Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Chính phủ điện tử

 

Công an thu sổ hộ khẩu; điện, nước, công chứng... vẫn đòi vì chưa kết nối dữ liệu dân cư

Cập nhật lúc 09:36     

Thực hiện theo Luật cư trú, từ 1-7-2021, khi người dân đi làm thủ tục thay đổi nhân khẩu công an cấp xã nhiều nơi thu hồi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú. Thật tréo ngoe khi nhiều dịch vụ, thủ tục vẫn cần phải có SHK giấy!


Người dân làm thủ tục đăng ký thay đổi nhân khẩu ở Công an phường Linh Trung, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: MINH HÒA

Việc liên thông khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư giữa các bộ ngành, cơ quan... vẫn còn trúc trắc chưa thông.

Thu sổ hộ khẩu giấy, cấp lại... giấy xác nhận!

Đầu tháng 10-2021, anh P.N.M.Q. đến Công an phường Thới An (quận 12, TP.HCM) để làm thủ tục đăng ký thường trú (ĐKTT) cho vợ chồng và con nhỏ vào ở căn hộ chung cư vừa mua. Anh Q. được công an phường hướng dẫn và yêu cầu anh phải mang sổ hộ khẩu (SHK) có tên anh và vợ lên, xong thủ tục sẽ thu hồi sổ. Anh Q. rất băn khoăn vì hộ khẩu anh ở Đắk Lắk, còn vợ anh ở Lâm Đồng (cùng gia đình).

"Cán bộ công an giải thích rằng khi thu hồi SHK giấy sẽ đồng thời cập nhật thông tin thường trú của tôi vào hệ thống dữ liệu và cung cấp cho tôi giấy thông báo về giải quyết thường trú. Nhưng tôi lo lắng khi thu hồi 2 sổ thì gia đình bên tôi và bên vợ ở tỉnh sẽ không còn SHK khi cần sử dụng cho các thủ tục liên quan..." - anh Q. kể.

Anh N.M.H. đến Công an phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM để tìm hiểu thủ tục ĐKTT tại nhà anh đang ở. Anh H. được hướng dẫn không cần phải về nơi thường trú để lấy giấy cắt khẩu như trước, cơ quan công an nơi tiếp nhận yêu cầu ĐKTT sẽ tự kiểm tra dữ liệu cư trú để giải quyết.

"Tôi quê ở Bình Thuận, mua nhà ở phường Linh Trung được hơn năm, cũng muốn nhập hộ khẩu về đây nhưng rất băn khoăn về việc cơ quan công an sẽ thu hồi SHK của nhà ở Bình Thuận. Khi cần, những người chung hộ khẩu với tôi ở Bình Thuận có thể đến cơ quan công an địa phương xin cấp giấy xác nhận thường trú, xác nhận số định danh cá nhân để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan... Nhưng mỗi lần cần là mỗi lần xin thì nhiêu khê quá, trong hộ khẩu có nhiều người càng khó hơn" - anh H. nói.

Theo quy định, công an xã, phường, thị trấn sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ, thực hiện thủ tục ĐKTT cho người dân chứ không phải do công an huyện như trước đây. Ngoài việc đến công an cấp xã, người dân có thể đăng ký thường trú trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia. Tính từ 1-7 đến 8-11, riêng TP.HCM tiếp nhận giải quyết 12.397 hồ sơ ĐKTT, phần lớn trong số này làm trực tiếp tại cơ quan công an (và thu hồi SHK cũ).

Nhiều dịch vụ vẫn cần SHK

Thật tréo ngoe, SHK giấy được thu hồi khi người dân có thay đổi ĐKTT, trong khi rất nhiều giao dịch công, tư đều đòi hỏi phải có SHK này.

Ông T.P.T. đến Văn phòng công chứng Phạm Văn Thể (Bình Dương) để công chứng hợp đồng mua bán. Ông T. cung cấp giấy "thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" (gọi tắt là giấy xác nhận cư trú) để chứng minh thông tin cư trú và nhân thân. Theo công chứng viên, khi thực hiện thủ tục công chứng giao dịch, người dân vẫn xuất trình SHK (nếu chưa bị thu hồi) hoặc giấy xác nhận cư trú để đối chiếu.

Tương tự, khi có giao dịch hợp đồng quyền sử dụng đất, mua bán xe, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản khai nhận/phân chia di sản... cũng đều cần có SHK (bản chính hoặc photo bản sao y) hoặc giấy xác nhận cư trú. Hiện nay nhiều phòng công chứng vẫn chưa liên thông kết nối dùng chung dữ liệu cư trú quốc gia nên việc xác định thông tin cư trú, nhân thân của người đi công chứng vẫn dựa vào SHK hoặc giấy xác nhận cư trú.

Nhiều cơ quan chức năng, lĩnh vực vẫn chưa được kết nối dùng chung dữ liệu cư trú quốc gia. Các thủ tục kết hôn, khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân đều cần có SHK hoặc giấy xác nhận cư trú. Ngay cả mua bảo hiểm y tế tự nguyện đối với hộ gia đình thì cũng cần SHK để chứng minh về số thành viên trong hộ gia đình. Đi làm căn cước công dân gắn chip, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM người dân cũng phải mang theo SHK (bản chính) nếu chưa có dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.

Vì sao chưa thể khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia?


Công an TP.HCM làm thủ tục cấp đổi CCCD cho người dân. CCCD mới sẽ có đủ thông tin thay thế nhiều loại giấy tờ tùy thân và cả thông tin thường trú - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-11, lãnh đạo Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết đến nay đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Công an cũng đã trả khoảng 45 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tới tay người dân. Thẻ căn cước công dân gắn chip này có chứa mã QR tích hợp 7 thông tin cơ bản nên cũng giúp người dân giảm thiểu nhiều thủ tục khi giao dịch hành chính.

Về những vướng mắc người dân gặp phải sau khi SHK giấy bị thu hồi, theo lãnh đạo Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nguyên nhân là do cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ban, ngành chưa hoàn thiện, chưa kết nối được nên chưa khai thác được thông tin để giải quyết thủ tục cho người dân. "Bộ Công an đang có nhiều đề xuất trình Chính phủ về việc kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đẩy mạnh việc các bộ, ban, ngành phải khẩn trương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của mình, hoàn thiện hạ tầng để kết nối và khai thác" - vị lãnh đạo này nói.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết thêm việc người dân khi thay đổi thông tin liên quan đến cư trú bị thu hồi SHK là đúng theo quy định. Tuy nhiên khi thu hồi SHK, cơ quan công an địa phương sẽ cấp cho người dân giấy xác nhận thông tin về cư trú, trong đó có tất cả thông tin về cư trú, liên quan SHK, số định danh cá nhân. Người dân có thể sử dụng giấy xác nhận này để thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính, trong đó có cả giao dịch về điện nước.

THÂN HOÀNG

Ngành điện, nước cùng gặp khó

Chị L. cho biết trước đây sống và có SHK tại quận Phú Nhuận (TP.HCM). Nay chị chuyển đến quận Bình Thạnh, cần đăng ký lại định mức nước và được yêu cầu phải có bản photo SHK. Chị thắc mắc: "Tôi nghe khi Luật cư trú có hiệu lực, các dịch vụ không bắt người dân cung cấp SHK nữa, không hiểu vì sao đến nay việc đăng ký định mức nước vẫn bị đòi".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trọng Thuần - trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - cho biết theo quyết định 25 năm 2019 của UBND TP.HCM về ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP quy định: "Định mức sử dụng nước sạch được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn căn cứ theo SHK và sổ tạm trú".

Kể từ ngày 1-7 năm nay SHK giấy có thể bị thu hồi nhưng SHK, sổ tạm trú chưa thu hồi vẫn có giá trị sử dụng đến hết năm 2022. Do đó hiện tại việc cấp định mức nước dựa vào SHK vẫn chưa thay đổi". Theo ông Thuần, việc xác định định mức nước sinh hoạt cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật cư trú. Sawaco đã có đề xuất UBND TP bổ sung căn cứ cấp định mức nước sinh hoạt và sẽ điều chỉnh thủ tục cấp định mức nước sinh hoạt cho phù hợp sau khi UBND TP ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành.

Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết ngành điện TP.HCM hiện chưa khai thác được dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Chúng tôi đã thông tin để Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị và có hướng dẫn chúng tôi các thủ tục khi không sử dụng SHK. Ngành điện TP còn gặp một vấn đề khó nữa là chưa được cấp phép truy cập dữ liệu của người dân TP.HCM. Do đó, khi người dân bán nhà, đổi chỗ ở nhưng không chủ động thay đổi thông tin sử dụng điện dẫn tới những tranh chấp, khiếu nại phát sinh sau này. Ngành điện rất muốn có thông tin thay đổi để tự điều chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân và cả ngành điện. Tuy nhiên chưa có quy định nào cho ngành điện khai thác và mức độ khai thác ra sao".

(Theo Tuổi trẻ) THÁI AN - MINH HÒA - LÊ PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét