Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Chính trị

 

Có chống được tham nhũng, kinh tế đất nước mới phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật lúc 14:17 

 Các chuyên gia cho rằng, những thành tựu trong công tác phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt trong những năm qua đã thu được những thành quả to lớn góp phần phát triển một nước Việt Nam hùng cường.

Trong bài viết mở đầu loạt bài Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển nước Việt Nam hùng cường, trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, GS.TS Trần Văn Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Trong tình hình mới hiện nay, với "sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài", chúng ta nhất định sẽ phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam.

Có thể nhận thấy rõ nét nhất thông qua công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa... của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Nhân dân tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTN

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013- 2020, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, kết quả phòng chống tham nhũng tiếp tục trong những năm vừa qua đạt kết quả tích cực, được nhân dân đánh giá cao, nhiều vụ án lớn được điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh, thể hiện không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020, tháng 12/2020. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, với tinh thần quyết tâm cao, không khoan nhượng, đã có hàng trăm nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật. Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. "Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

PCTN đưa đất nước "cất cánh"

Bàn về công tác PCTN trong thời gian qua, trao đổi với PV NTNN/Dân Việt, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề PCTN luôn được nhân dân quan tâm.

Trong khoảng thời gian 2 năm gần đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động việc đấu tranh PCTN gắn vấn đề giữ lời nói đi đôi với thực hiện thì công tác PCTN đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

 

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề phòng, chống tham nhũng luôn được nhân dân quan tâm. (Ảnh: X.Hải).

"Những thông điệp, những câu nói rất bình dị của Tổng Bí thư như "lò đã cháy lên rồi thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy", hay "Phòng chống tham nhũng, ai chùn bước thì đứng sang một bên" và những lời đó nói đi đôi với làm, làm có hiệu quả, làm đến nơi đến chốn, không né tránh, không có vùng cấm đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và cử tri", ông Cuông nói.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công cuộc đấu tranh PCTN, ông Lê Văn Cuông cho rằng, trước đây cũng có nhiều ý kiến băn khoăn "nếu mình chống tham nhũng mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, làm cho cán bộ chùn tay, không dám làm" và thực tế ở một số địa phương đã có một số cán bộ có tư tưởng chần chừ trong thực thi nhiệm vụ.

 Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta làm rất mạnh trong công tác PCTN và đã thu được những kết quả rất to lớn, làm cho nhân dân phấn khởi, đặc biệt vấn đề kinh tế của đất nước vẫn phát triển rất tốt, tình hình an ninh trật tự xã hội (ANTTXH) vẫn ổn định, quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ thế giới về phát triển kinh tế những năm qua.

"Như vậy, chứng tỏ công tác đấu tranh PCTN của chúng ta đã góp phần tạo nên niềm tin, sự phấn khởi trong xã hội, hạn chế các nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, đồng thời giúp khai thông các vấn đề trì trệ do tham nhũng, lợi ích nhóm cản trở", ông Cuông nói và cho rằng, việc này cũng mang tính răn đe, cảnh báo cán bộ của chúng ta phải chùn tay, không thể, không dám và không cần tham nhũng, đồng thời "chiếu tướng", làm lộ diện những người không thực hiện tốt quy định của pháp luật…Từ đó, tác động đến tư tưởng của người có chức có quyền phải đổi mới tư duy, thực hiện đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng hạnh phúc hơn.

Đặc biệt, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII cho rằng, thông qua đấu tranh PCTN chúng ta phát hiện ra những điểm thiếu sót, sơ hở của luật hay những vi phạm trong điều hành đất nước để tìm cách sửa đổi phù hợp với thực tế, khai thông các điểm nghẽn. Qua đó, chúng ta thấy rằng, thành công của PCTN là rất lớn, được xã hội ghi nhận, giúp kinh tế phát triển mạnh mẽ, tình hình ANTTXH ổn định, lòng dân ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. "Chúng ta phải kết luận: Chính kết quả của phòng chống tham nhũng là động lực phát triển kinh tế xã hội. Đây là vấn đề đã được thực tế kiểm nghiệm", ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Chỉ có chống được tham nhũng mới phát triển được đất nước

PGS. TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích: Tham nhũng làm thất thu ngân sách nhà nước, làm cho cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách nhà nước, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, trùng lặp, chất lượng công trình thấp, ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) cao, kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục. Tham nhũng cũng làm cho có những doanh nghiệp có năng lực, đúng chuyên ngành không trúng thầu, không được giao thực hiện dự án đầu tư mà doanh nghiệp không đủ năng lực, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với dự án lại trúng thầu, được giao thực hiện dự án; sau khi được giao bán lại dự án cho doanh nghiệp khác thực hiện.

 

PGS. TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đặc biệt, tham nhũng, lãng phí đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD rơi vào tình trạng phá sản, tiêu biểu như Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Bên cạnh đó, tham nhũng làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 PGS.TS Nguyễn  Văn Thạo cũng cho biết, đi cùng với tham nhũng là tình trạng nhũng nhiễu của những cán bộ, công chức suy thoái làm mất thời gian, công sức, chi phí của các nhà đầu tư khi họ phải xin phép hay có quan hệ với các cơ quan công quyền, như xin phép đầu tư; thuê đất làm mặt bằng sản xuất; bổ sung, điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh; vay vốn; nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm...

"Đây là một trong những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong nhiều năm qua và hiện nay, đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng các công trình với vốn đầu tư của Nhà nước, mà ít đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp phù trợ, luyện kim, hóa chất; làm cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn được… Cuối cùng, hậu quả là đất nước và nhân dân hứng chịu", PGS. TS Nguyễn Văn Thạo cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, không chống tham nhũng, không ngăn chặn và loại bỏ được tham nhũng thì kinh tế dù có thể phát triển nhanh trong một giai đoạn, nhưng không thể phát triển ổn định, lâu dài, bền vững. Vì vậy, để phát triển đất nước ổn định, lâu dài, bền vững, các nước đều phải chống tham nhũng. Ví dụ, hiện nay Hàn Quốc, Trung Quốc đang tiến hành đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng là những điển hình tiêu biểu; những năm gần đây, kinh tế nước ta đạt được toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong điều kiện đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

"Đây là những thực tế có sức thuyết phục để bác bỏ những ý kiến cho rằng không nên đấu tranh chống tham nhũng trong lúc cần phải tập trung vào phát triển kinh tế; phải dùng việc chống tham nhũng thay vì thành tích đạt được trong lĩnh vực kinh tế để đánh lạc hướng dư luận xã hội... mà cần khẳng định rằng chỉ có chống được tham nhũng thì mới phát triển được kinh tế nhanh, bền vững", ông Thao nhìn nhận.

Quyết tâm chính trị rất cao trong phòng chống tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tháng 12/2020, phân tích về nguyên nhân đạt được những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trước hết là sự kế thừa, tiếp nối quá trình đấu tranh kiên trì, liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ; nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ngoài ra, đó là do sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương; sự cộng hưởng của những kết quả tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân, sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng.

"Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta vững tin rằng, với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

(Theo Dân Việt) Thành An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét