Dân kêu cứu vì bị phường
Ngọc Thụy, quận Long Biên tự ý hủy hoại tài sản
Cập nhật lúc 09:39
Không thông báo, không ban hành quyết định cưỡng chế,
UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) tự ý cắt khóa cổng, phá nhà
tạm của người dân.
Năm 1988,
gia đình ông Trần Nhung và bà Phạm Thị Điềm nộp tiền cho UBND xã Ngọc Thụy để
được cấp đất giãn dân tại khu Hồ xóm Đê, nay là ngách 264/204 đường Ngọc
Thụy, tổ dân phố 14, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Ngay
sau khi đất được giao, gia đình ông Nhung đã thực hiện đầy đủ nghĩa
vụ tài chính với chính quyền sở tại, được cấp phiếu thu tiền,
trích lục bản đồ thể hiện rõ diện tích đất ở; địa điểm: Hồ xóm
Đê, Gia Quất, số thửa đất, số tờ, mốc giới… đường đi 4m. Ngay thời
điểm đó và những năm tiếp theo, gia đình ông bà đã thực hiện đầy đủ
với Nhà nước nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phần đất
ở được cấp, đóng góp tiền cùng 88 hộ dân khác san nền, làm đường
và xây ngăn mốc giới với mục đích xây nhà để ở. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, gia đình
ông Nhung không thể sử dụng phần diện tích đất này để làm nhà ở vì bị chính
quyền từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng với
lý do thửa đất được giao không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch
đất ở. Thực tế, theo ông Nhung tìm hiểu, trong số 89 hộ gia đình mua đất giãn
dân như gia đình ông, đã có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất là đất ở, một số lô đất khác cũng đã xây dựng công trình kiên cố dù
chưa hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đau lòng vì đất mình bỏ tiền ra mua
lại bị để hoang hóa, không sử dụng được, sau nhiều lần đơn thư kiến nghị, năm
2022, gia đình ông Nhung và các hộ dân tại khu đất này được UBND phường Ngọc
Thụy, quận Long Biên cho phép dựng tường rào và sử dụng đất. Mặc dù không
đúng mục đích sử dụng là đất ở như khi nộp tiền mua đất giãn dân, nhưng chấp
hành chủ trương của chính quyền, gia đình ông Nhung vẫn làm tường rào để tiến
hành trồng trọt, chăn nuôi và dựng nhà tạm để dụng cụ làm vườn, máy bơm nước,
máy phát điện. Trong lúc
người dân bình thường như gia đình ông Nhung chấp hành chủ trương của Nhà
nước thì sáng nay (13/10), đã có người tự ý cắt khóa cổng, phá dỡ nhà tạm của
gia đình ông Nhung tại thửa đất mà gia đình ông đã được phép sử dụng trong
lúc gia đình ông không có ai có mặt tại thửa đất. Khi gia đình ông Nhung biết
được sự việc, ra UBND phường Ngọc Thụy hỏi thì được bà Lê Thị Bích Hoài, Phó
Chủ tịch UBND phường trả lời là việc phá dỡ này do phường thực hiện theo đúng
chỉ đạo của quận, có vấn đề gì thắc mắc, gia đình ông Nhung liên hệ với lãnh
đạo quận để được giải quyết. Chính quyền tự ý phá dỡ hoàn toàn nhà tạm để nông cụ của người dân, làm mất mát nhiều tài sản Nhận được phản ánh này của người dân,
ngay cuối giờ sáng 13/10, phóng viên VOV2 liên hệ qua điện thoại với ông
Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy. Ông Lực thừa nhận UBND phường
đã thực hiện việc phá dỡ này với lý do tổ thanh tra kiểm tra đất đai của UBND
phường phát hiện công trình xây dựng không phép nên tiến hành phá dỡ, xử lý.
Khi phóng viên đề cập vì sao việc phá dỡ này được tiến hành khi không có sự
chứng kiến của người dân, không có biên bản, quyết định phá dỡ, ông Lực đã bỏ
máy. Trao đổi với phóng viên
VOV2, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H,
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm
hành chính, để phá dỡ công trình xây dựng không phép hoặc sai phép của người
dân, cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử
lý vi phạm hành chính hoặc khắc phục hậu quả. Trong trường hợp người dân
không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng ban
hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dưới sự chứng kiến của người
dân theo đúng trình tự quy định. Luật sư Hùng cũng nhận định, việc cơ quan
chức năng tự ý cắt khóa cổng, phá dỡ công trình xây dựng của người dân mà
không có sự chứng kiến của người dân, không ban hành các văn bản xử lý vi
phạm hành chính, không thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định của
Luật xử lý vi phạm hành chính là hành vi trái luật, thậm chí có dấu hiệu của
tội cố ý hủy hoại tài sản của người dân. Người dân tin tưởng vào chính quyền,
thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước lại bị các cơ quan chức năng công khai
tự ý hủy hoại tài sản. Tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách hơn 30 năm
mà không được sử dụng đất, tài sản trên đất thì lại bị cơ quan công quyền phá
hủy. Lời kêu cứu này của những công dân như gia đình ông Trần Nhung, rất cần
có câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là UBND phường
Ngọc Thụy và UBND quận Long Biên. Phóng viên
VOV2 đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch UBND quận Long Biên về phản
ánh này của người dân và sẽ tiếp tục thông tin khi có câu trả lời từ chính
quyền địa phương./. Thu Trang-Quyết Thắng/VOV2 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét