Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Kinh nghiệm phòng chống tham nhũng quốc tế

 

Chống tham nhũng ở nước lương Thủ tướng cao nhất thế giới

Cập nhật lúc 10:30 

Singapore thực hiện chính sách 3 không - không dám, không cần và không thể tham nhũng. Thủ tướng Lý Hiển Long có mức lương cao gấp 4 lần Tổng thống Mỹ.

Cũng như nhiều quốc gia châu Á, Singapore từng bị vấn nạn tham nhũng hoành hành. Khi đó, tham nhũng được nhìn nhận là “lợi lớn, rủi ro thấp”, được xem là lẽ thường tình, là lối sống của không ít cán bộ các cấp. 

Thủ tướng Lý Hiển Long thăm một trung tâm mới của Cục Điều tra tham nhũng Singapore. Ảnh: Straitstimes

Chính quyền mới của đảng Nhân dân hành động, với quyết tâm chính trị cao độ, đã xác định trừ diệt tham nhũng, xây dựng một chính phủ trong sạch và hiệu quả là vấn đề sống còn đối với đất nước.

Tổ chức đầy uy lực, toàn quyền điều tra mọi nghi phạm tham nhũng  

Trước hết, Singapore ban hành luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 1960 thay thế pháp lệnh năm 1937. Luật có phạm vi bao phủ chống tham nhũng ở cả lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân, cả trong nước cũng như công dân Singapore ở nước ngoài. Hình phạt tăng lên 5 năm tù giam và phạt 10.000 đô la Singapore (S$), đồng thời buộc hoàn trả số tiền tham nhũng…

Vào các năm 1963, 1966, 1981…, Singapore tiến hành sửa đổi, bổ sung hay ra luật mới để khắc phục lỗ hổng hay những vấn đề chưa được lường tới, để xóa bỏ mọi “vùng cấm” trong chống tham nhũng. 

Năm 1966, 2 nội dung quan trọng được bổ sung. Trong đó, mục 28 quy định rằng một người có thể bị kết tội tham nhũng - dù chưa nhận hối lộ - khi có đủ chứng cứ chứng minh người đó có chủ đích nhận. Năm 1989 và 1999, Singapore ban hành luật Chống tham nhũng mới, quy định chặt chẽ và cụ thể về tiền tham nhũng, về bổ nhiệm Cục trưởng và cán bộ Cục Điều tra tham nhũng, các hình phạt áp dụng, thẩm quyền của các ủy viên công tố trong điều tra.

Những đặc điểm đáng lưu ý trong luật là người giữ chức vụ càng cao mà tham nhũng thì bị xử phạt càng nặng, nghi phạm có nghĩa vụ chứng minh tài sản mình có được là hợp pháp. Bất kỳ sự giàu có nào không giải trình rõ ràng về nguồn gốc, không tương xứng với thu nhập sẽ bị coi là nhận hối lộ và có thể bị tịch thu.

Ngoài ra, Singapore cải tổ Cục Điều tra tham nhũng thành lập từ năm 1952 nhằm tăng quyền lực, nhân lực và tài chính. Nhân lực được tuyển chọn từ những cảnh sát giỏi về điều tra tham nhũng nên có nhiều kinh nghiệm.

Thẩm quyền và sự độc lập của Cục được tăng mạnh mẽ. Cụ thể, mục 4 cho phép Cục trưởng bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt và điều tra viên đặc biệt cao cấp. Mục 15 cho phép Cục bắt giữ và khám xét nghi phạm tham nhũng. Mục 17 cho phép Cục trưởng và điều tra viên đặc biệt cao cấp điều tra bất cứ tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán của bất cứ nghi phạm tham nhũng nào. 

Mục 20 cho phép Cục Điều tra tham nhũng khám xét và phong tỏa bất cứ nơi tình nghi nào… Cán bộ của Cục có thể phong tỏa và thu giữ tài liệu khi có lệnh của Cục trưởng… Điều này tạo thuận lợi rất lớn trong phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng.

Cục Điều tra tham nhũng gần như độc lập hoàn toàn với các cơ quan nhà nước khác. Sau nhiều lần thay đổi, kể từ năm 1969, thuộc Văn phòng Thủ tướng, Cục trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm và báo cáo trực tiếp Thủ tướng. Từ năm 1991, điều 22G của Hiến pháp còn cho phép Cục trưởng tiếp tục điều tra các bộ trưởng và công chức cao cấp bị tình nghi tham nhũng ngay cả khi Thủ tướng không phê chuẩn nhưng được sự phê chuẩn của Tổng thống.

Nhờ có toàn quyền điều tra bất cứ ai bị tình nghi, Cục đã không ngần ngại điều tra và truy tố các nhà lãnh đạo chính trị, các quan chức cao cấp dính líu tới tham nhũng. 

Thực tế, hàng loạt nhân vật “tai to mặt lớn” đã bị đưa ra xét xử và kết tội tham nhũng. Bộ trưởng Phát triển đất nước Tan Kia Gan bị điều tra năm 1966 và bị cách toàn bộ chức vụ. Bộ trưởng Nhà nước Wee Toon Boon bị điều tra năm 1975 và bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam. Bộ trưởng Phát triển đất nước Teh Cheang Wan, bị điều tra năm 1986, đã tự tử trước khi bị kết án…

Báo chí được khuyến khích tham gia chống tham nhũng, được tạo điều kiện để đưa tin đầy đủ về tham nhũng, có thể tiếp cận Cục Điều tra tham nhũng để trao đổi các thông tin mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sự tham gia tích cực của báo chí giúp phanh phui nhiều vụ tham nhũng, góp phần tạo ra “văn hóa chống tham nhũng”.

Đặc biệt, một biện pháp rất lợi hại được Singapore sử dụng khiến cán bộ không dám tham nhũng, đó là hàng tháng, lương công chức được trích một phần theo tỷ lệ quy định để gửi vào Quỹ dự phòng trung ương, mức khởi đầu là 5%, tăng dần theo tỷ lệ tăng lương, chức vụ càng cao thì tỷ lệ càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm.

Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu. Bởi vậy, ít công chức dám tham nhũng, nhất là những người có chức vụ cao, công tác lâu năm lại càng không dám “mạo hiểm” để rồi mất tất cả.

Lương cao

Từ những năm đầu thập kỷ 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, Singapore chú trọng thực hiện chính sách không cần tham nhũng với biện pháp chính là trả lương cao. 

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng, trả lương thấp cho cán bộ là nguy hiểm, dù đó là một cảnh sát hay nhân viên hải quan, vì như vậy họ phải bằng mọi cách “kiếm” thêm để nuôi gia đình.

Công chức Singapore được trả lương cao. Ảnh: Straitstimes

Từ tháng 3/1972, công chức được hưởng tháng lương thứ 13. Hai 2 năm một lần, chính phủ khảo sát để điều chỉnh lương của khu vực công tương ứng với khu vực tư nhân. 

Ngoài lương, công chức còn được thưởng. Tháng 10/1994, Singapore ra “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”, quy định lương bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương mức trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo trong nước và công ty đa quốc gia.

Mức lương bộ trưởng và công chức cao cấp được xem xét điều chỉnh thường xuyên để cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Hiện nay, Thủ tướng Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo có mức lương cao nhất thế giới với 1,6 triệu USD/năm, gấp 4 lần lương của người đứng thứ 2 là Tổng thống Mỹ với 400.000 USD.

Singapore còn chú trọng sàng lọc để loại bỏ cán bộ tham nhũng, yếu kém. Hàng năm, công chức được đánh giá toàn diện để xếp loại và xem xét triển vọng nghề nghiệp. Mỗi năm, nước này có khoảng 5% công chức không đáp ứng yêu cầu, phải rời vị trí.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào được xem là biện pháp quan trọng trong chống tham nhũng. Thực tế cho thấy việc tuyển chọn lãnh đạo đất nước và công chức, nhất là công chức hành chính, được thực hiện kỹ lưỡng. Các ứng viên đều được Cục Điều tra tham nhũng đánh giá để đảm bảo chỉ những ứng viên trong sạch được tuyển vào bộ máy công quyền.

Tịch thu tài sản tăng lên không rõ nguồn   

Kê khai tài sản minh bạch là biện pháp được sử dụng khiến cán bộ không thể tham nhũng. Hàng năm, cán bộ từ trung ương tới cơ sở đều phải kê khai tài sản của bản thân và của vợ (chồng) bao gồm: Thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà đất. Những tài sản tăng lên so với năm trước đều phải giải trình rõ nguồn gốc, nếu không sẽ bị tịch thu.

Từ năm 1983, Singapore xây dựng chính phủ điện tử và công dân điện tử, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch nhằm rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, cắt giảm tối đa các thủ tục nhiêu khê gây phiền hà cho dân chúng và do vậy, giảm cơ hội tham nhũng.

Hiện nay, Singapore thuộc nhóm những nước dẫn đầu về phát triển chính phủ số. Nước này đã xây dựng nhiều nền tảng số quy mô quốc gia với quy trình được chuẩn hóa, công việc được xử lý toàn bộ trên Internet để vừa tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân, vừa giảm thiểu tiêu cực.

Sự minh bạch thông tin còn giúp doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về luật pháp và các quy trình, thủ tục, đồng thời là kênh để đối chiếu việc thực thi luật pháp của cán bộ, chống lại sự vòi vĩnh.

TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới) - TS Phạm Tuấn Anh (Học viện Kỹ thuật quân sự) 

Theo VietNamNet

Đa cấp biến tướng

Kinh doanh “viên ngậm tế bào gốc” APLGO có dấu hiệu đa cấp không phép

Cập nhật lúc 10:07  

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp, đối với các sản phẩm của APLGO.

Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho hay, trong thời gian gần đây, qua công tác rà soát, thu thập một số thông tin của một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp đối với thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO.

Thông qua nền tảng Internet, một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động.

 Dấu hiệu vi phạm Điều 217a Bộ Luật Hình sự về kinh doanh theo phương thức đa cấp không có Giấy chứng nhận hợp pháp và vừa có dấu hiệu đưa thông tin thổi phồng công dụng sản phẩm APLGO của một số tổ chức, cá nhân.

Qua xem xét các nội dung trên có thể thấy, hoạt động kêu gọi người tham gia và chính sách trả thưởng khi tham gia vào mạng lưới của các tổ chức cá nhân này có dấu hiệu là kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, đại diện Cục CT&BVNTD thông tin, hiện nay chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào mang tên là APLGO như trên theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu nêu trên.

Tính đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận hợp pháp có thể bị xử lý hình sự tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017./.

Theo VOV.VN

Omicron sẽ chuyển Covid thành bệnh đặc hữu?

 

Chuyên gia Đức: Biến thể Omicron có thể là tin tốt!

 Cập nhật lúc 09:55      

Giáo sư Karl Lauterbach, chuyên gia về dịch tễ học Đức, cho rằng biến thể Omicron có thể là một “món quà Giáng sinh”, có thể khiến đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn.

Giáo sư Karl Lauterbach, người đang tranh cử chức bộ trưởng y tế tiếp theo của Đức, hôm 29-11 cho biết đó có thể là diễn biến tích cực nếu biến thể mới Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn.

Ông Karl Lauterbach gợi ý rằng Omicron có rất nhiều đột biến (Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, con số này nhiều gấp đôi so với biến thể Delta) có nghĩa là nó có thể được tối ưu hóa để lây nhiễm nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.

Ông Karl Lauterbach đưa ra kiến giải trên khi các chuyên gia ở Nam Phi khẳng định Omicron gây ra các triệu chứng Covid-19 nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.

Giáo sư Karl Lauterbach cho rằng biến thể Omicron có thể khiến đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn. Ảnh: ZDF Heute

Các chuyên gia y tế ở Nam Phi cho biết biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ so với nhiều biến thể trước đây, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, và chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện hoặc tử vong.

Bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho biết 7 người mà bà điều trị rất mệt mỏi, đau cơ nhẹ, ngứa cổ họng và ho khan. Bác sĩ Coetzee cho biết những người bị nhiễm hồi phục tốt tại nhà và khỏe hơn trong vòng 2-3 ngày. Không ai bị mất vị giác, khướu giác hay giảm mạnh nồng độ oxy trong máu.

Hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron cho đến nay là ở những người trẻ tuổi. Do đó, các chuyên gia cho rằng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau khi Omicron lây lan sang các nhóm tuổi cao hơn, mắc bệnh mãn tính.

Hành khách chờ lên máy bay tại sân bay ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP

Giáo sư Paul Hunter, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH East Anglia, nhận xét lý thuyết của ông Karl Lauterbach có thể đúng và cho rằng việc tiêm phòng giúp chống lại biến thể Omicron.

Tương tự, Giáo sư Abdool Karim, người từng là cố vấn chính của chính phủ Nam Phi trong đợt đại dịch đầu tiên, cho biết ông tin rằng vắc-xin sẽ bảo vệ con người trước các triệu chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng họ cần ít nhất 2 tuần để xác định tác động của biến thể Omicron. Các nhà khoa học cũng cần ít nhất 2 tuần để tìm hiểu xem liệu những đột biến đáng lo ngại của Omicron có thể khiến chủng này lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta hay không, cũng như có khả năng kháng vắc-xin hay không.

Theo Daily Mail, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng virus corona khó có thể bị tiêu diệt mà thay vào đó sẽ chuyển thành một loại virus gây cảm lạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người Mỹ không nên hoảng sợ vì biến thể Omicron, cho biết chính phủ đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Ông Biden nói tại Nhà Trắng hôm 29-11: "Biến thể này gây lo ngại nhưng không phải lý do gây hoảng loạn. Chúng ta sẽ chiến đấu và đánh bại nó".

Tổng thống Biden khẳng định sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để đối phó Omicron. Ông Biden cho rằng Omicron xâm nhập Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, ông hối thúc người dân Mỹ tiêm vắc-xin Covid-19 và liều tăng cường, cũng như duy trì đeo khẩu trang.

Ông Biden tin rằng các loại vắc-xin hiện nay vẫn bảo đảm khả năng ngăn biến chứng nặng nhưng giới chức Mỹ cũng đang phối hợp với các tập đoàn dược phẩm để lên kế hoạch dự phòng.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng người dân Mỹ không cần thay đổi lịch trình đi lại trong kỳ nghỉ cuối năm nếu đã tiêm chủng và thường xuyên đeo khẩu trang.

(Theo Người Lao Động) Huệ Bình

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Quản lí Nhà nước

 

Kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để chống lạm quyền, lộng quyền

Cập nhật lúc 16:00 

 

Kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực là một yêu cầu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Sáng 29/11, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Định hướng xây dựng, hoàn thiện, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Nhiều đổi mới, tiến bộ

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong hơn 35 năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ rệt.

Cụ thể là, hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bao quát được mọi mặt của đời sống xã hội, chất lượng không ngừng được nâng lên…

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trong quá trình hội nhập, cùng với việc nội luật hoá, hệ thống pháp luật của chúng ta đã từng bước khắc phục được sự khác biệt, xung đột và trở nên tiệm cận gần hơn với các điều ước quốc tế.

Quá trình xây dựng pháp luật đã ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Kỷ cương, kỷ luật, tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật được nâng lên.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều vụ việc làm sai, làm trái pháp luật, nhất là các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được xử lý nghiêm minh, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh tỉnh lớn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ…

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chỉ rõ một số hạn chế như: Hệ thống pháp luật hiện nay còn cồng kềnh, chồng chéo; một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; chất lượng của một số luật đã ban hành còn thấp; có tính khả thi không cao; tình trạng “luật ống”, “luật khung”…

Tình trạng trên đây do một số nguyên nhân, trong đó có, việc bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực và sự chế ước lẫn nhau giữa các quyền này.

Từ khâu dự thảo cho đến khâu ban hành vẫn còn những kẽ hở tạo điều kiện cho việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của các ngành, cơ quan, đơn vị…

Đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, đây vẫn bị xem là khâu yếu, tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, chưa khắc phục được. Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên thì xử lý quyết liệt, dưới thì xuê xoa "dĩ hoà vi quý".

Vẫn có xu hướng lạm quyền

GS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII cho rằng, sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước là một yêu cầu khách quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền (giao quyền) cho Nhà nước để triển khai những hoạt động vì lợi ích chung của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tiễn vận hành quyền lực cho thấy, chủ thể nắm giữ quyền lực, dù quyền lực tự thân hay quyền lực được ủy quyền vẫn luôn có xu hướng lạm quyền hoặc lộng quyền. Chính vì thế, vấn đề mấu chốt trong tổ chức nhà nước pháp quyền là làm sao nhân dân không bị mất quyền sau khi ủy quyền.

Vì vậy, theo ông Lý cần phải thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực mà bắt đầu từ việc phân công cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện quyền lực thống nhất...

GS Phan Trung Lý chỉ ra thực tiễn phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp có một số bất cập.

 

GS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII. Ảnh: L.S

Cụ thể như cơ chế phân công trách nhiệm giữa các chủ thể trong quy trình lập pháp có phần chưa thực sự rành mạch, rõ ràng. Việc ủy quyền của Quốc hội cho các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn trong không ít trường hợp chưa rõ về giới hạn phạm vi và mức độ ủy quyền...

Không để bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”

TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, tư duy xây dựng pháp luật của chúng ta đã có sự thay đổi mạnh mẽ theo chiều hướng tiến bộ, trong đó có những thay đổi mang tính đột phá.

Ông dẫn chứng việc chuyển từ “tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (và chỉ dành riêng quyền tự do kinh doanh đó cho công dân) sang “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (và dành cho tất cả mọi người).

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, không gian hoạt động kinh doanh, đầu tư của người dân, doanh nghiệp từ “trong khuôn khổ do pháp luật quy định” sang không gian rộng lớn hơn nhiều, thỏa sức sáng tạo, chỉ ngoại trừ những ngành, lĩnh vực pháp luật cấm.

Đi kèm với đó là việc Nhà nước không cố gắng tìm ra các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh để “cho phép” người dân, doanh nghiệp tiến hành đầu tư, kinh doanh…

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Cương nhìn nhận, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cần tiếp tục được cải cách và hoàn toàn có thể được cải cách.

Thực tế cho thấy, nhiều quy định về đất đai, đăng ký tài sản, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ dữ liệu cá nhân, các quy định điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quy định về giải quyết tranh chấp thương mại… đang rất cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

 



Đề cập đến mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, có thu nhập cao, ông Cường nêu kinh nghiệm quốc tế giai đoạn 1960 - 2008, hàng trăm quốc gia có khát vọng vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đều “mắc kẹt”, bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và chỉ có 13 quốc gia/vùng lãnh thổ được xem là thành công.

“Kinh nghiệm quốc tế ấy gợi ý rằng, trên tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, Việt Nam cũng phải tìm cách để không bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, ông cảnh báo.

Theo TS Nguyễn Văn Cương, điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu Việt Nam xây dựng được thể chế phát triển có chất lượng cao cùng một bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị thực sự hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, là nhân tố thúc đẩy phát triển.

(Theo VietNamNet) Thu Hằng

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Tội phạm

 

Làm giả 2,7 triệu lít xăng: Bắt nữ giám đốc công ty xăng dầu ở TP.HCM  

 Cập nhật lúc 14:31  

  Công an Đồng Nai vừa bắt thêm một nữ giám đốc công ty xăng dầu tại TP.HCM để điều tra về hành vi buôn lậu.

Sáng 27/11, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP.HCM và Viện KSND tỉnh Đồng Nai thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Thị Anh Thư (53 tuổi, ngụ phường 10, quận Gò Vấp) - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biên Khoa về hành vi buôn lậu.

 


Lực lượng chức năng phong tỏa cây xăng Biên Khoa trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp.

Công an cũng tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của nghi can Lê Thị Anh Thư và thu giữ những tài liệu liên quan để phục vụ cho công tác đều tra vụ án.

Các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bà Thư đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Động thái này nằm trong quá trình mở rộng điều tra về hành vi buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả quy mô đặc biệt lớn trong chuyên án 920G do Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp lực lượng Bộ Công an triệt phá từ đầu năm 2021.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai ngày 6/11, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã yêu cầu các cơ quan tố tụng kết thúc điều tra giai đoạn một của vụ án, sớm đưa ra xét xử; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý triệt để những người vi phạm pháp luật ở giai đoạn hai vụ án.

Liên quan đến chuyên án 920G Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố hơn 70 bị can.

(Theo VTC News) HOÀNG THỌ

 

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Bản quyền đang bị lạm dụng

 

Muốn biểu diễn Quốc ca phải xin phép ai?

Cập nhật lúc 10:26  

 Một dàn nhạc nước ngoài muốn hòa tấu bản Tiến quân ca, họ có phải xin phép và xin phép ai? Một cuộc thi muốn đặt thêm lời mới trên nền nhạc Tiến quân ca liệu có được phép hay không?… Đó là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Công ty BHMedia vừa bị tố là tự nhận nắm bản quyền bài hát Tiến quân ca, cũng là Quốc ca của Việt Nam. Trong khi đó, BHMedia cho rằng họ không nhận mình nắm bản quyền tác phẩm Quốc ca mà họ chỉ đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Theo BHMedia, ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức có thể tự bỏ tiền sản xuất một bản ghi Tiến quân ca riêng. “Khi đó các tổ chức, cá nhân đó là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Bất kỳ ai, kể cả Đài truyền hình quốc gia, muốn sử dụng những bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu. BHMedia đang được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Do đó, bất kỳ ai sử dụng bản ghi này của Hồ Gươm mà chưa xin phép, đều vi phạm bản quyền”, đại diện BHMedia cho hay.

Vụ việc này khiến công chúng đặt câu hỏi, vậy hiện tại bản quyền tác phẩm Tiến quân ca thuộc sở hữu của ai?

Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Tiến quân ca. Nguyễn Đình Toán

Tiến quân ca được hiến tặng cho nhân dân

Trước đó ngày 15.7.2016, tại lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức tại Nhà Quốc hội Việt Nam, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca. Văn bản có đoạn: “Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”.

Cũng tại buổi lễ tiếp nhận Tiến quân ca này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên khi đó cho biết Bộ VH-TT-DL được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến quân ca. Bộ có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Văn phòng Bộ VH-TT-DL cũng cho biết đã giao các vấn đề liên quan đến bản quyền của bài Tiến quân ca cho Cục Bản quyền tác giả. Việc trao tặng này cũng chấm dứt việc hát Quốc ca trong các chương trình biểu diễn trong nước phải nộp tiền tác quyền.

Luật sư Trần Anh Dũng cho biết: “Theo tôi hiểu là gia đình hiến tặng ca khúc thì nó thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định về việc phải sử dụng thế nào. Vì như đất đai, nhà nước quản lý thì vẫn có luật về đất đai. Chứ những tài sản hiện do nhà nước quản lý dạng vô hình này vẫn chưa có quy định cụ thể”. Cũng theo ông Dũng, Bộ VH-TT-DL đã có Hướng dẫn 3420 về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ban hành năm 2012. Tuy nhiên, trong đó vẫn chưa có quy định cụ thể về bản quyền.

 

Bản nhạc và lời Tiến quân ca, cũng là Quốc ca. Ảnh T.L

Quốc hội có cần ban hành văn bản ?

Một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ của một hãng luật lớn cho biết trong luật Sở hữu trí tuệ không có khái niệm hiến tặng. Việc hiến tặng ở đây, do đó, chỉ có thể tạm thời hiểu rằng gia đình nhạc sĩ Văn Cao chuyển giao quyền sở hữu toàn bộ các quyền tài sản bài hát đó cho nhà nước. Đại diện quản lý quyền đó là Bộ VH-TT-DL, và hiện Bộ VH-TT-DL lại giao quyền đó cho Cục Bản quyền tác giả. “Như vậy, Bộ VH-TT-DL thành chủ sở hữu. Nhưng chủ sở hữu ở đây lưu ý là chỉ sở hữu các quyền tài sản thôi. Trong các quyền tài sản đó có quyền biểu diễn, quyền truyền đạt tới công chúng, có quyền làm bản sao…”, vị luật sư này phân tích.

Cũng theo vị luật sư này, quyền nhân thân của tác phẩm vẫn tiếp tục thuộc về người thừa kế của nhạc sĩ Văn Cao. Các quyền nhân thân là quyền tuyệt đối của tác giả, kể cả khi tác giả đã mất, khi thời hạn bảo hộ bản quyền đã hết thì quyền đó vẫn còn. Nếu tác giả đã mất thì người thừa kế sẽ hưởng. Chính vì thế, nếu có ai đó muốn đặt thêm lời mới cho Tiến quân ca lại là việc biến đổi tác phẩm, và nó liên quan đến quyền nhân thân này. “Kể cả hiến tặng, ông Văn Thao chỉ có quyền hiến tặng phần quyền tài sản thôi”, vị luật sư nói.

Điều này cũng dẫn đến những câu hỏi pháp lý liên quan đến tác quyền khi sử dụng Quốc ca. Một dàn nhạc nước ngoài muốn hòa tấu bản Tiến quân ca hay một bộ phim nước ngoài về Việt Nam, trong đó có sử dụng bản Tiến quân ca, họ có phải xin phép hay không và xin phép ai, thủ tục thế nào? Một cuộc thi muốn đặt thêm lời mới trên nền nhạc Tiến quân ca liệu có được phép hay không và phải xin phép ra sao?... Về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho rằng phải có từng trường hợp cụ thể mới có thể trả lời được.

Liên quan đến những câu hỏi trên, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng có những vấn đề liên quan đến sử dụng Quốc ca mà thực tế có thể đặt ra. “Nếu luật chưa bao quát thì cần phải có một văn bản, thay vì một tập thể thì giao cho ai đó chịu trách nhiệm. Bộ VH-TT-DL đứng ra quản lý bài hát đấy. Ai hát thì tiền tác quyền có thể không thu nhưng phải xin phép, điều đó cũng cần quy định”. Cũng theo ông Sơn, quy định đó có thể còn cần có ý kiến của Quốc hội vì các vấn đề như Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca đều do cơ quan đại diện nhân dân này quyết định.

(Theo Thanh Niên) Trinh Nguyễn

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Tham mưu trình độ kém hay có mục tiêu khác?

 

Đường sắt Bắc - Nam: Đề bài sai thì không có lời giải đúng

Cập nhật lúc 15:06               

Lấy hàng không làm mục tiêu cạnh tranh để xây dựng đường sắt Bắc - Nam là đặt bài toán sai và như vậy không thể có lời giải đúng.

Địa hình Việt Nam bố trí kéo dài Bắc - Nam cho phép xây dựng 1 tuyến đường sắt ngắn nhất “xuyên táo” hầu hết các tỉnh thành.

Đây là một luận lợi lớn về xây dựng hệ thống giao thông liên tỉnh thành mà các nước có hình cách tâm tương đối đồng đều không thể so sánh được. Với địa lý tự nhiên phân bố như vậy, Việt Nam lẽ ra đã phải có một hệ thống giao thông đường sắt hiện đại từ lâu.

Nhưng buồn thay, năm 2021, Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vẫn phải xin nhập 37 toa tàu bỏ đi của Nhật Bản sản xuất cách đây 40 năm. Mặc dù, những nhà lãnh đạo đường sắt tuyên bố từ năm 1990 rằng năm 2010 thì ĐSVN sẽ đuổi kịp Đường sắt Nhật Bản. Nay thì ĐSVN đang có nguy cơ bị mê hoặc vào một mê cung mới.

9 sai lầm

Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố. Trong đó, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 320km/h, ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là cơ sở quan trọng để Bộ tham mưu cho Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đại để cạnh tranh với hàng không.

Với giá vé tàu tốc độ cao 320km/h được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ, đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…

 

Các phương tiện giao thông tồn tại cùng nhau, bổ sung cho nhau, có cạnh tranh lẫn nhau nhưng không loại bỏ nhau

Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320km/h đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP.HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao.

Đặt bài toán sai thì không thể có lời giải đúng. Sau đây là 9 sai lầm trong đặt bài toán về đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

1. Lấy hàng không làm đối thủ cạnh tranh       

Các phương tiện giao thông tồn tại cùng nhau, bổ sung cho nhau, có cạnh tranh lẫn nhau nhưng không loại bỏ nhau. Mỗi loại phương tiện tồn tại theo nhu cầu khách quan mà không lấy bất cứ đối tượng nào làm mục tiêu loại bỏ theo tính chất một mất một còn. Bộ GTVT lấy hàng không làm mục tiêu cạnh tranh để xây dựng đường sắt Bắc - Nam là phi biện chứng, là đặt bài toán sai.

Các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường không, đường thuỷ… đều là “con” của Bộ GTVT. Nay lấy đường không làm mục tiêu cạnh tranh của đường sắt ví như lấy miếng ăn của người con này đưa cho người con khác thì đó là một sách lược không công bằng và không khôn ngoan.

Các phương tiện phải đấu tranh để tồn tại một cách độc lập khách quan, chứ không phụ thuộc vào sự ưu ái của Bộ GTVT. Vì cách đặt vấn đề của Bộ GTVT sai nên kéo theo một loạt điều sai khác. Sự cần thiết phải hiện đại hoá đường sắt Bắc - Nam không phụ thuộc vào hàng không.

2. Lấy giá vé hàng không làm cơ sở tính giá vé đường sắt

“Với giá vé tàu tốc độ cao 320km/h được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ, đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…”.

Giá vé đường sắt phụ thuộc vào 3 nhân tố chính, chi phí xây dựng, chi phí vận hành và “sức mua” của dân. Nghĩa là phải dựa trên thu nhập của người dân, chi phí xây dựng và chi phí vận hành để xác định giá vé đường sắt, chứ không phải là 75% giá vé của hàng không.

3. Lấy tuyến Hà Nội - TP.HCM làm mục tiêu chủ chốt là sai cơ bản

Trong tính toán của Bộ GTVT đều lấy thời gian vận chuyển hành khách từ Hà Nội - TP.HCM làm mục tiêu tính toán cơ bản để so sánh giữa đường sắt với hàng không, cũng như lấy khoảng cách ngắn để so sánh.

“Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TPHCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao”.

Đây là một sự so sánh thừa. Hàng không không thể cạnh tranh với đường sắt, đường bộ ở khoảng cách ngắn. Những cung đường dưới 500km thì hàng không không thể là đối thủ của đường sắt về hành khách, chứ chưa nói đến hàng hoá. 

Đường sắt, đường bộ bù đắp khoảng cách ngắn mà hàng không khiếm khuyết. Hàng không bù đắp sự khiếm khuyết đường dài của đường sắt, đường bộ. Tốc độ 200km/h cũng sẽ cho phép chỉ mất 1,5 giờ để đi từ Hà Nội đến Vinh, thì máy bay không thể cạnh tranh với tàu hoả. Tốc độ ấy khi đi giữa các tỉnh có khoảng cách dưới 500km thì hàng không không thể cạnh tranh với đường sắt, cần chi đến 320km/h?

 

Hàng không bù đắp sự khiếm khuyết đường dài của đường sắt, đường bộ

Điểm sai lầm thứ hai ở đây chính là cách tính số lượng tuyến đường. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dự kiến có 23 ga, bắt đầu từ Ngọc Hồi và kết thúc tại Thủ Thiêm đi qua 20 tỉnh thành.

Với 23 ga thì có tổng cộng đến 253 ( = 1+2+3…+21+22) tuyến đường giữa các ga. Vận chuyển khách và hàng hoá giữa các tỉnh (253 tuyến đường) mới là vai trò cốt lõi không thay thế của đường sắt. Vận chuyển liên tỉnh mới là khối lượng áp đảo tuyệt đối để đường sắt tồn tại chứ không phải chỉ mỗi tuyến Hà Nội -TP.HCM.

4. Bỏ số đông lớn, chỉ phục vụ thiểu số nhỏ

Giá vé đường sắt cao tốc sẽ đắt. Chỉ khoảng 30% dân số có thu nhập cao đủ khả năng đi đường sắt cao tốc. Nếu xây đường sắt tốc độ 200km/h thì giá vé giảm hơn một nửa. Lúc đó tuyệt đại đa số người dân sẽ có khả năng đi tàu, cùng với vận chuyển hàng hoá. Bỏ số đông lớn, lấy số nhỏ để làm mục tiêu phục vụ của đường sắt là cách đặt vấn đề sai.

5. Chỉ phục vụ chở khách, không chở hàng        

Chỉ xây dựng đường sắt tốc độ 320km/h (thời gian đầu chỉ 250km/h), đắt đỏ (58 tỷ USD), chỉ chở được khách mà không chở được hàng là vô cùng lãng phí. Mất tiền nhiều mà hiệu quả thấp. Xây đã mất số tiền khổng lồ 58 tỷ USD lại phải bỏ ra nhiều tỷ USD nữa để cải tạo tuyến đường sắt hiện tại để chở hàng trong khi phải đi vay là điều vô cùng phi lý. Vừa đắt đỏ, vừa gây thêm nợ nần. 

Vận chuyển hàng hoá giữ vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Không vận chuyển hàng hoá tốt thì kinh tế không thể phát triển tốt. Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 200km/h chở khách và 120km/h chở hàng (20 tỷ USD) như đa số các nước tiên tiến Âu Mỹ đang có là giải pháp đúng.

6.  Xác định sai 'huyệt đạo' thúc đẩy phát triển kinh tế     

Muốn nâng cao nhanh GDP/đầu người thì phải nhắm vào số đông. 70% lao động ở nông thôn, hơn 2/3 dân số nông nghiệp mới là “huyệt đạo” làm nên sự thay đổi lớn cho thay đổi GDP/đầu người, thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nhân lực lao động, cơ cấu thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ thất nghiệp… Cho nên, đường sắt phải nhắm vào lực lượng đa số nông nghiệp để vận tải hành khách và vận tải hàng hoá. 

7. Kéo dài thời gian xây dựng đến 2050

Muốn phát triển kinh tế nhanh thì giao thông vận tải phải đi trước. Trong khi tuyến đường chở khách vận tốc 200km/h chở hàng 120km/h xây dựng trong 10 năm, đến năm 2031 đã có thể đưa vào khai thác toàn bộ, thì tuyến đường 320km/h chỉ chở khách phải kéo dài 30 năm tới tận 2050 mới đưa vào khai thác toàn bộ. Đây là một sai lầm trầm trọng về hiệu quả của đầu tư. 

8. Vay quá sức dẫn đến khả năng vỡ nợ

Vay tiền là tăng nợ. Khoản tiền vay 58 tỷ USD so với vay 20 tỷ USD là sự cách biệt rất rất lớn. Việt Nam đang chồng chất nợ. Vay nợ quá sức sẽ dẫn đến vỡ nợ.

9. Nghèo mà chơi sang

Việt Nam đang rất nghèo lại đi vay tiền lớn để sắm đồ xa xỉ. Đó là nghèo mà chơi sang và hậu quả thế nào ai cũng biết. Đây cũng là một vi phạm tiên đề.

Các nước Âu Mỹ văn minh hiện đại đi trước Việt Nam hàng trăm năm mà phần áp đảo của đường sắt vẫn là tàu chở khách khoảng 200km/h và tàu chở hàng 120km/h. 

 

Đường sắt cao tốc Trung Quốc

Không phải Trung Quốc xây dựng được hàng chục ngàn km đường sắt cao tốc trong một thời gian ngắn mà Việt Nam có thể học theo. Trung Quốc rất khác Việt Nam. Về tiềm lực. Về năng lực cá nhân. Về cách hành động. Thực tiễn cho thấy Việt Nam đã thất bại rất nhiều khi học theo Trung Quốc.

9 bài toán lớn

Có thể nói, lựa chọn đường sắt tốc độ chở khách 200km/h, chở hàng 120km/h, giá 20 tỷ USD, xây dựng 10 năm - thay cho phương án giá 58 tỷ USD, xây dựng 30 năm, không chở hàng, chỉ chở khách với tốc độ 320km/h thì sẽ giải quyết được 9 bài toán lớn sau đây.

1. Phục vụ được toàn bộ nhân dân cả nước

2. Vận chuyển được hàng hoá để thúc đẩy phát triển kinh tế quốc dân

3. Không phải gánh nợ lớn

4. Đưa vào khai thác sớm

5. Thay đổi đời sống của hơn 70 triệu người dân nông thôn, thay đổi cơ cấu kinh tế quốc gia, thị trường lao động, giảm thất nghiệp

6. Thúc đẩy phát triển nông lâm thuỷ sản

7. Thúc đẩy phát triển công nghiệp

8. Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ

9. Thúc đẩy tăng trưởng nhanh GDP/đầu người.

Phương cách xây dựng, giá thành và thời gian 

1. Thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế và giám sát thi công

2. Mua công nghệ, thiết bị, phương tiện và vật tư của nước ngoài

3. Tự thi công.

Các tập đoàn tư nhân Việt Nam sẽ chọn các phương thức trên để xây dựng đường sắt Bắc - Nam. Để cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam xây dựng thì 1.545km đường sắt Bắc - Nam sẽ không quá 20 tỷ USD và hoàn thành trong 10 năm.

Không bàn về các khía cạnh khác mà chỉ nói về giá thành và thời gian xây dựng của tuyến đường sắt của Lào mới được Trung Quốc xây dựng xong. Tuyến đường sắt điện khí hoá của Lào từ Vientiane đi Boten (giáp Vân Nam) dài 414 km, chở khách tốc độ 150-200km/h, chở hàng 120km/h, giá thành 6 tỷ USD, xây dựng trong 5 năm (2016-2021). Như vậy giá trung bình là 14.492.753 USD/km.

Tuyến đường sắt của Lào có địa hình hiểm trở, tuy chỉ 414 km nhưng phải làm đến 170 cầu và đặc biệt là 72 đường hầm xuyên núi, cộng với giao thông kém - là các nhân tố tăng thêm chi phí. Giá thành 14.492.753 USD/km là giá Trung Quốc cùng đầu tư với Lào. Giá thực do Trung Quốc xây dựng chắc chắn thấp hơn. Nếu lấy định mức lời 20% thì giá thành thực sẽ là 11.594.202 USD/km. Lúc đó tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.545km sẽ có mức đầu tư là 17 tỷ 913 triệu USD.

Về thời gian, tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.545km có thể chia cho 5 nhà thầu cùng lúc xây dựng. Thời gian chỉ mất 5 năm.

Mở rộng 

Đường sắt tốc độ cao không chỉ giới hạn trong tuyến Hà Nội -TP.HCM mà phải mở rộng thêm về hai phía. Phía Bắc từ Hà Nội nhất thiết đường sắt phải đi qua sân bay Nội Bài rồi kéo lên Bắc Giang, Lạng Sơn. Đi qua Nội Bài sẽ liên kết đường sắt với hàng không thành một “cơ thể” thống nhất vô cùng tiện lợi cho vận chuyển hành khách và hàng hoá.

Nhiều nước châu Âu đều có đường sắt đi đến phi trường và vào tận trung tâm thành phố. Phía Nam phải nối dài đến Cần Thơ, rồi toả ra 2 nhánh về Cà Mau và Hà Tiên.

Cách đưa ra quyết định

Không thể mắc sai lầm này đến sai lầm khác. Có một cách rất khoa học để lựa chọn giữa phương án đường sắt tốc độ chở khách 200km/h, chở hàng 120km/h, giá 20 tỷ USD, xây dựng 10 năm và phương án giá 58 tỷ USD, xây dựng 30 năm, không chở hàng, tốc độ chở khách 320km/h - mà tránh được sai lầm và không phải chịu trách nhiệm. Đó là hỏi ý kiến cử tri cả nước.

(Theo VietNamNet) Nguyễn Ngọc Chu