nhiều lần dạy bài học này. Sao có thể quên để rồi vin vào cớ nhà nghèo mà “cầm nhầm” của cửa hàng được?

Nhất là ở cái tuổi dở dở, ương ương đang hình thành nhân cách thế này. Hôm nay ăn cắp cái váy 160 ngàn, ngày sau có thể sẽ trộm thứ đáng giá 1,6 triệu hay nhiều hơn thế… Một đôi lần quen tay là thành tật ngay, sau này làm sao sửa được?

Trừng trị kẻ ác song cũng không thể ủng hộ nữ sinh trộm đồ

Tôi không thể lý giải được nguyên nhân tại sao cộng động mạng và không ít người có ảnh hưởng trong xã hội lại lên tiếng ủng hộ nữ sinh này!

Họ muốn cổ suý cho việc trộm cắp, “cầm nhầm” hay có mục đích gì? Xin đừng bao biện là nhà nghèo, không có tiền mua váy nên thế. Nhà mình thế nào thì mình sống theo kiểu đó, đừng đua đòi, bắt chước người khác làm gì!

Đừng lặp lại câu chuyện Hào Anh…

Cũng phải nhìn lại cách giáo dục, dạy dỗ con cái của gia đình. Xin cộng đồng mạng cũng đừng bảo tại cha mất sớm, mẹ một mình nuôi đàn con nhỏ nên không thể quán xuyến tất cả, nên sinh ra câu chuyện này…

Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh được! Bao gia đình đơn thân, bao gia đình nghèo khó - thậm chí còn hơn thế, con cái họ vẫn trưởng thành đàng hoàng. Có thể không thành ông to bà lớn nhưng vẫn trở thành những người chính trực, chân thành trong cuộc sống.

Đó là do cha/mẹ họ rất cương quyết và kỹ tính trong chuyện dạy dỗ con cái. Đó là do chính họ luôn khát khao vươn lên và nỗ lực trở thành người tốt trong xã hội.

Tôi càng thấy nực cười hơn khi có những người kêu gọi xã hội làm từ thiện, giúp đỡ gia đình nữ sinh nọ. Thậm chí cả vài hot face trên mạng xã hội còn tới tận nhà em livestream kể lể rồi kết hợp trao tặng tiền bạc…

Thật kỳ quặc! Người xưa đã bảo “hãy trao cần câu, chứ đừng cho con cá”. Và có rất nhiều câu chuyện cho con cá để lại những bài học đau buồn, sao mọi người không nhớ? Ví như trường hợp của Hào Anh - cậu bé bị ông bà chủ bạo hành năm nào.

Cậu bé được giải cứu và được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, thế nhưng sau đó lại là vết trượt dài đầy lầm lỗi của cậu thiếu niên khiến bao người tiếc nuối. Đừng biến nữ sinh Thanh Hoá năm nay thành Hào Anh phiên bản khác chỉ vì tình thương người đặt nhầm chỗ!

(Theo VietNamNet)  Lâm Thu Nhàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét