Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Con hổ mới của ĐNA

 

Forbes đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam 15 năm qua vô cùng ấn tượng

 Cập nhật lúc 10:08

Tạp chí Forbes đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trải qua nhiều khó khăn và gián đoạn do đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia vẫn ghi nhận tăng trưởng và Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu.


Tạp chí Forbes đánh giá, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Ngọc Tiến

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất ấn tượng 

Số liệu mới nhất từ ​​Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, GDP bình quân đầu người năm 2021 của Việt Nam đạt 3.694,02 USD. Theo đó, năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425,09 USD, sau đó tăng lên 3.526,27 USD vào năm 2020 và đạt 3.694,02 USD vào năm 2021. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khoảng năm 2005.

Tạp chí Forbes đánh giá: "Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch khá tốt".

Cần lưu ý rằng, khi xem xét tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm, WB tính GDP của Việt Nam theo đồng nội tệ cố định. Do đó, nếu chỉ tính toán tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam theo giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại thì số liệu sẽ không khớp với tốc độ tăng trưởng hàng năm do Ngân hàng Thế giới cung cấp. 

Tạp chí này cho biết, ngay cả khi phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo giá trị đồng USD vào năm 2015 thay vì giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.

Cụ thể, nếu tính theo giá trị đồng USD năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 USD, trước khi tăng lên 3.373,08 USD vào năm 2021. Điều đó tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm qua là 104,4%.

Từ năm 2019 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam là 2,01%. Theo Forbes, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này chậm lại so với tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn 2018 - 2019 (tương đương 6,13%) nhưng vẫn vô cùng tích cực.

"Nhìn chung, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của quốc gia này trong những năm qua", Forbes cho hay.


GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ 2006 - 2021. Đồ hoạ: Đức Mạnh

Theo Forbes, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể phần lớn do nền kinh tế nước ta ngày càng đa dạng hóa. Theo OEC, trong 20 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số phức hợp kinh tế (ECI) đã tăng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 61 trên thế giới.

Vị trí này tốt hơn so với các nước láng giềng như Campuchia (thứ hạng ECI là 102) hay Lào (thứ hạng ECI là 104). Năm 2017, mức độ phức tạp kinh tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia.

Nền kinh tế mở với thị trường xuất khẩu ngày càng phát triển

Theo dữ liệu từ OEC, vào năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 7,72 tỉ USD. Tuy nhiên sang năm 2020, xăng dầu thô chỉ chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 1,64 tỉ USD. Thay vào đó, thiết bị phát thanh truyền hình đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 42 tỉ USD. Đứng thứ hai là điện thoại, chiếm 7,14% tổng trị giá xuất khẩu, tương đương 21,4 tỉ USD. Xuất khẩu linh kiện điện tử đứng thứ ba, chiếm 6,48% tổng giá trị xuất khẩu và tương đương 19,4 tỉ USD.

Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng phát triển rõ rệt kể từ năm 2006. Hồi năm 2006, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 19,8% (9,02 tỉ USD) tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 25,6% (77 tỉ USD) tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu. Vào năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 5,74%, tương đương 2,62 tỉ USD tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong số các thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 16,5%, tức 49,4 tỉ USD tổng giá trị xuất khẩu.

Trong 10 năm qua, từ 2010 - 2020, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ. Theo đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng 62,3 tỉ USD, tương ứng với tỉ lệ tăng trưởng 424%. Thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ hai là Trung Quốc với giá trị xuất khẩu tăng 42,7 tỉ USD nhưng tương đương mức tăng trưởng tới 631%.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ ba của Việt Nam là Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu tăng 16,4 tỉ USD nhưng tương đương với tỉ lệ tăng trưởng 503%, vượt xa tốc độ tăng trưởng tương ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

(Theo Lao Động) ĐỨC MẠNH

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Loại Bảo hiểm chỉ có lợi cho người bán

 

Đưa xe máy khỏi diện bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới là hợp lý

 Cập nhật lúc 08:46              

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy; mua với tinh thần tự nguyện.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa nêu ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.

Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.


Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ loại bảo hiểm bắt buộc này, thay bằng bảo hiểm tự nguyện. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Trao đổi với Lao Động, luật sư Hoàng Tùng (Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển) cho biết, đề xuất này là hợp lý, bởi thời gian qua, bảo hiểm xe máy bắt buộc hiện không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi. Bởi, khi có tai nạn xảy ra, thủ tục bồi thường quá phức tạp, gây khó khăn cho người thụ hưởng.  

Theo đó, khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương.

Ngoài ra, chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn... 

Đặc biệt, ngoài bản thông báo tới doanh nghiệp bảo hiểm, với hàng loạt thông tin phải kê khai, chủ xe phải hoàn thành, tập hợp đủ tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, gồm giấy phép lái xe, giấy ra viện, hồ sơ bệnh án, hóa đơn sửa chữa, thay thế phụ tùng phương tiện tại cơ sở mà doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định. Và phải gửi tới doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng).

"Tất cả các giấy tờ chứng minh đó phải hợp pháp mới được cơ quan bảo hiểm tiến hành thanh toán. Trong trường hợp chủ phương tiện chỉ bị xử phạt hành chính (không gây chết người, không truy cứu trách nhiệm hình sự), hai bên tự thoả thuận, giải quyết bồi thường thì hồ sơ này, người thụ hưởng phải tự đi chứng minh, thu thập chứng cứ, điều này gây trở ngại rất lớn.

"Có thể thấy rằng việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự không đảm bảo được mục đích đề ra. Thay vì để tồn đọng nhiều nguy cơ dẫn đến sai phạm, trục lợi bảo hiểm, gây khó khăn cho người dân thì không nên bắt buộc người dân mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. 

Do đó, tôi kiến nghị nên loại bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện xe máy, xe cơ giới. Các bộ ngành, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để tiến hành sửa đổi các quy định của pháp luật, đặt ra lộ trình phù hợp để xử lý vấn đề này", ông Tùng nói.

(Theo Lao động) ANH TUẤN

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Bảo hiểm luôn là bảo hiểm

 

Nhận lương hưu "khủng" 54 triệu đồng/tháng, chỉ đóng 2 tỷ BHXH trong 30 năm?

Cập nhật lúc 10:14

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động nên gửi tiết kiệm vì lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn mức nhận lương hưu hàng tháng. Cụ thể vấn đề này ra sao?


Những ngày qua, hai bài viết: "Người đang hưởng lương hưu cao nhất, tới 124 triệu đồng/tháng là ai?" và "Bảo hiểm chi gần 1 tỷ đồng mỗi tháng cho 20 người nhận lương hưu cao nhất" báo Dân trí đăng tải nhận rất nhiều phản hồi của độc giả.

Nhiều ý kiến đồng thuận rằng, đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao sẽ nhận lương hưu cao. Nhưng cũng không ít người nhận định, mức lương hưu nhận được thấp hơn khoản tiền đã đóng bảo hiểm, người lao động phải mất nhiều năm để "thu hồi vốn".



Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng lương hưu sẽ được hưởng các chế độ BHYT, chế độ tử tuất (Ảnh: K.H).

Về vấn đề này, đại diện BHXH TPHCM nêu dẫn chứng một trường hợp cụ thể là bà P.T.L (hiện 56 tuổi, ngụ tại TPHCM), vừa nghỉ hưu. Bà L. tham gia BHXH từ tháng 11/1992 đến tháng 10/2022 với những khoảng thời gian có mức đóng khác nhau.

Từ tháng 11/1992 đến tháng 12/1995 (38 tháng), bà L. đóng bảo hiểm 11 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/1996 đến 12/2001 (72 tháng) đóng 38 triệu đồng/tháng, từ tháng 1/2002 đến 12/2006 (60 tháng) đóng 50 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/2007 đến 4/2011 (52 tháng) đóng 9 triệu đồng/tháng; từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2016 (59 tháng) đóng 16,6 triệu đồng/tháng; từ tháng 4/2016 đến 12/2020 (57 tháng) đóng 24,2 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/2021 đến 10/2022 (22 tháng) đóng 29,8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH hàng tháng của bà L. là 71.799.133 đồng. Tổng số tiền lương của toàn bộ thời gian tham gia BHXH là 25.847.688.000 đồng. Do thời gian đóng BHXH đạt 30 năm, bà L. được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa là 75% mức lương bình quân hàng tháng đóng BHXH. Do vậy, mức lương hưu của bà L. là 71.799.133 đồng x 75% = 53.849.350 đồng/tháng.

Đại diện BHXH TPHCM lưu ý, nhiều người nhầm lẫn số tiền gần 26 tỷ đồng là khoản người lao động đóng BHXH trong 30 năm nên mới tính ra con số, bà L. phải hưởng lương hưu liên tục 40 năm (với mức lương gần 54 triệu đồng/tháng) mới có thể thu lại đủ 26 tỷ đồng đã đóng BHXH, nghĩa là phải thọ trên 100 tuổi. Cũng vì thế mà có bạn đọc lập luận, với số tiền 26 tỷ đồng, nếu mang gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng thì số tiền có được còn cao hơn mức lương hưu 54 triệu đồng. 

"Chúng tôi nhấn mạnh, số tiền gần 26 tỷ đồng là tổng tiền lương người lao động và người sử dụng lao động đăng ký với cơ quan bảo hiểm làm cơ sở để đóng BHXH, đã tính cả chỉ số tăng giá theo quy định hàng năm. Số tiền đóng BHXH thực tế chỉ bằng 22% mức 26 tỷ đồng này, tức là gần 6 tỷ đồng", đại diện BHXH TPHCM khẳng định.

Vị đại diện cơ quan bảo hiểm nêu rõ quỹ định về tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của người lao động hàng tháng là 22% tiền lương người lao động và người sử dụng lao động đăng ký làm cơ sở để đóng BHXH. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 14%, người lao động đóng 8%.

"Áp công thức vào tính thì tổng số tiền bà L. đóng BHXH chỉ khoảng 2 tỷ đồng cho phần 8% của người lao động trong 30 năm tham gia BHXH, còn lại 4 tỷ đồng là do công ty, doanh nghiệp mà bà L. làm việc đóng. Nếu gửi tiết kiệm 2 tỷ đồng phần bà L. đã đóng bảo hiểm thì không thể có tiền lãi gần 54 triệu đồng mỗi tháng như khoản lương hưu bà đang được nhận", vị này khẳng định.

Thực tế, với mức lương hưu hàng tháng gần 54 triệu đồng/tháng đó, bà L. chỉ cần lãnh 36 tháng, tức khoảng 3 năm là có thể nhận đủ số tiền đã đóng BHXH trong vòng 30 năm và chưa đến 10 năm để nhận được toàn bộ 6 tỷ đồng mà cả bản thân và doanh nghiệp cùng đóng suốt quá trình tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, đặc tính của việc tham gia bảo hiểm là phòng ngừa rủi ro. Đó là những điểm ưu việt mà nếu chỉ gửi tiết kiệm thì không có được.

Khi tham gia BHXH, bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động, người lao động còn được cấp thẻ BHYT miễn phí; được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).

Mặt khác, thân nhân người lao động còn được hưởng tiền mai táng phí (10 tháng lương cơ sở) + trợ cấp tuất nhận một lần hoặc hàng tháng khi người lao động mất. Đối với quỹ BHXH, dù đồng tiền trượt giá vẫn luôn được nhà nước điều chỉnh kịp thời để bù đắp lại quyền lợi cho người tham gia BHXH.

Vì vậy, tham gia BHXH là để đảm bảo an sinh bền vững, người hưởng lương hưu luôn có mức lương ổn định trong suốt cuộc đời, không bị rủi ro như gửi tiết kiệm.

(Theo Dân trí) Nam Thái

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Chống tội phạm rửa tiền

 

Trung tướng Nguyễn Hải Trung: Công an Hà Nội đang điều tra vụ rửa tiền nhiều nghìn tỷ

Cập nhật lúc 15:35 

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội trên là người nước ngoài; công cụ, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.

Sáng 1/11, nêu ý kiến tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, Công an Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam, trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài. Công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài. 

Theo Giám đốc Công an Hà Nội, phương thức phạm tội của các đối tượng rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại thì chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó ‘chụm’ vào một tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt.


Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an Hà Nội

Từ đẫn chứng nêu trên, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản.

Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng của Công an Hà Nội trong thời gian qua, nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, mục đích của hành vi này nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do vậy, theo ông Nguyễn Hải Trung, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả; tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.

Đồng thời đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật này để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội.

“Chúng ta không thừa nhận tiền ảo, tiền số, nhưng thực tế đang có thị trường ngầm. Phần lớn tội lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền, như vụ án tôi báo cáo lúc đầu’, ông Trung nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh đến việc phòng, chống rửa tiền với giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Theo đại biểu, sự phát triển của kinh tế số cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm có hành vi gian lận tinh vi, phức tạp hơn, bao gồm các hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao thông qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số…

Từ nhận định trên, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền.

“Rửa tiền là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, mà còn đe dọa tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính. Hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền là vấn đề quan trọng cần quan tâm”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói và đề nghị cần hệ thống hóa các quy định về nội dung này thành một chương riêng về Hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) đề nghị kiểm soát tài sản ảo, tiền dùng cho tài trợ khủng bố. Về đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung một số hình thức, đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp.

“Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện cái hình thức mua bán Bitcoint. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nói thêm.

(Theo Vietnamnet) Quang Phong