Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Hạ đê sông Hồng làm đường: Hậu quả khó lường

Cập nhật lúc 15:00
(Tin tức thời sự) - ''Trong điều kiện thời thiết và biến đổi khí hậu rất phức tạp như hiện nay, theo tôi không nên làm và cần tìm một giải pháp khác phù hợp hơn''
UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị Bộ NN&PTNT về việc hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng phía bên nội thành để mở rộng đường giao thông qua khu vực này.
Đoạn đê sông Hồng được đề xuất hạ độ cao thuộc đường Nghi Tàm kéo dài từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, quận Tây Hồ.
Theo UBND TP Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4 m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân.
 Ha de song Hong lam duong: Hau qua kho luong
Một đoạn đê Nghi Tàm
Trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, nên giữ nguyên hiện trạng hệ thống đê sông Hồng và không nên hạ thấp bất kỳ một đoạn đê nào trong hệ thống ấy, đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội.
''Đê ở Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm nay, từ thế hệ này đến thế hệ khác người ta bồi đắp lên. Ngày xưa con sông Hồng rất hung dữ, bản thân tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh tượng nước lên mênh mông.
Nguyên Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên từng quyết định làm đường trên đoạn đê Nguyễn Khoái, nhưng với điều kiện là vẫn giữ nguyên chiều cao của đê, chỉ có bồi đắp lên để biến đê trở thành con đường giao thông. Đến nay đê Nguyễn Khoái vẫn đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ, nước lên nước xuống vẫn thông suốt.
Hơn nữa, việc hạ thấp mặt đê để mở rộng mặt đường trong điều kiện thời thiết và biến đổi khí hậu rất phức tạp như hiện nay, thì theo tôi là không nên làm và cần tìm một giải pháp khác phù hợp hơn'', ông Thủy nhấn mạnh.
Theo TS. Thủy, một con đê truyền thống như đê sông Hồng mà bị hạ thấp xuống, trong trường hợp hạ ít thì không tính đến nhưng nếu hạ nhiều thì phải hết sức thận trọng, không nên lấy lý do chống ùn tắc để thực hiện việc này.
Không nên chủ quan
Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn thoát lũ khi hạ độ cao đoạn đê Nghi Tàm, đề xuất của UBND TP. Hà Nội cho lý giải hiện thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện, các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng. Do vậy, UBND TP. Hà Nội cho rằng tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho TP.
Về việc này Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, UBND TP. Hà Nội giải thích như vậy là chưa hợp lý và không có gì để đảm bảo rằng sẽ không xảy ra sự cố nếu hạ thấp mặt đê.
Ở đây vẫn có suy nghĩ chủ quan là nước sẽ sẽ không lên, ta làm ta cứ làm, như vậy là không được. Bản thân ông vẫn ủng hộ chủ trương trước đây của Thành phố đó là dù làm bất kỳ công trình nào nhưng đê thì vẫn phải giữa nguyên, không được thay đổi độ cao. Có như vậy mới có thể đảm bảo được an toàn của Thành phố.
''Đã là thời tiết thì sáng nắng chiều mưa, có nhiều hiện tượng 100 năm nay không diễn ra nhưng bây giờ lại diễn ra, ví dụ như đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua tại ĐBSCL đã gây thiệt hại to lớn cho người dân. Không ai có thể nghĩ rằng ĐBSCL lại có thể bị hạn hán, nhưng điều đó đã xảy ra.
Trước đó, khi mà chúng ta bàn về dự án Thành phố ven sông Hồng thì nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã lưu ý, nếu chúng ta thực hiện dự án đó thì không thể nào lường trước được mối nguy hiểm đối với những công trình xây dựng trong đê nếu xảy ra lũ lụt.
Ngay cả nhà tôi cũng đang ở trong đê Nguyễn Khoái, nhiều năm nay không có chuyện nước lên nhưng cũng không thể khẳng định là thời tiết có thể theo mong muốn của mình. Nghĩa là nó có thể thay đổi một cách bất ngờ mà không thể lường trước được'', vị chuyên gia phân tích.
Đưa ra quan điểm cá nhân của mình, TS. Thủy lưu ý, trong vấn đề này chưa thể khẳng định ai đúng ai sai, nhưng nói sông Hồng luôn luôn hiền hòa thì không đúng.
Nếu miền Bắc xảy ra mưa nhiều như ở miền Trung hồi cuối năm 2016, mưa 200 - 300 mm, kéo dài cả tháng thì chắc chắn cả ba đập trên sông Hồng đều phải mở cửa xả.
Một khi mở cửa xả thì nước sẽ tràn xuống phía hạ lưu là ĐBSH, trong đó có Hà Nội, ngập lụt là không thể tránh khỏi.
''Cái gì mà ông cha ta để lại mà đảm bảo an toàn cho Thủ đô thì nên giữ nguyên như thế. Bằng cách nào đó vẫn có phương án mở rộng mặt đường mà không phải hạ thấp mặt đê, ví dụ nâng lên chẳng hạn.
Nếu bắt buộc phải hạ thấp mặt đê để giải quyết ùn tắc thì phải làm một con đê bằng bê tông bên cạnh nó để đảm bảo chức năng chống lũ. Và khi đó thì sự việc lại phức tạp lên và đặt ra những bài toán về kinh phí đầu tư cũng như vấn đề quy hoạch'', TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Hải Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét