Trang

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

16:00

Từ con người “nhỏ bé” đến cuộc cách mạng vĩ đại của loài người

Sau bao nhiêu thăng trầm và biến cố lịch sử, những tác phẩm văn học Nga Xô Viết chân chính vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ độc giả, bởi nó không chỉ là tiếng nói của một cá nhân, một lớp người, hơn thế, nó là khát khao và lý tưởng của cả một dân tộc trong thời đại anh hùng. “Thép đã tôi thế đấy” và thứ ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại chiếu rọi trong nó là một tác phẩm như thế!...
 
Nhà văn Nikolay Ostrovsky
“Thép đã tôi thế đấy” – Điểm sáng chói của nền Văn học Nga Xô Viết
Nikolay Ostrovsky, nhà văn Xô Viết nổi tiếng, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất tại Liên Xô.
Với cuốn tiểu thuyết này, Ostrovsky được ca ngợi là người sáng tác có tinh thần phi thường của mọi thời đại: Ông viết tác phẩm lừng danh của đời mình khi nằm trên giường bệnh và bị mù, thế nhưng bằng thứ sức mạnh tưởng chừng như “không tưởng” mà ông đem vào cuốn tiểu thuyết cũng như thổi hồn cho các nhân vật của mình, ông đã tạo ra một tác phẩm bất hủ của nền văn học Nga Xô Viết nói riêng và văn học thế giới nói chung.
Không chỉ bạn bè, đồng nghiệp của tác giả mà cả người đọc bao thế hệ đều cho rằng “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolay Ostrovsky là một “chiến công” thực sự của người cầm bút.
Nikolay Ostrovsky sinh ngày 29/9/1904 tại một ngôi làng nhỏ ở Viliya, Ukraine trong một gia đình lao động. Ngay từ nhỏ, Nikolay đã sớm bộc lộ tài năng văn chương của mình. Ông say mê đọc và nghiên cứu, nhờ năng khiếu trời phú ấy, Nikolay được đến trường giáo xứ trước tuổi cho phép. Tuy là học sinh nhỏ tuổi nhất lớp nhưng Nikolay lại là học sinh xuất sắc nhất, được xét tốt nghiệp với bằng danh dự.
Ostrovsky đặc biệt thích các cuốn tiểu thuyết lãng mạn và phiêu lưu của James Fenimore Cooper, Walter Scott và Jules Verne. Có một điều đặc biệt là Ostrovsky thích đọc to những cuốn truyện ấy cho cha mẹ mình nghe, và thường thay những cốt truyện, tình tiết trong các tác phẩm ấy bằng những cách tượng tượng của riêng mình.
Chính những điều đó đã khiến cho cuốn tiểu thuyết để đời “Thép đã tôi thế đấy” của ông sau này rất phong phú, linh hoạt về tình tiết nhưng không hề nhàm chán hay khô khan, dù nó mang hơi thở, màu sắc của chiến tranh và cách mạng.
Thời niên thiếu của Nikolay Ostrovsky được chứng kiến những sự kiện lịch sử có ý nghĩa của đất nước. Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười… đều có ảnh hưởng lớn đến nhà văn này. Shepetovka, nơi Nikolay chung sống với gia đình là một địa danh nằm gần biên giới Ba Lan, thành phố liên tục bị chiếm đóng bởi Đức, Ba Lan.
Tất cả những sự kiện và bối cảnh lịch sử đó sau này đều trở thành “nguyên liệu” trong tác phẩm của Nikolay Ostrovsky.
Và một tấm gương tự vượt lên số phận từ chính tác giả
Trong những năm đầu tiên học tại trường kỹ thuật Kiev, Ostrovsky cũng như nhiều học viên của trường bấy giờ tham gia xây dựng tuyến đường sắt ở ngoại ô thành phố. Sau một lần nhảy vào nước đá lạnh để kiếm những khúc gỗ làm đường ray, Ostrovsky đã bị sốt phát ban và được đưa về nhà trong tình trạng bất tỉnh.
Không lâu sau đó, Ostrovsky được chẩn đoán bị viêm đa khớp, đồng nghĩa với việc ông phải sống những ngày còn lại của cuộc đời mình trong bất động. Nhận được tin này, Ostrovsky tỏ ra tuyệt vọng vô cùng, thậm chí đã từng tìm đến cái chết, cho đến khi con người ấy tự đứng lên và tìm thấy lối ra cho cuộc đời mình.
Trong khi vẫn còn có thể đi lại và di chuyển, Ostrovsky đã cố gắng làm những điều có ích. Ông trở thành lãnh đạo của Liên đoàn thanh niên Cộng sản Ukraine. Ông gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1924 và đem tất cả sức lực còn lại của mình để cống hiến cho đất nước.
Thật không may, sức khỏe của Nikolay mỗi ngày một xấu đi, ông mất nhiều thời gian ở các bệnh viện, trạm y tế , tuy nhiên việc điều trị không mang lại kết quả khả quan hơn. Trong những phút giây tuyệt vọng ấy của cuộc đời, Nikolay tìm thấy sức mạnh nguồn động viên từ phía gia đình, bạn bè, chính họ cho ông nghị lực và can đảm sống.
Cùng với tài năng và kinh nghiệm đúc kết từ thuở thiếu thời và sức mạnh ‘thép” vững vàng từ một con người đầy nghị lực, Ostrovsky đã cho ra đời tác phẩm danh giá nhất cuộc đời ông: “Thép đã tôi thế đấy”.

"Thép đã tôi thế đấy" bản in bằng tiếng Việt
 Trong “Thép đã tôi thế đấy”, Ostrovsky muốn tạo ra một cuốn tiểu thuyết về những con người trẻ của Cách mạng, giống như chính bản thân ông và góp phần phụng sự Tổ quốc. Những Pavel, Seryoga, Valia, Zharky chính là biểu tượng của “chất thép” trong lòng xã hội Xô Viết lúc bấy giờ.
Cuốn tiểu thuyết được viết vào cuối năm 1930, khi bệnh viêm đa khớp, mù lòa, bại liệt… đang hành hạ con người nhà văn từng giờ từng phút, nhưng hơn tất cả, ông đã đứng trên bệnh tật của mình để cống hiến cho nhân loại một tác phẩm mà nói như Yury Belychenko là “độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục”.
Bắt đầu từ tháng 4 năm 1932, nhà xuất bản tạp chí “Molodaya Gvardia” bắt đầu cho in cuốn tiểu thuyết với nhân vật chính là Pavel Korchagin mang tên “Thép đã tôi thế đấy”. Từ đây, tên tuổi của Ostrovsky đã được xướng danh trong nền văn học Cách mạng nói riêng và Văn học Nga Xô Viết nói chung.
Cuốn tiểu thuyết đã được tái bản 41 lần trong suốt cuộc đời của nhà văn Ostrovsky và được dịch ra 70 thứ tiếng trên thế giới như một món quà dâng tặng cho sự lao động nghệ thuật chân chính của con người biết vươt lên trên số phận.
Thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn
Được chắp bút từ chính cuộc đời,  khoảnh khắc lịch sử và hiện thực tác giả sống, “Thép đã tôi thế đấy” là một tác phẩm được đánh giá cao bởi các nhà phê bình văn học không chỉ của Nga mà còn nhiều nhà phê bình nổi tiếng trên thế giới.
Nó không giản đơn là cái nhìn về cuộc đời, hơn tất cả, đó là sự trải nghiệm, là ngọn lửa yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc, yêu con người và yêu Cách mạng cháy bùng lên trong những thanh niên “thế hệ mới” xã hội chủ nghĩa.
Điều quan trọng hơn là tác phẩm chạm được đến trái tim của hàng triệu triệu độc giả trên thế giới, và vinh danh những con người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho lý tưởng cao đẹp.
Có thể nói, phương châm sống của Pavel Korchagin đã đi vào tâm khảm của biết bao nhiêu thế hệ, không phân biệt khoảng cách không gian và màu da, bởi nó là thứ lý tưởng chân chính của mọi thời đại:
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người….
Pavel trong tác phẩm của Ostrovsky là nhân vật đại diện cho những con người mới của Cách mạng. Điều này cũng cho thấy thứ ánh sáng, sức mạnh phi thường mà cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của nhân dân Nga mang đến cho cuộc sống.
Thứ sức trẻ, nhiệt huyết và khát khao trong Pavel và những thanh niên thế hệ mới của Liên bang Xô Viết rộng lớn trong tác phẩm không phải là thứ sức mạnh bồng bột, là tự nhiên và hoang dã như của con người xã hội cũ trước kia, nó là cả một quá trình tôi luyện, rèn giũa và trưởng thành qua đấu tranh, gian khổ dưới lá cờ Cộng sản.
Tác phẩm được chuyển thể thành phim
Bộ phim “Thép đã tôi thế đấy” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nikolay Ostrovsky đã làm xúc động rất nhiều những người yêu điện ảnh thế giới cũng như những người quan tâm tới nền Văn học Nga Xô Viết. Ý nghĩa hơn, bộ phim là món quà chào mừng Lễ kỷ niệm lần thứ 57 sự thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 – 1973).
Điều mà bộ phim làm được hơn cả mong đợi đó là khơi dậy lòng tự hào về lịch sử dân tộc, đánh thức ý chí và truyền thống trong con người Nga, cũng như truyền tải được tư tưởng nhân văn cao đẹp trong tác phẩm của nhà văn Nikolay Ostrovsky.
Bài hát chủ đề của bộ phim, tạm dịch là “Nơi ấy bên kia sông” do N.Kool soạn lời và A. Aleksandrov viết nhạc đã làm lay động trái tim hàng triệu khán giả với những giai điệu tha thiết và trầm hùng, một lần nữa khẳng định sự thành công của tác phẩm điện ảnh này.
Cùng với một loạt những tác phẩm kinh điển như “Ruồi trâu”, “Bông hồng vàng và Bình minh mưa”, “Người mẹ”, “Đội cận vệ thanh niên”, “Người thầy đầu tiên”, “Chiến tranh và hòa bình”…, “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolay Ostrovsky đã góp phần tạo nên bức tranh tươi sáng đầy màu sắc cho Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nói riêng và văn học Nga Xô Viết nói chung.
Nhân kỷ niệm 94 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, một lần nữa chúng ta cùng sống lại những nhiệt huyết, những khao khát và suy ngẫm về thứ lý tưởng mà chỉ có thứ ánh sáng cao đẹp từ Cách mạng mới có thể đem lại cho con người, và càng trân trọng hơn, yêu hơn những giá trị nhân văn cao cả mà những nhà nghệ sĩ, những con người Nga anh hùng đã đóng góp cho Tổ quốc và cho nhân loại.
                                                   Hương Mai (Theo Russiapedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét