Tiếng Việt: Sự trong sáng và vấn đề
chuẩn hóa
Cập nhật lúc 15:54 Kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc
“Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (Tạp chí Học tập, s.4-1966) cho đến
nay (2021) đã tròn 55 năm. Phong trào này đã được toàn xã hội, đặc biệt là
giới Việt ngữ học hưởng ứng với một “lộ trình” lúc lên, lúc xuống, lúc rầm
rộ, lúc âm ỉ... Nhưng chưa bao giờ vấn đề giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt lại
được dư luận quan tâm nhiều như thời gian vừa qua. Vậy, thực trạng tiếng Việt
hiện nay như thế nào và chúng ta phải làm gì cho một vấn đề rất quan trọng: Chuẩn
hoá cho đúng hướng. Tiếng Việt đang ở đâu? Tiếng Việt đang là ngôn ngữ chính thức của nước CHXHCN Việt Nam,
có hơn 97 triệu dân (mà người Việt chiếm đa số). Với một diện tích hơn
330.000km2, kéo dài
trên một dải đất hình chữ S, tiếng Việt phân nhánh ra nhiều vùng phương ngữ
khác nhau (tiêu biểu là 3 phương ngữ Bắc, Trung, Nam). Nhưng dù đã qua bao
nhiêu thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ thống nhất, giữ
vai trò là công cụ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng cư dân rộng lớn,
đa dạng... Tiếng Việt chính là một nhân tố không thể thiếu được làm nên đặc
thù và bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhưng
ít có ngôn ngữ nào chịu sức ép từ các nhân tố lịch sử - địa lí mạnh mẽ như
tiếng Việt. Lịch sử bốn ngàn năm của chúng ta “lên bổng xuống trầm” mà dấu ấn
rõ nét nhất là chúng ta phải chịu gần 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 80 năm đô hộ
của Pháp. Không thể nói là ngôn ngữ (một hiện tượng xã hội đặc biệt) lại đứng
ngoài những biến cố đó. Trái lại, chính ngôn ngữ lại là nhân tố đầu tiên đứng
trước sự đồng hoá. Chính phủ ngoại bang nào cũng muốn áp đặt các thiết chế
quyền lực, trong đó có chính sách ngôn ngữ đối với quốc gia họ vừa thôn tính.
Và thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng chữ Hán trong các văn bản
hành chính quốc gia trong suốt quá trình tồn tại. Tiếp đó, khi các giáo sĩ
phương Tây vào truyền giáo rồi thực dân Pháp xâm lược, chữ Quốc ngữ xuất hiện
và đây là bước thay đổi quan trọng trong tiến trình phát triển ngôn ngữ Việt.
Cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán cùng tồn tại nhưng đó chỉ là một
dạng “tam ngữ bất bình đẳng”. Tiếng Pháp dần dần giữ vai trò độc tôn, đẩy chữ
Hán vào miếu đường cổ hủ của các nhà Nho và coi chữ Quốc ngữ là một văn tự
“không chính thống”, sống “kí sinh” trong lòng tiếng Pháp. Một trong những sự khác biệt rõ rệt của mỗi dân tộc chính là ngôn
ngữ. Tiếng Việt với sức sống kì lạ, lâu bền của mình đã trường tồn cùng lịch
sử. Giờ đây, ta vẫn nhận được chân giá trị của tiếng Việt ngàn đời qua các
tác phẩm còn lưu truyền của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... và vô vàn những tác phẩm dân gian truyền khẩu (ca
dao, dân ca, tục ngữ...). Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một
điều: Dấu ấn của văn hoá Hán và tiếng Hán, văn hoá Pháp và tiếng Pháp còn
biểu hiện rất rõ trong tiếng Việt. Hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê
của H. Maspéro, 1912) và quãng hơn 2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn
Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, 1992). Gần đây, tiếng Việt thu nhận thêm nhiều
từ ngoại lai nữa (chủ yếu là tiếng Anh). “Từ điển từ mới” (Viện Ngôn ngữ học,
2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000).
Đây là hệ quả của nhiều năm mở cửa, đổi mới, hội nhập. Và không chỉ tiếng
Việt, nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới (kể cả các ngôn ngữ mạnh như tiếng
Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung) cũng phải “gồng” lên chống đỡ cơn bão tiếng Anh
thổi khắp hoàn cầu. Yếu tố kinh tế, thương mại trong bối cảnh hoà nhập vô
hình trung đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ “number one” (số 1) trên thế giới. Tiếng Việt hôm
nay: Có còn trong sáng? Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn
ngữ, dư luận xã hội, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện
tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt, thậm chí
nhiều người còn cho rằng “tiếng Việt đang bị làm hỏng”, “sự xuống cấp trầm
trọng của tiếng Việt” và “chúng ta phải có thái độ kiên quyết và rõ ràng để
giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải hành động trước khi quá
muộn”.v.v... Những bức xúc như vậy không phải là không có căn cứ. Đó là hiện
tượng nói và viết tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi, trong đời sống hàng ngày và
cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chả cần bước chân ra ngõ là đã
có thể nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, nói trống không, trái với
thuần phong mĩ tục... Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn
kém văn hoá ngang nhiên tồn tại (ngày xưa báo, nhất là sách lỗi in sai rất
ít). Nhưng ngôn ngữ trên mạng mới thực sự là đáng sợ. Nó bát nháo, tuỳ hứng
trăm hình vạn vẻ. Từ chuyện nói năng văng mạng (nói cho hả, nói lấy được) đến
chuyện viết văng mạng, bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu. Đáng lo
ngại là hiện tượng nói bậy, viết sai, nói lóng... lại phổ biến trong giới
trẻ, ở tuổi học đường. Mà thế hệ này lại chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân
số (chỉ riêng học sinh phổ thông năm 2020-2021 đã trên 23 triệu). Họ sẽ là
chủ nhân tương lai của đất nước. Không rõ là cứ với đà này, tiếng Việt sẽ ra
sao? Theo tôi, muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề này chúng ta phải
có cái nhìn biện chứng, toàn cục, phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, cụ
thể. Và, trước tiên chúng ta phải cùng xác lập một vấn đề: Thế nào là trong
sáng? Có thể dẫn nghĩa 2, mục từ “trong sáng” trong “Từ điển tiếng
Việt” (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, 2006) là “ở trạng thái giữ
được bản sắc tốt đẹp, không có hiện tượng pha tạp” để áp dụng cho tổ hợp “giữ
gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Một tiếng Việt trong sáng là phải cơ bản
thuần nhất, có cách nói, cách dùng từ chuẩn với đại đa số, mang tư duy dân
tộc. Tôi chắc là đại đa số mọi người không phản đối cách định nghĩa trên. Tuy
nhiên, cách hiểu “thế nào là trong sáng” đang có sự phân hoá, chưa thống
nhất. Thể hiện rõ nhất là thái độ đối với việc sử dụng từ nước ngoài. Nhiều người cho rằng, phải căn cứ vào nguồn gốc của nguyên ngữ mà
dùng từ cho chuẩn. Như vậy, có nhiều từ Hán - Việt ta mượn và dùng đúng theo
nghĩa Hán (cả âm và nghĩa). Chẳng hạn, theo quan điểm của một số tác giả,
phải dùng “cứu cánh” với nghĩa là “mục đích cuối cùng” chứ không dùng như
hiện nay là “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”; phải dùng
“trầm kha” (hay “bệnh nặng”) chứ không được dùng “bệnh trầm kha”, “tham quan”
chứ không phải “thăm quan”, “Hợp Chúng Quốc Mỹ” chứ không phải “Hợp Chủng
Quốc Mỹ”.v.v... Nhưng có rất nhiều trường hợp, trong quá trình thu nhận
và sử dụng, tiếng Việt đã có sẽ điều chỉnh, sai lệch. Chẳng hạn, “vô tình” ít
dùng nghĩa “không có tình, bất nghĩa” như tiếng Hán mà dùng “ngẫu nhiên,
không chủ định, không cố ý”, “khiêm tốn” không chỉ với nghĩa chỉ “ý thức và
thái độ đúng mực” mà còn dùng chỉ sự “ít ỏi, nhỏ bé” (đồng lương khiêm tốn,
chiều cao khiêm tốn...), lẽ ra viết “thống kế” nhưng từ trước đến nay vẫn
viết là “thống kê”, “trụ ngụ” lại viết là “trú ngụ”, “trú sở” viết thành “trụ
sở”, lẽ ra phải nói “tiếng Hán” (tiếng Hoa, tiếng Tàu) nhưng hiện nay trong
giao tiếp, đa số dùng “tiếng Trung”... Đó là những lỗi quy về gốc là “sai”.
Nhưng hiện tại chúng ta sử dụng trong giao tiếp đã hết sức quen thuộc đến mức
không nhận ra lỗi sai và những cái sai đó đã được bình thường hoá (do không
có sự hiểu lệch lạc, phù hợp với hiện tại). Ngay cả những cách nói được coi
là “thừa” như: Đường quốc lộ (lộ: đường), cây cổ thụ (thụ: cây), bà quả phụ
(phụ: bà), ngày sinh nhật (nhật: ngày), virus HIV (V = virus)... nhiều khi
vẫn được sử dụng (như một “độ dư cần thiết”) để hoặc là làm rõ nghĩa, hoặc là
tăng sắc thái biểu cảm (Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ; Ngày sinh
nhật Bác nắng đầy tiếng chim; Chúng tôi bước dưới tán cây cổ thụ; Xin mời bà
quả phụ X. lên nói lời cảm ơn.v.v...). GS
Hoàng Phê từng nói rằng: “Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa
nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: Từ tiếng Việt này sẽ có một đời
sống riếng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, 2008). Tiếng Việt vay
mượn khá nhiều. Có từ do áp lực ta phải dùng. Có từ ta chưa có mà phải “vay”
(vay mượn thuật ngữ là rõ rệt nhất). Hoặc nhiều từ ta có rồi nhưng vẫn mượn
thêm để làm phong phú hơn cách sử dụng (tiếng Nga, tiếng Pháp là một ví dụ,
vẫn mượn thêm từ tiếng Anh, sử dụng song song). Khi ta mượn, có nhiều từ, dựa
trên cơ sở âm và nghĩa gốc, người Việt đã uốn nắn lại (la plat = lập là, la
clé = lắc lê, mangouste = măng cụt, casserol = xoong, caporal = cặp
rằng, club = câu lạc bộ,...). Từ show (sô) trong tiếng Anh có nghĩa là
“buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại sô tiếng Việt còn thêm
nhiều nghĩa: Một phi vụ làm ăn (bể sô), một công việc nào đó đòi hỏi luân
phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình
...). Từ “hủ hoá”, nghĩa gốc tiếng Hán là “thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng,
biến chất, sa đọa”. Nhưng trong dân gian hay dùng để chỉ chuyện nam nữ “quan
hệ bất chính, buông thả” (Anh ta mắc tội hủ hoá, làm cô hàng xóm mang bầu).
Như vậy, nếu so sánh nhiều từ, ta thấy âm và nghĩa gốc có khi đã bị “mờ” đi.
Đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ vay mượn. Khi mượn một cách đúng mức
và có phần sáng tạo, người Việt đã thực hiện một công cuộc Việt hoá triệt để
nhiều từ ngữ, người cách nói từ tiếng nước ngoài để làm phong phú vốn từ của
mình. Trên báo chí hiện nay, các cách nói: ... tại sao không (why not), từ...
đến... (from... to...), vấn đề là ở chỗ... (tiếng Nga: Дело в том, что...) đã
quá quen thuộc và thông dụng. Chúng ta dùng theo cách của ta, hòa vào cách
nói chung của tiếng Việt và rõ ràng, câu văn vì thế mà sinh động, uyển chuyển
hơn. V. I. Lênin đã từng nói một ý rất hay: “Cái cốc ở nhà anh dùng để đựng
nước. Nhưng sang nhà tôi, nó có thể được dùng làm cái chặn giấy hoặc để nhốt
một con bướm”. Đánh giá việc vay mượn từ ngữ cần phải có một cái nhìn lịch sử
cụ thể, theo chiều hướng động. Ta chống việc vay mượn tràn lan, song cũng có
cái đáng mượn. Có những cái ta mượn và biến thành “tài sản” của ta, khác đến
nỗi “chủ nhân” của nó không còn nhận ra khi gặp lại. Phải nói rằng, tiếng
Việt đã “giàu” và sinh động hơn nhờ vay mượn và Việt hoá một cách tuyệt vời
một số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp. Một vấn đề nữa vẫn còn gây tranh cãi, đó là việc nên phiên âm,
chuyển tự hay để nguyên dạng tiếng nước ngoài? Tôi không bàn đến việc dùng
tiếng Anh trong biển hiệu quảng cáo hay thương hiệu hàng hoá. Tôi muốn đề cập
tới việc sử dụng trên báo chí. Vì nhiều ý kiến cho rằng phải phiên cách đọc,
như thế mới là trong sáng, phục vụ cho đông đảo quần chúng. Giao tiếp ngôn ngữ được thực hiện qua 2 “kênh” khác nhau: Nói
bằng lời (phát âm truyền qua không gian) và Đọc bằng mắt (qua tự dạng, nét
chữ). Đọc qua kênh thị giác là một cách cảm nhận văn bản phổ biến đối với mọi
dân tộc trên thế giới kể từ khi con người phát minh ra chữ viết. Tiếng Việt
văn hoá hình thành từ khi có chữ viết. Tên nước ngoài vào Việt Nam (trừ tiếng
Hán sẽ đọc theo âm Hán Việt) thường chủ yếu theo các hệ chữ: Slav (chữ Kirin,
như Nga, Bungari và một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ), Latin (gồm các
nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha - ngữ hệ Latin, các nước thuộc
Liên hiệp Anh - ngữ hệ Anglo-Saxon, Đức - ngữ hệ German), Sanscrit... Với tên
riêng viết theo hệ chữ Slav, chúng ta phải chuyển tự (chuyển từ mẫu tự này
sang con chữ tương đương ở mẫu tự khác, cụ thể là theo bảng chữ cái Latin có
ở hầu hết các máy chữ). Còn với các tên viết theo mẫu tự Latin thì cách tốt
nhất là để nguyên dạng. Bởi như trên tôi đã nói, giao tiếp bằng mắt phải lấy tự dạng làm
căn cứ. Việc phiên cách đọc sẽ dẫn đến hệ quả đầu tiên là đưa ra một cách đọc
chủ quan (đúng và sai rất mong manh). Không ai dám chắc là mình sẽ phiên đúng
một từ nào đó theo nguyên ngữ (tên của cựu Tổng thống R. Reagan mà người Mỹ
cũng còn có 2 cách đọc, Thủ đô Moskva (Nga) sẽ được đọc khác nhau giữa tiếng
Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung (Moskva, Moscow, Moscou,
Moscau). Hệ quả thứ hai là người đọc mất cơ sở để truy tìm. Tôi đảm bảo là
nếu phiên âm thì chỉ sau một đêm chúng ta sẽ biến toàn bộ mấy chục cầu thủ 4
đội tham gia tứ kết Cup C1 châu Âu 2010 thành mấy chục cái tên khác. Trừ cái
cái tên quá quen (Messi, Ronaldo, Kaka, Rooney, Arshavin...) phiên ra ta còn
nhận được, chứ đa số tên khác, ta rất khó nhận diện (chẳng hạn, Pơ-phap =
Pfaff, Cơ-rao = Crouch, Hât-lơ-xtôn-nơ = Huddlesstones...). Để nguyên dạng
không làm ảnh hưởng nhiều tới việc cảm thụ. Chính sự nguyên dạng này giúp
người đọc theo dõi dễ dàng, không bị gây trở ngại, dùng quen thì điều đó trở
nên rất bình thường. Bởi có nhiều tên, do có nhiều cách phiên khác nhau mà
người đọc chịu không biết đó là ai. Tôi nhớ năm 2005, Liên hiệp các hội KHKT
VN có tổ chức hội thảo về vấn đề này. Một nhà khoa học đã nói gay gắt: “Các
anh cứ ủng hộ việc phiên âm tiếng nước ngoài để phục vụ đa số quần chúng, vì
nếu để nguyên dạng thì khác nào đánh đố “dân thường”. Nghĩ như vậy là chúng
ta đánh giá thấp quần chúng quá. Quần chúng bây giờ khác xưa rồi. Và ngay cả
với những ai còn kém hiểu biết thì thử hỏi các vị phiên âm ra có ích gì?
Chẳng có ai đọc báo mà đọc choang choác thành tiếng cả. Nếu cần đọc, họ sẽ
đọc theo cách của họ. Có thể chưa chuẩn (mà khó có chuẩn) cũng hề gì. Cứ cho
là để nguyên dạng là đánh đố “thằng ít học” đi. Nhưng nếu phiên âm thì vô
tình chúng ta đã đánh đố cả “thằng ít học” lẫn “thằng nhiều học”. Ngay các
nhà khoa học cũng chẳng biết đâu mà lần”. Chúng ta chấp nhận điều này như một “giải pháp tình thế”, giúp
cho tiếng Việt ổn định và phát triển đúng hướng. Một văn bản có lẫn vài tên
riêng tiếng Anh không hề làm giảm giá trị tiếng Việt mà còn thể hiện tiếng
Việt chấp nhận được một biến thể và chứng tỏ trình độ người nói tiếng Việt
được nâng cao. Phát triển đúng hướng là tôn trọng những chuẩn mực (từ vựng,
ngữ âm, chính tả...). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể thoát li
vấn đề chuẩn hoá. Mà chuẩn hoá có nghĩa là “lựa chọn một biến thể hợp lí
trong những biến thể đang tồn tại”. Nhưng thế nào là chuẩn? Đó là một phạm
trù mang tính xã hội. Bởi chuẩn của ngôn ngữ tự nhiên không thể căn cứ vào lí
lẽ thuần tuý logic, là ý muốn chủ quan, là những áp lực mang tính quyền uy...
Chuẩn ngôn ngữ là một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, chọn lựa. Có những
chuẩn cũ bị phá bỏ để thay bằng chuẩn mới và nhiều khi cả 2 chuẩn này song
song tồn tại trong một thời gian (lưỡng khả). Chuẩn là cái đã được định hình,
truyền thống nhưng có khi nó lại hình thành từ một “sự vi phạm chuẩn”. Sự
sáng tạo ngôn từ của các nhà văn, nhà thơ là một ví dụ. Không ít những lối
nói “phá cách” của các nhà văn đã đem lại hiệu ứng bất ngờ và trở thành một
nhân tố mới, giúp cho ngôn ngữ phát triển đa dạng hơn. Chuẩn luôn tôn trọng tính cộng đồng và dân chủ. Tuy nhiên, chính
từ cách hiểu “dân chủ” kia mà hiện tại tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ của
sự vi phạm. Điển hình là cách nói lóng trong học đường. Đầu tiên chỉ nói cho
vui, hoặc nói trong phạm vi hẹp, rồi nhanh chóng lây lan trong diện rộng. Thí
dụ, gọi bố mẹ là “tiền bối lỗi thời”, xe máy là “con nghẽo”, tiền bạc
là “máu khô, tiền âm phủ”, bạn gái là “gà tóc nâu”, bạn trai là “xe ôm”, bị
kiểm điểm là “chào cờ thứ hai”, ăn điểm kém là “vác gậy Trường Sơn”... Rồi
nói tiếp âm các từ với các tên nổi tiếng: yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi,
chớ hồng lâu mộng, phí phạm văn đồng, vô lý thường kiệt, không phan đình rót
(mà phan đình tu)... Đáng ngạc nhiên (và đáng sợ) hơn cả là ngôn ngữ chat
(tán gẫu trên mạng). Nếu ai đã từng vào mạng, xem các trang blog, email...
thì sẽ thấy chỉnh tả tiếng Việt biến dạng như thế nào. Có thể nói là bát
nháo, thiên hình vạn trạng. Nhiều người cho rằng mạng ở nơi nào cũng thế. Sang Mỹ, Hàn Quốc,
Nga, giới trẻ có khi còn “quậy” hơn. Ngôn ngữ chat của họ “khủng” hơn nhiều.
Đó là một trò chơi tiêu khiển mà(!). Nhưng dù là giải trí thì cái gì cũng
phải có chừng mực. Hơn nữa, cách dùng theo kiểu tự sáng tạo như vậy không
khéo sẽ bị lệch lạc. Cái lạ nhiều khi bị giới trẻ nhầm lẫn với cái tôi và
“cái sáng tạo”, “cái hay”. Những cái mới lạ đó rất dễ lây lan, khi đã lây
nhiễm rồi, nó cứ như một “con đỉa” bám rất chặt, rất khó gỡ bỏ. Thực tế vừa
qua, trong một đợt khảo sát bài viết và bài thi của một số trường THPT tại Hà
Nội, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều lỗi được cho là “nằm ngoài kiến thức”.
Đó là việc viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài vô lối, viết theo
ngôn ngữ biến dạng xuất hiện (nhiều ít khác nhau) ở các văn bản học đường đòi
hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc trường quy. Và mức độ vi phạm lỗi ngày một
tăng. Đáng tiếc là nhà trường, giáo viên, bố mẹ các em ít quan tâm và
nhắc nhở. Giáo dục ngôn ngữ là một mặt quan trọng của giáo dục tri thức học
đường. Thật buồn là một bộ phận giới trẻ chỉ mải mê vào các cuộc giải trí
mang tính công nghệ (chat, game online...) mà quên không chịu đọc (và không
thích đọc) sách báo nói chung. Phải chịu đọc nhiều, tham gia giao tiếp xã
hội, chịu “va chạm” thì chúng ta mới hình thành một “ngữ năng” ổn định, có
khả năng đánh giá sự đúng sai và có khả năng trau dồi sự diễn đạt ngôn ngữ
của mình. Nhìn lại cả quá
trình lịch sử, tiếng Việt hôm nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo: Giàu hơn
và đa năng hơn trong việc thể hiện công cụ giao tiếp ở mọi lĩnh vực. Tiếng
Việt chưa đến nỗi rung chuông báo động, giương “đèn đỏ” về sự “mất trong sáng
trầm trọng”. Nhưng rõ ràng, tiếng Việt có nhiều vấn đề phải quan tâm nếu
không, ngôn ngữ yêu quý này có nguy cơ bị vẩn đục, do chính thái độ của chúng
ta. Không có gì là không thể xảy ra, kể cả điều tốt và cái xấu. “Ngôn ngữ là
linh hồn dân tộc” - câu nói của W. Humboldt cần phải nhắc lại như một lời
nhắc nhở về lòng tự hào và bổn phận của tất cả những ai thuộc cộng đồng tiếng
Việt hôm nay. (Theo Lao Động) PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét