Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Tấm gương đáng khâm phục

 

Chân dung một công bộc của dân

Cập nhật lúc 10:53

Thú thật, khi tôi có ý định phỏng vấn ông, một số đồng nghiệp đàn anh "cảnh báo" rằng, đây là một nhân vật rất hay, nhưng đầy …"gai góc", "khó nhằn". Bởi theo họ, ông là người thẳng thắn, không hề ngại ngần, dám nói những vấn đề gai góc của xã hội, của thể chế. Ông từng xé bản kết luận thanh tra trước mặt cấp trên, khi cảm thấy bản kết luận có dấu hiệu "không bình thường". Lúc đó ông đang giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Tôi nhớ năm đó, khi đọc bản kết luận thanh tra về một vụ việc, tôi thấy cần phải xử lý thật nặng theo luật định, nghĩa là phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, tính đến việc khởi tố vụ án nhưng cuối cùng, bản kết luận lại chỉ đề nghị ở mức "khiển trách". Tôi thấy như vậy không ổn, không đúng bản chất vụ việc. Ngay trước mặt cấp trên, tôi xé bản kết luận thanh tra đó mà không e ngại điều gì.

Khác biệt về quan điểm, khó có cùng tiếng nói. Sau hành động xé bản Kết luận thanh tra, "số phận" của ông ra sao? Đến bây giờ, sau những tháng năm dài trải nghiệm cuộc đời, giả sử thời gian quay ngược lại, ông vẫn xé bản Kết luận thanh tra đó hay sẽ làm khác?

- Tôi xé bản Kết luận thanh tra trước cấp trên khoảng 4h chiều thì hai ngày sau, cơ quan có thông báo Trung ương yêu cầu tôi phải kiểm điểm... Khi kiểm điểm tôi nhận mình nóng tính, thậm chí vô lễ với cấp trên. Nhưng tôi bảo tôi sẽ bảo lưu ý kiến của mình, tôi nói "nếu còn có những văn bản như vậy, tôi còn xé nữa". Bởi tôi thấy kết luận đó không phù hợp với pháp luật, không tương xứng với cách xử lý các vụ việc... Rồi vụ việc cũng trôi đi.

Làm gì có chuyện một kẻ ăn cắp chiếc xe đạp thì quyết định giam giữ, tù 1 năm; còn kẻ làm thất thoát hàng triệu đô la ngân sách lại chỉ bị "kiểm điểm nghiêm túc", "rút kinh nghiệm sâu sắc"? Quả là bỡn cợt trên luật pháp.

Xin hỏi, những bất đồng quan điểm giữa ông và người khác có thường xảy ra lúc ông còn đương chức?

- Khi tôi mới về Thanh tra Chính phủ, một lần, tôi được mời tham dự cuộc họp Hội đồng xét duyệt đề tài khoa học phục vụ cho việc đào tạo thanh tra viên cao cấp, tôi đọc đề án và chương trình nghiên cứu khi mọi người phát biểu hết. Tôi là lãnh đạo mới về, nên hỏi mọi người trong cuộc họp "tôi có được tham gia phát biểu không?" và được sự đồng ý của Hội đồng khoa học. Tôi phát biểu luôn rằng, nếu là một thành viên trong Hội đồng, tôi sẽ làm khác. Thứ nhất: Tôi sẽ xé bỏ nhiều trang trong đề án này. Thứ hai: Nếu giữ lại các trang đáng bị xé bỏ đó, tôi sẽ xé bỏ trang bìa

Tôi đứng dậy, xé trang bìa đi và giữ lại các trang nội dung. Sau cuộc họp, anh Vụ phó Vụ Tổ chức lúc đó gọi điện bảo rằng, sau hội nghị, mọi người bàn tán rất dữ. Tôi đáp "Có gì đâu, khoa học không sợ thần tượng. Tôi thấy không đúng, thì phải xé bỏ. Một đề tài khoa học thì tên đề tài và nội dung phải thống nhất, phù hợp với nhau. Chứ ở đây, đề tài một đằng, nội dung một nẻo, ông chẳng bà chuộc như thế thì không được".

Và, năm đó, tôi được đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ giao cho đào tạo lớp thanh tra viên cao cấp khoá 2 với nội dung các đề tài khoa học đã được chỉnh sửa kỹ càng.

Để nói về công việc, tôi nghĩ mình là một công bộc có trách nhiệm, luôn cố gắng làm đúng trách nhiệm, làm tốt trách nhiệm. Thực tế, tôi cũng đã làm hết sức mình.


Là một chính trị gia, với cá tính mạnh, thẳng thắn như vậy, ít nhiều, khiến ông gặp khó khăn trong công tác? Bởi, người đời vẫn hay nói "thẳng thắn thường thua thiệt". Ông nghĩ sao?

- Nóng tính xé văn bản là không đúng. Nhưng tính cách của mình như thế, nghĩ sao làm vậy, thay đổi thế nào được. Vì thế, có khi tôi thiếu sự đề phòng, thiếu đi việc giữ gìn cho riêng mình... Có thể, có nhiều lý do, nhưng sau này, tôi cũng hiểu tại sao nó như thế. (Tôi xin lỗi, không nói lý do tại sao ở đây, nhưng đúng là trong công tác, không được suôn sẻ như người khác, mà có phần vất vả, long đong).

Một lần, có vị lãnh đạo cấp cao chuẩn bị đi công tác ở tỉnh Điện Biên. Năm đó, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên. Cơ quan gọi tôi lên, thông báo tôi chuẩn bị đi công tác cùng đoàn vào thứ 5. Tôi hỏi: Sao không đi thứ 4, thứ 4 có máy bay lên Điện Biên và thứ 7 về. Đi thứ 5 là phải đi chuyên cơ, mà đi chuyên cơ là phải thuê máy bay riêng. Thuê máy bay Fokker lúc đó là 170 triệu đồng/chuyến, đi về 340 triệu đồng, tốn nhiều tiền quá. Trong khi bay thường chỉ mất gần 100 triệu đồng cả đi lẫn về, đỡ tốn tiền.

Tôi nói điều đó có tốt không? Điều đó có hại không? Nếu nói về lợi, thì tôi làm lợi cho đất nước, tiết kiệm cho đất nước. Nhưng ở góc độ nào đó, việc nói thẳng như thế có thể làm mếch lòng một số vị, nhưng tôi vẫn nói. May mà sau đó tình hình chuyến đi đã đổi lại như tôi kiến nghị.

Những va chạm như vậy xảy ra trong cuộc đời làm công chức nhà nước của tôi rất nhiều. Chẳng hạn, trong một hội nghị của Trung ương đánh giá về cải cách tư pháp ở Hải Phòng. Buổi sáng, ông Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương, rồi các vị Bộ trưởng, Trưởng ban, các vị đại diện VKS, Toà án ở Trung ương và Hải Phòng phát biểu. Tôi chỉ ngồi lắng nghe, tôi thấy mình bị lạc lõng, khó phát biểu. Buổi trưa ăn cơm hội nghị, ông Chủ tịch và Bí thư Hải Phòng cứ nói tôi chiều phải phát biểu, tôi từ chối.

Đầu giờ chiều, ông Bí thư hay Chủ tịch Hải Phòng nói với vị Chủ tịch đoàn yêu cầu tôi phát biểu. Cực chẳng đã, từ chối không được tôi đành phát biểu mở đầu. "Tôi xin phát biểu theo yêu cầu của Chủ tịch Hội nghị và là Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương. Tôi mong tôi phát biểu sai để các ý kiến sáng nay và ý kiến của chủ tịch là đúng. Nếu tôi đúng thì các đồng chí sai"... Hội nghị đó đã không thể họp được nữa, tan ngay sau khi tôi phát biểu... Bữa cơm Hải Phòng định chiêu đãi đại biểu chiều đó sau hội nghị đã không còn ai dự, mọi người lên xe về Hà Nội...

Tôi nghĩ, là người làm công tác tham mưu thì không được nói sai điều mình nghĩ. Còn nếu đúng thì được sử dụng, không đúng thì được rút kinh nghiệm để sửa sai. Nếu người sếp nghĩ được điều đó thì cán bộ phục vụ như tôi thật hạnh phúc.

 Ông nghĩ gì về câu "tính cách tạo nên số phận"? Có lúc nào nghĩ lại, ông có cho rằng, giá mình điềm tĩnh hơn một chút, mềm tính một chút, thì con đường công danh sẽ càng rộng mở hơn nữa không? 

- Tôi không nghĩ như vậy, mỗi người có một cách đi riêng. Tôi nhớ khi tôi làm việc, có lúc tôi nói những câu hơi quá, nhưng sếp của tôi lại rất vui. Nhiều khi tôi được sếp tin cẩn và bỏ qua những sai sót nhỏ nhặt.

Một lần, tôi đi công tác với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Lúc đó là bữa cơm chiêu đãi. Tôi ngồi ăn cơm, mọi người ăn xong hết, nhưng tôi vẫn ăn. Nhân viên mang đồ tráng miệng lên cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, nhưng chị Bình bảo thôi chờ Thắng cùng ăn. Tôi nói: "Xin chị cứ ăn đi, em ăn cơm nhiều lắm".

Chị Bình nói đùa: "Lẽ ra phải đưa Thắng sang làm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách nông nghiệp"... Tôi nói lại ngay: "Em đói em phải ăn chứ. Em phải làm bao nhiêu việc, em đói lắm". Nếu như là người khác, chắc có lẽ sẽ khó chịu với tôi về câu nói đó. Nhưng chị Bình cười rất độ lượng và chờ tôi ăn cơm xong mới cùng ăn tráng miệng.

Một người sếp như thế có xứng đáng để mình xả thân làm việc không? Quá xứng đáng để làm việc cùng chứ. Tôi làm việc với chị Bình 8 năm, một người lãnh đạo, thủ trưởng hiểu mình như thế, nếu có cho làm lại, tôi vẫn xin làm lính cho những người như thế, không cần lên chức tước gì.

Hay có người như ông Nguyễn Cảnh Dinh (nguyên là Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi- PV), trước đó anh em vẫn gặp trong các cuộc họp, có khi tôi chủ trì họp mà ông là thành viên. Sau này, ông lên làm thủ trưởng của tôi, anh em rất vui vẻ. Ông bảo: "Tính khí mày như thế này, tao không đồng ý đâu. Tao kiến nghị Trung ương đấy". Nhưng ông ấy đùa vui thế thôi, ông có làm đâu, vì ông ấy hiểu tôi.

Rồi thời kỳ ông Nguyễn Việt Dũng (Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, cỡ như Phó Thủ tướng - PV). Ông là người tận tình sửa chữa từng văn bản cho tôi, tỉ mỉ, chính xác, tôi học được rất nhiều thứ từ ông Dũng. Nhưng, nếu có gì tôi thấy chưa đúng, tôi vẫn "phang" như thường. Trong suốt thời kỳ công tác, tôi chưa từng đến nhà ông Dũng. Nhưng sau khi ông về hưu, tôi năng đến thăm ông. Những ngày ông lâm bệnh nặng, tôi ngồi với ông cả buổi trong bệnh viện. Có lần tôi hỏi ông: "Anh có khi nào giận em không?". Ông Dũng cười bảo giận gì? Ông ấy là người như thế, tôi không bao giờ quên. Ông đào tạo tôi thành con người biết cẩn thận, chi tiết trong ngôn ngữ, thận trọng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chính trị - xã hội. Ông rất khó tính với cán bộ, nhưng rất vị tha, khi cán bộ có lỗi, ông xử sự rất đúng mực một con người đối với một con người.

Tôi kể như vậy để thấy rằng, nếu như mình làm đúng, mình chẳng có gì phải sợ cả. Nếu có những người sếp hiểu tính cách mình như vậy, thì không có gì quý giá hơn. Mình cứ tận tuỵ mà làm việc, mà cống hiến, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Người ta nói thanh tra là soi cái sai của người khác, mà thủ đoạn của những người làm sai thường tinh vi. Vì họ đã tìm ra kẽ hở của pháp luật để sai phạm, nghĩa là họ cũng rất giỏi. Từ thực tế khi làm công tác thanh tra, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm? Làm thế nào để có thể phát hiện ra các thủ đoạn tinh vi đó?

- Thanh tra không phải là soi xét sai phạm. Thực ra, thanh tra có nhiệm vụ đầu tiên là xem xét, tìm những cái tốt để phát huy, đưa ra kiến nghị, đề đạt với Chính phủ để tìm các giải pháp, chính sách và hành xử, sao cho đúng pháp luật và phù hợp với lòng dân nhất. Còn sai sót trong quá trình thực hiện thanh tra khi phát hiện ra thì xử lý. Nếu coi công tác thanh tra chỉ là đi dò xét, đánh giá, tìm cái sai của người ta để mà xử lý, thì chưa toàn diện. Việc tìm ra sai phạm chỉ một phần của công tác thanh tra mà thôi.

Lâu nay, khi có đoàn thanh tra nào đến là các đơn vị, doanh nghiệp,…người ta lo thu vén tài liệu, lo chuẩn bị đón tiếp. Chính vì cách làm như thế dẫn đến người dân nhìn nhận thanh tra chỉ "bới móc, tìm sâu". Ngoài ra, cũng bởi hiện nay, trong khi thanh tra, cán bộ thanh tra phạm phải nhiều cái sai, nhiều tiêu cực nên người ta hay để ý, đánh đồng tất cả.

Còn việc thanh tra, trước hết phải tuân thủ theo luật pháp mà làm, mà xem xét. Tất nhiên không thể cứng nhắc được. Trong thanh tra có lý phải có tình nữa.

Có ý kiến cho rằng những vụ việc được công khai qua thanh tra, thường là những vụ nhỏ lẻ. Thời kỳ ông làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, có phải phần công khai chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" không?

- Có những phát hiện, đúng là một phần thôi. Nhưng cũng có những phát hiện là đầy đủ hết rồi đấy. Nói ví dụ thế này, có một vụ: khi xây dựng xong đường lăn sân bay Nội Bài (không phải đường băng cất, hạ cánh) người ta phát hiện đường lăn bị nứt, vỡ... Thanh tra lúc đó vào cuộc và phát hiện rất nhiều cái sai: từ quy trình xây dựng không đúng, đến sai phạm về mua sắm vật tư, sai phạm về quản lý và đề nghị phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ở vụ đó tôi phản đối đưa ra xét xử công khai làm ầm ĩ.Có người hỏi tôi "Anh bênh à?". Tôi bảo "không bênh", nhưng việc này tôi không muốn công khai. Vì nếu công khai kết luận thanh tra thời điểm đó, khách quốc tế có thể không hiểu hết sự việc, họ đánh giá sai về hàng không Việt Nam, họ sẽ không đến nữa. Mình cứ "đóng cửa bảo nhau", sửa chữa đi, để đường lăn tốt lên, khách quốc tế vẫn đến Việt Nam.

Vậy thì vụ đó xử công khai làm gì, xử công khai cũng chỉ xử được 3-4 ông đó thôi, nhưng chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ khác. Không xử công khai, không có nghĩa là chúng ta che giấu. Chúng ta vẫn có thể xử lý, dựa theo căn cứ của pháp luật.

Có những việc, phải xem xét, tính toán kỹ cách làm, cái gì có lợi, cái gì bất lợi, vụ việc đó ảnh hưởng đến đâu, tổn hại như thế nào đối với xã hội… Đó là điều tôi quan tâm và mong muốn hơn. Có nhiều vụ việc như thế lắm. Vì vậy, thời kỳ tôi còn làm việc, tôi không thích làm ầm ĩ.

Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, mà liên quan đến các cán bộ cấp cao. Công tác thanh tra cũng là mảnh đất dễ tham nhũng, dễ tiêu cực. Xin hỏi, ông suy nghĩ gì về thực trạng này?

- Khi kinh tế thị trường phát triển, nó cũng đem theo nhiều hệ luỵ. Quan trọng nhất là vấn đề cán bộ. Đại hội Đảng vừa qua được đánh giá thành công tốt đẹp, nhưng trên thực tế, công tác cán bộ trong kỳ Đại hội Đảng vừa rồi có rất nhiều điều cần phải nói.

Đại hội Đảng có thật thành công tốt đẹp không, phải xem xét trên hai phương diện: cương lĩnh và cán bộ. Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng, chưa có ai chê trách, hay phê phán gì cả. Vì đó là tập trung trí tuệ của rất nhiều người và được Đại hội thông qua. Nhưng vấn đề cán bộ, hiện tượng "rơi rụng" cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho phép ta nói rằng, Đại hội Đảng không thành công rực rỡ như chúng ta từng nghĩ. Vì vấn đề cán bộ là vấn đề chủ chốt.

Chính phủ trước Quốc hội, có thể tuyên thệ rằng, Chính phủ kiên quyết thực hiện theo Hiến pháp, đường lối của Đảng. Nhưng một số thành viên Chính phủ đã vì lợi ích của mình từ bỏ nhiệm vụ đó. Đấy không phải là vấn đề nhỏ mà phải coi là vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Chỉ trên cơ sở đánh giá đúng, mới nghĩ đến việc cải tổ như thế nào cho đúng.

Chính phủ thực hiện theo đường lối, chính sách, chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhưng một số cán bộ của Chính phủ, cán bộ các cấp có làm như vậy không, hạ hồi phân giải.

Trên thực tế, chúng ta đã nhìn thấy rồi đấy. Những người tinh tú nhất, đủ đức, đủ tài được Đại hội bầu ra lác đác "rơi rụng". Có thể mạnh dạn thừa nhận văn kiện thì tốt, nhưng việc tổ chức nhân sự chưa tốt.

Cán bộ như thế nào thì hành động sẽ là như thế. Cán bộ có thể thuộc lòng Nghị quyết, nhưng lại không làm theo Nghị quyết. Chúng ta đã vấp rất nhiều rồi. Tổng kết ở các địa phương tới đây sẽ có rất nhiều vấn đề.

Phải chăng đại dịch Covid-19 đã góp phần làm thay đổi "diện mạo" của đất nước về công tác cán bộ? Nhưng đó cũng là thách thức lớn với Đảng để những cán bộ nhiệm kỳ sau được sàng lọc tốt hơn.

Ai cũng có lòng tham. Tôi cũng vậy. Nhưng, thích mà có "làm"được không. Thích, nhưng có dám "làm" không, lại là vấn đề khác. Tôi thích, nhưng tôi không "làm"được. Tôi thích nhưng cơ chế chính sách không cho phép làm, vi phạm cơ chế, luật pháp chỉ một tích tắc thôi là hỏng ngay.

Có đồng chí Bộ trưởng ở Trung ương bị bắt. Trước khi bị bắt, tôi đến nhà rất nhiều lần hỏi: "Ông có lỗi không, đưa tài liệu tôi xem". Sau khi xem tài liệu, tôi bảo: "Ông chuẩn bị tài liệu thế này là tôi nghi có lỗi rồi. Vì một dự án mà ông phải ghi chú nhiều tờ giấy màu vàng nhỏ xíu những điểm nọ, điểm kia, photo lưu trữ thế này là có vấn đề, việc này là của bộ phận chuyên môn. Ông là tổng tư lệnh một ngành, sao lại chú tâm vào một dự án, chuẩn bị kỹ như thế này tức là ông phải có vấn đề".

Người nào vi phạm do không hiểu biết, thiếu tinh thần trách nhiệm; nó khác với việc có hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm mà vẫn cố ý làm trái. Bệnh "cố ý"đó ít nói đến, hơn là việc "thiếu tinh thần trách nhiệm". Người "thiếu tinh thần trách nhiệm" không nhiều bằng người "cố ý"đâu. Bởi vì ở cương vị ấy thì không thể thiếu tinh thần trách nhiệm được. Anh phải có trách nhiệm thế nào đấy người ta mới bầu anh, sử dụng anh. Vậy mà anh bảo thiếu, thiếu thì đừng làm. Đây là cố ý.

Việc buông lỏng chế tài pháp lý, thiếu mất sự tổ chức kèm cặp cán bộ chặt chẽ, ràng buộc cán bộ ở những quy định cụ thể, ta phải chịu hậu quả thôi. Do vậy, cần phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế này.

Trong câu chuyện, ông có nói là: "Tôi cũng thích tiền chứ". Vậy tôi muốn hỏi ông, làm thế nào để chế ngự được lòng tham? Nhất là với đàn ông, đó có phải là bài toán quá khó hay không?

- Khó chứ. Cực khó. Đó là một sự kiềm chế của bản thân và là sự hỗ trợ tích cực của gia đình. Hồi tôi còn đương chức, mẹ tôi ốm nặng lắm. Một người bạn là bác sĩ, giáo sư đi học nước ngoài về mang đến tặng cho tôi một cái lò vi sóng. Hồi đó là cực hiếm, chưa mấy ai biết lò vi sóng là gì. Người bạn tặng tôi lò vi sóng để có thể hâm cháo nóng cho bà, để thức ăn không bị lạnh.

Thế mà đứa em gái tôi (Vũ Phạm Nguyên Thanh, TS Xã hội học hàng đầu Việt Nam - PV) chạy lên gác bảo bố tôi: "Bố, bố, anh Thắng nhận hối lộ". Bố tôi đã từ gác hai bước xuống giữa cầu thang ghé nhìn. Lúc người bạn tôi về rồi, bố tôi bảo lấy làm gì, sao lại lấy của người ta. Từ đó, tôi để nguyên cái lò vi sóng ấy trên gác, không mảy may đụng vào. Mãi tới lúc con gái tôi lấy chồng, chuyển nhà, cái lò vẫn để nguyên không dùng đến. Đó là món quà của người bạn học tặng thôi, không liên quan gì đến công việc của tôi. Giờ anh ấy vẫn còn sống, nhà ở phố Lãn Ông.

Tôi luôn khẳng định, một gia đình như thế là nền tảng để tôi không làm gì sai. Tôi phải cảm ơn gia đình, những người thân đã tích cực hỗ trợ, để tôi giữ được phẩm hạnh, cốt cách của một công bộc của dân. Gia đình là một cứu cánh với một truyền thống sạch đẹp vững chắc để cho con cái, bản thân mình dựa vào, tránh xa mọi cám dỗ. Nhiều quan chức hiện nay dính vào vòng lao lý là lỗi của các bà vợ. Mẹ tôi, chưa bao giờ bà ngồi vào xe ôtô cơ quan cấp cho tôi. Nhà tôi không có ai ngồi xe tôi đi đâu cả.

Gốc gia đình, truyền thống gia đình cho phép tôi giữ được phẩm hạnh tốt hơn.

Từng giữ chức phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông có đặt ra cho mình những giá trị thế nào về sự liêm chính?

- Giá trị của liêm chính là giá trị của bản thân đạo đức con người. Giá trị đó được đánh giá không phải bằng chính mình, mà bằng sự đánh giá, nhìn nhận của đồng đội, của những người cùng nghề với mình, của xã hội đánh giá mình.

Tôi sẽ không trả lời câu ấy. Bạn có thể đến Học viện An ninh Nhân dân - tôi đã rời nơi đó từ năm 1990 - hỏi về thầy Vũ Phạm Quyết Thắng, người ta vẫn có thể sẽ nói cho bạn biết thầy Thắng như thế nào. Tại ngôi trường đại học đó, nếu tôi mắc một lỗi lầm thôi, thì điều đó sẽ truyền khẩu đến mãi mãi nhiều thế hệ sau này. Tôi tin là những năm ở trường, tôi là một thầy giáo tốt.

Hay bạn đến Viện Mác – Lê-nin, Văn phòng Chủ tịch nước và sau này thời gian ở Thanh tra Chính phủ, người ta sẽ nói về tôi là người như thế nào.

Ông có nói rằng 42 năm và 5 tháng công tác, đến khi nghỉ hưu, ông tự hào rằng "mình không tì vết". Song, con người ai cũng có thể mắc sai lầm chứ, dù nhỏ hay lớn, có thể là do mình vô tình không nhận ra?

- Tôi là người đàng hoàng, rất rõ ràng. Tôi chưa làm gì sai, tôi làm đúng quy định của Nhà nước. Tôi cũng nhận đầy đủ các quyền lợi mà Nhà nước cho tôi. Trong công tác có lúc không thuận lợi, có sai sót nhưng sai sót đến mức kỷ luật thì không. Tôi là người thẳng thắn, trong giọng nói của tôi, trên gương mặt của tôi không có chữ nói dối.

Tôi có một người bạn phụ trách một lĩnh vực kinh tế tương đối nhạy cảm. Có lần ông ấy đón tôi ở sân bay. Trên đường đi ông ấy hỏi: "Anh Thắng, em mà bị đi tù, anh có cứu em không?". Tôi bảo: "Nếu mày có lỗi thì mày đi tù đi, tao sẽ mang bánh mì, cơm vào nuôi mày". Ông ấy lập tức bảo lái xe đỗ vào lề đường, nhảy xuống bắt taxi đi về nhà. Ông ấy giận tôi. Nhưng sau hiểu ra thì vẫn thân, vẫn chơi với nhau. Vì tính cách tôi là thế.

Còn khuyết điểm, tôi cũng có chứ. Ví dụ, như xé kết luận thanh tra cũng là một khuyết điểm. Tính nóng nảy của tôi là một sai lầm, dẫn đến rất nhiều cái mà đáng lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn, nhưng không thể làm tốt hơn được.

Ông nổi tiếng là một trong những quan thanh tra thẳng thắn, liêm khiết. Nhưng trong các năm làm thanh tra, xử lý các vụ việc sai phạm, để từ chối được những cám dỗ, chắc không dễ dàng?

- Một lần, có một người có vị trí cũng cao, qua nhà tôi, đi cùng với một cậu thư ký. Anh ấy cho tôi một túi hoa quả và tiền. Từ chối mãi lúc ấy cũng không được, khi anh ấy ra về, tôi giữ cậu thư ký lại. Sau đó, tôi để cậu thư ký cầm túi tiền đi từ ngõ nhà tôi ra xe ô tô. Trước khi xe chạy, tôi có nói cảm ơn anh ấy nhưng không thể nhận được và đẩy cậu thư ký vào xe cùng với túi quà và tiền mà anh ấy cho tôi. Nghĩ đến túi tiền to tẹo nữa rơi vào tay mình, tôi cũng tiếc. Nhưng tôi mừng hơn. Mừng vì mình đã thắng không nhận nó.

Là anh em thân tình, giá như người ta cho mình dăm ba triệu chắc mình cũng cầm, nhưng cho nhiều tiền thì không phải là tình thân nữa rồi.

Cũng có nhiều người muốn đưa tiền cho tôi kiểu khác, nhưng tôi từ chối được. Nhẹ nhàng thôi, tôi phải làm cho người ta hiểu được rằng không nên như thế và tôi cũng không được phép làm như thế. Và dù không nhận tiền tôi cũng vẫn công tâm cho công việc.

 Có vị cán bộ cấp tỉnh muốn về công tác ở Thanh tra Chính phủ. Anh ấy xin hết mọi người, rồi nhờ người đến gặp tôi trình bày nguyện vọng. Anh ấy làm đủ cách thuyết phục tôi nhưng tôi không đồng ý. Cuộc họp ban cán sự Đảng chỉ mình tôi không đồng ý. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Tôi phân tích, nếu người này là quan chức ở một thành phố lớn như Hải Phòng hay Hà Nội, còn có thể chấp nhận. Vì ít ra, đó là những thành phố lớn, họ đã quen xử lý các vấn đề lớn và có tầm nhìn bao quát hơn. Nhưng vì ở một tỉnh nhỏ, tôi thấy không phù hợp nên dứt khoát nói "không". Nghe nói vị cán bộ đó sau cũng phát triển tốt tại tỉnh, tôi cũng thấy mừng cho anh ấy.

Thái độ của tôi trong công việc, khi đã nói "không" thì không bao giờ nói "có". Có thể tôi bảo thủ, nhưng nó thành cá tính của tôi rồi, tôi không thay đổi được.

 

 Trong suốt câu chuyện với Dân Việt, có nhiều lúc ông Vũ Phạm Quyết Thắng trầm ngâm suy tư, khi chúng tôi đề cập tới vụ việc xẻ thịt ở lòng hồ Trị An năm 2005, mà lúc đó ông là Trưởng đoàn thanh tra. Không phải ông né tránh câu hỏi, mà đó là lúc ông muốn quay ngược về quá khứ, để muốn thay đổi, để muốn sửa chữa điều mình tiếc nuối trong quá khứ.

Ông bảo, vụ đó ông trăn trở, tiếc nuối nhiều nhất. Nếu ông kiên quyết hơn, không để sự việc vượt khỏi tầm tay của mình, sẽ không có những vụ sai phạm về đất đai ở TP.HCM sau này. Đơn cử, vụ sai phạm về đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm sẽ đi theo một hướng khác. Bởi những cán bộ của Đồng Nai từng để xảy ra sai phạm ở hồ Trị An, khi trở thành lãnh đạo TP.HCM, đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong chỉ đạo quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.

Lại có lúc, ông cười nhạt mà bảo: "Con người ta nếu sai phạm, không bị cảnh báo và xử lý đúng  thì lần sau sẽ "tinh quái" hơn.

Con chuột không sập bẫy, nó còn tinh khôn hơn, sẽ tìm mọi cách để lấy được "miếng pho mát" trong bẫy mà nó có lần đã để tuột mất".

Thanh tra sai phạm về đất đai trong vụ "xẻ thịt lòng hồ Trị An"ở tỉnh Đồng Nai, vào năm 2005, Đoàn thanh tra do ông làm Trưởng đoàn. Có giai thoại, không ít quà biếu, gái đẹp đến với ông tại khách sạn, nhưng không gì cám dỗ được Trưởng đoàn thanh tra. Thực hư lời đồn ấy ra sao?

- Chuyện người ta có dùng những chiêu trò để dụ tôi thế nào, tôi không biết rõ. Nhưng có một sự việc thế này: Vào năm 2005, hồi đó, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai). Buổi sáng làm việc, buổi trưa ăn cơm ở khách sạn, rồi lên phòng nghỉ. Tôi vừa vào phòng, vừa thay quần áo, bất ngờ có tiếng gõ cửa. Tôi hỏi "ai đấy?", thì có một giọng nữ trả lời: "Cháu mang nước lên cho chú". Tôi nói tôi không cần nước. Tôi gọi điện, bảo cậu lái xe ở phòng bên chạy ra xem thế nào; hóa ra chẳng phải nhân viên khách sạn mang nước lên gì cả...

Trong công việc, có vô vàn tình huống tréo ngoe, không ngờ, mình cần phải đề phòng. Đặc biệt, với những ai đang trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi luật pháp…; luôn phải cảnh giác những cạm bẫy được người ta đặt ra nhằm mục đích xấu; nếu anh không đề phòng, rất dễ sa bẫy, tình ngay lý gian, có khi không thanh minh được.

Cả cuộc đời làm việc cho nhà nước, ngày về hưu của ông tại Thanh tra Chính phủ cũng "độc nhất vô nhị". Xin ông kể lại khoảnh khắc dọn phòng, trả chìa khoá, rồi "lên xe về vườn"?

- Tôi đếm ngược thời gian để về hưu trước đó 1 năm. Thực ra, từ năm 46 tuổi tôi đã muốn nghỉ hưu rồi, vì bức xúc nhiều chuyện lắm. Tôi gặp bác Mười Hương (ông Trần Quốc Hương – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban nội chính Trung ương), nói là cháu muốn nghỉ hưu. Ông già ấy sững lại một lúc, rồi nói: "Cậu mà nghỉ hưu thì người ta sẽ bảo: Một là cậu dốt, không biết làm việc nên người ta cho về. Hai là cậu kèn cựa địa vị, cậu không được lên chức, lên quyền, nên về. Có hai điều đó không, nếu có thì nghỉ đi". Từ lời "khích"ấy của ông Mười Hương, tôi đã làm việc cho đến khi 60 tuổi.

Đến tuổi nghỉ hưu, tôi đến gặp ông Mười Hương: "Con đến tuổi nghỉ hưu rồi". Ông già cười hóm hỉnh bảo: "Sao không xin làm thêm?". Tôi biết, câu nói của ông có hàm ý rất sâu sắc. Lúc ấy, tôi chuẩn bị tinh thần nghỉ rất kỹ, sắp xếp lại tất cả tài liệu cần thiết, tư liệu của mình để riêng, gọi một đồng chí bên bộ phận pháp chế sang làm việc, ghi chép lại công việc bàn giao cho đồng chí phó Tổng Thanh tra Chính phủ khác, về công việc của mình; ghi chép tất cả những gì bàn giao, thống kê từ cái sạc điện thoại, chăn đắp, giấy tờ, bàn giấy... Sáng ngày 12/12/2006, tôi vẫn đi làm, gọi cô dọn phòng, trao chìa khoá và tặng cô ấy một phong chocolate, rồi ôm tượng Lý Thiết Quài và ảnh mẹ tôi về. Các anh em cán bộ chờ, chào hỏi, chia tay rất bịn rịn.

Một đời làm công bộc của dân, cảm giác khi trở về nhà hôm đó rất buồn. Một cảm giác hụt hẫng thực sự. Bởi từ nay mình sẽ không đến cơ quan làm việc nữa.

Tôi tự nhủ phải thích nghi 2 điều rất nhanh chóng: Một là từ nay không được bắt người khác đến đúng giờ như mình muốn. Hai là mình không cần phải dậy sớm đúng giờ nữa. Việc không cần phải dậy sớm đúng giờ tôi không làm được, nhưng việc không bắt người khác đúng giờ tôi làm được. Khi về nghỉ hưu rồi, thì sự sắp xếp thời gian không phải như ý mình muốn nữa, mà ta chỉ có thể sắp xếp thời gian của riêng mình.

Nhìn lại, ông thấy có những gì đáng nhớ và những gì tiếc nuối là chưa làm được?

- Vụ thanh tra "xẻ thịt" lòng hồ Trị An là vụ tôi trăn trở nhiều nhất. Vụ đó, tôi đã thiếu sót, khi mình được trao quyết định xử lý thì tôi đã không làm ngay. Nếu như tôi kiên quyết ký bản kết luận thanh tra đó, thì sự việc sau sai phạm ở lòng hồ Trị An sẽ khác rất nhiều.

Lúc đó, Ban cán sự Đảng và Thanh tra Chính phủ đã cho phép tôi ký các văn bản, kết luận thanh tra với tư cách là Trưởng đoàn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Nhưng tôi đã quá cầu toàn, tôi lại đưa cho cấp trên xem và tham khảo thêm. Vì thế, mà bị tác động ngược lại. Đó là điều tôi tiếc nuối lớn nhất trong giai đoạn tôi làm nhiệm vụ thanh tra. Hơn nữa uổng phí nhiều công lao của anh chị em trong đoàn thanh tra. Tôi thực sự ân hận và luôn cảm thấy có lỗi với anh chị em trong đoàn thanh tra và cả nhân dân.

Xin ông cho biết việc thanh tra hồ Trị An năm xưa với thanh tra các vụ sai phạm đất đai gần đây giống, khác nhau chỗ nào? Tại sao vụ khu đô thị Thủ Thiêm hay thanh tra đất đai ở Bình Thuận đều chưa giải quyết tới đâu?

- Nếu tôi kiên quyết hơn, không để sự việc vượt khỏi tầm tay của mình, sẽ không có những vụ sai phạm về đất đai ở TP.HCM sau này. Đơn cử, sẽ không xảy ra vụ sai phạm về đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm. Hoặc, vụ Thủ Thiêm sẽ đi theo một hướng khác, không như thế này đâu.

 Bản Kết luận thanh tra vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An đã được điều chỉnh lại không như kiến nghị kết luận ban đầu của Đoàn thanh tra mà tôi là trưởng đoàn.

Do đó, tôi xin nhắc lại lần nữa, nếu vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An được xử lý, giải quyết nghiêm minh, đúng tinh thần, đúng kết quả thanh tra, sẽ rất khó có thể xảy ra vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM. Vì không ai khác, chính những cán bộ của Đồng Nai từng để xảy ra sai phạm ở hồ Trị An; khi trở thành lãnh đạo TP.HCM, cũng đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong chỉ đạo quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.

 

Vụ Thủ Thiêm có khác gì vụ hồ Trị An đâu; cùng sai phạm về quản lý đất đai, cán bộ chia chác đất đai cho người này, tổ chức nọ… Thậm chí, vụ sau còn tinh vi hơn vụ trước.

 Với nhiều người, nghỉ hưu là một chương mới của cuộc đời, của sự tự do, an yên và làm những điều mình thích. Còn ông thì sao, ông có thú vui gì sau khi nghỉ hưu?

- Tôi có mấy năm đi làm thêm, làm tư vấn cho một doanh nghiệp Hàn Quốc. Thu nhập cũng đủ để hỗ trợ được việc học hành của con cái, mua sắm được nhiều thứ khác. Đồng tiền của tôi sạch, không bẩn đâu.

Trước đây tôi cũng chơi thể thao, chơi bóng bàn, cầu lông, tennis... nhưng từ khi nghỉ hưu tôi bỏ hết. Tôi cố gắng đọc nhiều sách, kể cả sách đã đọc rồi, để cho bộ não của mình không bị quên đi. Tôi không thể dục, cũng chẳng thể thao. Nhưng bộ não vẫn hoạt động tốt, tôi không quên chi tiết nào trong cuộc đời hoạt động của mình.

Ông là chắt nội Thám hoa Vũ Phạm Hàm (vào thời triều Nguyễn, ông là người đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên lúc 29 tuổi). Truyền thống gia đình hiện diện thế nào trong tính cách con người ông, trong cách ông bà, bố mẹ dạy ông và hôm nay ông truyền dạy các con mình?

- Cụ tôi là vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cụ làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán (báo Đồng Văn), lên đến Án sát các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, sau đó cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho đến lúc mất.

Cha tôi cũng là một người rất giỏi. Ông là kỹ sư cơ khí, kỹ sư vô tuyến điện, chuyên gia về pháo tầm xa, tên lửa, chuyên gia về xử lý nấm mốc trên mặt kính quang học. Giỏi ngôn ngữ Anh, Pháp, thành thạo Nga, Đức, Trung...

Truyền thống của một gia đình thế nào sẽ tái tạo ra con người như thế. Nếu không có truyền thống gia đình, thì đừng nói gì đến việc giữ gìn bản chất con người.

Cha, mẹ tôi dạy tôi như thế nào thì tôi dạy lại các con tôi như vậy. Cha tôi nói rằng: "Con ạ, là đàn ông phải có bản lĩnh, có cá tính, không thể sống nước chảy bèo trôi được". Mẹ tôi dạy: "Con ạ, chơi với bạn bè phải biết thiệt một tý. Nếu không thiệt thì không có bạn bè, vậy nên phải biết nhường nhịn".

Tôi dạy lại các con như vậy. Thế thôi, có gì nhiều đâu. Nhưng làm được thế cũng là một sự cố gắng.

 Nếu để nói về mình, ông sẽ nói gì?

- Khi tôi đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu, ngày ông còn sống, ông có tặng tôi câu đối này:

"Nối bước cha ông đường Quyết Thắng

Sáng ngời năm tháng Ngọc Lưu Ly".

Trong câu đối của giáo sư Vũ Khiêu cho tôi có tên tôi và tên con gái Thảo Ly của tôi.

Tôi nói với Giáo sư, em tự nhận mình thế này:

"Đầu bạc đội trời xanh

Chân lội bùn không vấy hôi tanh".

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn này!

Theo Dân Việt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét