55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần điều tra làm rõ hành vi chuyển giá, trốn thuế Cập nhật lúc 10:08 Có tới 55% DN FDI báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng là con số đáng báo động, cần phải tiến hành kiểm tra cụ thể để tránh gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Nghịch lý liên tục mở rộng kinh doanh nhưng vẫn lỗ Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2019, quy mô sản xuất kinh doanh của DN FDI đạt 7.181.000 tỷ đồng, tăng hơn 720.000 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng tài sản đạt 7.752.000 tỷ đồng, tăng hơn 981.000 tỷ đồng so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế của 22.603 DN FDI đạt hơn 387.000 tỷ đồng, tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế hơn 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 19.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Có tới 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng. (Ảnh minh họa: KT) Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số DN FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số DN, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Có tới 12.455 DN báo lỗ, chiếm tỷ lệ 55% dù tổng doanh thu của số DN này đạt khoảng 847.000 tỷ đồng, tăng gần 12,7% so với năm 2018 và tổng tài sản giảm 0,7% so với năm 2018. Có khoảng 3.545 DN lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 15,7%, nhưng trong số này có 2.160 DN doanh thu vẫn tăng trưởng. Nhiều dự án hiệu quả chưa cao, mức độ đóng góp ngân sách thấp. Đơn cử, trong năm 2019, tổng doanh thu của 2 DN FDI lớn là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần Thép Posco Yamoto Vina tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, nhưng nộp ngân sách giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng. “Đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế,...) dành cho những DN lớn này. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước”, Bộ Tài chính khẳng định. Cần tiến hành điều tra làm rõ Bình luận về con số 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong 2019, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là con số là đáng báo động và khó chấp nhận. Cần tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao lại để xảy ra tình trạng nhiều DN lỗ như vậy. Theo ông Thắng, với tình trạng nhiều DN báo lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, có thể là do DN chịu lỗ, tiếp tục đầu tư để khắc phục tiến tới có lãi khi họ tự tin vào khả năng quản lý và điều hành của mình và tin vào khả năng của thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng mở ra các cơ hội cho họ phát triển. Tuy nhiên, cũng có thể là do DN thực hiện hành vi trốn thuế - chuyển giá.
Coca-Cola đã nhiều năm báo lỗ trong
suốt 20 năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) “Dấu hiệu để nhận biết hiện tượng chuyển giá là DN báo lỗ liên tục một số năm nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản xuất mở rộng. Có thể các DN đã chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1-2 năm có lãi ít, để rồi lũy kế vẫn lỗ”, ông Thắng chỉ rõ. Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cách biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các doanh nghiệp FDI không thể làm việc riêng lẻ mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn hoặc từng nhóm. Nhiều doanh nghiệp đã có ý đồ chuyển giá và dùng các “chiêu trò” khác như định giá cao đầu vào và khai báo giá bán khi xuất khẩu hàng ra thấp, khai tăng nhiều chi phí khác, sử dụng chi phí trả lãi tiền vay… để thực hiện hành vi chuyển giá. “Trước hiện tượng báo lỗ nhưng tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh cần được tiến hành kiểm tra cụ thể từng trường hợp để làm rõ”, ông Phan Hữu Thắng nêu ý kiến. Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, chính sách ưu đãi thuế đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải (đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) làm suy giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước đang rất thiếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giá, đặc biệt là hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. “Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, cơ quan Thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn như đã truy thu Metro Việt Nam 507 tỷ đồng, Hualon Corporation Việt Nam 78,1 tỷ đồng”, PGS.TS Lê Xuân Trường cho hay. Nên xem xét thiết lập một cơ quan “đặc nhiệm” chống chuyển giá Theo ông Phan Hữu Thắng, việc chống được hết các hành vi chuyển giá không phải dễ vì có sự giao dịch liên kết rộng xuyên quốc gia, thuộc các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn, trong một nhóm liên kết.. nên các hành vi chuyển giá không dễ gì có bằng chứng để buộc tội. “Theo tôi cần thiết phải lập một tổ công tác liên Bộ chuyên trách về vấn đề chống chuyển giá của các DN FDI để phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác này. Với các dự án quy mô nhỏ thì giao hẳn cho địa phương chịu trách nhiệm chống chuyển giá, đồng thời, sử dụng giám định độc lập quốc tế khi cần thiết”, ông Phan Hữu Thắng khuyến nghị. Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, dựa trên những quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc thanh tra, kiểm tra đối với những DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, ủng hộ việc cần thiết phải có một bộ phận chuyên trách về thanh tra, kiểm soát chống chuyển giá, hay còn gọi là “đặc nhiệm chống chuyển giá” thay vì kiêm nhiệm như hiện hành. Hiện những giải pháp liên quan đến việc xây dựng một luật dành riêng cho chống chuyển giá hay lập cơ quan chuyên trách về chống chuyển giá chưa được tiến hành. Do đó, cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và sớm nghiên cứu, xúc tiến việc thành lập bộ phận chuyên trách này nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá./. Diệp
Diệp/VOV.VN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét