Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

Hoa hậu mà hành xử như xã hội đen

 

Bà Đặng Thùy Trang khởi kiện Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Cập nhật lúc 15:08

Bà Đặng Thùy Trang quyết định nộp đơn khởi kiện Hoa hậu Thùy Tiên tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP.HCM) và cho rằng kết quả phán quyết sẽ là câu trả lời cho ồn ào giữa cả hai. 

Trong thông cáo gửi đến báo chí, bà Đặng Thùy Trang phủ nhận loạt thông tin như cưỡng đoạt tài sản; lừa Hoa hậu Thùy Tiên ký khống giấy nợ rồi cho người đe dọa; nằm trong đường dây dụ dỗ những thí sinh tiềm năng để ký hợp đồng vay nợ… Theo bà Trang, việc những tin đồn này xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến mình và gia đình vì trở thành nạn nhân, mục tiêu công kích trên mạng xã hội.

Bà Đặng Thùy Trang cho biết năm 2017, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đề nghị vay 1,5 tỉ đồng để làm chi phí tham gia Hoa khôi Nam Bộ. Khi đó, người đẹp sinh năm 1998 viết giấy vay tiền, cam kết sau khi thắng giải sẽ dùng cát-sê trả và để bà Đặng Thùy Trang làm quản lý, hưởng phần trăm khi book show.

Cũng theo bà Thùy Trang, sau khi thắng giải, Thùy Tiên không hợp tác cũng không trả nợ. Đến tháng 4.2019, nàng hậu sinh năm 1998 hẹn cô ra quán cà phê tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) để trả tiền, với điều kiện đưa ra bản gốc giấy nhận nợ. “Tôi thấy người của Thùy Tiên có đem tiền theo nên tin và đã đưa bản gốc giấy nhận nợ ra để nói chuyện. Bất ngờ bà Thùy Tiên đã chụp lấy giấy nhận nợ và xé ngay lập tức mà tôi không kịp ngăn chặn”, bà Trang cho hay.

Cũng theo bà Trang, sau khi xé giấy nợ, Hoa hậu Thùy Tiên cung cấp những thông tin không chính xác, đồng thời tố cáo bà Trang ra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Bà Trang nói qua quá trình điều tra, cơ quan xác minh không đủ cơ sở xác định có dấu hiệu tội phạm.

“Việc cô Tiên vay tiền rồi trốn tránh trách nhiệm trả nợ, cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí, quy kết, vu khống tôi vào các tội danh như lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, tố giác tôi ra cơ quan công an mà không có bằng chứng, căn cứ… là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nó khiến tôi không chỉ có nguy cơ bị mất trắng tiền của đã tích cóp, bị chà đạp về danh dự, nhân phẩm mà còn khiến tôi bị suy sụp nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe”, bà Thùy Trang chia sẻ trong thông cáo báo chí.

Từ vụ việc, bà Đặng Thùy Trang quyết định đưa đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp (TP.HCM). Bà Thùy Trang cho rằng phán quyết của tòa sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho dư luận về những ồn ào giữa mình và Miss Grand International 2021 thời gian qua.

Được biết phía Tòa án nhân dân quận Gò Vấp cũng có văn bản xác nhận đã nhận đơn khởi kiện của bà Đặng Thùy Trang về vấn đề tranh chấp hợp đồng vay tiền.

(Theo Thanh Niên) Thạch Anh

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Chính quyền vi phạm luật pháp!

 

Dân kêu cứu vì bị phường Ngọc Thụy, quận Long Biên tự ý hủy hoại tài sản

Cập nhật lúc 09:39  

Không thông báo, không ban hành quyết định cưỡng chế, UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) tự ý cắt khóa cổng, phá nhà tạm của người dân.

Năm 1988, gia đình ông Trần Nhung và bà Phạm Thị Điềm nộp tiền cho UBND xã Ngọc Thụy để được cấp đất giãn dân tại khu Hồ xóm Đê, nay là ngách 264/204 đường Ngọc Thụy, tổ dân phố 14, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Ngay sau khi đất được giao, gia đình ông Nhung đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chính quyền sở tại, được cấp phiếu thu tiền, trích lục bản đồ thể hiện rõ diện tích đất ở; địa điểm: Hồ xóm Đê, Gia Quất, số thửa đất, số tờ, mốc giới… đường đi 4m. Ngay thời điểm đó và những năm tiếp theo, gia đình ông bà đã thực hiện đầy đủ với Nhà nước nghĩa vụ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phần đất ở được cấp, đóng góp tiền cùng 88 hộ dân khác san nền, làm đường và xây ngăn mốc giới với mục đích xây nhà để ở.

Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, gia đình ông Nhung không thể sử dụng phần diện tích đất này để làm nhà ở vì bị chính quyền từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng với lý do thửa đất được giao không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy hoạch đất ở. Thực tế, theo ông Nhung tìm hiểu, trong số 89 hộ gia đình mua đất giãn dân như gia đình ông, đã có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất ở, một số lô đất khác cũng đã xây dựng công trình kiên cố dù chưa hề có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đau lòng vì đất mình bỏ tiền ra mua lại bị để hoang hóa, không sử dụng được, sau nhiều lần đơn thư kiến nghị, năm 2022, gia đình ông Nhung và các hộ dân tại khu đất này được UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho phép dựng tường rào và sử dụng đất. Mặc dù không đúng mục đích sử dụng là đất ở như khi nộp tiền mua đất giãn dân, nhưng chấp hành chủ trương của chính quyền, gia đình ông Nhung vẫn làm tường rào để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi và dựng nhà tạm để dụng cụ làm vườn, máy bơm nước, máy phát điện.

Trong lúc người dân bình thường như gia đình ông Nhung chấp hành chủ trương của Nhà nước thì sáng nay (13/10), đã có người tự ý cắt khóa cổng, phá dỡ nhà tạm của gia đình ông Nhung tại thửa đất mà gia đình ông đã được phép sử dụng trong lúc gia đình ông không có ai có mặt tại thửa đất. Khi gia đình ông Nhung biết được sự việc, ra UBND phường Ngọc Thụy hỏi thì được bà Lê Thị Bích Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường trả lời là việc phá dỡ này do phường thực hiện theo đúng chỉ đạo của quận, có vấn đề gì thắc mắc, gia đình ông Nhung liên hệ với lãnh đạo quận để được giải quyết.


Chính quyền tự ý phá dỡ hoàn toàn nhà tạm để nông cụ của người dân, làm mất mát nhiều tài sản

Nhận được phản ánh này của người dân, ngay cuối giờ sáng 13/10, phóng viên VOV2 liên hệ qua điện thoại với ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy. Ông Lực thừa nhận UBND phường đã thực hiện việc phá dỡ này với lý do tổ thanh tra kiểm tra đất đai của UBND phường phát hiện công trình xây dựng không phép nên tiến hành phá dỡ, xử lý. Khi phóng viên đề cập vì sao việc phá dỡ này được tiến hành khi không có sự chứng kiến của người dân, không có biên bản, quyết định phá dỡ, ông Lực đã bỏ máy.

Trao đổi với phóng viên VOV2, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để phá dỡ công trình xây dựng không phép hoặc sai phép của người dân, cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc khắc phục hậu quả. Trong trường hợp người dân không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế dưới sự chứng kiến của người dân theo đúng trình tự quy định. Luật sư Hùng cũng nhận định, việc cơ quan chức năng tự ý cắt khóa cổng, phá dỡ công trình xây dựng của người dân mà không có sự chứng kiến của người dân, không ban hành các văn bản xử lý vi phạm hành chính, không thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là hành vi trái luật, thậm chí có dấu hiệu của tội cố ý hủy hoại tài sản của người dân.

Người dân tin tưởng vào chính quyền, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước lại bị các cơ quan chức năng công khai tự ý hủy hoại tài sản. Tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách hơn 30 năm mà không được sử dụng đất, tài sản trên đất thì lại bị cơ quan công quyền phá hủy. Lời kêu cứu này của những công dân như gia đình ông Trần Nhung, rất cần có câu trả lời thỏa đáng của cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là UBND phường Ngọc Thụy và UBND quận Long Biên.

Phóng viên VOV2 đã liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tịch UBND quận Long Biên về phản ánh này của người dân và sẽ tiếp tục thông tin khi có câu trả lời từ chính quyền địa phương./.

Thu Trang-Quyết Thắng/VOV2

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Môi trường giáo dục đang bị một số cá nhân lợi dụng

 

Họp phụ huynh hay “đấu tố” phụ huynh nghèo?

Cập nhật lúc 08:52                 

Trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh nghèo ngoài lo lắng về khoản tiền khá lớn đóng các khoản thu, họ còn có những nỗi buồn.

 Cách đây mấy hôm,  mạng xã hội lan truyền clip về buổi họp phụ huynh tại lớp 3.10, Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Thông tin trên các báo cho biết, người phụ nữ trong clip là phó ban đại diện phụ huynh của lớp đang trình bày, giải trình nhưng giọng điệu không khác gì chất vấn phụ huynh khác với thái độ kẻ cả và lời lẽ trịch thượng.

Clip ghi cảnh một phụ nữ (xưng tên là Tuyến) đứng trên bục giảng lớp học chỉ từng phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, yêu cầu phải “nói lớn lên”, thậm chí yêu cầu đứng dậy, rồi hỏi như tra khảo có đúng chị ta đã khuyên khó khăn thì đừng cho con theo học ở lớp này hay không.

“Trường hợp ví dụ như hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp, gồm có: Em, chị nhớ mặt em, em đứng lên đi. Hoàn cảnh em khó khăn, đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp. Rồi, em đứng lên đi. Em có thể nói tên con em. Nói lớn lên cho hiệu trưởng nghe! Hoàn cảnh em có khó khăn không? Chị có nói với em cuối năm có theo lớp này không? Nhưng tại sao em vẫn theo? Tại sao ngày hôm nay em đóng góp như vậy mà em không có một tiếng nói nào hết? Em nói cho chị Tuyến nghe...".

Thông tin từ Phòng GD quận Gò Vấp thì đây là cuộc họp nghe giải trình của bà Tuyến - người phụ nữ trong clip - sau khi có nhiều ý kiến tố bà lạm thu.  Cuộc họp này có cả giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trường nhà trường tham dự.

Clip chỉ ghi lại một đoạn, chưa thể nói hết bản chất sự việc. Và có lẽ cũng chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Tuy nhiên, thông qua vài phút của đoạn clip và báo cáo của Phòng GD với UBND quận Gò Vấp thì dư luận không khỏi băn khoăn: Chẳng nhẽ hoạt động của hội, hay nói chính xác là của một vài cá nhân trong hội, lại thao túng nhà trường đến mức như thế? Quyền đến trường của học sinh được quy định trong luật giờ lại nằm trong tay một bà phó ban đại diện phụ huynh mà nhà trường không hề hay biết?

Ngay trong buổi họp “giải quyết , giải trình” kia thì chỗ bục cao bà phó ban đại diện phụ huynh đứng khoanh tay, đáo để, rành rẽ từng câu, chỉ vào người này người kia, phải là vị trí của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.

Không chỉ vị trí mà người xem clip còn không thấy vai trò của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm ở đâu khi bà phó ban tự tung tự tác “chỉ đạo” phụ huynh đứng lên phát biểu. Bắt “nói lớn” vì nghe chưa rõ.  

Phòng GD cho biết “Hiệu trưởng nghe hết trường hợp thứ 3 thì yêu cầu bà Tuyến ngưng lại”. Tôi nghĩ, với cử chỉ, thái độ và cách phát ngôn như thế, nhẽ ra hiệu trưởng phải chấn chỉnh ngay từ trường hợp đầu tiên chứ không đợi đến trường hợp thứ 3.

Với khẩu khí kẻ cả và giọng điệu trịch thượng của bà phó ban, nghe phụ huynh trả lời giọng lí nhí, run rẩy, người ta có cảm giác đây là cuộc đấu tố phụ huynh nghèo chứ không phải cuộc họp.

Cũng may “hiệu trưởng yêu cầu bà Tuyến ngưng lại”, nếu không dư luận sẽ nghi ngờ nhà trường mượn tay bà phó ban đe nẹt những phụ huynh không có khả năng đóng góp.

Có lẽ phụ huynh nghèo đi họp cho con, ngoài áp lực về các khoản phải đóng, họ còn vương những nỗi buồn. Buồn vì cảm thấy mình lạc lõng, tự ti giữa những người khá giả, trong đó tất nhiên có người thuộc hội phụ huynh.

Phần lớn mặc cảm về sự khó khăn khiến phụ huynh nghèo không dám lên tiếng dù chưa đồng tình với khoản này khoản kia. Đâu đó chỉ nghe vài âm thanh không rõ ràng chưa thoát ra khỏi khoang miệng và những ánh nhìn quanh quất tìm tiếng nói chung ở những đồng minh nghèo khó. Nếu như sự phản ứng chỉ được thể hiện qua ánh mắt cầu cứu mà không đủ mạnh mẽ cất thành lời thì mặc nhiên tất cả “đều nhất trí cao” ra về. Không phải tất cả nhưng kịch bản chung của họp phụ huynh với cảnh cuối “đóng tiền tự nguyện” thường diễn ra như vậy.

Tôi biết, những lúc như thế, giáo viên thường "ý nhị" đi ra ngoài cho hội phụ huynh làm việc, nhưng mong thầy cô hiểu: Bên cạnh phụ huynh “có điều kiện”, có chức sắc - rất dễ lọt vào ban phụ huynh - thì còn nhiều phụ huynh nghèo khổ. Trường học là nơi văn hóa, là nơi nhân văn, giáo viên đều thấm đẫm tinh thần ấy, nên hãy nhớ cho!

Mai Phạm/VOV.VN