“Ai eo”… ôi lãng phí! IELTS -
viết tắt cụm từ tiếng anh International English Language Testing
System, khi phát
âm tiếng Việt nghe tựa câu “ai eo” (được hiểu là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế với 4 kĩ năng nghe, nói, đọc và viết). Tuy chỉ
là hệ thống kiểm tra của một ngoại ngữ song trong nền giáo dục phổ thông
của ta hiện IELTS lại
đang như “lên ngôi vương”, nó có thể thay thế các môn rất quan trọng của khoa
học tự nhiên và xã hội như văn, toán. Khi tuyển sinh đầu cấp thông thường các
môn như văn, toán, lí, hóa, sử, sinh… được lấy làm căn cứ tuyển chọn. Vậy
nhưng một số trường thì IELTS có thể thay thế tất cả. Ví như
một trường trung học cơ sở tại thành phố Vinh (Nghệ An) có hàng chục học sinh
vừa học hết lớp 5 được tuyển thẳng vào lớp 6 vì sở hữu chứng chỉ tiếng Anh
quy đổi theo IELTS từ 5.0-5.5 trở lên. Tại các thành phố lớn ngày
càng nhiều cơ sở giáo dục coi
trọng sử dụng chứng chỉ IELTS, coi đây là “giấy thông hành” để xét tuyển đầu
cấp tiểu học, trung học cơ sở hoặc tính điểm 10 môn xét tuyển. Trong khi đó
xét tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08
/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ cần IELTS 5.0 trở lên!
Sự lên
ngôi của một loại chứng chỉ tiếng Anh khiến không ít gia đình phụ huynh học
sinh đầu tư để có IELTS với chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng ôn
luyện cho con em từ nhỏ. Nhiều khóa luyện thi được các trung tâm tiếng
Anh mở ra dành cho cả trẻ mẫu giáo, tiểu học… Cứ đà này có thể nhiều trẻ em Việt
đạt chuẩn IELTS trong khi chưa sõi tiếng mẹ đẻ! Tiếng
Anh và một số ngôn ngữ được thế giới sử dụng phổ thông suy cho cùng cũng chỉ là
công cụ, phương tiện truyền tải, tiếp nhận thông tin, tri thức. Nếu coi một
ngoại ngữ là mục tiêu có lẽ cũng chỉ với những sinh viên muốn trở thành phiên
dịch, biên dịch hay giáo viên tiếng Anh. Chỉ là
tiêu chí tuyển sinh của nhà trường song nó chắc chắn tác động tới xu hướng
đầu tư học tập cho học sinh, gây lãng phí và tốn kém cho xã hội. Một học sinh
trung học cơ sở hay tiểu học muốn đạt chứng chỉ IELTS cao sẽ tốn không ít
thời gian, công sức. Do đó thời gian, công sức dành cho các môn nền tảng đương
nhiên sẽ ít đi trong khi lẽ ra nó phải được tập trung đầu tư nhiều nhất. Việc sử
dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí xét tuyển thẳng vào đại học và trung
học phổ thông đang ngày càng được nhiều trường thực hiện đã góp phần dẫn đến
thực trạng chạy đua luyện thi IELTS hiện nay. Đã đến
lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải
pháp chấn chỉnh thực trạng này bởi mục tiêu của nền giáo dục là phục vụ phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội chứ đâu chỉ đơn thuần là một loại ngoại ngữ?/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 28/6/2023 |